Những câu chuyện về tình phụ tử dù muôn màu muôn vẻ nhưng luôn khiến người nghe phải xúc động và rút ra được nhiều bài học quý giá. Trong chương trình Thiếu Niên Nói, khán giả đã chứng kiến không ít nước mắt của những em học sinh rơi trên bục dũng khí khi nói về người cha của mình. Mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh nhưng tất cả những câu chuyện đều được các em kể bằng sự chân thành cùng tấm lòng biết ơn đến bậc sinh thành.
Sương Anh - cô bé có ba bị ung thư
Xuất hiện tại tập 1 chương trình truyền hình Thiếu Niên Nói, Sương Anh khiến nhiều người lặng đi khi chia sẻ rằng ba của mình đã bị bệnh ung thư trực tràng suốt 4 năm qua, tuy nhiên, ông luôn giấu nỗi đau của mình vì sợ gia đình lo lắng.
“Con biết ba rất đau. Mỗi khi ba đóng cửa phòng, ôm bụng than vãn là con biết hết. Con biết giai đoạn này rất nguy hiểm, ba có thể mất bất cứ lúc nào. Thời gian sống ngắn lại, ba sẽ không còn sống lâu với tụi con nữa nhưng ba không hề quan tâm tới sức khỏe”, cô bé xúc động kể lại.
Gia đình không mấy khá giả, ba lại mắc bệnh hiểm nghèo, Sương Anh khiến ai cũng xúc động khi tiết lộ nguyên nhân ba không chịu chạy chữa: “Ba không chịu mua thuốc uống mà dành tiền đóng học phí cho em”.
Vì sức khỏe không cho phép, ba của cô bé không thể đến để chứng kiến cảnh con mình đứng trên bục dũng khí để nói ra hết tâm tư. Dù vậy, Sương Anh vẫn nhắn nhủ đến ba mình rằng: “Đi mua thuốc uống đi ba. Đi khám bệnh đi ba. Con mong ba hãy làm đúng theo yêu cầu của bác sĩ để thời gian sống dài ra”.
Ngọc Nhã và câu chuyện “con gái xấu hổ vì bố lái xe ôm”
Ngọc Nhã, học sinh lớp 10 trường THPT Hùng Vương đứng trên bục dũng khí không phải để kể câu chuyện của mình mà về một người cha làm tài xế xe ôm công nghệ bị con gái mình bắt đứng xa cổng trường mỗi lần đón đưa chỉ vì xấu hổ với bạn bè.
Nhã kể lại, trong một lần đi xe ôm vì ba bận việc, bác tài xế mới hỏi cô bé rằng: “Nếu ba của con chạy xe giống như chú, con có thấy xấu hổ không?” Ngọc Nhã đáp: “Có gì phải xấu hổ đâu chú. Cái nghề là cái nghiệp của mình mà”.
Người đàn ông xúc động: “Chú cũng có 1 đứa con gái nhưng nó không nghĩ như con. Chú chạy xe ôm nuôi nó từ khi còn nhỏ xíu, giờ nó học lớp 9 rồi. Mỗi lần đi đón, nó bảo chú đứng xa ra, đừng lại gần cổng trường. Nó không muốn bạn bè biết là ba nó chạy xe ôm”.
Câu chuyện trên khiến nhiều học sinh đứng phía dưới vỡ òa xúc động. Cha mẹ đã sẵn sàng chịu vất vả, khổ cực chỉ mong con cái được học hành tử tế, có cuộc sống đủ đầy, thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được sự hy sinh của bậc sinh thành. “Ba mẹ có làm nghề gì đi nữa, dẫu là cao sang hay thấp hèn thì họ cũng là người sinh ra và nuôi nấng mình với cái nghề đó. Vì vậy, chúng ta hãy tôn trọng và hãnh diện vì điều đó”, Ngọc Nhã nhắn gửi cuối câu chuyện.
Quyền Minh không kịp nói lời xin lỗi đến người ba đã mất
Quyền Minh - học sinh lớp 7 tại trường THCS Hồng Bàng xúc động kể lại những ngày đầu tiên bước vào lớp 6. Trước khai giảng, giữa cô bé và cha đã xảy ra 1 cuộc cãi vã: “Mình đã rất giận cha và lỡ tay làm ông ấy buồn bằng cách đập cửa rất mạnh khi ông ấy đang nói”.
Sau hôm đó, Quyền Minh cố gắng đợi để gặp trực tiếp cha và nói lời xin lỗi nhưng chưa kịp thì trưa ngày hôm đó ông ấy đã nằm bất tỉnh dưới sàn nhà trong vòng tay của mẹ.
Ba Quyền Minh đã mất vì đột quỵ, khi ấy, cô bé chưa kịp nói lời xin lỗi đến ông. “Sau tất cả thì điều mình ghen tị nhất đó là các bạn có cha còn mình thì đã mất. Đó là lỗi của mình vì mình vẫn chưa xin lỗi cha một lần nào. Mình nghĩ, bây giờ đã quá muộn, mình không thể thay đổi được gì cả. Những ai còn ba, còn mẹ hãy yêu thương họ, giữ gìn những giây phút tốt đẹp nhất”, Quyền Minh chia sẻ.
Thúy Hằng và câu chuyện ba đi tù
Không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, Thúy Hằng, học sinh lớp 11 trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner phải sống ở làng trẻ mồ côi SOS vì mẹ mất, còn ba lại đi tù.
“Trước đây em cũng có cuộc sống bình thường, có ba, có mẹ, em trai và bà ngoại. Sau đó đến khi em học lớp ba thì gia đình xảy ra biến cố khiến ba đi tù còn mẹ thì mất. Lúc đó em hơi sợ nhưng hiện tại thì đã ổn hơn. Em sống với bà vài năm, lên lớp 6 thì cả hai chị em vào làng SOS
Qua chương trình em vẫn muốn nói với ba rằng dù có chuyện gì thì con vẫn tha thứ, bỏ qua hết mọi chuyện. Lúc này, mong ước lớn nhất của còn chỉ là cùng em trai đi thăm ba”, Thúy Hằng chia sẻ.
Học lớp 11, nhưng Thúy Hằng khiến nhiều người khâm phục bởi sự chín chắn, biết nghĩ. Cô bé sẵn sàng bỏ qua mọi sai lầm của ba vì dù sao, ông vẫn là người sinh thành ra mình. Quyền Minh cũng cho biết mình rất thương em trai vì cậu bé quá nhỏ để có thể hiểu được câu chuyện này.