Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Chàng trai tật nguyền bị bố và dì ghẻ bạo hành: 'Con vật bị đánh nó còn biết chạy…'

Vén áo lộ mảng xương bả vai gầy gò, Hà nói trong nước mắt: “Em từng bị mẹ kế kéo gãy xương. Đây chỉ là một trong những trận đòn đau mà em phải chịu đựng suốt bao nhiêu năm trời”.

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội xôn xao một clip kêu cứu dài hơn 17 phút của một chàng trai khuyết tật (ở Quỳ Hợp, Nghệ An). Thậm chí, chàng trai này đã chấp nhận đau đớn, rạch tay thấm máu trong 10 lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng, với mong muốn có thể đòi công bằng cho mẹ và bản thân. Clip đã khiến cộng đồng mạng xúc động mạnh cũng như cảm giác đau xót, phẫn nộ cho cuộc đời bất hạnh của mẹ con chàng trai. Chỉ trong thời gian ngắn, clip đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ cũng như bình luận cùng tâm trạng phẫn nộ của cư dân mạng.
 
Theo đó, chàng trai bất hạnh này là Trần Văn Hà (SN 1990) hiện đang sống cùng mẹ là Nguyễn Thị Lâm (SN 1968) và em gái ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
 
Chàng trai khuyết tật Trần Văn Hà cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người bằng 10 lá đơn thư.

Chàng trai khuyết tật Trần Văn Hà cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người bằng 10 lá đơn thư.

 
Cuộc hôn nhân không một ngày hạnh phúc
 
Ở cái tuổi xấp xỉ 50, cô Nguyễn Thị Lâm vẫn giữ được nhiều nét đẹp mặn mà khiến người đối diện ước đoán, hẳn ngày trẻ cô cũng là nhan sắc nổi bật ở vùng này. Tuy nhiên, chỉ riêng ánh mắt người đàn bà sắp bước sang tuổi ngũ tuần là rượi buồn, chất chứa nhiều nỗi niềm. Nhắc về cuộc hôn nhân ngắn ngủi nhưng nhiều bão táp của mình, cô Lâm rưng rưng: “Bao nhiêu năm lấy chồng, làm vợ là bấy nhiêu ngày tôi sống trong nước mắt”.
 
Theo lời kể của cô Lâm, cô kết hôn cùng ông Trần Hải H. (SN 1959) năm 1986. Khi đó, cô Lâm đến với chồng mình không phải bởi tình yêu mà bị gia đình ép buộc.
 
“Chồng tôi khi đó là cán bộ kiểm lâm, gia đình họ lại “khéo khoe” gia cảnh giàu có. Chính bởi muốn con gái được sống trong gia đình có của ăn của để, chồng lại có nghề nghiệp ổn định nên bố mẹ tôi ra sức khuyên con gái. Thậm chí, là ép buộc tôi đến với anh H. Tôi có nghe bạn bè cảnh báo là H. cục tính, hay đánh người nhưng mẹ tôi khuyên nhủ: Chồng nóng thì vợ nhịn đi một chút là êm cửa êm nhà, có sao đâu. Con không lấy H. thì cũng chẳng lấy được ai tốt hơn đâu.
 
Nhiều năm qua, Hà cùng mẹ đã phải trải qua nhiều nỗi đau đớn, bất hạnh.

Nhiều năm qua, Hà cùng mẹ đã phải trải qua nhiều nỗi đau đớn, bất hạnh.

Sau nhiều lần tôi từ chối, thậm chí anh H. đã ăn hỏi người khác rồi không hiểu sao hủy hôn rồi lại quay lại tán tỉnh tôi. Cuối cùng, nghe lời cha mẹ, tôi cũng quyết định chấp nhận cuộc hôn nhân này”, cô Lâm nhớ lại.
 
Thế nhưng, ngay ngày ăn hỏi, hai bên thông gia đã “va chạm” chuyện lễ lạt, để rồi từ đó bắt đầu chuỗi ngày hôn nhân mà theo lời cô Lâm “chẳng khác gì địa ngục”.
 
“Sống ở nhà chồng, tôi đã chẳng được bố mẹ chồng yêu thương lại thường xuyên bị chồng đánh đập. Khi mang thai con đầu lòng 4 tháng, tôi còn bị chồng đánh đến mức phải nhảy hàng rào chạy trốn. Sau đó, tôi về nhà ngoại sống 2 năm. Trong thời gian đó hạ sinh con gái đầu lòng là Trần Thị Hải (1987). Sau đó, anh H. có đến nhà xin lỗi và xin đón mẹ con tôi về. Nghĩ thương con sống cảnh có mẹ mà không có cha, tôi cũng tin những lời hứa hẹn của anh H. nên khăn gói trở về nhà, hy vọng vợ chồng làm lại. Nhưng có ai ngờ…”, cô Lâm thở dài.
 
Ông H., theo lời cô Lâm là người không những vũ phu mà còn có thói trăng hoa. Khi vợ vất vả nuôi con một mình ở nhà ngoại, ông H. đã cặp kè nhiều cô gái. Khi đón mẹ con cô Lâm về, ông H. vẫn chứng nào tật ấy, lại tiếp tục “dính như sam” với một người con gái khác ngay trước mặt vợ.
 
Khi đó, đang mang thai đứa con thứ 2 thì cô Lâm bị phát bệnh, phải thường xuyên uống kháng sinh chữa bệnh. Có lẽ, chính bởi lý do đó mà đứa con thứ 2 là Trần Văn Hà (SN 1990) sinh ra đã mang trong mình dị tật. Đứa con thứ 3 bị sinh non 7 tháng và suýt chết vì bị nhiễm khuẩn, viêm hô hấp. Thế nhưng, chẳng những không ăn năn hối hận, ông H. còn không quan tâm tới vợ con mà tiếp tục bản tính trăng hoa, cặp bồ với người khác.
 
