Ngày nay, khi làn sóng Hallyu phát triển mạnh, những nhóm nhạc thần tượng càng trở nên phổ biến với sự xuất hiện dày đặc của hàng loạt công ty giải trí mới. Nhằm bắt kịp con đường thành công từng thế hệ thần tượng đi trước, tầng lớp nghệ sĩ trẻ bây giờ càng phải nỗ lực tôi luyện những kỹ năng cần thiết nhiều hơn ai hết.
Tuy nhiên, con đường dẫn đến thành công không bao giờ dễ dàng mà có rất nhiều rào cản cũng như thách thức được đặt ra. Để trở thành những ngôi sao nóng bỏng nhất và chiếm vị thế trên thị trường cạnh tranh gay gắt thì đằng sau họ là cả một quá trình tưởng như “đi trong địa ngục”.
1. Thần tượng là nhân viên hợp đồng
Các thành viên của nhóm nhạc thần tượng thường là những “nhân viên” có hợp đồng dài hạn với công ty giải trí của họ. Tuy nhiên, vấn đề là các nhóm thường đặt dấu chấm hết cho hành trình hoạt động của mình bằng sự tan rã trước khi hợp đồng hết hạn. Và các nhóm nhạc nữ như 2NE1, KARA , 4Minute và Rainbow đã chính thức tan rã trong năm nay.
Một vấn đề khác thường xảy ra và gây phiền hà cho các hợp đồng dài hạn này là sự tách nhóm hoặc rời đi của các thành viên. Một số nhóm nhạc như Miss A, BEAST, Secret… đều có những khó khăn khi tiếp tục hoạt động mà không có đủ các thành viên như thời kỳ đầu ra mắt.
Công chúng rất buồn khi các nhóm này không thể vượt qua “Lời nguyền 7 năm” và chấp nhận sự tan rã. Còn đối với thần tượng, 7 năm qua đi nghĩa là lúc chấm dứt hợp đồng với công ty của họ.
Thông thường thời hạn hợp đồng tiêu chuẩn là 7 năm nhưng không phải trường hợp nào cũng như vậy. Cách đây 10 năm, ba thành viên của TVXQ đã rút khỏi SM Entertainment, nơi mà “hợp đồng nô lệ” đối với thần tượng đã trở thành một vấn đề rất lớn. Do tranh cãi trong vụ việc, các quy định về hợp đồng đã được sửa đổi.
Một hợp đồng tiêu chuẩn giữa công ty chủ quản và thần tượng hiện nay không nhất định nhiều hơn 7 năm nhưng thông qua thỏa thuận lẫn nhau sau khi hết hạn, hợp đồng có thể dài hơn tiêu chuẩn.
2. Vấn đề thanh toán
Đa số các thành viên của nhóm nhạc thần tượng sẽ không thấy bất kỳ khoản thanh toán nào có mặt trong tài khoản ngân hàng của họ cho đến khi nhóm hoàn trả được các chi phí như đào tạo, nhà ở và sản xuất album cho công ty.
Nếu muốn nhận “lương” từ công ty trong thời gian 3 năm kể từ khi ra mắt thì đòi hỏi thần tượng phải có được cú hit lớn, nhưng thường điều này có thể mất nhiều năm mới thực hiện được.
GFRIEND là trường hợp cá biệt khi có thể nhận khoản thanh toán đầu tiên chỉ sau 2 năm ra mắt nhờ vào nhiều ca khúc nổi tiếng như Me Gustas Tu, Rough và Navillera.
Trong khi đó EXID “ăn may” với fancam của ca khúc Up & Down mới nhận được đồng lương đầu tiên. Trước khi nổi tiếng, nhóm khó khăn đến nỗi quản lý phải làm việc không lương, các cô gái nhiều lần biểu diễn với tất rách, giày bung đế.
Một thành viên nhóm nhạc thần tượng “A” mới ra mắt cho biết: “Tôi đã làm việc chăm chỉ từ khi còn là một thực tập sinh và tôi muốn có được cảm tình của khán giả với nhiều bài hát hay cùng vũ đạo mạnh mẽ của mình. Mục tiêu của tôi là nhóm có thể nhận được khoản thanh toán đầu tiên trong vòng 3 năm kể từ khi ra mắt”.
Nhân viên giấu tên trong công ty lớn giải thích thêm, về cơ bản, thần tượng có thể nhận được nhiều thu nhập bằng cách quảng bá rộng rãi, nhưng nếu hoạt động quảng bá thất bại, chi phí sẽ lớn hơn doanh thu mang lại và dĩ nhiên đến lương cơ bản họ cũng sẽ không được nhận.
3. 24 giờ một ngày là không đủ
Các nhóm nhạc hiện nay có xu hướng ra mắt những đĩa đơn, mini album, full album và album repackaged (album hoàn chỉnh được tái phát hành với tiêu đề mới kèm theo vài ca khúc mới). Khác với trước đây, các nhóm chỉ cho ra 1 album mỗi năm và dành vài tháng để quảng bá. Nhưng với thị trường âm nhạc chuyển sang nền tảng kỹ thuật số, các nhóm hiện phát hành nhiều album một năm, một hiện tượng gọi là “tách album”. Thế nên, việc họ phải làm việc chăm chỉ để hoàn thành sản phẩm âm nhạc là điều không tránh khỏi và 24 giờ một ngày là không đủ.
