Xem lại từng tấm ảnh hai con thi đấu tại Britain's Got Talent, ông Giang Kiếm Thanh - ba Quốc Cơ, Quốc Nghiệp - và vợ vẫn nghẹn ngào. Ông bà thừa nhận 3 ngày trôi qua gia đình vẫn chưa hết xúc động khi hai con trai thực hiện an toàn cú nhảy sinh tử, vượt qua giây phút nguy hiểm.
Hơn tất cả, theo ông bà vẫn là hình ảnh hai con ôm nhau siết chặt trên sân khấu. “Các con không chỉ đồng lòng trong luyện tập mà còn thương nhau vô cùng. Là cha mẹ, chúng tôi hạnh phúc không chỉ là thành tích con đạt được mà tình anh em gắn bó”, ông Thanh nói.
Trong niềm hạnh phúc, tự hào về con trai, ông bà nhớ lại quá trình tập luyện chăm chỉ, gian khổ đến mất cả tuổi thơ của Quốc Cơ và Quốc Nghiệp.
“Tôi đã đánh mất tuổi thơ của 2 con”
Ông Thanh kể gia đình có truyền thống võ, xiếc nhiều đời. Từ khi ông còn nhỏ đã được ba hướng dẫn tập võ, làm xiếc thăng bằng vì vậy khi sinh con, ông cũng “ép” con mình tập khi chỉ mới 4-5 tuổi.
“Tôi đã ép con mình tập, trước tiên để chúng hiểu về nghề truyền thống của gia đình. Từ đời ông nội, đến tôi đã kiếm sống nhờ nghề này, do đó tôi muốn truyền lại cho các con. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, ép con tập xiếc cũng là trao cho con chiếc cần câu cơm sau này”, ông kể.
“Tôi chưa từng hình dung việc con mình được khán giả biết tới nhiều như hiện nay. Đó là thành quả của sự cố gắng kiên trì của Quốc Cơ và Quốc Nghiệp nhiều năm”, ông cho biết.
Vốn là người trong nghề, ông Thanh thấu hiểu những khó khăn mà hai con phải đối diện. Vì vậy, ông cho biết khi dạy con, ông giấu tình thương, giọt nước mắt vào trong. Trước mặt con, ông chỉ cho chúng thấy hình ảnh người cha nghiêm khắc, chịu khó, chịu khổ tập luyện và vươn lên trong cuộc sống.
Vợ bị bệnh tim, nuôi 3 con nhỏ, một mình ông làm trụ cột, phải chạy nhiều việc trong ngày như làm tại bệnh viện, bán thuốc dạo hoặc đến nhà bệnh nhân điều trị theo yêu cầu… nhưng ông không một lời than thở. Khi tập luyện cùng con, ông trở thành bạn của hai anh em. Ông cho rằng muốn con có tinh thần thì bản thân phải cho con thấy tinh thần quyết tâm của mình thế nào.
Mỗi ngày ông cùng hai con tập cùng nhau một tiếng những động tác xiếc đã được cha truyền dạy như xoạc, đá chân, tung hứng, đứng bằng hai tay. Ở tuổi hiếu động, ham chơi, bạn bè Quốc Cơ và Quốc Nghiệp được chiều chuộng, chỉ lo học ở trường và vui chơi thì hai anh em chỉ biết đến việc tập. Trong 15 năm theo nghề thì đến 10 năm đầu, anh em “hoàng tử xiếc” không biết tới ngày chủ nhật.
Với tinh thần “thượng võ”, ba Quốc Cơ và Quốc Nghiệp đề ra quy tắc nghiêm khắc trong giờ tập: không nói chuyện, không cười đùa. Nếu vi phạm quy định đó, hai anh em sẽ bị phạt bằng cách tập lại động tác khó 5-10 lần. Hình thức phạt này nghe thì nhẹ nhàng nhưng vô cùng đau đớn với hai cậu bé.
“Tập nhiều lần, các con bị đau đớn, mệt mỏi lắm nhưng tôi không thể dễ dãi, làm khác được. Khi tôi phạt con, tôi cũng phạt chính mình bằng cách tập cùng con. Phạt con xong, tôi chỉ biết quay đi để giấu nước mắt rơi. Ông bố nào mà không thương con nhưng tôi phải nghiêm khắc để các con có ý thức”, ông rưng rưng nước mắt kể.
