Lợi dụng các đợt sale lớn của website mua sắm nước ngoài
Cuối năm là thời điểm cho các đợt xả hàng, giảm giá khủng của nhiều trang web buôn bán lớn. Đặc biệt vào ngày Black Friday (ngày thứ Sáu sau Lễ tạ ơn), nhiều trang nơi còn mở đợt sale từ 30 - 50 % cho những mặt hàng hot như mỹ phẩm, quần áo, đồ công nghệ …
Nhờ sự trợ giúp đắc lực từ internet và dịch vụ mua sắm qua mạng, nhiều chị em đam mê làm đẹp đã tận dụng thời điểm vàng này để rước về những món đồ yêu thích với giá hời. Tuy nhiên đây cũng cơ hội trời cho để kẻ gian thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường
Lấy lí do nhập được hàng sỉ đợt sale, một thỏi son Mac được bán với giá 100 - 150 nghìn đồng (trong khi giá gốc chưa thuế đã lên tới 17$) , một bộ mỹ phẩm Channel chỉ có 500 nghìn đồng (trong khi từng sản phẩm bán lẻ giá đã cao hơn gấp ba, bốn lần). Thậm chí có những món hàng dán mác Channel, Dior, YSL nhưng trên web hãng lại không thấy bán. Không ít chị em nhẹ dạ hay ham hàng hiệu chưa kiểm tra lại thông tin đã vội mở hầu bao dâng tiền cho kẻ gian
Một chiêu trò khác của đối tượng lừa đảo đó là giả vờ nhận đặt hàng các đợt sale hoặc nhận có người quen xách tay hàng về Việt Nam để lấy tiền chuyển khoản của người mua hàng rồi chặn nick facebook họ. Các đối tượng này thường tạo nick giả, lấy ảnh người khác làm hình nền facebook, sau khi “ hành sự” xong thì đổi tên, không cho địa chỉ nhà, chỉ gửi số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Vì thế nhận xong tiền, bọn chúng có thể dễ dàng cắt đuôi các nạn nhân của mình để thoát thân.
Xả hàng nghỉ bán, thanh lý đồ mỹ phẩm nghỉ sinh
Là một trong những chiêu trò quen thuộc khác nhằm dẫn dụ chị em vào tròng. Với các lí do rất bùi tai như nghỉ sinh, nghỉ bán, đi du học… kẻ lừa đảo sẽ đăng các mặt hàng hot với giá hấp dẫn chỉ bằng một nửa thậm chí 1/3 giá thường và để tăng độ tin cậy, chúng còn thách người mua kiểm tra code, kiểm tra thoải mái. Nhưng với công nghệ làm giả tinh vi như hiện nay khi mà một hộp phấn nước, một bộ cọ trang điểm được làm nhái như hàng thật đến 90% từ bao bì đến mã vạch thì những lời hứa hẹn cam đoan về chất lượng như trên chẳng đáng tin một chút nào.
Vậy mà nhiều người nhẹ dạ vẫn tin vào lời giới thiệu “ mùi mẫn” để rồi mất tiền oan. Và rồi không chỉ tiền mất mà còn tật mang, không ít người đã gặp phải những căn bệnh da liễu nguy hiểm do dùng sản phẩm “hàng chợ gắn mác hàng hiệu” .
Chia sẻ bí quyết làm đẹp, gián tiếp quảng cáo hàng rởm
Dạo một vòng trên facebook, có thể thấy các group lớn với số thành viên lên tới vài nghìn người là những diễn đàn làm đẹp và chăm sóc sức khỏe được nhiều chị em tin tưởng. Ở đây, các thành viên có thể đưa ra câu hỏi nhờ giúp đỡ hoặc chia sẻ những bí quyết làm đẹp của mình. Thông thường những chủ đề như như trị mụn, trị thâm, liền sẹo, giảm cân, làm trắng da… luôn được nhiều người quan tâm với hàng trăm lượt bình luận. Và dĩ nhiên bên cạnh những chia sẻ rất thật lòng, mang tính xây dựng thì cũng có những bài viết PR sản phẩm trá hình.
Để tăng độ tin tưởng, người đóng vai khách hàng sẽ đăng ảnh toàn bộ quá trình “thay da đổi thịt” nhờ dùng một sản phẩm dưỡng da thần thánh nào đó. Và chỉ chờ các chị em vào hỏi han, chúng sẽ gửi link cửa hàng bán sản phẩm hoặc spa làm đẹp với lời nhắn nhủ “giới thiệu hộ”, “chia sẻ hộ” nhưng thực chất chủ spa không là ai khác ngoài người review có tâm kia.
Làm đẹp là ước mơ chính đáng của nhiều chị em, nhưng nên tỉnh táo để tránh những hậu họa nặng nề về sau. Với những sản phẩm dùng trực tiếp lên da như mỹ phẩm, nên cân nhắc lựa chọn những nơi có uy tín và thử trước để tránh dị ứng với cơ địa của bản thân.