Sau sự cố Trấn Thành không được nhập cảnh vào Mỹ và để Hari lơ ngơ ở lại với vỏn vẹn 300 $ cùng 3 bộ quần áo biểu diễn, cô ca sĩ mang hai dòng máu Việt Hàn bỗng chốc đã trở thành tâm điểm để dư luận đua nhau ném đá.
Về cả tình cả lý thì nguyên nhân của sự cố xuất phát cũng bởi tại Trấn Thành đã bất cẩn để visa hết hạn. Xong Hari lại quá vô tư và thật thà “không phải lối” khi chia sẻ về ngọn ngành của câu chuyện, rằng Trấn Thành đã dặn dò cô về hành lý và tiền bạc ra sao, cô đã khổ sở như thế nào với 300 $ cùng vài bộ quần áo trong suốt gần 1 tuần trên nước Mỹ…
Có lẽ sau từng đó những giông bão ập đến vì chuyện chia tay Tiến Đạt đến với Trấn Thành, Hari vẫn chưa “thấm” được sự khốc liệt của chốn showbiz đầy thị phi và “miệng đời lắm lưỡi” của dư luận thì phải.
Hiện tại, những người nào yêu, họ sẽ đồng ý với quan điểm mang ít tiền và hành lý sang Mỹ là chuyện bình thường, nhưng nếu người nào ghét, họ sẽ bảo đứa con gái 30 tuổi đầu vẫn không sống tự lập, toàn dựa dẫm phụ thuộc vào bạn trai.
Những người nào bao dung, họ sẽ nói như vậy là Hari đã lên tiếng giải thích cho sự cố không may xảy ra. Nhưng những người hẹp hòi sẽ nói Hari đang lấy nước mắt ra để “mượn” lòng thương của khán giả.
Chưa kể, những ai có được sự cảm thông, họ sẽ lấy làm tiếc về sự cố này và mong Hari rút ra bài học, nhưng những ai ích kỷ thì sẽ lại soi sang chuyện Hari đã biết cách ăn mặc đẹp, năng sắm toàn hàng hiệu từ khi yêu Trấn Thành như thế nào…
Mà đặc biệt, không thấy có bất cứ ai nhắc đến bản hit “Anh cứ đi đi” đang làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng của Hari, hay những thay đổi và sự tích cực cho ra những sản phẩm mới của cô trong thời gian vừa qua. Đọc qua một lượt các bình luận trên mạng xã hội, cộng thêm một loạt các bài báo bình phẩm phân tích, Hari chính xác như đã gom đủ gạch để xây được vài toà lâu đài.
Có lẽ vì quá bất bình mà một số các ca sĩ, nghệ sĩ khác cũng đã phải lên tiếng bênh vực cho Hari. Rõ ràng trên thực tế, không chỉ riêng các sao mà kể cả những người bình thường khác, khi sang nước ngoài hầu như mọi người đều chủ yếu dùng thẻ thay vì tiền mặt.
Mặt khác cũng không ít người mang xách những vali đầy ắp quần áo, đồ dùng ở những thiên đường sale khi về nước. Chưa kể nếu yêu nhau mà đi xa với nhau, để chung hành lý, dùng chung tiền bạc thì có gì là “quái lạ”, là đáng để chê trách?
Bản thân mỗi chúng ta đều có thể như thế, vì những việc đó là hoàn toàn bình thường. Nhưng đối với Hari thì mọi người lại phán rằng cô là loại phụ nữ không biết tự lập, còn Trấn Thành là kẻ mê muội đã quá o bế, nuông chiều cô?
Thế nên từ câu chuyện mang 300 $ và 3 bộ quần áo của Hari Won, cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ khác trong giới showbiz như Hồ Ngọc Hà hay Trường Giang… đã từng bị dư luận mang chuyện cá nhân, chuyện tình cảm riêng tư ra làm tâm điểm để soi xét, mổ xẻ, ngẫm lại liệu có phải chúng ta đang quá khắt khe và đòi hỏi ở họ quá nhiều?
Chúng ta vẫn thường yêu quý một người nghệ sĩ nào đó, vì tài năng hay vì sắc đẹp, vì nhân cách hay vì cá tính của họ… Nhưng xét về bản chất, họ cũng chỉ là người trần mắt thịt, cũng phải đổ mồ hôi công sức để kiếm sống. Họ cũng có những câu chuyện đời tư buồn vui lẫn lộn, những khó khăn về kinh tế, sức khỏe hay tinh thần, vân vân và vân vân… như hàng bao người hết sức bình thường khác.
Vậy lý gì chúng ta lại đòi hỏi việc họ luôn phải hiện diện một cách “đẹp không tỳ vết” ở mọi lúc mọi nơi, vì sao chúng ta lại được quyền bắt họ phải sống sao cho chúng ta cảm thấy hài lòng, dù đó là cuộc sống riêng tư tình cảm thuộc về phần đời của họ, và họ cũng không hề có trách nhiệm phải trở thành biểu mẫu để làm chuẩn mực cho tất cả?
Nghệ sĩ suy cho cùng cũng chỉ là một người làm nghệ thuật để mưu sinh. Khán giả vui thì được yêu thương, mến mộ, mà khán giả không vui là ngay lập tức bị ném đá, bài xích.
Rõ ràng đó đã là quy luật và sự khốc liệt không ai là không biết khi đã bước chân vào làng giải trí. Nhưng tiếc là giờ đây khán giả “vui” hay “không vui” lại không phụ thuộc vào những giá trị người nghệ sĩ cống hiến, mà chủ yếu dựa trên những câu chuyện hỉ nộ ái ố, tham sân si trong mảnh đời riêng của họ.
Những người nghệ sĩ vẫn thường nói với nhau, khi bước lên sân khấu rực rỡ, khán giả chỉ nhìn thấy từ họ một ánh hào quang đẹp đẽ biết bao nhiêu người ngưỡng mộ, ao ước. Nhưng khi đã vào phía trong cánh gà và những tràng vỗ tay tắt lịm, có ai hiểu và muốn hiểu rằng họ cũng là một con người bình thường, cũng có tâm tư, cũng có suy nghĩ, cũng có lo toan muộn phiền? Rồi ai sẽ cùng họ về nhà, ai sẽ cùng họ ăn tối, ai sẽ lau cho họ những giọt nước mắt cô đơn? Khi ốm đau ai là người chăm sóc, khi khó khăn ai là người giúp đỡ sẻ chia?
Vì vậy, chúng ta hãy yêu hoặc ghét những người nghệ sĩ, một cách thật công bằng đi, hãy nhìn vào những gì họ đang phụng sự cho chúng ta, đúng như danh phận “kiếp nghệ sĩ” mà họ đang mang. Và cũng xin đừng đỏi hỏi ở họ điều gì thêm, bởi phía sau hào quang dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ ấy, họ cũng chỉ là những người bình thường như chính chúng ta mà thôi.