Nếu ngày nhỏ ba dùng roi phạt khi mình tập sai, thiếu tập trung thì sau này ông không áp dụng lại phương pháp đó với hai con trai. Ông dùng lời nói ngọt ngào hướng con đến ngày mai tươi sáng như “con cố gắng tập giỏi, sẽ được mọi người khen ngợi, biểu diễn sẽ được khán giả vỗ tay nhiều”.
Nhờ quy tắc tập trung cao độ khi tập luyện giúp anh em Quốc Cơ và Quốc Nghiệp có tính cách đằm, kiên trì khi theo đuổi nghề xiếc hơn 15 năm qua.
“Anh em Cơ - Nghiệp lỳ lợm, cá tính mạnh lắm, té đau cỡ nào chỉ khóc một tí rồi hết. Mỗi lần con ngã, tôi hỏi có sợ không, dám làm nữa không. Bao giờ cũng thế, chúng trả lời ngay: 'Không sợ, sẽ làm tiếp'. Làm nghề này mà bị tâm lý sợ đau, sợ té thì lần sau sẽ không làm được. Tinh thần ngã ở đâu đứng dậy ở đó giúp hai con trưởng thành như ngày hôm nay”, ông nhấn mạnh.
Dẫn chúng tôi xem từng chiếc cúp, huy chương, bằng khen treo trong nhà, ông Thanh xúc động cho rằng: “Đôi khi nghĩ lại, tôi cũng thấy tội cho 3 đứa. Các con mất hết tuổi thơ vì sự gia trưởng của tôi. Có thể, lúc đó các con đã trách móc tôi, sợ tôi và thậm chí ghét ba đấy nhưng muốn các con tiến bộ tôi không còn cách nào khác”.
Với thần kinh thép đó, khi các con đối diện với chấn thương, đau đớn, ông không cảm thán, không tỏ ra xót xa mà động viên “không sao, ba sẽ chữa khỏi”.
Ông bảo trong quá trình tập luyện của con, ông không nhớ con ngã, trật khớp, sưng, bầm tím chân tay… bao nhiêu lần. Khi ấy với nghề thuốc gia truyền, ông băng bó và tự chữa lành cho hai con. Sau đó, ông kể câu chuyện khổ luyện của thế hệ trước làm bài học cho con.
“Các võ sư thậm chí còn khổ luyện, hành hạ cơ thể để có sức đề kháng, chịu đưng tốt. Vì vậy các con muốn giỏi không còn cách nào khác ngoài chịu khổ, chịu cực và chịu đau tập luyện”, ông nói.
Vinh quang chứa đầy nước mắt
Ông Thanh và vợ khoe với chúng tôi tin nhắn báo tin an toàn của hai anh em sau mỗi lần đi thi. Ông bà khẳng định chỉ sau mỗi tin nhắn đó, gánh nặng trong lòng mới được tháo dỡ.
Ông cho rằng không có vinh quang nào dễ dàng, với nghề xiếc vinh quang chứa đựng cả đau đớn, nước mắt. Hơn ai hết, ông thấu hiểu đau đớn hai con mình trải qua. Ông nhớ mãi vào năm 2009, hai con sang Đài Loan biểu diễn. 2-3 ngày Quốc Cơ - Quốc Nghiệp không nhắn tin, gọi điện cho ba mẹ như mọi lần.
Tưởng rằng hai con mải mê đi chơi nhưng sét đánh ngang tai khi ông nghe tin Quốc Nghiệp bị tai nạn nặng lúc biểu diễn. Thực hiện tiết mục chồng đầu, con trai út bất ngờ bị ngã, đầu cắm xuống đất, bất tỉnh ngay tại chỗ và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sự cố này khiến xương sống cổ của Quốc Nghiệp bị thụt vào trong.