Quá đau đớn, chán nản, cô Lâm quyết định ly thân chồng. Thế nhưng, ly thân chưa được bao lâu thì ông H. đường hoàng dẫn nhân tình về tận nhà, mang nhiều đồ đạc của gia đình đi đến căn nhà ông thuê cùng nhân tình. Chẳng những thế, ông H. còn đánh đập cô Lâm thậm tệ mỗi lần hai người va chạm. Cực chẳng đã, năm 1997, cô Lâm làm đơn xin ly hôn. Tòa xử đứa con thứ 2 là Trần Văn Hà sống với bố, 2 đứa con còn lại theo mẹ.
 
Tình yêu không còn, tình nghĩa cũng hết nên bản án ly hôn của cô Lâm và ông H. được xem như bản ly hôn vô cùng kỳ lạ. Đến cả cái phích nước, cái màn, thậm chí con chó con mèo họ cũng làm đơn đòi phân chia rạch ròi. “Thế nhưng, khi chờ bản án có hiệu lực, ông H. tìm về nhà rồi lôi những thứ tôi được chia ra đập hết”, cô Lâm nghẹn ngào.
 
Thế rồi, cũng vì việc phân chia tài sản này, hơn chục năm trời cô làm đơn gửi đi các cấp chính quyền để đòi công lý.
 
“Tài sản chung của hai vợ chồng là 17,9 ha rừng, 30 con trâu bò, cùng căn nhà 12m mặt đường thì phần lớn được chia cho ông ấy. Tôi không thấy chính đáng nên nhiều năm nay làm đơn những mong được xử lại. Thế nhưng, lần nào vợ chồng gặp nhau ở tòa ông ấy cũng chửi bới, xúc phạm tôi thậm tệ”, cô Lâm kể.
 
Lá đơn thấm máu và lời kêu cứu “con vật bị đánh nó còn biết chạy…”
 
Những trận đòn đau “thừa sống thiếu chết” suốt những năm chung sống, những lời nhiếc móc, chửi bới của chồng, cô Lâm cũng không đau đớn bằng việc chứng kiến nỗi khổ đau mà đứa con tật nguyền của mình phải gánh chịu.
 
Theo đó, năm 1999, ông H. kết hôn với người đàn bà khác, Hà sống cùng bố và dì. Theo lời kể của chàng trai này thì anh đã phải sống chuỗi ngày đau đớn, sợ hãi đến ám ảnh vì những trận đòn đau của mẹ kế và bố đẻ.
 
“Từ khi sinh ra em đã không thể đứng trên đôi chân của mình. Càng lúc chân càng teo tóp và co quắp lại nên mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người khác. Và thế là, mỗi lần phải đưa em đi tắm hoặc đi vệ sinh, dì với bố lại mắng chửi em thậm tệ. Chưa hết, em thường xuyên phải chịu những trận đòn oan mỗi khi bố và dì không vui.
 
Những lá thư kêu cứu đẫm máu và nước mắt của mẹ con Hà.

Những lá thư kêu cứu đẫm máu và nước mắt của mẹ con Hà.

 
Em mắc bệnh xương thủy tinh nên vô cùng yếu ớt. Có lần, dì kéo tay em đến gãy mà em van xin dì cũng không tha. Có lần bố em còn lấy xà beng cậy nắp cống và đòi nhét em xuống cống cho chết… Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm lần em bị đánh đau đớn đến co quắp. Em là người tàn tật, chỉ nằm một chỗ nín chịu đòn chứ chẳng thể chạy hoặc đỡ đòn như người khác. Nhiều lần, em nghĩ mình thậm chí không bằng một con vật nuôi, vì con vật đánh nó còn biết chạy, còn em chỉ biết nằm im chịu trận”, Hà nghẹn ngào kể.
 
Thậm chí, theo lời Hà, có lần em đã nghĩ đến cái chết để giải thoát cho bản thân. Nhưng được phát hiện và ngăn cản nên em mới sống đến ngày hôm nay. Mẹ em biết chuyện, đau xót quá phải đón em về ở cùng.
 
 
Căn nhà đơn sơ, thiếu trước hụt sau, chẳng có tài sản gì đáng giá của mẹ con cô Lâm.

Căn nhà đơn sơ, thiếu trước hụt sau, chẳng có tài sản gì đáng giá của mẹ con cô Lâm.

 
Cảnh sống của ba mẹ con theo lời Hà là vô cùng khó khăn. Mẹ em phải làm đủ nghề để mưu sinh, kiếm từng đồng lẻ nuôi 3 chị em. Cảnh đứt bữa, nhà hết không còn hạt gạo… với mẹ con Hà là thường xuyên. Đau đớn hơn cả, theo lời Hà, chẳng những không chu cấp cho mẹ con, ngay cả tiền trợ cấp người tàn tật của em cũng bị bố và mẹ kế của em giữ hết.
 
“Khi về nhà mẹ, hộ khẩu của em chưa chuyển theo được nên hàng tháng tiền trợ cấp của em bố em vẫn nhận. Tính từ năm 2007 đến tháng 10/2014 là hơn 24 triệu đồng. Em mong muốn bố trả lại số tiền này cho mẹ con em, để mẹ con em trang trải cuộc sống”, Hà khẩn khoản.
 
Chúng tôi sẽ liên hệ với ông H. để đưa thông tin khách quan về vụ việc.
Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất