Từ thời xa xưa, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã trở thành tư tưởng in đậm trong tâm trí của những vị vua anh minh, của những bậc hiền tài, của danh nhân và văn võ bá quan. Ngày nay, với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhân dân Việt Nam tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống sâu sắc ấy thông qua ngày lễ nhà giáo 20/11.
Là một trong những nghệ sĩ Việt Nam theo đuổi nghề giáo viên, đối với ca sĩ Sỹ Luân, đây dường như là một ngày đặc biệt và ý nghĩa. Cũng giống như bao thế hệ học sinh, sinh viên khác, vào ngày này hàng năm, anh đều bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm và gửi lời tri ân sâu sắc đến những giáo viên đã góp một phần công lao không nhỏ vào sự thành công của mình. Giờ đây, với vai trò là giảng viên bộ môn âm nhạc, anh càng thêm yêu, càng thêm quý sự nghiệp cầm phấn trên bục giảng. Đã gần 20 năm kể từ khi được học sinh gọi mình bằng một chữ “thầy”, Sỹ Luân luôn quan niệm “Nghề giáo là nghề cho đi”. Một mùa hiến chương thật nhiều ý nghĩa lại về, SAOstar đã có dịp trò chuyện với Sỹ Luân để cùng lắng nghe anh chia sẻ những cảm xúc và câu chuyện nghề giáo trong ngày 20/11.
- Chào ca sĩ Sỹ Luân! Theo như được biết, anh đã theo đuổi nghề giáo từ rất nhiều năm nay, anh có thể chia sẻ với khán giả một chút cảm xúc trong mùa hiến chương 2022 không?
Trong ngày lễ 20/11, tôi nhớ nhất về thầy cô cũ của mình. Có những thầy cô đã từng dạy tôi và bây giờ họ đã không còn trên cuộc đời nữa. Tôi không bao giờ quên được những cử chỉ, hành động yêu thương của thầy cô dành cho tôi, chỉ là tờ khăn ướt, gói kẹo hay những cái nhìn trìu mến... tất cả đã in đậm sâu trong tâm trí tôi, mỗi khi nhớ lại, tôi không kìm được cảm xúc của mình. Tôi nghĩ là, trong cuộc đời mỗi người ai cũng vậy, chúng ta đều có những thầy cô gắn liền trong mỗi khoảnh khắc của cuộc đời. Vào ngày 20/11 này là dịp để chúng ta tri ân, bày tỏ sự biết ơn. Tôi nghĩ là ngày 20/11 không chỉ là ngày các thầy, các cô đang hoạt động trong nghề mà dành cho cả những người có ý định, đã từng, đang tham gia hoạt động ở nghề giáo dục này. Và ngày 20/11 năm 2022 là ngày có ý nghĩa rất lớn, bởi vì sau hai năm dịch chúng ta mới có ngày lễ tri ân thầy cô một cách trọn vẹn nhất.
- Quay ngược lại thời gian một chút, tại sao đang là nghệ sĩ nổi tiếng, anh lại quyết định tiếp bước con đường giảng dạy, trở thành một giảng viên?
Đối với tôi, nghề giáo là nghề tôi yêu thích từ rất lâu rồi. Bắt đầu tham gia hoạt động ca sĩ, tôi đã đi dạy rồi. Tính từ thời điểm đó đến bây giờ là 20 năm, lần đầu tiên tôi tham gia dạy học là cầm đàn đi đến trường dạy âm nhạc miến phí cho các bạn học sinh cấp 3. Nhìn thấy được sự tươi cười, thoải mái sau khi tham gia buổi dạy của tôi, lúc đó tôi biết tôi yêu nghề rồi. Tại đó, cũng có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng như Mắt Ngọc, Bảo Thy, Đông Nhi, rất nhiều ca sĩ nổi tiếng đều là học trò của tôi. Tôi thấy được cái việc giáo dục là cái việc cho đi, và cái việc mình cho đi là cái yêu thương nhất của mình.
- Theo anh, hình ảnh của ca sĩ Sỹ Luân trong vai trò người thầy sẽ khác như thế nào so với một Sỹ Luân tràn đầy năng lượng, bùng nổ trên sân khấu?
