Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Dũng Hà Hakoota: 'Sing My Song đến đúng thời điểm!'

Anh cho biết, quyết định tham gia thi Sing My Song vì đây là thời điểm cho mọi người thấy sau 6 năm dù không xuất hiện ở bất kỳ cuộc thi nào từ sau The Voice 2012 không có nghĩa là từ bỏ âm nhạc mà là chuyển sang vai trò người sáng tác.

Sing My Song - Bài hát hay nhất mùa 2 trở lại với nhiều sáng tác ấn tượng. Chỉ trong tập 1 vừa qua, loạt ca khúc chứa nội dung mới lạ, ấn tượng được khán giả chú ý. Bên cạnh những ca khúc có nội dung tươi trẻ, ca từ được xếp hàng “trend” thì ở đó vẫn có những bài hát có ca từ như những vần thơ, tản văn. Nằm trong số đó có tác giả ca khúc Dưới tán lá phong non - Dũng Hà Hakoota.

Tiết mục này chinh phục được cả 4 vị huấn luyện viên khó tính. Dũng Hà Hakoota là cái tên “lạ mà quen” xuất hiện tại sân chơi lần này. Đã 6 năm trôi qua, khán giả mới thấy anh xuất hiện tại cuộc thi khác sau The Voice - Giọng hát Việt 2012. Anh cho biết, đến với Sing My Song lúc này vì đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại bản thân đã phát triển âm nhạc ra sao.

Dũng Hà Hakoota - Thành viên đội HLV Đức Trí.

Dưới tán lá phong non - Dũng Hà Hakoota

- Chào anh! Sau 6 năm kể từ khi tham gia The Voice 2012, Dũng Hà Hakoota trở lại với cuộc thi âm nhạc mới chính là Sing My Song. Anh có thể chia sẻ về điều này?

- Tôi từng nói rằng mình không phù hợp với các cuộc thi nên việc xuất hiện ở Giọng hát Việt là điều tình cờ. Mình muốn thử xem sự đón nhận của mọi người dành cho mình ra sao thôi. Bên cạnh đó mình vẫn làm những công việc liên quan để trau dồi kỹ năng ca hát. Đối với nhiều người có thể danh hiệu, phần thưởng là cần thiết với họ còn đối với tôi đó là sự đồng cảm của người nghe dành cho mình.

Quyết định tham gia thi Sing My Song vì đây là thời điểm cho mọi người thấy sau 6 năm mình không xuất hiện ở bất kỳ cuộc thi nào không có nghĩa là mình từ bỏ âm nhạc. Mình chuyển sang vị trí khác là người sáng tác.

Để nói là người chuyên nghiệp thì không phải vì tôi xuất thân là tay ngang. Những kỹ thuật, nhạc lý mình cũng đang tìm hiểu. Trước đây tôi có chia sẻ, trao đổi với các anh chị trong nghề nếu không có gì cần thiết cũng không nên ép mình vào những quy tắc, học thuật. Cái gì cũng vậy, khi mình là tờ giấy trắng thì dễ viết nên những thứ mới. Còn tờ giấy đã viết quá nhiều rồi muốn làm mới lại thì rất khó. Đây cũng là điều trăn trở của tôi khi làm nghề.

Dũng Hà Hakoota: “Quyết định tham gia thi Sing My Song vì đây là thời điểm cho mọi người thấy sau 6 năm mình không xuất hiện ở bất kỳ cuộc thi nào không có nghĩa là mình từ bỏ âm nhạc”.

- Vì sao ngay từ đầu anh không theo hẳn mà chọn ngành thời trang dù rất đam mê âm nhạc?

- Chúng ta đều được đi học giống như nhau, qua thời gian trưởng thành, sở thích, môi trường sống và thứ xung quanh ảnh hưởng.

Từ nhỏ trong gia đình tôi được tiếp xúc với âm nhạc rất nhiều, nhất là những bài nhạc quốc tế vì mẹ tôi trước đây từng du học ở Nga. Đối với tôi âm nhạc không phải là ngành nghề để suy nghĩ phải học nó.

