Hàn Quốc được mệnh danh là “thiên đường phẫu thuật thẩm mỹ” của thế giới - nơi một gói phẫu thuật thẩm mỹ trở thành món quà ý nghĩa mà ba mẹ hoặc người yêu có thể dành tặng cho những cô gái nhân những dịp đặc biệt, thay vì tặng quà hay hoa. “Phải đẹp!” thành “châm ngôn sống” của nhiều người, đặc biệt là giới showbiz với những bản hợp đồng phẫu thuật đáng suy ngẫm.
Khí chất và tỷ lệ cơ thể là gì?
Ở thiên đường thẩm mỹ bậc nhất này, những khái niệm nhan sắc cũng có phần… khác thiên hạ. Nếu như ở các nước, người ta nhắc đến hai yếu tố: khuôn mặt đẹp và hình thể chuẩn là thước đo phổ biến để đánh giá nhan sắc của một người, thì ở Hàn Quốc, đặc biệt trong showbiz: khí chất và tỷ lệ cơ thể là hai từ khóa được nhắc đến nhiều nhất.
Thực chất, dù là kẻ ngoại đạo không hiểu gì hoặc là một mọt Kbiz sành sỏi cũng không ai chắc… nghĩa của hai từ này. Họ “phán” trên các diễn đàn, cộng đồng mạng người này có khí chất tuyệt vời, người kia có tỷ lệ cơ thể thật hoàn hảo, nhưng đôi khi: không rõ chuẩn mực nào để đánh giá. Vậy đâu là ý nghĩa tương-đối-nhất cho “khí chất” và “tỷ lệ cơ thể”?
Nếu có hẳn danh xưng “nữ thần khí chất” được phong tặng cho Jun Ji Hyun - mợ chảnh của Vì sao đưa anh tới cùng hàng loạt những tên tuổi thường được điểm danh của netizen Hàn mỗi lần trầm trồ “Cô ấy/Anh ấy thật là… có khí chất”: Kim Jae Joong, Krystal, Yoona, Suzy, SeolHyun, Kai, L… - thì từ “khí chất” dành để miêu tả những “visual đỉnh” của làng Vbiz.
Còn về tỷ lệ cơ thể, không ít lần khiến người ngoài… bối rối vì không hiểu cái tỷ lệ mà netizen Hàn nói được… cân đo thế nào? Đơn giản nhất: mình ngắn chân dài! Ai chệch ra khỏi chuẩn mực này, thì có xinh xắn như Chaeyeon (IOI), Yuri (SNSD), Victoria (f(x)) hay quyến rũ như Lee Hyori, Soyu (Sistar) vẫn cứ… lâu lâu lại bị đem ra bỉ bai, nhất là khi họ dính scandal.
Ở Kbiz, mủm mỉm - chân to như Suzy cũng bị chê, mà gầy gò - chân ốm như Yoona cũng bị quở, không phẫu thuật thì bị chê xấu, phẫu thuật rồi lại mỉa mai “hàng nhựa”, trông giả tạo - thật khó để làm hài lòng netizen xứ này!
Không phẫu thuật thì không debut!
Showbiz Hàn nổi danh trên thế giới là nền công nghiệp “tỷ đô” với quy mô “khủng” cả về chất lẫn lượng. Hàng năm, không biết bao nhiêu cuộc sát hạch gắt gao để tuyển “gà” và sự ra mắt của rất nhiều nghệ sĩ triển vọng dấn thân vào ước mở trở thành ngôi sao. Vì thế, để thuận lợi cho sự nghiệp tương lai, không ít tài năng trẻ phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh sửa khuôn mặt, hình thể phù hợp với thị hiếu của công chúng.
Nếu các nghệ sĩ không tự ý thức, công ty chủ quản sẽ “trực tiếp ra tay”, ép buộc bằng điều khoản hợp đồng: “Không phẫu thuật thì không debut!”. Công ty có lý lẽ riêng, khi việc đầu tư đào tạo cho một nghệ sĩ ra mắt tốn rất nhiều tiền của, họ không muốn bất kỳ rủi ro nào xảy ra dẫn đến thất bại, nhất là khi vấn đề nhan sắc là chuyện có thể phòng trước được.
Với họ, so với rủi ro ghê rợn của phẫu thuật thẩm mỹ, rủi ro ra mắt thất bại là điều duy nhất họ quan tâm. Vì thế, bất chấp nghệ sĩ có đồng ý hay không, phẫu thuật để-được-đẹp là điều kiện tiên quyết.