Nhớ lại chấn thương của con, ông bà nắm chặt tay nhau, mắt rưng rưng. “Các con luôn giấu ba mẹ mọi chấn thương. Mẹ chúng bị bệnh tim nên không thể chịu được những thông tin sốc như vậy. Vì thế chúng tôi chỉ biết sự việc khi sức khỏe đã ổn định. Tôi không thể tưởng tượng được nếu bản thân chứng kiến con bị tai nạn có thể đứng vững được không”, ông nghẹn ngào.
Chấn thương nặng nề của Quốc Nghiệp làm người mạnh mẽ như ông không thể khóc nhưng nước mắt cứ rơi. Đó là khi ông cảm thấy day dứt, bất lực khi không thể làm gì cho con.
Ông nhớ mỗi lần con đi tập, ông đều đi cùng làm nhiệm vụ giữ dây bảo hiểm. Ông không dám giao ai công việc này vì chỉ có bản thân mới hiểu con và xử lý nhanh nếu gặp sự cố.
Ông kể trước khi lên đường sang Anh thi Britain's Got Talent 2018, ông cũng giữ dây cho hai con tập tại nhà thiếu nhi quận 6, TP. HCM. Có lần tập, Quốc Nghiệp cũng bị ngã khi đang chồng đầu nhưng ông nhanh chóng kéo dây giúp con thoát khỏi chấn thương.
Vì vậy, khi xem lại clip hai con bị ngã khi tập luyện ở Anh, ông không biết làm sao ngoài việc ngồi khóc. Ông khóc vì thương con, khóc vì cảm thấy bất lực. Nỗi đau của con cũng chính là nhát dao cứa vào lòng ông bởi con đường hai con đang đi là do ông. Chính ông đã mang đến nguy hiểm cho con.
Trách móc, dằn vặt bản thân khi con gặp sự cố, đau đớn nhưng ông vẫn tỏ ra mạnh mẽ để xoa diu vợ: “Không sao đâu, hai con sẽ biết chăm sóc giữ gìn. Chúng sẽ thi đấu tốt”.
Tình anh em giúp vượt qua nguy hiểm
Nhắc đến hai con trai, điều tự hào với ông bà Thanh không chỉ là bảng thành tích liên tiếp trong 15 năm theo nghề xiếc mà là tinh thần, sự gắn bó keo sơn của hai con.
Quốc Cơ và Quốc Nghiệp tập luyện cùng nhau từ nhỏ, cùng chung chí hướng, quyết tâm nên ở họ còn có sự đồng điệu trong tâm hồn. Chia sẻ với Zing.vn anh em hoàng tử xiếc thừa nhận giữa hai người không có bí mật, lời nói dối: “Nếu chúng tôi phải giấu giếm nhau điều gì thì mặc cảm tội lỗi lắm, ăn ngủ không yên do đó có khúc mắc gì cũng sẽ nói với nhau”.
Ông Thanh cho rằng với tiết mục xiếc tập thể nên là anh em, người thân trong nhà mới tạo nên sự gắn bó bền vững.
“Hai cá thể khác nhau khi tập luyện còn phụ thuộc vào cảm xúc, sự yêu ghét dành cho nhau. Khi đó chỉ cần chút giận hờn sẽ không tập được. Còn với anh em như Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đi đâu cũng có nhau, giận hờn lại thôi vì anh em thì dù thế nào cũng là anh em”, ông nhấn mạnh.
Hai con trai trầm tính, ít nói lời ngọt ngào với ba mẹ nhưng điều an ủi với ông bà chính tình cảm Quốc Cơ và Quốc Nghiệp dành cho nhau. Câu nói của hai em khiến ông nhớ nhất là khi cả hai nói về nhau: “Quốc Nghiệp nói chỉ mong người anh khỏe mạnh, cho mình cột trụ vững chắc. Quốc Cơ thì nói anh không còn làm nữa khi không bảo vệ em”.
Tuy nhiên khi anh em lập gia đình, có cuộc sống riêng, ông thừa nhận thời gian dành cho nhau không nhiều như trước. Bù lại, Quốc Cơ và Quốc Nghiệp phân định rõ gia đình, anh em và tập luyện. Vì vậy khi tâp luyện thì họ vẫn giữ được sự tập trung.
