Tối ngày 16/1, một fanpage dành riêng cho những người đang sinh sống, học tập và làm việc tại quận Gò Vấp (TP HCM) đã chia sẻ câu chuyện với nhan đề “Chú bảo vệ tử tế”. Bài viết thuật lại việc chú bảo vệ của một cửa hàng tiện lợi trên đường Thống Nhất tận tình giúp đỡ một phụ nữ qua đường đi cùng con nhỏ khi xe cô bị hết xăng. Sau khi đăng tải, câu chuyện tử tế trên nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, đặc biệt là người Gò Vấp.
Để tìm hiểu về nhân vật “chú bảo vệ tử tế” gây sốt trong câu chuyện trên, phóng viên SaoStar đã đến cửa hàng nơi người đàn ông tốt bụng này đang làm việc. Chú tên thật là Nguyễn Văn Dung (1960), quê Bình Thuận và hiện đang sinh sống ở khu vực giáo xứ Bắc Dũng cũng nằm trên đường Thống Nhất.
Chú Dung bắt đầu công việc trên từ tháng 8/2015, sau khi ngừng làm bốc vác tại một kho đá do lớn tuổi, sức khỏe yếu. Những khách hàng thường xuyên lui tới cửa hàng sẽ không mấy ngạc nhiên khi nghe chuyện chú giúp đỡ người khác bởi chính họ cũng từng rất ấn tượng với cách sống tình cảm, chu đáo của người đàn ông có vẻ ngoài hiền lành, phúc hậu này.
Chia sẻ về cảm xúc khi “bỗng dưng nổi tiếng”, chú Dung khiêm tốn cho biết: “Tôi thấy chuyện vừa qua cũng… bình thường. Ai giúp được thì tôi giúp thôi. Nhưng tôi cũng sàng lọc kỹ, chỉ giúp những người thực sự đáng giúp. Ví dụ một cậu choai choai lái xe đi chơi hết xăng thì tôi sẽ không giúp nhưng một thanh niên đang trên đường vội đi làm mà hết xăng thì tôi sẽ giúp. Từ lúc làm ở đây đến giờ, nhớ không nhầm thì tôi đã rút xăng cho khoảng 7, 8 người rồi”.
Mặc dù thu nhập bảo vệ mỗi tháng không được bao nhiêu (khoảng 5 triệu/tháng) nhưng khi giúp người, chú ít khi nào màng đến chuyện tiền bạc.
“Chú bảo vệ tử tế” kể lại: “Chuyện vừa rồi cũng chưa phải là gì. Khi còn làm bảo vệ tại bệnh viện Ung bướu 4 năm trước, tôi từng cho người ta hết 800 nghìn trong khi chỉ có 1,8 triệu tiền lương vừa lãnh. Lúc đi trực vòng vòng trong bệnh viện, thấy một chị bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối tội quá nên tôi cho 500 nghìn. Người khác thấy vậy đi theo xin, tôi lại cho tiếp 200 nghìn. Đến khi xuống bãi xe ra về, một người nữa lại xin, tôi cũng bấm bụng cho nốt 100 nghìn còn lại. Bình thường, mỗi tháng tôi phải đưa vợ 1,5 triệu nhưng hôm đó chỉ còn 1 triệu nên tôi bị bà ấy cằn nhằn suốt mấy ngày liền”.
Người đàn ông nhân ái này chia sẻ: “Mẹ tôi kể rằng khi mang bầu tôi, bà đã cầu nguyện cho tôi trở thành người tốt, biết giúp đỡ mọi người. Nên khi lớn lên, tôi tâm niệm nếu có thể giúp được ai trong khả năng của mình thì phải làm cho bằng được. Tôi luôn xem việc giúp người là sứ mệnh trong cuộc đời này”.
Mặc dù hay giúp đỡ mọi người nhưng cuộc sống ở tuổi xế chiều của “chú bảo vệ tử tế” lại không được trọn vẹn. Hiện nay, chú đang ở nhờ trong ngôi nhà của… vợ mình. Trước đây, hai người thương nhau, về ra mắt gia đình hai bên rồi sống chung như vợ chồng mà không làm hôn thú. Vì hoàn cảnh nghèo khó, chú phải ở rể.
Hai người đã có với nhau hai đứa con trai (năm nay đã 28 và 26 tuổi). Nhưng do công việc và thu nhập của chú không ổn định, thêm nhiều lý do khác, vợ chồng chú dần không còn thuận thảo như xưa. “Có lẽ, giờ đây tôi đã trở thành người dư thừa trong mắt vợ. Tôi lỡ đi trên gác mạnh chân hay đóng cửa mạnh tay cũng bị bà ấy quát mắng”, người bảo vệ với mái tóc hoa râm kể lại trong nước mắt lưng tròng.
Người bảo vệ già trải lòng: “Mọi niềm vui của tôi dường như đã tắt hẳn từ lâu rồi. Tôi giờ chỉ sống cho qua ngày, chứ không còn biết làm gì hơn. Có lẽ, mỗi khi giúp đỡ được ai đó chính là khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi và hiếm hoi của tôi trong những ngày còn lại trên cuộc đời này”.