Người nghệ sĩ trên sân khấu, cho dù đó là một diễn viên hay ca sĩ,… đều có sự lấp lánh của hào quang. Ở đó, nơi thánh đường nghệ thuật, tất cả những gì đẹp đẽ nhất được phô bày: Tài năng, sự nổi tiếng, tiền bạc và cả sự ngưỡng vọng của khán giả. Ai cũng cảm nhận được những điều ấy. Các nghệ sĩ thì thăng hoa với nghề, công chúng được thưởng thức những điều kỳ diệu của nghệ thuật, tất thảy như một giấc mơ đẹp của bất kỳ người nào.
Thế nhưng, khi cánh màn nhung khép lại, những ngọn đèn xanh đỏ đã tắt, sân khấu trở lại bóng đêm im lìm thì cũng là lúc những “ông hoàng, bà chúa” lột bỏ trang phục, xoá đi lớp son phấn hoá trang, trở lại là những người bình thường. Họ, cũng giống như biết bao con người khác, cũng có những “hỉ, nộ, ái, ố”, những nhu cầu cá nhân, những đức tính tốt, xấu… nhưng lại phải khoác lên mình tấm áo “nghệ sĩ”, thế là biết bao những nỗi niềm, những ẩn ức, những đớn đau,… đều phải giấu kín trong lòng. Họ không thể “show” ra, bởi họ là nghệ sĩ - là người của công chúng - là biểu tượng của cái đẹp.
Chính quan điểm đó khiến họ trở thành những “bức tượng” mà bên ngoài thì đẹp đẽ, long lanh, nhưng nhiều khi bên trong tích tụ biết bao điều khó nói, lâu ngày trở thành khối “ung nhọt” mà đến một lúc nào đó, chịu không nổi, sẽ bung ra. Và khi ấy, có nhiều điều tiếng, xấu - tốt lẫn lộn, mà phần nhiều, công chúng sẽ tỏ thái độ ngạc nhiên, đôi khi chỉ trích nhiều hơn cảm thông, chia sẻ.
Tuy nhiên, người nghệ sĩ, cho dù có bị lên án hay thương cảm, thì họ cũng thực sự thấy nhẹ nhõm, khi cái “ung nhọt” ấy đã vỡ, đã rời khỏi cơ thể, ít nhất họ không phải nén chịu những nỗi đau khủng khiếp bên trong mà vẫn phải giữ hình ảnh đẹp lấp lánh bên ngoài.
Câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng với nỗi đau do chính mẹ ruột của anh gây ra là một trong hàng nghìn những ẩn ức của thân phận nghệ sĩ, họ luôn phải tạo cho mình một vỏ bọc để che giấu đi những đắng cay trong lòng. Phải thừa nhận rằng, mỗi nghệ sĩ cũng đều được “Tổ nghề” ban cho nhiều điều tốt đẹp, đó là tài năng hơn người, sắc vóc cũng nổi trội, được ngưỡng mộ yêu quý, được ca tụng và kèm theo đó là vật chất, của cải đôi khi cũng hơn người thường. Thế nhưng đằng sau đó, họ cũng phải trả những cái giá không nhỏ.
Ngoài việc đánh đổi bằng những tháng năm học nghề, làm nghề từ những ngày đầu (như các ngành nghề khác), họ còn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, bị “chơi chiêu, chơi ngải” để ngáng chân nhau,… Rồi biết bao thị phi, bao sự đặt điều không chỉ từ những kẻ xấu “không ưa” nhau, mà còn đến từ một số đồng nghiệp “đối thủ” luôn cố tình tìm cách hạ bệ nhau bằng bất kỳ thủ đoạn nào. Những điều này báo chí đã từng phản ánh.
Tuy vậy, ở trong sâu thẳm góc khuất của mỗi nghệ sĩ là những ẩn ức mà không phải ai cũng biết, đó có thể là sự lường gạt, sập bẫy những kẻ bệnh hoạn, những đớn đau thể xác - tâm hồn khi bị lạm dụng tình dục, hoặc những trận cuồng ghen bất ngờ, những thị phi từ trên trời rơi xuống mà có nằm mơ họ cũng không thể nào nghĩ ra được,… Để chính họ, phải trở thành người sống đa nhân cách, tươi rói - cao sang - quý phái - kiêu hãnh ngoài xã hội nhưng lại chứa đựng biết bao tủi nhục, cay đắng, xót xa, bức xúc trong tâm hồn.
Điều dễ nhận thấy nhất đó là nghệ sĩ luôn được (hoặc bị) công chúng quan tâm, theo dõi, tìm hiểu, tò mò, thậm chí “soi mói”. Cho nên, ngay cả những nhu cầu tối thiểu nhất là quyền được yêu, các nghệ sĩ cũng không thể “giấu cho riêng mình”, thậm chí chuyện tình của nhiều ngôi sao còn được cư dân mạng cập nhật nhiều hơn cả dự báo thời tiết. Những chuyện riêng tư ấy bỗng nhiên trở thành “món mồi nhậu” cho dư luận, và đó là lý do mà nhiều nghệ sĩ luôn muốn giấu diếm chuyện tình cảm của mình.
Có nhiều nghệ sĩ khi ở đỉnh cao của nghề nghiệp có tới hàng triệu người hâm mộ, nhưng lại cô đơn, quạnh quẽ khi đã ở tuổi xế chiều. Sự cô độc ấy có thể sẽ khiến người nghệ sĩ suy sụp hơn cả chuyện kinh tế khó khăn hay tình yêu tan vỡ. Ánh hào quang của nghề nó có sức hấp dẫn khủng khiếp đối với người nghệ sĩ, nhiều người sống và đam mê cũng như nhiệt huyết với nghề cũng bởi ma lực của ánh hào quang đó.
Quay trở lại câu chuyện buồn của Mr Đàm. Sau khi “lên sóng” nói rõ sự thật về chuyện gia đình, anh đón nhận đủ lời chia sẻ cũng như đàm tiếu của người đời. Ở tuổi 45, lại là một người nổi tiếng, tiền bạc kiếm cũng được nhiều, biết bao nhiêu mối quan hệ và những vấp ngã đủ để Mr Đàm trở nên từng trải, nhiều kinh nghiệm.
Vì thế, việc anh quyết định nói lên sự thật về mẹ mình; hẳn là chuyện “cực chẳng đã” và đã được cân nhắc kỹ, thế nên, không thể nói anh “hồ đồ” hay nóng vội. Mọi sự phán xét của người ngoài cuộc sẽ không bao giờ là đúng, bởi chỉ có anh - chính Mr Đàm mới là người hiểu rõ nhất mọi chuyện, và khi đã quyết định làm điều gì đó, hẳn anh đã chuẩn bị tâm thế đón nhận mọi sự đánh giá của người đời và chịu trách nhiệm với những việc mình làm.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” - Các cụ xưa đã dạy! Khổng Tử cũng đã từng ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật!” khi ông từng nghi ngờ học trò Nhan Hồi bởi nhìn thấy anh này bốc trộm cơm ăn trong lúc được giao nhiệm vụ nấu cơm (mà sau này Khổng Tử mới được nghe Nhan Hồi nói rằng, đấy là chỗ cơm bị tro bụi rơi vào bẩn thỉu, vứt đi thì phí và sẽ thiếu cơm cho cả nhóm thầy trò nên Nhan Hồi đã chủ động ăn chỗ cơm bẩn ấy - PV)“. Vì thế, đừng phán xét khi chỉ nhìn hiện tượng, hãy cảm thông và chia sẻ mỗi khi ai đó gặp hoạn nạn mới là những điều khiến cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.