Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Apsara: Liệu có phải là điệu múa cung đình Chăm tiêu biểu nhất như đồn thổi?

Liệu Apsara có phải là điệu múa đặc trưng của văn hóa Chăm như nhiều người vẫn hiểu?

Vương quốc Champa sau hai thế kỉ biến mất để hòa nhập vào đất nước Việt Nam. Vết tích văn hóa văn minh Chăm vẫn còn đó. Với vô số bức tượng các vị thần nằm rải rác suốt giải đất miền Trung Việt Nam, dù đã thành phế tích nhưng vẫn giữ được hơi thở của nó. Trong văn hóa tâm linh của người Chăm, các vị thần linh được khắc tạc qua bức tượng hay phù điêu thể hiện đức tin tôn giáo sâu đậm. Tổ tiên Chăm xưa tin vào các vị thần linh, từ đó họ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, tinh xảo với nhiều phong cách qua nhiều triều đại khác nhau.

Khi nói đến Chăm, người ta thường nói đến các dãy tháp gạch trải dài dọc miền Trung, và cùng với nền kiến trúc là điêu khắc độc đáo. Ở đó phù điêu Apsara Trà Kiệu được xem như một kiệt tác điêu khắc của Đông Nam Á. Liên tưởng đến tác phẩm cổ ấy, khi nhắc đến điệu múa Chăm hiện đại, đại đa số người Việt Nam chỉ nhớ đến vũ điệu Apsara mà NSND Đặng Hùng vừa cho ra đời khoảng 30 năm trước, sau khi có lời thơ của nhà thơ Inrasara: “Apsara, Vũ nữ Chàm”.

Vậy Apsara là điệu múa hay tượng thần Champa? Đây là câu hỏi mà câu trả lời còn khá mơ hồ với rất nhiều người. Người Chăm thiếu may mắn khi vương quốc không còn, các mảnh vụn văn minh bị vùi chôn hay thất tán đây đó. Cứ liệu không còn, những văn bản ghi chép hoặc bị tiêu hủy hoặc bị vùi chôn dưới lòng đất đen. Hiện nay nó chỉ còn đọng lại trong kí ức dân gian Chăm qua chuyện kể và truyền thuyết truyền khẩu vẫn còn sống sót. Những gì thuộc về văn minh cấp cao, thuộc về thượng tầng kiến trúc xã hội dường như đã không còn. Trên cơ sở nền văn minh bị thất truyền ấy, người ta bắt đầu suy diễn.

Múa Apsara của NSND Đặng Hùng là ví dụ điển hình.

NSND Đặng Hùng cho biết vũ điệu Apsara do ông “giải mã” từ các tư thế tìm thấy ở phù điêu cổ Champa, ông kết hợp chúng để tạo nên điệu múa khác lạ, và ông cho đó là điệu múa cung đình Chăm. Nhiều người vẫn còn hồ nghi về tên gọi đó, bởi dựa trên vài tư thế trên phù điêu Chăm mà vội kết luận thì khó thuyết phục. Qua bộ trang phục phơi bày thân thể, có lẽ NSND Đặng Hùng vẫn chưa thể đi sâu và tìm hiểu mối liên quan khắng khít giữa múa cung đình thực sự và tượng thần của Champa.

“Theo truyền thuyết, Apsara được coi như là nữ thần biên giới, là vũ nữ của thần Indra, chuyên múa hát và dâng hoa cho các vị thần. Apsara có biệt tài ca hát, nhảy múa có nghệ thuật yêu đương, là người bạn hay người yêu của mục đồng thiên giới Gandhawa, đặc biệt có tài khêu gợi tình dục, thậm chí phá được phép tu khổ hạnh của các tu sĩ đắc đạo và làm xiêu lòng biết bao thần thánh.” (Thông tin Nghệ thuật số 07-2008)

Như vậy tượng nữ thần Apsara là sáng tạo độc đáo của nghệ sĩ Chăm dựa trên động tác tư thế của vị thần này. Đó là các động tác tượng trưng cho uy lực của thần linh và sự vận động của vũ trụ. Phù điêu Vũ nữ Apsara chính là sự tiếp nhận điêu khắc nghệ thuật từ văn minh Ấn Độ và dưới bàn tay tinh xảo của nghệ nhân Chăm đã thể hiện được sắc thái riêng với vẻ đẹp riêng biệt.