Ông kể đôi lúc cũng biết chuyện anh em không hòa hợp nhưng chưa cần ba nhắc nhở cả hai đã quả quyết tự dàn xếp được. Cụ thể trước khi lên đường sang Anh, anh em Cơ - Nghiệp có một số bất đồng về kế hoạch tương lai. Nhưng khi lên sân khấu thi đấu họ đã rũ bỏ điều ấy sang một bên để dốc lòng thực hiện phần thi nguy hiểm hoàn hảo.
Và chính cái nắm tay, cái ôm siết chặt với đôi mắt rưng rưng sau phần thi đủ thấy anh em họ gắn bó đến nhường nào. Ông Thanh cho rằng là cha mẹ chỉ cần nhìn hai con mình như vậy là hạnh phúc, tự hào, không đặt nặng phải đoạt giải cao, lọt top 3.
Quốc Cơ, Quốc Nghiệp chiến thắng tử thần
Nói về những thành tích hai con đạt được, ông Thanh cho hay mỗi giải thưởng ghi nhận đều đáng quý, đáng nhớ. Riêng cuộc thi tìm kiếm tài năng ở Anh hai anh em không chinh phục được giải cao nhất nhưng đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.
Tiết mục chồng đầu đi trên cột cao và nhảy xa được đánh giá là nguy hiểm nhất trong sự nghiệp của hai anh em. Theo ông, hai con thực hiện cú nhảy xa không có dây bảo hiểm thành công chẳng khác nào chiến thẳng tử thần trong thời khắc sinh tử.
Nếu xem video con ngã, ông khóc vì thương con và bất lực thì xem xong tiết mục trong đêm chung kết Britain's Got Talent ông khóc vì hạnh phúc, con đã an toàn.
Sau những giọt nước mắt và cả đêm không ngủ, ông quyết định Britain's Got Talent sẽ là cuộc thi cuối cùng của hai con. Ông lý giải việc hai con tham gia các cuộc thi luôn đòi hỏi phải làm khó, nguy hiểm gấp đôi lúc biểu diễn. không những thế, cả hai còn không được sử dụng dây bảo hiểm.
“Gia đình và hai con không nghĩ vì cần danh tiếng mà để con mình nguy hiểm thêm lần nữa. Nếu sau này, hai con có biểu diễn nhất định tôi phải yêu cầu dùng dây bảo hiểm”, ông nói.
Nhắc đến sự nguy hiểm, ông lại băn khoăn về chấn thương mà Quốc Nghiệp phải trải qua. Ông cho rằng mình thấu hiểm sự lo lắng của con dâu Ngọc Mai nhưng bằng kinh nghiệm thầy thuốc và nghề nghiệp, ông tin Quốc Nghiệp vẫn có thể làm nghề được.
Ông chia sẻ tâm nguyện muốn hai con biểu diễn thêm 2 năm nữa mới tính đến chuyện giải nghệ: “Hiện anh em đã có tiếng, tiền bạc không khó khăn nên làm được cứ nên làm. Tôi chỉ muốn hai anh em hợp lực, đoàn kết thật sự, đến khi không làm được nữa mới nghỉ”.
“Tuổi thọ của hai con để làm xiếc không còn nhiều. Với tiết mục của hai anh em thì hai đứa chỉ diễn được 2-3 năm thôi. Vì thế trong thời gian này tôi khuyên hai con phải trân trọng. Sau này không làm được thì cố cỡ nào cũng không làm được. Lúc đó, chúng có tiếc nuối cũng không làm được gì”, ông tâm sự.
Trả lời về việc khuyên Quốc Nghiệp tiếp tục theo nghề là trái với lời khuyên của bác sĩ, ông Thanh khẳng định: “Người ngoài nghề không hiểu nên ai cũng có lời khuyên Nghiệp không nên tiếp tục vì nguy hiểm rình rập. Bằng kinh nghiệm và qua tham khảo ý kiến của các chuyên gia thì tôi tin chấn thương của Nghiệp nếu được chữa trị đúng cách, nghỉ ngơi và hạn chế tập luyện thì sẽ phục hồi. Tôi là cha, có ai đẩy con mình vào chỗ nguy hiểm. Nó đau thì tôi cũng đau”.