Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Bolero và sức sống mãnh liệt không thể chối cãi

Phải thừa nhận rằng, “dòng” nhạc bolero chưa bao giờ “chết” dù trào lưu rock, rap, hiphop, R&B của phương Tây tràn vào trong nước có mạnh mẽ đến mức nào. Thậm chí, bolero còn có sức sống bền bỉ hơn, có lẽ bởi nó giản dị, gần gũi, bình dân và phù hợp với nhiều đối tượng khán giả.

Từ nhỏ tôi đã nghe bolero, ấy là những ca khúc nhẹ nhàng, chầm chậm, khá buồn nhưng giai điệu dễ nghe, lời ca dễ thuộc và thực sự đơn giản, gần gũi. Một loạt những ca sĩ thập niên 70-80 ra các đĩa than mà tôi hay được nghe “ké” ở nhà một người bạn mỗi lần qua nó chơi. Lớn lên một chút tôi nghe Hương Lan và mê mẩn những bài bolero mà bà hát. Đặc biệt những bài viết về quê hương, về cha, mẹ và những mối tình lãng mạn… Giọng hát của Hương Lan vừa mang âm hưởng dân ca Nam Bộ lại pha lẫn cái “sến” đặc trưng của bolero nên nó khác lạ với tất cả những ca sĩ hát bolero trước đó, chính điều ấy đã làm nên “thương hiệu” Hương Lan không trộn lẫn bất kỳ ca sĩ nào.

Giọng hát ngọt ngào , trữ tình của Hương Lan rất phù hợp với chất trữ tình, sâu lắng của bolero

Giọng hát ngọt ngào , trữ tình của Hương Lan rất phù hợp với chất trữ tình, sâu lắng của bolero

Đấy là Hương Lan, thời còn là ca sĩ hải ngoại. Còn ở trong nước, có lẽ tôi nghe Nhã Phương - Bảo Yến hát bolero đầu tiên. Sau đó là Ngọc Sơn, Đình Văn, Thuỳ Trang, Long Nhật, Quang Linh… mỗi người “sến” theo một kiểu riêng. Ví dụ như Ngọc Sơn, từng được mệnh danh là “ông vua nhạc sến” thực sự có sức hút rất kỳ lạ. Trong khi các ngôi sao cùng thời cứ lên vụt toả sáng nhưng chỉ vài năm là tắt, thì Ngọc Sơn luôn có một lượng khán giả trung thành, và số đó cực đông, đến tận bây giờ anh vẫn được đông đảo khán giả yêu mến. Tôi nhớ những năm cuối thập niên 90, cả nhóm tôi đi hát karaoke, tất cả tranh nhau hát bài của Ngọc Sơn. Từ Tình cha, Lòng mẹ, Giận hờn đến Đêm cuối, Hát nữa đi em,… bài nào cũng buồn, bài nào cũng mùi mẫn, thế mà đứa nào cũng thích. Thật kỳ lạ.

Ngọc Sơn hát Tình cha trong liveshow Thần tương bolero lấy nước mắt khán giả.

Anh trai tôi, một thương binh thời hậu chiến, khi nghe Tình cha đã phải thốt lên rằng: “Những tháng ngày nằm viện điều dưỡng, mở cát-xét nghe Ngọc Sơn hát mà thấy thương bố mẹ vô cùng. Tất cả những cảm xúc vừa biết ơn, vừa hối hận, vừa tự hào của một đứa con khi nghĩ về cha mình, đều được diễn tả trong bài hát một cách chân thực, vì thế người nghe rất cảm động”. Có lẽ chính sự gần gũi mà chân thành của Tình cha cũng như nhiều bài bolero như thế đã đi sâu vào trái tim khán giả, và trú ngụ lại nơi tâm hồn những người mộ điệu.

Thập niên 2000, nhạc nhẹ Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ, rôm rả, tưng bừng. Khi ấy, những Ngọc Sơn, Quang Linh, Long Nhật,… có vẻ như bị lấn át bởi hàng loạt ca sĩ trẻ hát nhạc nhẹ. Tuy nhiên, ở một dòng chảy nhẹ nhàng và khiêm tốn, những ca sĩ hát bolero vẫn âm thầm dâng hiến cho đời, với một đối tượng khán giả ít ồn ào hơn, nhưng lại rất chung thuỷ. Họ cần bolero như cần sự an ủi, nương náu cho trái tim đa cảm, hoặc như họ tìm sự cân bằng sau những sóng gió, ồn ào, vội vã ngoài đời sống. Bolero lúc ấy được mở ở những quán cafe ngoại thành, trong những quán nhậu ven sông, hay trên những chuyến xe đêm đường dài, đâu đó trong một sân khấu ca nhạc nhỏ bé, nằm trong con ngõ sâu nào đó, hay trong một đêm vắng bình yên nơi căn nhà nhỏ của một gia đình lao động nghèo với âm thanh phát ra từ chiếc cat xét cũ rích… Dù không sôi động, ồn ã như nhạc trẻ, nhưng nó lại như mạch nguồn len lỏi vào những ngõ ngách, tưới mát cho rất nhiều những tâm hồn cằn cỗi bởi mưu sinh.

