“Mình biết cuộc đời vốn không như mơ nhưng có lẽ mình đã nằm mơ thấy ác mộng trong suốt hơn 20 năm qua để rồi khi tỉnh dậy vẫn thấy khó mà tin được những gì đã trải qua…“. Đó là tâm sự của cô gái trẻ Cao Thị Lan (1997, quê ở Nghệ An) khi kể về hành trình lột xác của mình từ “khỉ đột” trở thành cô gái tự tin với diện mạo xinh đẹp như hiện nay.
Tuổi thơ không biết mặt bố và phải vào làng trẻ em SOS
Lan sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo khó ở Nghệ An. Nhà Lan có ba người là mẹ, một cậu em trai và cô. Mẹ Lan bị tâm thần, câm điếc và không làm được việc gì ngoài những tiếng ú ớ, chân tay quơ qua lại để có thể giao tiếp với người xung quanh. Còn về phần bố, Lan và em trai đều chưa từng một lần được nghe kể, huống chi việc được nhìn thấy bố. Bởi vậy, từ nhỏ, Lan đã bị bạn bè trêu chọc là đồ con hoang.
“Mình rất ghen tị khi nhìn thấy bạn bè có bố mẹ bình thường. Mặc dù mẹ như vậy nhưng mình càng thương mẹ, thương em nhiều hơn“- Lan nói.
Năm lên 6 tuổi, Lan và em trai phải vào làng trẻ em SOS Vinh vì nhà không còn đủ tiền để nuôi hai chị em. Lúc này, cuộc sống của Lan như bước sang một trang mới. Ngôi nhà chung đầy đủ tiện nghi chứ không ọp ẹp phải lo mỗi lúc mưa nắng như xưa và đặc biệt, hai chị em được ăn đủ no mỗi bữa. Mọi đứa trẻ có xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng khi vào đây, ai cũng như ai, chỉ còn lại tiếng cười, tình cảm thân thiết như chị em trong nhà.
Lan mừng vì không còn cái mác “đồ con hoang” nhưng niềm vui chưa bao lâu thì biệt danh “Lan khỉ đột” hay “đồ ăn đu đủ không cần thìa” xuất hiện. Càng lớn, khuyết điểm trên gương mặt của Lan càng rõ nét, hàm răng nhô ra được bạn bè vịn vào để lôi cô ra thành trò đùa. Có lẽ lũ trẻ chưa hiểu hết được những trò đùa tưởng chừng vô hại lại khoét sâu vào tâm hồn của Lan.
“Bạn bè gọi mình là đồ răng hô, đồ xấu xí nhưng quá đáng nhất là gọi Lan khỉ đột. Mình cảm thấy tủi thân vô cùng, cảm giác bị xúc phạm mà chẳng làm được gì vì đúng là ngoại hình mình không đẹp!”- Lan nghẹn ngào nói.
Cứ như vậy trong suốt 13 năm, Lan sống khép mình với thế giới, cô chỉ được là chính mình khi gặp em trai hay vài ba lần trở về nhà thăm mẹ!
Từng muốn tự tử vì không ai chịu thuê làm việc
Năm 18 tuổi, Lan trở thành cô sinh viên Đại học kinh tế Nghệ An. Được đến môi trường mới, Lan nghĩ sẽ không còn ai miệt thị mình nhưng đâu ngờ, cuộc đời này lắm nghiệt ngã!
Vừa bước chân vào đại học, Lan nhanh chóng tìm việc làm thêm để tự nuôi bản thân cũng như gửi tiền về cho mẹ. Tuy nhiên, Lan đến cửa hàng hay công ty nào cũng bị từ chối vì ngoại hình không đạt yêu cầu. Dù buồn nhưng Lan vẫn quyết tâm và tự động viên bản thân rằng chắc chắn sẽ có công việc phù hợp với năng lực chứ không dựa vào bề ngoài.
Một lần đến xin việc làm tại cửa hàng bán đồ ăn, không những bị từ chối mà vị chủ quán còn nói thẳng trước mặt cô: “Xấu như thế này thì có mà đuổi khách hàng à?”. Câu nói tưởng chừng có thể quen trong bao năm qua nay lại khiến cô tổn thương đến thế. Lan chạy về phòng và muốn tự tử để chấm dứt chuỗi ngày khổ cực. Nhưng thoáng nhớ hình ảnh người mẹ bệnh ở nhà, đứa em trai còn nhỏ, Lan mềm lòng, lại lau khô nước mắt mà đứng dậy sống tiếp.
