Sao & Đời Sống

Những điều cần lưu ý khi cúng Rằm tháng Giêng

Dung Nguyễn
Chia sẻ

Rằm tháng Giêng là một ngày lễ quan trọng trong phong tục của người Việt Nam. Vì vậy, để nghi lễ cúng được diễn ra trọn vẹn, các gia đình nên lưu ý những điều dưới đây.

Rằm tháng Giêng (hay còn gọi Tết Nguyên tiêu) là ngày lễ lớn của người Việt Nam. Vào ngày này, người dân thường đi chùa, đồng thời làm lễ cúng Phật và gia tiên để cầu mong những điều tốt lành cho bản thân, gia đình.

Đây là ngày lễ quan trọng trong năm nên ông bà ta thường có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Vì vậy, để nghi lễ cúng được diễn ra trọn vẹn, các gia đình nên lưu ý những điều dưới đây.

Những điều cần lưu ý khi cúng Rằm tháng Giêng

Ngày, giờ cúng Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng được mọi người cúng vào ngày 14 hoặc 15 tháng Giêng. Giờ “chuẩn” để cúng Rằm tháng Giêng theo phong tục từ xưa của cha ông ta là vào giờ Ngọ, tức từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Đây được xem là thời khắc Thần Phật giáng thế.

Vào năm Canh Tý 2020, Rằm tháng Giêng rơi vào ngày 8/2 Dương lịch (tức ngày 15/1 Âm lịch).

Nghi lễ cúng rằm tháng Giêng

Khi dọn dẹp bàn thờ lưu ý không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin thần linh thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng Rằm tháng Giêng. Điều này theo phong tục dân gian lý giải để tránh động bàn thờ, tránh để thần linh quở, phạt.

Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, khi thắp hương nên lấy hương số lẻ. Bởi, theo quan niệm dân gian, số lẻ tượng trưng cho phần âm. Người dâng hương cũng cần ăn mặc áo quần chỉnh tề, không diện đồ hở hang hay luộm thuộm… Đặc biệt khi khấn vái cần thành tâm, thể hiện sự tôn trọng với các vị Phật và tổ tiên.

Đồ dùng để cúng lễ

Không dùng hoa giả: Nên mua hoa tươi để dâng bàn thờ, tuyệt đối không dùng hoa quả giả. Hoa thường được dùng trong ngày lễ này là hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng.

Theo quan niệm dân gian, đồ dùng để đựng các lễ cúng mặn như bát, đĩa, đũa, thìa… cần phải sử dụng những đồ mới, riêng biệt. Không nên sử dụng những đồ đã dùng chung, sẵn với các việc khác trong gia đình. Bởi, đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp.

Mâm cúng Rằm tháng Giêng gồm có những món gì?

Ngoài các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, một chút vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu… các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ mặn để cúng gia tiên. Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng không cần quá cầu kì, nhưng phải thế hiện được lòng thành, cầu cho gia trạch bình an khỏe mạnh, hướng tới những điều tốt đẹp, may mắn.

Nhiều gia đình có bàn thờ Phật còn sắm lễ cúng Phật. Đó là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả tươi. Tuy nhiên, tuyệt đối không được để chung đồ lễ mặn, chay, hoa quả trên bàn thờ, hoặc dùng lẫn lộn đồ cúng.

Không nên đốt quá nhiều vàng mã

Trọng tâm của lễ Rằm tháng Giêng là cầu nguyện cho một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Tuy nhiên, đạo Phật không bắt buộc phải đốt vàng mã cho người đã mất, không cổ súy việc đốt vàng mã, vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường.

Vậy nên, người dân đi lễ nên bằng tấm lòng thành kính, chứ không phải cố sắm mâm cao cỗ đầy hoặc đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí.

*Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!

Chia sẻ

Bài viết

Dung Nguyễn

Tin mới nhất