Phải nói rằng cực kì hoa mắt, chóng mặt với sự “thảo dưa, sọc dừa” của những người hâm mộ khi liên tiếp đưa ra những bình phẩm về Quốc Phục của các đại diện nhan sắc Việt trong khi mình không có một sự đóng góp “xác đáng” nào. Điều quan trọng, những gì họ đang “tranh luận” cũng chính từ họ mà ra.
Mang Áo dài, áo Tứ thân đi thi quốc tế thì “bị châm biếm” là không bứt phá, đi theo quy củ rồi lần nào cũng “trắng tay” không đem về một thành tích gì ra hồn. Chìu lòng khán giả Ekip của các nàng hậu đầu tư, tổ chức hẳn hoi một cuộc thi “hiến kế” National Costume thế nhưng khi có kết quả chính thức lại “không thấy phục” trong khi đó, chính mình cũng là người ủng hộ ý tưởng đó. Rồi, lại “mỉa mai” thà mang áo dài truyền thống đi thi còn hơn.
Vì sao vậy? Vì sao lại “chua ngoa” đến thế. Tự mình vẽ vời ra, rồi tự mình khó chịu. Hãy tự chất vấn lại chính mình đã có đóng góp gì cho người khác hay chỉ đơn thuần thấy không “thuận mắt, vừa lòng” thì được quyền “phán xét”. Nhìn lại hai bộ quốc phục gần đây nhất của hai đại diện Minh Tú và H'Hen Niê chúng ta không khó để nhận thấy được sự đối lập rõ rệt về ý tưởng. Tuy nhiên, cả hai “tuyệt phẩm” này đều có điểm chung nhất định. Đó là tâm huyết của những nhà thiết kế, là biểu trưng của văn hóa người Việt.
Sự đối lập trong ý tưởng truyền tải thì không thể nói ai hơn ai
“Bánh Mì” chọn chất liệu cuộc sống đời thường làm nguồn cảm hứng chính. Một hình ảnh dân dã và gần gũi về một Việt Nam có nền ẩm thực phong phú và đặc sắc. Việt Nam không chỉ có Phở mà còn có Bánh Mì. Một trong những món ăn đường phố ngon nhất trên thế giới. Bánh Mì đã nổi tiếng và thậm chí từ Bánh Mì còn xuất hiện trong từ điển Tiếng Anh thì chúng ta ngại gì không để nó xuất hiện một lần trên sàn catwalk quốc tế.
“Hoàng Bào” chọn chất liệu cổ tích thiêng liêng làm mạch nguồn tạo nên câu chuyện về một Việt Nam thịnh vượng thông qua hình ảnh “Con rồng cháu tiên”, tự hào là dòng dõi cao quý, mang đến lòng tự tôn dân tộc. Đồng thời, Áo dài cũng là biểu tượng “bất diệt” và chứa đựng giá trị phồn vinh của dân tộc Việt Nam suốt ngàn năm lịch sử. Vì thế Áo dài cũng hiển nhiên nằm gọn trong từ điển Tiếng Anh không có từ thay thế.
Chính ý tưởng đối lập thì cách thực thực hiện cũng phải tương đồng
Để lột tả vẻ đẹp dân dã của “Bánh Mì” những chất liệu đơn giản nhất, gần gũi nhất đã được NTK chọn lựa kĩ càng, đặt để vào để thể hiện. Chính vì thế, nhiều khán giả cho rằng chúng “kém sang”, nhưng trên thực tế “Bánh mì Việt Nam” là một món ăn đường phố rất phổ biến nếu sử dụng những chất liệu sang trọng, tạo hình bắt mắt thì sẽ vô tình đánh mất đi tinh thần của bộ trang phục. Do đó, chỉ cần vải thường, kết hợp với tre, nứa tạo nên một tổng thể hơi “xộc xệch” nhưng lại tạo được ấn tượng mạnh mẽ.
Còn với “Hoàng Bào” ngay đến cái tên chúng ta đã thấy được sự sang trọng và uy nghiêm vì thế bộ áo dài được làm bằng chất liệu silk-lụa, đính kết nhẹ nhàng bởi những viên đá quý cổ thạch thời xưa, không quá lấp lánh nhưng rất giá trị và tinh tế. Đặc biệt, bộ trang phục còn được ứng dụng nghệ thuật vẽ sơn mài - một đỉnh cao tinh tuý truyền thống thủ công mỹ nghệ và niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam kết hợp với nền vải tafta sang trọng giúp tạo nên một kiệt tác áo dài đỉnh cao.
Sự khác biệt còn nằm ở xu hướng vì đại cuộc
Hai bộ trang phục mang đến hai cuộc thi Thế giới với tính chất khác nhau. Miss Supranational chuộng những bộ quốc phục thuần bản sắc văn hóa dân tộc thì Miss Universe lại thích thú với những ý tưởng sáng tạo phát nguồn từ đặc trưng của quốc gia đó. Chính vì thế rất khó để “cân đo đong đếm” và kết luận hay phán xét. Hãy dừng lại ở sự “văn minh” ngắm nghía và thưởng thức.
Chung quy mỗi thiết kế đều là tâm huyết của những người nghệ sĩ
Để hoàn thành các mẫu quốc phục mỗi nhà thiết kế đều dồn hết tâm sức của mình vào đó. Đằng sau mỗi thành quả đều là sự cố gắng, nỗ lực vượt trội. Mọi chuyện chẳng hề đơn giản là xỏ những đường kim, mũi chỉ chưa chắc chắn. “Hãy thôi đi đánh giá một người, một việc nếu như bạn chưa đủ tâm, đủ tầm để thực hiện việc đó. Nếu mọi chuyện đơn giản đến như thế, thì chắc ai cũng có thể làm được. Thay vì đuổi theo “văn hóa dìm hàng người khác” sao không tự mình theo đuổi “giấc mơ” của chính mình”.
Tất cả đều hướng đến một mục đích cuối cùng
Khác biệt thế nào, chênh lệch ra sao “mắt thường” đều có thể nhìn thấy được. “Bánh Mì” hay “Hoàng Bào” đều là những bộ trang phục được các đại diện nhan sắc Việt khoác lên mình để hô vang tên nước “Việt Nam” ở đấu trường Quốc tế. Vì thế hãy “tỉnh táo” khi bình phẩm, nếu đủ năng lực thì hãy “làm ngay đi” còn không thì im lặng nhìn ngắm chứ đừng đợi người khác “động tay động chân” thì bản thân “giãy đỏng” lên không thích.Minh Tú và H'Hen Niê sẽ trình làng những bộ trang phục này ở đấu trường nhan sắc Thế giới đồng thời thông qua đây để giới thiệu đến bạn bè quốc tế về hình ảnh thân thiện và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt. Hãy cùng đón chờ những thiết kế này xuất hiện, liệu chúng có mang về “vinh dự” cho tất cả chúng ta.