Thêm vào đó, ngành giải trí nói chung đang thay đổi, các nhóm có số lượng thành viên nhiều sẽ phải chia nhỏ doanh thu. Và việc họ phải làm là thường xuất hiện trên các chương trình tạp kỹ để giúp công chúng biết nhiều hơn về họ, đây cũng là một hình thức vừa đi show vừa quảng bá, tuy nhiên điều này sẽ chiếm nhiều thời gian của họ.
Do sự phổ biến ngày càng tăng của Kpop và văn hóa Hàn Quốc, thời gian của các thần tượng sẽ càng ít hơn nữa. Họ sẽ không có thời gian vui chơi thậm chí về quê thăm gia đình và nghỉ ngơi bên bố mẹ. Thành viên nhóm nhạc thần tượng “B”, người đã ra mắt cách đây 4 năm chia sẻ về khung thời gian nghỉ ngơi của mình:
“Sau khi tôi ra mắt, không có một ngày nào tôi có thể nghỉ ngơi thoải mái. Tôi không muốn đi ra nước ngoài, tôi muốn ở với gia đình và không phải nghĩ về bất cứ điều gì và nghỉ ngơi trong một vài ngày. Tôi đã đến Thái Lan và Nhật Bản để gặp fan nhưng sau đó tôi lên máy bay và trở lại Seoul. Tôi ghen tỵ khi nghe rằng những người bạn của tôi làm việc bình thường có thể đi ra nước ngoài vui chơi”.
4. Hát, nhảy và cũng phải biết diễn
Cụm từ “diễn viên - thần tượng” thường được sử dụng để nói về thần tượng những người lấn sân sang ngành công nghiệp diễn xuất, chẳng hạn như Suzy (Miss A ), UEE và Nana (After School), IU , Yook Sungjae (BTOB ), D.O (EXO), và ngày Hyeri (Girl 's day). Tất cả họ đã chuyển thành diễn viên nhưng đồng thời vẫn giữ vai trò ca sĩ.
Với thần tượng, họ có thể nổi tiếng nhanh chóng và vang xa nhưng tuổi thọ trung bình về nghề nghiệp của họ thường ngắn hơn diễn viên. Nếu thần tượng có thể tạo dựng tên tuổi của mình trở thành diễn viên kiêm ca sĩ thì tuổi nghề của họ sẽ gia tăng đáng kể. Và nhu cầu của thị trường giải trí hiện nay, việc trở thành diễn viên là ngoài sự lựa chọn, nó còn là sự cần thiết bởi đa phần các tác phẩm phim ảnh đều thiếu hụt thế hệ diễn viên trẻ trong độ tuổi 20.
Park Bo Gum là một ví dụ điển hình khi từ thần tượng thành công chuyển thành diễn viên. Ban đầu, vì muốn trở thành thần tượng, anh thậm chí đã ghi hình lại cảnh hát hò của mình và gửi đến cho rất nhiều công ty. Và anh đã nhận ra việc trở thành diễn viên sau khi đại diện của một công ty nói rằng anh có khuôn mặt phù hợp với phim ảnh, họ thuyết phục anh thay đổi nghề nghiệp.
Đến nay, với vai trò diễn viên, Park Bo Gum không chỉ được nhiều người biết đến mà còn là gương mặt sáng giá cho các giải thưởng đình đám và dĩ nhiên hình ảnh của anh sẽ được ghi dấu ấn để đời qua thành công của tác phẩm mình thể hiện.
Nắm bắt được sự cần thiết và quan trọng của việc diễn xuất, một người quản lý cũng chia sẻ rằng, họ thường áp dụng các bài học nhập vai cho các ca sĩ song song với quá trình đào tạo hát và nhảy cho họ: “Ngày nay, khi thực hiện việc đào tạo các ca sĩ thần tượng, chúng tôi đồng thời áp dụng các bài học diễn xuất để họ nâng cao kỹ năng của mình hơn”.
5. Công việc đòi hỏi biểu đạt đúng cảm xúc
Làm thần tượng rất dễ bị bắt bẻ về thái độ và dễ dàng trở thành đề tài tranh luận gay gắt trên các diễn đàn như Naver và Nate. Nếu thần tượng xuất hiện trên chương trình tạp kỹ nhưng vô tình để lộ thái độ kiêu ngạo hoặc có biểu hiện chán trường, không quan tâm lời chia sẻ của các khách mời khác thì cộng đồng mạng sẽ làm nổ tung vấn đề và tạo ra một hình ảnh tiêu cực cho thần tượng mà họ đề cập. Ngay cả những cảm xúc cá nhân mà các thần tượng đăng tải trên trang cá nhân cũng phải chịu sự giám sát gắt gao từ cư dân mạng.
Nếu một ý kiến của một thần tượng bị cho là tiêu cực, công ty của họ sẽ lập tức đưa ra lời xin lỗi chính thức, nhưng nếu công chúng nhận thấy lời xin lỗi không mang ý nghĩa chân thành, họ sẽ tấn công gấp đôi.
Thế nên, làm người nổi tiếng chưa bao giờ là dễ dàng. Người nổi tiếng hay thần tượng là những người sống bằng hình ảnh trong mắt công chúng vì vậy áp lực công việc đòi hỏi người đó phải có khả năng chịu đựng. Hơn thế nữa, họ phải biết cách biểu đạt tốt trong từng “nhất cử nhất động” của mình.