Mọi thứ đến rất nhẹ nhàng. Từ một người đứng hát và bây giờ viết nhạc cũng là một cái duyên. Thời điểm cuộc sống mình khó khăn nhất thì âm nhạc như một nguồn sáng giải toả, giúp mình suy nghĩ tích cực lên, vực mình dậy và giải stress rất nhiều.

Có thể với nhiều người âm nhạc là để họ kiếm sống nhưng với tôi nó là nguồn sống. Dù không làm việc thì nó vẫn tồn tại bên cạnh mình. Chính vì vậy mà tôi nâng niu nó, không để áp lực tâm lý cuộc sống ảnh hưởng đến chất nhạc.

- Tính đến nay Dũng Hà Hakoota viết bao nhiêu ca khúc cho riêng mình?

- Tôi sáng tác cũng kha khá nhưng chưa ra mắt chính thức ca khúc nào. Kế hoạch là sẽ ra mini album gồm những sáng tác của mình vào cuối năm 2017 nhưng chưa tự tin lắm. Lý do là vì tất cả sản phẩm trước đây đa phần được sáng tác bởi các anh chị thân quen, có khi mình chỉ là người đưa ra ý tưởng hoặc 1 đoạn nào đó và nhờ họ phát triển giùm. Còn tôi thường đảm trách về phần lời, vô hình chung bị lầm tưởng là mình sáng tác luôn bài đó. Đây cũng là điều thôi thúc mình nhiều hơn. Bản thân tôi cái gì không phải của mình làm thì rất ngại.

Sing My Song đến ngay thời điểm này rất phù hợp, thôi thì mình tham gia xem thế nào. Giống như lần trước tôi đứng trên sân khấu Giọng hát Việt còn bây giờ là trên sân khấu Sing My Song với vai trò là người viết nhạc thì khán giả sẽ đón nhận mình ra sao.

Với Dũng Hà, âm nhạc là nguồn sống giúp anh suy nghĩ tích cực lên và vực mình dậy…

- Những ca khúc trước đây do anh thể hiện cũng như anh nói mình thường đảm nhận phần lời bài hát và đa phần khá sâu sắc tựa như lời thơ văn. Dường như anh rất chú trọng điều này?

- Tôi khá tự tin về thế mạnh ca từ. Mình là 8X đời đầu, thế hệ giao thoa giữa cha chú và giới trẻ nên có cơ hội nghe các tác phẩm lâu đời. Điều băn khoăn của tôi là sự so sánh giữa kiến thức và cách sử dụng ngôn từ của các bạn trẻ so với các thế hệ đi trước dễ nghe dễ thuộc nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Đôi khi chỉ vì sự thay đổi văn hoá nên gần gũi hơn nhưng trở nên đời thường quá nhiều không còn nét thơ mộng văn hoa, giữ cái xưa cũ.

Nếu ai có đam mê tản văn và yêu thích các tác giả khu vực phía Bắc sẽ thấy tiêu đề bài hát của tôi thường xuất phát từ tựa đề sách của các tác giả này. Trong đó người mà tôi yêu thích là anh Nguyễn Trường Quý. Không phải là mình không nghĩ ra được cái tên mà đó là một cái duyên.

Tôi muốn khán giả nghe nhạc không chỉ nhớ giai điệu mà còn nhớ cả lời bài hát. Nếu giai điệu đơn giản nhưng lời bài hát sâu sắc có sự đồng cảm của nhiều người thì nó sẽ tồn tại lâu dài theo năm tháng. Mặc dù mình cũng muốn bắt kịp thời đại, các bạn cũng thấy xuất hiện những bài hát na ná nhau làm cho mình quên đi những cảm xúc.

Có những bài ở thập niên 80, 90 mỗi khi nhắc đến là có thể nhớ ngay là vì có những đoạn như vậy. Nên tôi muốn giữ lại điều như thế.

