Sao & Đời Sống

Nghị lực phi thường của người phụ nữ không tay không chân

Chia sẻ

Từ khi sinh ra chị Thuận đã không có tay lẫn chân, thế nhưng những khó khăn của cuộc đời không làm người phụ nữ bé nhỏ ấy chùng bước.

1

Dưới cái nắng oi bức của thành phố Biên Hòa, người phụ nữ nhỏ nhắn với cọc vé số trên tay như lọt thỏm giữa dòng người hối hả.

Người đàn bà có thân hình nhỏ bé ấy là chị Huỳnh Thị Thuận (sinh năm 1977, quê ở tỉnh Khánh Hòa), rời quê lên TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) từ 7 năm nay, chị bán vé số ở khắp các ngõ ngách để mưu sinh.

Từ lúc sinh ra, chị Thuận đã không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Căn bệnh dị tật bẩm sinh khiến cả tay lẫn chân của chị đều co quắp lại, không phát triển. Khi thấy con mình sinh ra có cơ thể không giống như người bình thường, mẹ chị đã khóc rất nhiều. Cuộc sống của chị là chuỗi ngày đau đớn và ám ảnh khi phải nhận quá nhiều sự bất công của tạo hóa dành cho mình. Chị nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa được đến trường, được cầm bút mà lòng thắt nghẹn vì buồn tủi.

Không có tay, chân để có thể sinh hoạt như những người bình thường nên cơ hội đến trường của chị hoàn toàn tan biến. Để rồi hằng ngày, loanh quanh trong góc nhà chị và nỗi buồn cứ quấn lấy nhau. 

2

Chị Huỳnh Thị Thuận bị dị tật bẩm sinh khiến cơ thể phát triển không bình thường.

Quyết tâm không trở thành gánh nặng của gia đình, chị Thuận xin làm thuê ở nhiều nơi để kiếm sống. “Chọn nghề bán vé số dạo vì tôi thấy công việc này phù hợp với mình, vì nó không đòi hỏi kiến thức hay sự nhanh nhẹn. Tuy mỗi ngày đi bán thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp được phần nào kinh tế gia đình. Và trên hết, nó giúp tôi thấy mình có ích” - chị chia sẻ.

6

Chị Thuận đã làm công việc bán vé số từ khi còn là một cô gái.

Thấy chị siêng năng, sống lạc quan và vui vẻ - một người đàn ông cùng quê đã đem lòng yêu thương và ngỏ lời cùng chị. “Anh thương tôi vì tật nguyền nhưng vẫn vươn lên để sống, tôi cũng thương anh chân chất hiền lành”, chị Thuận cười nói.

Và 18 tuổi, ở cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, chị lấy chồng. Không màng đến những khiếm khuyết trên cơ thể, người đàn ông ấy đã đến cho chị những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Hai người sống với nhau được 10 năm và có với nhau một người con trai tên Thái Hùng.

Cuộc sống tưởng chừng đang mỉm cười với người phụ nữ đầy bất hạnh này…

Tuy nhiên, năm 2004, sau khi vừa sinh con, chồng chị không hiểu vì lý do gì đã bỏ gia đình ra đi. Chị tuyệt vọng đến mức đã từng nghĩ đến việc từ bỏ cuộc đời. Nhưng mỗi lần nhìn cậu con trai bụi bẫm cứ ôm chặt lấy mẹ, bao nhiêu dồn nén cứ đè lên đôi vai khiến chị bật khóc và nhắc mình phải cố gắng.

Những ngày sau đó, trong ý chí không cho phép mình bỏ cuộc, chị cố gắng sống cho đứa con trai bé bỏng - niềm hạnh phúc duy nhất của cuộc đời.

9

Sự tuyệt tình của người chồng, để lại cho chị biết bao nỗi buồn và gánh nặng. Nhưng cũng là sức mạnh để chị phấn đấu và vươn lên trong cuộc sống nhiều buồn tủi này.

Nhận thấy việc buôn bán ở quê nhà không kiếm đủ tiền để nuôi con, chị Thuận quyết định theo bạn vào miền Nam bán vé số dạo. Năm 2006, chị cùng một người bạn đến tỉnh Long An làm ăn, nhưng thu nhập cũng không mấy khả quan và thường xuyên bị lừa nên chị quyết định tìm vùng đất mới để làm lại từ đầu.

Tàn nhưng không phế

Năm 2008, chị chuyển vào TP Biên Hòa (Đồng Nai) để mưu sinh. Từ đó đến nay, nhiều người dân ở nơi đây cũng dần quen thuộc với hình ảnh của chị - người phụ nữ không tay chân ngồi bán vé số ở ngã tư đường.

4

Chị bắt đầu một cuộc mưu sinh mới tại mảnh đất Biên Hòa đã được 7 năm.

8

Thấy hoàn cảnh của chị khó khăn, nên mọi người thường xuyên mua ủng hộ.

Công việc hiện tại giúp chị có đủ tiền mỗi tháng gửi về quê cho mẹ nuôi con trai (11 tuổi) đang đi học. Tranh thủ những ngày tết, chị xếp vội mấy bộ quần áo cũ rồi bắt chuyến xe sớm nhất để về thăm con, thăm nhà.

Về những khó khăn trong công việc, chị nghẹn ngào tâm sự: “Sợ nhất là bị kẻ xấu giật vé số. Khi đó tôi chỉ biết khóc. Rồi lại phải tiếp tục cố gắng, tiếp tục sống. Đi vay tiền, vừa bán vừa trả nợ, rồi tiết kiệm để gửi về quê…”.

5

Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn mặc nhiều khó khăn, vì đứa con nhỏ và người mẹ già nơi quê nhà, chị không cho mình được gục ngã…

Như thường lệ, 6h sáng sẽ có chú Bình - chạy xe ôm đến chở chị đi bán, rồi 8h tối đón về. Có những ngày trời bão, người phụ nữ nhỏ nhắn vẫn dầm mình trong mưa để bán cho hết vé mới dám về. Trung bình chị bán được khoảng 300 tờ vé số, nếu may mắn.

13

Chú Bình chia sẻ: “Thấy hoàn cảnh cô ấy tội nghiệp nên anh em tụi tui cũng cố gắng giúp đỡ. Ngồi chờ khách, sẵn tiện coi ngó giùm, chứ không lại bị kẻ xấu lừa lấy vé số. Ờ bên siêu thị thấy ngồi ngoài nắng khổ quá nên người ta cũng đem cái dù qua cho cô ấy che nắng che mưa”.

Ngoài những hoạt động đơn giản như lau nhà, nấu cơm, rót nước… thì những sinh hoạt khó khăn như giặt đồ, ăn cơm…chị Thuận đều phải nhờ hàng xóm hay bạn bè giúp đỡ. Chị cho biết, những lúc trái gió trở trời cũng ráng đi bán, ra đường còn có người này người kia chứ nằm nhà có khi lại không có ai chăm sóc, những lúc như vậy lại càng cảm thấy tủi thân. 

16

Chị Thuận cặm cụi lau nhà.

17

18

Tuy tay chân không phát triển nhưng chị lại sử dụng rất thành thạo theo cách riêng của mình.

20.

Chiếc võng là nơi chị ngã lưng sau một ngày làm việc vất vả.

11.

Chị cười tươi tiễn chúng tôi ra về, nhưng trên gương mặt đã xạm đi vì nắng cháy, thoáng qua một nỗi buồn da diết, nỗi buồn của người phụ nữ đơn độc nơi đất khách quê người luôn đau đáu nhớ về gia đình.

Có những điều phi thường được tạo nên từ những điều rất đỗi bình thường. Chị chẳng phải là Nick Vujicic nổi tiếng thế giới với những bài diễn văn truyền động lực cho hàng vạn người. Chị chỉ là một người phụ nữ bán vé số bình thường mà chúng ta có thể gặp trên đường, thế nhưng nghị lực sống của người phụ nữ này sẽ là động lực cho hàng ngàn người ngoài kia đang còn phải loay hoay với những khó khăn của cuộc sống.

Chia sẻ
Tin mới nhất