Quả thực, ngày đầu tham gia tiết học của tôi các bạn sinh viên có phần sợ. Tuy nhiên, với tư cách là một thuyền trưởng, tôi có nói với các bạn là phải vui, học là đã căng thẳng rồi, học kế toán, học chính trị có phần “áp lực” rồi, giờ học nhạc cũng căng thẳng là không được. Học là phải vui, sau cái vui ấy, chúng ta phải đi đến cái gọi là kết quả. Mỗi sinh viên phải cảm thấy tiếc tiền cho cha, cho mẹ. Chúng ta học cứ chơi chơi cho xong cái bằng là không được. Những ai đang đi học, mà đặc biệt học nhạc là càng may mắn hơn nữa. Chúng ta phải đặt cái tâm của mình vào nghề nghiệp, ít nhất là tôi đang làm giáo viên, sau đó tôi là ca sĩ. Những người làm âm nhạc là những người có tài năng "trời ban", cho nên các bạn học âm nhạc phải cảm thấy bản thân may mắn. Các bạn học không nghiêm túc, bạn chỉ muốn nổi tiếng nhưng không muốn bỏ công sức luyện tập, chăm chỉ học hỏi thì các bạn không bao giờ thành công.
- Được biết, những người thầy người cô không có thu nhập nhiều, với tư cách là một giáo viên đang giảng dạy bộ môn âm nhạc, anh cảm nhận như thế nào về ý kiến trên?
Chắn hẳn ai trong chúng ta đã từng nghe đến câu chuyện giáo viên, bác sĩ "bỏ nghề" trong thời gian qua. Đây là câu chuyện chúng ta cần nên nhìn nhận lại. Với nghề giáo viên, mức lương cơ bản không thể giúp ích cho mưu cầu cuộc sống nếu không dạy thêm. Như bản thân tôi, tôi có công ty riêng, tôi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nên đi dạy học chỉ là một phần trong đam mê, ước mơ của tôi.
Đối với Hutech, mức lương cơ bản dành cho giảng viên cũng khá hơn so với các trường ngoài công lập. Tôi nghĩ đời sống của các giảng viên sẽ thay đổi từ từ. Mỗi năm trường sẽ update lại, nhà trường cộng thêm 10% lương cho giáo viên là cái rất tối nhưng cũng chưa thấm gì đối với số tiền phải trang trải chi phí ở TP HCM này. Tôi nghĩ là các trường công lập đã đến lúc cần phải thay đổi.
- Anh có nhớ tiếng “thầy” đầu tiên được sinh viên gọi trong cuộc đời giảng viên của mình không? Tại sao anh lại ấn tượng đến giờ phút này?
Đó là lúc tôi đem cây đàn vào trường cấp 3, các bạn đứng lên và hô vang “con chào thầy”. Khi nghe câu nói đó, mình có sự nhói lòng, cái tiếng “thầy” thực sự rất thiêng liêng. Từ thời điểm đó, tôi vô cùng biết ơn và trân trọng nghề dạy học.
- Thông thường, những ngày 20/11 hàng năm, anh có việc làm đặc biệt nào không?
Vào ngày 20/11 hàng năm, công việc đặc biệt của tôi là đi diễn. Bên cạnh đó, tôi gọi điện thoại gửi lời chúc đến các thầy, cô. Tôi nghĩ rằng, mình phải có thái độ biết ơn, thái độ tri ân mình mới thành người được, đây là một trong những hoạt động nhân nghĩa rất cần thiết cho mọi người.
- Người thầy, người cô nào đã đưa Sỹ Luân đến với sự thành công ngày hôm nay, anh có thể chia sẻ một ít về người thầy, người cô đó được không?
Tôi có một người thầy, từ lâu lắm rồi đã mất liên lạc. Đó chính là người thầy đầu tiên dạy đàn cho tôi. Thầy rất là khó, rất nghiêm khắc. Nhưng từ những cái đó, mình học khá, và đúc kết ra nhiều bài học quan trọng về sự thành công. Bài học quan trọng mà thầy dạy cho tôi chính là quan trọng của việc tự học. Và việc tự học ấy đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của tôi.
- Đâu đó trên hành trình giảng dạy của mình, anh có khi nào gặp phải những trường hợp sinh viên học hát chỉ muốn nổi tiếng, chỉ muốn kiếm tiền hay không?
Theo đuổi ước mơ âm nhạc, chắc chắn ai cũng mong muốn kiếm thu nhập, mong muốn được nổi tiếng. Tuy nhiên, có nói với các bạn sinh viên rằng là trở thành một ca sĩ nổi tiếng không phải là điều dễ dàng, nó phải bao gồm các yếu tố may mắn, thời thế và sự cố gắng học hỏi không ngừng nghỉ. Một ca sĩ nổi tiếng được khán giả yêu mến và ghi dấu ấn mãi mãi phải tạo ra được những giá trị cộng đồng, những ý nghĩa thiết thực.