“Tôi muốn khán giả nghe nhạc không chỉ nhớ giai điệu mà còn nhớ cả lời bài hát” - Dũng Hà chia sẻ.

- Anh có thể nói thêm về tựa đề bài hát Dưới tán lá phong non vừa qua?

- Dưới tán lá phong non xuất phát từ một tứ trong phim hoạt hình của Nhật Bản. Qua tác phẩm họ thể hiện sinh động qua từ ngữ, hình ảnh. Nội dung khá đơn giản, chủ yếu là những diễn biến tâm lý của cậu thanh niên và một phụ nữ lớn tuổi một chút. Cả hai tình cờ gặp nhau trong khu vườn lá phong và thường xuyên ngồi tại đó. Mỗi người có những buồn bực riêng trong cuộc sống và dần làm quen với nhau. Họ vượt qua rào cản về tâm lý và đến với nhau.

Tôi từng rơi vào trường hợp như thế. Cảm xúc khi gặp người phụ nữ ấy rất mãnh liệt, nó làm mình về viết nên ca khúc. Khi viết xong ca khúc này, đọc lại tôi thấy có nét tương đồng nên đã lấy tên là Dưới tán lá phong non. 

Dưới tán lá phong non được Dũng Hà Hakoota sáng tác khi xem tác phẩm hoạt hình của Nhật Bản.

- Dường như những bài hát của anh mang giai điệu khá buồn, phải nghe đi nghe lại thì mới cảm được. Anh đặt yêu cầu quá cao trong các sáng tác của mình chăng?

- Những bài hát của tôi mọi người nghe đầu tiên hay bị lầm tưởng bài hát bi luỵ, u sầu nhưng nghe đi nghe lại nhiều lần sẽ hiểu nội dung mà tôi viết là những tâm tư thật mà mình trải qua. Đó là trải lòng ra chứ không phải ám ảnh chuyện cũ. Mang âm nhạc của mình để người nghe thoải mái hơn. Đó là cách tôi chia sẻ với mọi người chứ không phải đưa ra đường hướng để mọi người lắng nghe.

Tôi hoàn toàn không muốn một bài hát tự mình sản xuất 100% vì tôi thích làm việc cộng hưởng, thiếu mình thì người kia cũng không làm được và ngược lại.

Nếu tác phẩm nào đó quá tâm đắc, mình tự tin phối khí thế này thì mình sẽ làm một mình. Nhưng có những tác phẩm sau khi suy nghĩ, tìm ra rất nhiều biện pháp mà vẫn cảm thấy chưa ổn thì tại sao phải cố chấp mà hãy tìm đến người khác góp ý thêm.

Ca khúc do anh sáng tác là sự trải lòng chứ không phải đưa ra đường hướng để mọi người nghe theo.

- Anh có thể chia sẻ lý do chọn về đội HLV Đức Trí?

- Gu âm nhạc giống như những bức tranh, món ăn. Đó là sở thích cá nhân. Không nên khắt khe buộc mình phải theo gu nào mà hãy cảm nhận ở thời điểm đó thấy mình phù hợp với cái nào nhất. Câu trả lời này chắc mọi người cũng hình dung vì sao tôi chọn anh Đức Trí.

Cảm xúc phù hợp với thời điểm vẫn là cái mà tôi ưu tiên dù bất cứ môi trường nào.

Khi kết hợp với những người khác cũng vậy, tôi phải cảm thấy yên tâm chứ không lựa chọn cảm giác quen thuộc. Thời điểm đó họ cho tôi cảm giác phù hợp, người đó hiểu sự truyền đạt của mình nhất để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh, không phải họ đi lâu dài mà mình chọn lựa. Cảm xúc đúng thời điểm thì tôi sẽ chọn.

Cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh. Chúc anh sẽ có phần thi thật tốt trong vòng tiếp theo!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Huỳnh Như

Được quan tâm

Tin mới nhất