Apsara như là một vị thần chứ không phải là một vũ sư, và hiện tại vẫn chưa có tài liệu nào minh chứng cho điệu múa Apsara là múa cung đình cũng như là một vũ sư múa. Hơn nữa điệu múa này mới chỉ xuất hiện gần 30 năm, mang tâm thế trình diễn sân khấu vì trước đó người Chăm có những điệu múa riêng mang yếu tố tâm linh độc đáo. Khi đi vào tận bên trong dân gian Chăm hiện tại thì sẽ bắt gặp các vũ sư múa Chăm và quan niệm về múa Chăm là loại hình múa trong tâm linh là chính, còn thì ít có ai biết múa Apsara. Trong máu huyết của mỗi người nữ Chăm đều có sẵn điệu múa thân quen được truyền từ đời này sang đời khác, đó chính là múa dân gian thể hiện trong các lễ Rija. Họ múa với bất kỳ nơi đâu có điệu trống cất lên là đôi tay tự động uyển chuyển nhịp theo điệu trống.

Ngược lại, khi hỏi một người Việt về múa Chăm thì họ hay nghĩ ngay đến Apasra, các trường học của người Việt họ kêu múa Chăm là phải có trang phục như Apsara của Đặng Hùng. Đây chính là vấn nạn thiếu thông tin về văn hóa. Nhưng dù sao hình ảnh vị thần Apsara được Đặng Hùng biến tấu thành vũ sư xem như là một tác phẩm sáng tạo nghệ thuật đương đại góp ít nhiều làm phong phú cho loại hình múa Chăm.

Theo dân gian thì múa Chăm có hai thể loại múa chính: Múa trong sinh hoạt hay gọi là múa dân gian và múa trong nghi lễ hay còn gọi là múa trong tâm linh.

Người Chăm có 75 điệu múa tương ứng với các điệu trống khác nhau, người giữ vai trò trong suốt nghi lễ chính là ông hoặc bà Vũ sư. Múa gắn liền với các lễ hội như Rija Nưgar, Katê, Rija Praung… Đó là những dịp mà người Chăm thể hiện sự tưởng nhớ của mình đối với những người có công xây dựng đất nước, hay sự sùng bái một/ một vài vị vua được thần hóa. Đi kèm với các điệu múa là những nhạc cụ truyền thống như trống Ginang, trống Baranưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc) và đàn Kanhi

Những điệu múa hiện tại trong dân gian Chăm như:

- Múa quạt tiếng Chăm gọi là Tamia Tadik có thể kết hợp thao tác tất cả điệu múa truyền thống như : Biyen, Tiaung (bắt chước dáng con công, trĩ), Patra (hoàng tử), Wah gaiy (chèo thuyền), Mưmơng, Mrai…

- Múa đội lu tiếng Chăm gọi là Tamia Đwa buk là điệu múa có hình thái từ đội Thong Hala trong lễ lên tháp và kết hợp với thao tác đội lu nước trong sinh hoạt.

- Múa roi và múa đạp lửa là các loại múa dành cho nam giới đã có mặt và tồn tại lâu đời, điệu múa tượng trưng cho sự chiến đấu của người nam Chăm, theo nhịp trống lúc cao trào, dứt khoát.

- Múa khăn: là điệu múa dùng khăn cầm trên tay và duy chuyển đôi tay nhẹ nhàng theo tiếng trống.

- Múa đao: Dụng cụ chính là cây dao cổ tiếng Chăm gọi là Carit có hình xoắn ốc.

- Múa chèo thuyền: Dụng cụ chính cây chèo thuyền, mềm và chắc, hiện tại người ta thay bằng cây mía để múa với các động tác chèo thuyền phối hợp với mông và chân đi kèm với các bài tụng ca dân gian Chăm.

- Múa âm dương: người ta hay gọi là múa phồn thực của người Chăm tiếng Chăm gọi là Tamia klai klulk cả nam và nữ cùng múa.

Các điệu múa này từ vài thập niên qua được các nghệ sĩ Chăm tiếp nhận và mang lên sân khấu hiện đại biểu diễn, đã thu hút công chúng đáng kể.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Kiều Maily

tag-icon
Được quan tâm

Tin mới nhất