Chuyện cô gái Việt làm dâu Ấn và hành trình 5 năm chữa hiếm muộn tìm con

Tình yêu là một phép màu. Bởi nhờ đó, mà chị Mỹ Ân (TP.HCM) có thể vượt qua mọi khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ… để yêu và lấy một chàng trai Ấn Độ. Và cũng là tình yêu, chị và chồng mới đi qua được hành trình 5 năm chữa hiếm muộn và chào đón sự ra đời của 'thiên thần nhỏ' mang tên Krishna.

Bài viết Khải Anh
Chia sẻ

Năm 2009, cô sinh viên năm 2 ngành tiếng Anh có con tim tan nát đang thất tình thì nhận được lời mời kết bạn từ một “thằng cha” tên là Fernando. Chà, thất tình thì thất tình nhưng biết đâu là duyên, là tình, cô nghĩ thầm. Anh cũng bắt đầu “thả thính”, thường xuyên gọi cô là “sweet heart, honey, beautiful”, nghe sến nhưng cũng thật là … đáng yêu.

Rồi chàng trai Ấn Độ 20 tuổi cũng bắt đầu yêu cô gái Việt Nam 19 tuổi. Tình yêu online ấy được “chắp cánh” bởi Yahoo, Gmail… “Love to be loved/ Yêu đi rồi sẽ được yêu lại”. Anh cuối cùng yêu cô nhiều hơn cả bản thân mình. Câu chuyện ngọt ngào cũng từ đó mà bắt đầu. 

Đó là những kí ức được gói ghém đẹp đẽ như một cuộn phim của chị Mỹ Ân. Chuyện tình giữa chàng trai Ấn Độ và cô gái Việt Nam đã được viết nên bởi những điều giản đơn, mộc mạc nhưng đầy chân thành. Và Ấn Độ, qua lăng kính của nàng dâu Việt cũng thật rực rỡ, muôn màu và đậm đà bản sắc văn hóa.

Chào chị Ân, cuộc sống của nàng dâu Ấn chắc hẳn có rất nhiều điều đặc biệt?

Tụi mình đã có 5 năm hẹn hò online, tình yêu của mình lớn theo sự phát triển công nghệ thông tin. Hiện tại, mình là giáo viên Anh Văn. Cả gia đình mình hiện sống tại Việt Nam, mỗi năm về Ấn Độ 1 đến 2 lần.

Vì mình là sinh viên ngoại ngữ nên không có gặp khó khăn khi giao tiếp tiếng Anh với chồng nhưng đa số người Ấn vẫn thích dùng tiếng mẹ đẻ như Hindi, Tamil. Vì thế, giao tiếp với cha mẹ hay anh chị em nhà chồng còn là  điều khó khăn do mọi người chỉ nói tiếng Ấn. 

Đến giờ, mình vẫn đang tìm hiểu thêm nhiều điều mới vì mỗi địa phương, mỗi tôn giáo sẽ có những điều khác nhau, nên để hòa nhập được thì phải yêu cái hay cái đẹp của Ấn Độ. Chồng mình là người hướng ngoại nên không theo sự sắp xếp hôn nhân. Khi người con dâu Ấn Độ thể hiện sự tôn trọng văn hóa thì nhà chồng rất vui vẻ, hài lòng và yêu quý.

Đám cưới của chị tại Ấn Độ chắc hẳn đã có rất nhiều điều đáng nhớ?
Đám cưới của mình được tổ chức 3 ngày 3 đêm. Bà con dòng họ đều đến chúc mừng, phụ đám cưới rất đông. Mình còn nhớ là phải dựng lều ngoài nhà cho cánh đàn ông ngủ ngoài đó, phụ nữ ở trong nhà. 

Vài cô đã dắt mình đi mua sắm, các bác lớn thì sẽ ủng hộ thêm hiện kim cho ba mẹ chồng tổ chức đám cưới, giúp các nghi lễ trong nhà trọn vẹn, đặc biệt nấu nướng cho đại gia đình. Không khí ấy ấm cúng như ở Việt Nam. Hàng xóm láng giềng thân thì qua chơi để hai bên tìm hiểu nhau. Mình không thấy cô đơn vì chỉ có mình và mẹ ruột trong ngày cưới. Hiện tại, mình vẫn đang học tiếng Hindi.

Trải nghiệm văn hóa Ấn Độ của chị như thế nào?

Rất đặc biệt! Mỗi khi có lễ thì hàng xóm hay tụ nấu nướng, các em nhỏ có đi xin quyên góp từng nhà. Sáng sớm, cả khu phố sẽ mở nhạc thần linh, mọi người sum vầy phụ nhau nấu rồi cúng bái, rồi sau đó phát đồ ăn từ thiện ở ngoài đường, ai đến lấy cũng được. Điều đặc biệt của Ấn là họ làm từ thiện bằng thức ăn, hiếm khi cho tiền.
Người dân Ấn hành hương để thể hiện sự thành kính. Một lần, mình đi tới đền nữ thần lớn nhất Bắc Ấn có tên là Vaishno Devi trong khu vực Jammu và Kashmir. Đây cũng là nơi trồng Saffron nổi tiếng, mọi người đổ đến đây khá đông. Khi đã đến được chân núi thì cả nhà mình và họ thành tâm đi bộ lên đỉnh của ngôi đền. 
Để đến được đền, mọi người phải đi qua khu vực được mệnh danh là 1 trong 6 đường hành hương cực nhất. Gia đình mình vừa đi vừa nghỉ. Có lúc mình và mẹ chồng đi nổi nữa do đi từ sáng tới chiều nên phải mướn ngựa đi xuống. Mình đến được chân đồi trước khi về khách sạn là 1 giờ đêm. Mình rất nể người Ấn hành hương, điều đó cho thấy sức mạnh tâm linh và lòng thành kính của họ lớn như thế nào.

Hành trình chữa hiếm muộn của hai vợ chồng ngập tràn vui buồn, nước mắt lẫn nụ cười. Chị đã trải qua giai đoạn ấy như thế nào?
Mình nghĩ duyên con cái là có thật. Trong 5 năm, vợ chồng mình rất mong con nhưng dù chữa trị, dùng đủ mọi phương pháp thì kết quả vẫn là con số 0. Gia đình 2 bên cũng thương lắm cho nên không ép bao giờ. Mình chỉ biết là tình thương của mọi người, cộng với sự thay đổi về sức khỏe, kết hợp với uống thảo dược trong Y học cổ truyền Ấn thì sau đó, em bé đã xuất hiện. 

Cảm xúc của anh chị khi biết sự xuất hiện của “thiên thần nhỏ”?

Thời điểm đó là sau chuyến đi đền Nữ Thần năm 2019. Lúc biết tin có em bé mình xúc động quá chạy đi khoe tùm lùm với mọi người trong nhà. Ông chồng mình rơm rớm nước mắt rồi mít ướt như một đứa trẻ luôn. Đó là những giọt nước mắt sau bao mong chờ, thổn thức, nghẹn ngào trong suốt 5 năm mong con. 
 

Bận rộn với công việc đi dạy, trở thành “mẹ bỉm sữa” nhưng chị vẫn dành thời gian để thực hiện các video ngắn về văn hóa Ấn. Chị đã có niềm cảm hứng này từ đâu?

Mình rất mong có thể giúp mọi người biết thêm được những nét hay, điểm thú vị trong văn hóa, con người, thiên nhiên tại Ấn... Bên cạnh đó, mình cũng muốn giải đáp những tục lệ cũng đang bị hiểu lầm như: ăn bốc bằng tay rất bẩn, nước Ấn nghèo lắm, người phụ nữ không có quyền...

Điều bất ngờ là mình đã nhận được rất nhiều sự yêu thích, còn có cả “fan” nữa (cười). Có những video mình quay rất lâu do mình muốn truyền tải hết ý nghĩa, cũng có những video làm nhanh theo idea. Có cái clip mình nói tiếng Hindi mọi người vào khen quá chừng.

Theo chị, bí quyết gìn giữ hạnh phúc là gì?

Đối với mình, tình yêu là một điều diệu kì. Mình sẽ cần nhiều thời gian để cảm nhận hơn nữa xong mới dám nói đến bí quyết được. Nhưng theo mình, để có hôn nhân hạnh phúc là cần sự chia sẻ, cảm thông. Lấy chồng người nước ngoài thì càng phải hiểu được văn hóa và biết lắng nghe thì mới cân bằng hôn nhân được. 

Nhìn lại hành trình đã trải qua, chị cảm thấy biết ơn và trân trọng những gì?

Mình muốn tôn vinh 2 người phụ nữ đó chính bà nội người Ấn và bà ngoại người Việt của con trai mình, Krishna. Cả hai đều rất thương chồng, thương con cháu rất nhiều. Mình sinh trưởng trong gia đình truyền thống: bố đi làm, con ở nhà với mẹ. Mẹ là người lo lắng cho từ chén cơm, manh áo cho mình.
Khi qua Ấn thăm gia đình chồng, mình thấy hình ảnh mẹ mình trong đó. Có người hay bảo phụ nữ Ấn bị thiệt thòi do chồng gia trưởng, nhưng mình thì thấy các bà mẹ càng lớn tuổi thì càng có tiếng nói và được tôn trọng trong gia đình. Mẹ cũng rất kính trọng những người lớn tuổi hơn, cư xử nhẹ nhàng nên lại càng được mọi người yêu mến.
Mình biết ơn các bà mẹ đã dành cho con cháu tình cảm thật vĩ đại, lớn lao. Bà ngoại luôn bế ẵm, chăm nom từng miếng ăn, từng ngụm nước cho Krishna khi mẹ bận rộn. Bà nội ở Ấn mỗi ngày đều gọi, dù chỉ nhìn cháu 1 lát quá online thôi, sự hạnh phúc vẫn ánh lên trong mắt bà, lấp lánh. 




 

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Tú Nguyễn

Chia sẻ