Có một điều khá thú vị đó là sau khoảng 10 năm “đỉnh cao”, nói đúng hơn là sự chuyển dịch dòng nhạc nhẹ từ nghiệp dư sang chuyên nghiệp của showbiz Việt, dòng chảy ấy như chững lại, và nhiều ngôi sao cũng như ca sĩ trẻ bắt đầu loay hoay tìm hướng đi khác cho mình, khi ấy, có nhiều người chọn bolero, và nhiều người đã thành công khi từ một ngôi sao nhạc nhẹ chuyển sang hát “sến” theo kiểu mới như Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Phương Thanh,… và họ giữ được phong độ để song song với nhạc nhẹ cho đến tận bây giờ.

Đàm Vĩnh Hưng hát Mãi mãi bên em.

Showbiz Việt những năm qua đã chứng kiến một làn sóng mới, là những người trẻ hát bolero. Khoan hãy nói đúng - sai, đẩy mạnh hay kéo lùi sự phát triển của âm nhạc, mà nhìn từ khía cạnh nhu cầu của công chúng, thì rõ ràng, bolero đã và đang tiếp tục được “sủng ái”. Thực tế cho thấy, nếu như Bùi Anh Tuấn làm “điên đảo” cộng đồng mạng khi hát Nơi tình yêu bắt đầu (một bài nhạc nhẹ) ở vòng Giấu mặt Giọng hát Việt mùa 1, thì hai năm sau, Quang Đại cũng tạo nên “cú nổ” không kém khi làm dậy sóng cộng đồng mạng với Về đâu mái tóc người thương (một ca khúc bolero) trên sân khấu Nhân tố bí ẩn. Thậm chí, chính sự “khai mào” của Quang ĐạiNhân tố bí ẩn mà ca khúc Về đâu mái tóc người thương trở thành “bài hát quốc dân” năm 2014 khi nó xuất hiện ở khắp nơi từ sân khấu lớn đến các nghệ sĩ hát rong. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của bolero và sức sống của nó trong lòng công chúng rất mãnh liệt.

Với chất giọng ngọt ngào, tình cảm, Quang Đại thể hiện rất thành công ca khúc Về đâu mái tóc người thương trong vòng Hội ngộ - Nhân tố bí ẩn 2014.

Năm nay, cuộc thi Thần tượng Bolero lần đầu được tổ chức và ngay lâp tức thu hút được sự quan tâm rất lớn từ phía công chúng. Đã có hàng chục ngàn “comment” về chương trình, hàng trăm bài báo tranh luận, mổ xẻ về chương trình cũng như về bản thân “dòng” nhạc bolero. Bất luận đúng - sai, điều đó chứng tỏ rằng bolero vẫn rất được quan tâm và nó thực sự có sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng.

Tình là sợi tơ - Cao Công Nghĩa (Thần tượng bolero).

Chỉ còn đêm chung kết xếp hạng, Thần tượng Bolero mùa 1 sẽ khép lại, một “lứa” ca sĩ trẻ sẽ được bổ sung vào lực lượng những ca sĩ hát bolero trong showbiz tạo nên sự phong phú và đa dạng. Sau những Ngọc Sơn, Quang Linh, Long Nhật, Thuỳ Trang… thì những Minh Thảo, Trung Quang, Cao Công Nghĩa, Đình Nguyên, Đình Phước, Phương Anh,… sẽ là lớp kế cận xứng đáng bậc đàn anh, họ bước ra từ cuộc thi Thần tượng Bolero và đầy hào hứng để cống hiến giọng hát cho khán giả. Điều này một lần nữa chứng minh bolero luôn có đời sống riêng, dù khiêm nhường nhưng bền bỉ và luôn vững chắc trong lòng công chúng yêu mến “dòng” nhạc này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất