Câu chuyện ga tàu Kami-Shirataki (Nhật Bản) mở cửa chỉ để phục vụ việc đến trường của một nữ sinh có thể xem là thông tin có sức lan tỏa và khiến nhiều người ngưỡng mộ nhất trong những ngày qua. Giữa hằng hà những tin tức tiêu cực tràn ngập các mặt báo và mạng xã hội, câu chuyện nhân văn này đã trở thành một điểm sáng, thắp lên niềm tin về tình người trong cuộc sống.
Qua câu chuyện mang ý nghĩa đặc biệt ấy, nước Nhật một lần nữa lại được cư dân toàn thế giới, trong đó có Việt Nam tôn vinh như một thiên đường sống lý tưởng. Vô số lời khen ngợi và cảm phục đã được mọi người ưu ái dàng tặng cho hành động quan tâm chu đáo của chính phủ “xứ sở hoa anh đào” đối với cuộc sống của người dân vùng nông thôn cũng như chuyện học tập của thế hệ trẻ.
Nhưng có lẽ sự tán dương của người dân Việt Nam dành cho câu chuyện trên cũng có phần chủ quan, thiên vị. Bởi đất nước chúng ta cũng từng có những trường hợp tương tự, thậm chí là “ấn tượng” hơn nhiều. Điển hình như ký túc xá tập trung được tỉnh Lâm Đồng đầu tư xây dựng hơn 220 tỷ đồng cho một sinh viên ở, khu nhà ở sinh viên trị giá 81 tỷ đồng ở tỉnh Bạc Liêu chỉ dùng cho 10 sinh viên hay chiếc cầu treo 3,5 tỷ tại tỉnh Hà Tĩnh được xây chỉ để phục vụ 2 hộ dân….
Nằm trong Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Hà Tĩnh đã xây một chiếc cầu treo dân sinh có vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng bắc qua Khe Tây tại xóm 6, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang vào giữa tháng 6/2015.
Tuy nhiên, từ khi cây cầu này được đưa vào sử dụng, người dân địa phương đã bàn tán xôn xao rằng cầu chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của mỗi hai hộ dân bên kia Khe Tây. Trong khi đó, cây cầu cũ cách đấy không xa vẫn còn rất kiên cố và đang được người dân sử dụng hàng ngày. Nhưng đáng chú ý hơn cả là việc chiếc cầu treo này hướng thẳng vào ngõ… nhà ông Nguyễn Khắc Hội - Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ.
Một dự án khác mang tính “nhân văn” không kém là ký túc xá tập trung của thành phố Đà Lạt. Được phê duyệt tổng đầu tư hơn 1.081 tỷ đồng nhưng đến thời điểm dừng thi công, dự án chỉ mới xây dựng được hai khối nhà với tổng mức quyết toán hơn 232 tỷ đồng. Thông tin từ ban quản lý ký túc xá, mỗi năm tỉnh Lâm Đồng còn phải chi 310 triệu đồng để vận hành ký túc xá. Nhưng năm học 2014-2015, chỉ có một sinh viên đăng ký ở. Năm nay - 2016, số lượng sinh viên đăng ký ở cũng cải thiện đáng kể với… 120 em trong khi sức chứa của ký túc xá lên đến 2.000 sinh viên.
Nguyên nhân của việc sinh viên không mặn mà với dự án này dù giá phòng rất thấp, trung bình chỉ 40.000 đồng/người/tháng được cho là do ký túc xá nằm xa các trường đại học, cao đẳng lớn tại TP Đà Lạt. Điểm gần nhất là Đại học Yersin Đà Lạt đã cách khoảng 3 km. Còn điểm xa nhất là trường Cao đẳng Nghề - Du lịch Đà Lạt cũng lên đến 10km. Ngoài ra, đường chính dẫn đến ký túc xá là đường đất đỏ, đầy “ổ voi, ổ gà”, nắng thì bụi bay mịt mù, mưa thì bùn đất lầy lội.
Tương tự trường hợp của ký túc xá tập trung ở Đà Lạt, khu nhà ở sinh viên của tỉnh Bạc Liêu dù được đầu tư xây dựng với số vốn “khủng” 260 tỷ đồng vẫn “ế chỏng vó”. Theo thiết kế ban đầu, dự án sẽ gồm 5 tòa nhà 5 tầng với sức chứa hàng nghìn sinh viên. Tháng 7, hai tòa nhà với 150 phòng, đáp ứng chỗ ở cho 1.200 sinh viên, tổng quyết toán 81 tỷ đồng đã hoàn thành.
Tuy nhiên, sau 4 tháng đưa vào sử dụng, khu nhà chỉ nhận được đơn đăng ký ở của 10 sinh viên dù giá thuê rẻ hơn bên ngoài (khoảng 100.000 đồng/tháng). Nguyên nhân được “mổ xẻ” cũng là do nơi đây cách khá xa Đại học Bạc Liêu và Cao đẳng Y tế Bạc Liêu (khoảng 4 km).
Nếu xét ba trường hợp kể trên và có thể còn rất nhiều những câu chuyện tương tự khác ở đâu đó trên đất nước này mà chúng ta chưa phát hiện được thì tính ra, Nhật Bản vẫn còn “kém xa” Việt Nam. Việc xây một ký túc xá hơn 200 tỷ cho một sinh viên, một khu nhà ở sinh viên 81 tỷ cho 10 sinh viên, một chiếc cầu treo cho hai hộ dân… chẳng phải “ấn tượng” hơn rất nhiều so với việc mở cửa một nhà ga cũ kỹ ở ngoại ô cho một nữ sinh đi học sao? Ấy thế mà chẳng thấy cộng đồng mạng Việt tung hê, khen ngợi. Ngẫm cũng lạ thật!
Nhà ga Kami-Shirataki nằm ở thị trấn Engaru, phía bắc đảo Hokkaido đã được Hiệp hội đường sắt Nhật Bản giải quyết ngoại lệ để mở cửa phục vụ duy nhất một nữ sinh cho đến khi em tốt nghiệp. Tuy nhiên, một nguồn tin khác sau đó lại cho rằng câu chuyện đầy tính nhân văn và cảm động này có thể đã bị phóng đại lên đôi chút. Sự thật là gần nơi cô bé này ở có đến 4 ga tàu hỏa và không chỉ có một mình em đón tàu đi học mà còn có khoảng 10 bạn học khác nữa. Đến nay vẫn chưa rõ đâu là thông tin chính xác về sự việc trên nhưng ít ra câu chuyện về em nữ sinh và ga tàu này đã để lại cảm xúc đẹp và gieo niềm tin về một xã hội giàu tính nhân văn trong lòng nhiều người chúng ta. |