Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Dân mạng vạch trần trò 'câu like' bịa chuyện thôi miên, bắt cóc trẻ em

Cô gái trẻ sau khi đưa ra hàng loạt hình ảnh và thông tin về người phụ nữ bắt cóc trẻ em, dùng bùa thôi miên đã bị cư dân mạng "vạch mặt" vì hành vi bịa chuyện để "câu like".

Những ngày gần đây, trên một số trang cá nhân có đưa ra thông tin về một nhóm phụ nữ chuyên đi bắt cóc và thôi miên người khác gây xôn xao dư luận.

Trên Facebook của N.N, cô nàng này chia sẻ: “Các bạn đề phòng nha. Mấy bà này hôm nay đã đi tới quận 4 rồi nha. Lúc nào đi 1 lúc 3 người chung với nhau, vừa giật 1 em bé trên tay mẹ đang bế chạy, nhưng nhờ có người la nên bắt lại. Cẩn thận vẫn tốt hơn, nãy mình mới thấy, mốt kêu công an bắt…”.
 
Thoi-mien

Chia sẻ của facebook N.N về người phụ nữ chuyên đi bắt cóc trẻ em.

Cùng với lời cảnh báo trên, chủ nhân đoạn status này đã đưa ra hình ảnh một người phụ nữ trong trang phục váy xanh, áo đỏ, đội mũ rộng vành trắng và trên tay có cầm theo một túi xách rất to.

Cũng với hình ảnh người phụ nữ tương tự nhưng ở một Facebook cá nhân khác lại đưa ra lời cảnh báo hoàn toàn khác biệt như sau: “Mọi người ơi căn dặn người nhà nếu thấy mấy bà như thế này thì đừng bao giờ tiếp chuyện nha… sẽ bị thôi miên không biết gì đó, lúc đó có gì thì đưa hết cho mấy bà thì thua”.
 
Một status với lời cảnh báo khác nhưng hình ảnh lại tương tự?

Một status với lời cảnh báo khác nhưng hình ảnh lại tương tự?

Ngay sau khi chia sẻ, nội dung status trên đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Trong khi có một số người tỏ ra hoang mang và cố gắng hỏi thêm thông tin để biết đường né tránh thì đa số thẳng thắn lên tiếng về sự vô lý của những dòng chia sẻ trên.

“Cùng là một hình ảnh, thế mà người thì bảo thôi miên, người thì lại bảo bắt cóc trẻ em. Nhìn cái hình đầu tiên thấy vô lý quá, đi bắt cóc mà đứng ngang nhiên giữa đường vậy, nhìn hình dáng cũng chẳng có gì là hốt hoảng. Toàn câu like, bịa đặt, bôi xấu không có căn cứ”, một người lên tiếng bình luận.

“Điển hình cho kiểu share thất đức. Đây là những người phụ nữ Chăm nghèo ở Ninh Thuận đi bán lá thuốc cổ truyền của họ để có tiền nuôi gia đình. Những người này mình đã tiếp xúc nhiều do nhà có mua thuốc trị đau lưng, họ nói chuyện rất hiền lành, bán lá thuốc cũng rẻ, không lừa gạt ai hết. Họ ăn mặc lạ lùng là do truyền thống, tôn giáo của họ như vậy. Mà mấy người thấy họ khác người rồi hết tung tin họ thôi miên cướp của, bây giờ lại tung tin là bắt cóc trẻ em. Mấy cô này toàn đi bộ, mặc cái váy dài tới mắt cá chạy 3 bước là té thì cướp của ai? Lại còn bịa ra chuyện giật con người khác rồi bị bắt lại. Chỉ là vài phụ nữ đi bộ, xách theo cái túi to đùng, giật rồi cất đi đâu? Chạy đường nào? Mong mọi người dẹp tan những tin đồn vớ vẩn và ngăn chặn kiểu câu like thất đức của mấy chị bán mỹ phẩm này, sẵn sàng tung tin thất thiệt có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng người khác”, một người khác bức xúc lên tiếng.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, sự việc những người phụ nữ này đi bán thuốc đã có từ khá lâu, vào khoảng tháng 6/2015 và đã được lực lượng chức năng khẳng định rằng những thông tin làm bùa mê hay đi bắt cóc trẻ em chỉ là bịa đặt, hoàn toàn không đúng sự thật.

Hình ảnh một người phụ nữ Chăm đang đi bán thuốc.

Hình ảnh một người phụ nữ Chăm đang đi bán thuốc.

Ngày 10/6/2015, trước việc nhiều người dân hoang mang trước tin đồn những người phụ nữ ăn mặc lạ lùng có hành vi sai trái, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thượng tá Nguyễn Tấn Vũ, Trưởng Công an TP Đà Lạt, khẳng định: “Ngay sau khi có thông tin phản ánh, Công an TP Đà Lạt đã họp bàn và có văn bản chỉ đạo đến các công an phường, xã tiến hành điều tra, làm rõ thông tin. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa phát hiện hay có ai đến trình báo là nạn nhân của nhóm người này”.

Theo thượng tá Vũ, xác minh ban đầu từ cơ quan điều tra cho thấy nhóm phụ nữ này là người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, đi bán dạo thuốc nam, rễ cây đinh lăng với giá khoảng 30.000 đồng/thang. Ngoài việc bán thuốc, họ còn mời người mua xem chỉ tay, bói tướng số. “Do những loại thuốc này không rõ nguồn gốc nên người dân cần thận trọng. Đặc biệt, không nên chia sẻ những thông tin trên cộng đồng mạng, tạo dư luận xấu, gây hoang mang cho xã hội” - ông Vũ khuyến cáo.

Như vậy có thể khẳng định rằng thông tin mà chủ nhân 2 facebook trên đưa ra là hoàn toàn sai sự thật. Rất may trong trường hợp này, cư dân mạng đã không bị đánh lừa bởi những chiêu trò “câu like” gây hoang mang dư luận chỉ vì những mục đích của cá nhân.
 
Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?