Xấu không phải là cái tội, mà là… tội lớn!
Theo dõi các bộ phim Hàn Quốc có thể thấy: chủ nghĩa ngoại hình xâm chiếm đời sống và quan niệm của người dân đất nước này, đến mức các nhà làm phim đã khai thác câu chuyện về các cô gái xấu xí trên màn ảnh không biết bao nhiêu lần: Nàng Kim Sam Soon, Sắc đẹp ngàn cân, She was pretty, Mỹ nhân tái sinh,… và những tình tiết chứng minh rằng: không đẹp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống là có thật.
Sự tinh tươm đến từng chi tiết trên khuôn mặt căng bóng sau lớp phấn hay quần áo lụa là không chỉ tạo nên những thước phim “sang chảnh”, trong veo mà còn cho khán giả thấu rõ những định kiến về “xấu là tội lớn” của xứ kim chi.
Đối mặt trước sự khinh thường, bất công, các nhân vật trên phim cũng như những con người trong đời thật đều tìm mọi cách để phẫu thuật thẩm mỹ, đôi khi là bất chấp sức khỏe và tính mạng. Với họ, nếu có phải chết trên bàn mổ thì họ vẫn đánh cược để giành 50 % cơ hội “hóa thiên nga”, còn hơn 100 % bị đối xử “như chết rồi” bởi nạn bất công, bạo lực trong đời thật.
Chưa một nơi nào trên thế giới mà việc sinh ra xấu xí là một rào cản tuyệt đối cho con đường phát triển bản thân như Hàn Quốc. Đây cũng là nơi duy nhất tôn sùng chủ nghĩa “thà đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên” và các ông bố bà mẹ hay bạn trai có thể tặng một suất phẫu thuật thẩm mỹ như một món quà ý nghĩa trong những dịp đặc biệt, thay vì tặng con cái hoặc người yêu một phần quà vật chất khác.
“Vịt hóa thiên nga” và “Nữ thần hóa quỷ”
Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng có rủi ro, nhất là phẫu thuật thẩm mỹ: nếu thành công thì thật mỹ mãn, nhưng nếu thất bại có thể gây ra những hậu quả: nhẹ thì biến chứng, nặng thì tử vong.
Trong showbiz Hàn không hiếm những nghệ sĩ “đổi đời” nhờ nhan sắc, có thể kể đến:
Nhưng cũng ít những trường hợp thất bại:
Càng ngày, khán giả càng khó phân biệt khuôn mặt của những nghệ sĩ Hàn khi họ xuất hiện trên sân khấu, bởi lẽ sự ná na trong vẻ đẹp của họ, như những “búp bê sống” được tạo ra từ một khuôn - đẹp đều, nhưng không độc đáo, không có dấu ấn riêng, mang đến cảm giác “đẹp không tưởng” nhưng vô hồn, giả tạo.
Rõ ràng, vẻ đẹp nhân tạo có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của những người trót sinh đã xấu, người ta cần đến “dao kéo” để tự tin hơn, gặt hái thành công. Sống dưới ánh hào quang là luôn chịu áp lực “đẹp, đẹp nữa, đẹp mãi” dẫn đến cơn ám ảnh nhan sắc, đẩy nhiều người từ mong muốn hợp lý ban đầu thành “con nghiện phẫu thuật”. Họ dường như không chấp nhận những điểm chưa-hoàn-hảo trên khuôn mặt, nên cứ lao vào để chỉnh sửa cho hài lòng bản thân và chiều chuộng sự cầu toàn đến mức tham lam, “điên cuồng” của chính mình.
Không phải những cơn đau “chết đi sống lại” dằn vặt qua từng lần “nâng cấp, bảo dưỡng” hay rủi ro mất mạng, những vẻ đẹp như khuôn đúc kèm theo cơn nghiện phẫu thuật mới chính là “biến chứng” kinh khủng nhất của phẫu thuật thẩm mỹ. Thật khó để tưởng tượng khuôn mặt mộc của các nghệ sĩ, khi chính họ - đôi lần còn không dám rời xa lớp make-up.
Để giờ đây khi nhắc đến xử sở kim chi, người ta nhớ ngay đến “chủ nghĩa ngoại hình” và bật lên câu hỏi “Đã qua phẫu thuật thẩm mĩ chưa?” như một câu “thương hiệu” với những cái cười đầy ngụ ý hoặc là cái lắc đầu ngao ngán.