Lan xúc động nói: “Đó không phải lần đầu mình nghĩ về cái chết. Mình từng muốn tự tử khi bị trêu là con hoang không có bố hay những khi nhìn bạn bè có cuộc sống vui vẻ. Đôi khi mình cũng chỉ mong có một cuộc sống như bao người, một vẻ ngoài bình thường và một gia đình bình thường!”
Lan mong ước được thay đổi diện mạo nhưng ước mơ mãi chỉ là ước mơ vì tiền cô đâu có đủ. May sao, một trung tâm làm đẹp đã giúp Lan được toại nguyện. Khuôn mặt của Lan được can thiệp cắt mí plasma, nâng mũi cấu trúc 4D, chỉnh hàm hô, trượt cằm và cấy mỡ nanofat.
Ước mơ giờ chỉ là một căn nhà mới cho người mẹ câm điếc
Để có diện mạo mới, cô gái trẻ phải trải qua 5 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, 18 giờ trên bàn mổ và 4 tháng hậu phẫu. Khoảng thời gian tưởng ngắn mà dài lê thê khi bên cạnh Lan không có người nhà ở bên. Trong tất cả những cuộc phẫu thuật diễn ra, phẫu thuật hàm khiến cô gái 9X đau đớn, việc ăn uống diễn ra cũng rất khó khăn.
Có những khi nằm trên giường bệnh, Lan trằn trọc và ngờ vực liệu cuộc sống có thay đổi tốt hơn không và những cơn đau cô đang chịu đựng có xứng đáng. Nước mắt ướt đẫm góc gối, Lan lôi tấm ảnh của mẹ ra để lấy thêm động lực.
“Một khoảng thời gian không về nên mình rất nhớ mẹ. Ngồi trên ô tô, mình háo hức tưởng tưởng ra cảnh mẹ bất ngờ và vui sướng thế nào khi thấy mình trong diện mạo xinh đẹp!”.
Những tưởng điều đó sẽ xảy ra, nhưng không, mẹ Lan đã không nhận cô con gái của mình. Bà bất ngờ đến hoảng loạn mỗi khi Lan tiến lại gần. Cô càng cố giải thích thì bà càng cố gắng đẩy Lan ra xa. Cô mang cả chứng minh thư và viết tên lên giấy cho mẹ xem nhưng bà vẫn lắc đầu ú ớ rồi xé nát tờ giấy trên tay để phủ nhận sự hiện diện của con gái.
Khi Lan chạy đi, mẹ cô bất ngờ chạy kéo cô lại rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau mà khóc. Có lẽ sợi dây tình cảm giữa mẹ và con đã giúp bà nhận ra người con gái của mình.
Nếu trước đây, Lan ghét phải soi gương thì giờ đây, cô làm việc đó mỗi ngày. Lan hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy mình trong gương phản chiếu: một Lan xinh đẹp và tràn đầy sức sống. Gia đình Lan dường như không còn hiu quạnh, u ám như trước mà thay vào đó là tiếng cười và hy vọng!
Từ ngày “lột xác”, cuộc sống của Lan có những chuyển biến tích cực. Cô tự tin để kết bạn và tìm được công việc làm thêm. Có lần Lan trên xe ô tô xuống Hà Nội, nhiều người nhận ra cô - người con gái với nghị lực sống xuất hiện trên tivi, điều này khiến Lan vui sướng.
“Trước đây, ít người chủ động nói chuyện làm quen với mình lắm. Bây giờ thì khác rồi, mình có nhiều bạn bè hơn và họ cũng rất tin yêu mình!“- Lan cười tươi.
Diện mạo đã được thay đổi, ước mơ của cô gái xứ Nghệ bây giờ là hoàn thành việc học và kiếm một công việc bình thường để xây được một ngôi nhà nhỏ cho mẹ và em trai. Còn chuyện tìm một người để đồng hành, Lan chia sẻ có lẽ cô chưa đủ sẵn sàng cũng chưa hề nghĩ tới.
Gửi một lời nhắn tới những cô gái không may mắn có ngoại hình kém xinh, Lan nói: “Mình nghĩ những bạn chẳng may xấu xí thì đừng bao giờ nghĩ tiêu cực vì chỉ cần hy vọng, cơ hội sẽ đến với bản thân”.