Vào lúc 20 giờ tối qua ngày 31/10 tại bệnh viện Hồng Ngọc - Hà Nội, NSND Phạm Bằng sau một thời gian điều trị căn bệnh viêm gan và viêm mật đã về với đất mẹ ở tuổi 85. Trước đó, vào tháng 6, ông bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn và xuống sức nhanh chóng.
Các bác sĩ đã nhanh chóng bệnh tình và đưa ra hướng giải quyết cho nam nghệ sĩ Gặp nhau cuối tuần. Sau quãng thời gian điều trị tại Singapore, sức khoẻ của ông đã có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy nhiên, lúc này ông sút 8 ký và hầu như không thể hoạt động nhiều như trước.
Là một trong những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho ngành sân khấu, hài kịch và truyền hình Việt Nam, NSND Phạm Bằng từng tạo được nhiều ấn tượng trong lòng khán giả với các vai diễn Lý trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và vai Thương trong Mớ đời Thương. Vai trưởng phòng trong Gặp nhau cuối tuần cùng với Vân Dung, Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long, Giang Còi, Quang Tèo,…là dấu ấn đặc biệt và ấn tượng nhất của ông. Sự ra đi của NSND Phạm Bằng là mất mát lớn đối với nền nghệ thuật nước nhà.
Trước đó, vào ngày 7/10 nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng như Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Noi gương Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi cũng đã trút hơi thở cuối ở độ tuổi 87.
Trong suốt cuộc đời của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã cống hiến hết mình cho nền âm nhạc Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được biết tới trong vai trò một hoạ sĩ với nhiều tác phẩm hội hoạ xuất sắc. Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc nuối cho những ai có niềm đam mê với dòng nhạc đỏ và những bài hát đi cùng năm tháng.
Ngày 22/9, cây đại thụ của ngành cải lương Việt Nam, NSND Thanh Tòng qua đời tại nhà riêng ở tuổi 68. Trước đó, trong khoảng thời gian lưu diễn tại Mỹ và Pháp,…ông có nhờ đến sự giúp đỡ của nền y học tiên tiến phương Tây, nhưng chỉ có thể uống thuốc khống chế cơn bệnh chứ không thể chữa dứt. Sau này bệnh tình còn trở nặng, ảnh hưởng qua tới tim, thận.
Bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ nhỏ, NSND Thanh Tòng tạo được ấn tượng trong lòng khán giả mê cải lương qua hàng loạt những vở diễn như Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long…Đây còn là những tác phẩm nghệ thuật do ông chính ông sáng tác và dàn dựng.
Cho đến khi cải lương không còn là bộ môn nghệ thuật phổ biến rộng rãi, nghệ sĩ vẫn cần mẫn cùng với con gái của mình là Quế Trân giữ gìn và phát huy truyền thống lâu đời của gia đình. Rất đông bạn bè, đồng nghiệp đã có mặt trong tang lễ của ông để tiễn đưa một người anh cả về thế giới bên kia.
Một trong những nghệ sĩ nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả, bạn bè, đồng nghiệp nữa là ca sĩ Minh Thuận cũng qua đời vào ngày 19/9 sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Ở độ tuổi 48, giọng ca Tình thơ còn rất nhiều điều dang dở chưa thể thực hiện được.
Suốt 4 ngày tang Minh Thuận, những người đến viếng ai cũng thể hiện rõ sự thẫn thờ trước sự ra đi quá bất ngờ của anh. Rất đông những tên tuổi lớn trong showbiz Việt như Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Hà Hồ,…cũng đều có mặt để tiễn đưa người anh, người bạn của mình về với Chúa.
Trước đó, Minh Thuận bất ngờ lên cơn đột quỵ, được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ phát hiện thêm anh bị căn bệnh ung thư phổi. Nằm trên giường điều trị, nam nghệ sĩ vẫn giữ tinh thần lạc quan. Anh nhận ra tất cả mọi người, rưng rưng nước mắt xúc động mỗi khi có bất cứ ai vào thăm.
Những gì mà Minh Thuận cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà: từ các bản hit đình đám một thời hay loạt vai diễn trong các bộ phim truyền hình, điện ảnh ăn khách…và cả tình cảm và sự yêu thương của biết bao người giành cho Minh Thuận sẽ luôn còn mãi.
Căn bệnh ung thư phổi cũng đã cướp đi nghệ sĩ Hán Văn Tình vào ngày 4/9 tại Hà Nội. Hơn 45 năm gắn bó với nghệ thuật, nghệ sĩ Hán Văn Tình giành được nhiều giải thưởng cao quý trong hàng loạt những vở tuồng nổi tiếng như Hoàng Hôn Đen, Tiếng thét giữa Hoàng cung,… Ngoài ra, ông cũng tạo dấu ấn riêng trong lòng khán giả qua các bộ phim như: Đất và người, Bão qua làng , Canh Bạc , Vụ áp phe Đông Dương, Người thổi tù và hàng tổng, Phía trước là bầu trời…
Người ta vẫn gọi Hán Văn Tình là nghệ sĩ của nhân dân: nghèo về tiền bạc nhưng tràn đầy tấm lòng. Rất đông các văn nghệ sĩ đã có mặt trong lễ tang ông Quềnh của Đất và người . Họ kể lại những câu chuyện đầy xúc động về một người đồng nghiệp vẫn hết mình với sự nghiệp diễn xuất, dù sau này casxe ông kiếm được chẳng đáng là bao.
Sáng sớm ngày 17/3, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường Trần Lập đã ra đi tại nhà riêng ở Hà Nội ở tuổi 42 sau hơn nhiều tháng chiến đấu kiên cường với căn bệnh ung thư trực tràng. Trong suốt thời gian điều trị, nam ca sĩ vẫn giữ vững được tinh thần lạc quan. Sức khoẻ mỗi lúc một yếu dẫn, tuy nhiên Trần Lập vẫn giữ vững niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc. Bạn vè và đồng nghiệp thậm chí còn tổ chức một đêm diễn chỉ dành riêng cho anh.
Nam nghệ sĩ bạc mệnh không còn nữa, nhưng những ca khúc một thời được thế hệ 8x, 9x thuộc lòng như Bông hồng thủy tinh, Tâm hồn của đá, Đường đến đỉnh vinh quang,… sẽ luôn sống mãi. Trần Lập xứng đáng trở thành một tấm gương cho những ai đang phải đối đầu với căn bệnh ung thư quái ác: phải thật mạnh mẽ, vui vẻ và lạc quan, dù cho có bất cứ điều gì xảy ra.
Ngoài ra, ở thời điểm đầu năm 2016, 4 cây đại thụ lớn của nền âm nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Thập Nhất, NS Nguyễn Ánh 9, NS Thanh Tùng và NS Lương Minh cũng qua đời. Showbiz Việt chưa bao giờ phải đối diện với những mất mát lớn và liên tục như thế. Tuy nhiên, tất cả khối tài sản khổng lồ là hoàng loạt những ca khúc nổi tiếng được chắp bút từ các nhạc sĩ sẽ mãi được thế hệ sau gìn giữ.