Sắc màu Cuộc Sống

Nhà vệ sinh công cộng xây xong khóa cửa, người dân 'phóng uế' ngay bên cạnh

Cường Ngô
Chia sẻ

Trong số 1 nghìn nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) được TP Hà Nội giao xã hội hóa từ tháng 8/2016 mới chỉ 2 NVSCC được đưa vào sử dụng, còn lại đều trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Cách đây không lâu, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã xử phạt 2 triệu đồng/người với 3 tài xế taxi có hành vi tiểu bậy. Tại cơ quan công an, các tài xế đã thừa nhận hành vi của mình.

Tuy nhiên, sau khi quận Hoàng Mai mạnh tay xử phạt người phóng uế bậy thì dư luận dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đây là mức phạt quá cao vì hệ thống NVSCC trên địa bàn thành phố còn thiếu và yếu, cầu không đáp ứng được cung.

Để giải quyết tình trạng này, tháng 8/2016, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho Công ty CP Truyền thông Vinasing triển khai dự án đầu tư 1.000 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng để phục vụ cộng đồng. Trước Tết Nguyên đán 2017, nhà đầu tư đã báo cáo có 200 mẫu được đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố, thế nhưng trên thực tế các NVSCC được lắp đặt song vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Nhà vệ sinh công cộng xây xong rồi… khóa cửa.

Nhà vệ sinh công cộng xây xong khóa cửa, người dân phóng uế ngay bên cạnh

Thời điểm Tết Nguyên đán 2017 nhà vệ sinh này mở cửa được vài hôm, có nhân viên thu tiền nhưng sau đó nghỉ hẳn, không hoạt động trở lại.

Trong số 1.000 NVSCC được TP Hà Nội giao xã hội hóa từ tháng 8/2016, đến nay mới chỉ có 2 NVSCC được đưa vào hoạt động.

Còn lại đều trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt NVSCC ở đường Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, vườn hoa Pasteur… đang trong tình trạng khóa cả 2 cửa phòng, không có nhân viên trông giữ.

Ông Hùng - tài xế xích lô cho hay: “Những NVSCC được xây mới cách đây khá lâu, nghe nói hiện đại lắm nhưng chưa hoạt động lần nào. Ai có nhu cầu đi vệ sinh phải xin đi nhờ ở các cửa hàng gần đường, hoặc tìm một nơi vắng vẻ để xử lý”.

Ai cũng thắc mắc tại sao NVSCC xây xong nhưng không cho người dân sử dụng…

… khiến nhiều người muốn đi cũng không có chỗ đi. Trong ảnh là hai người ngoại quốc muốn sử dụng dịch vụ VSCC nhưng “bất lực” vì cửa đóng im lìm.

Người dân mong muốn NVSCC sớm đi vào hoạt động.

NVSCC ở đường Trần Khánh Dư (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đoạn gần bệnh viện Trung ương Quân đội 108 còn biến thành “nơi kín đáo” để người dân đi tiểu bậy khiến khu vực này trở nên nhếch nhác và bốc mùi hôi thối.

Người dân đi tiểu ngay cạnh cửa NVSCC mới xây.

Nước tiểu lênh láng trước cửa nhà vệ sinh, bốc mùi khai nồng nặc.

Không khó để bắt gặp những hình ảnh này trên đường Trần Quang Khải.

Còn ở vườn hoa Pasteur thì NVSCC cũng trong tình trạng khóa cả hai cửa phòng. Theo chia sẻ của người dân nơi đây, thời điểm Tết Nguyên đán 2017 nhà vệ sinh này mở cửa được vài hôm, có nhân viên thu tiền nhưng sau đó nghỉ hẳn, không hoạt động trở lại. “Tôi không biết lý do vì sao nhưng NVSCC này mở cửa được vài ngày rồi lại đóng. Tôi đoán do ít người đi vệ sinh quá”, bác Vũ Mai Hương cho hay.

Người dân đi tiểu ngay tại vỉa hè, đối diện NVSCC đã xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động ở vườn hoa Pasteur.

Tấm tôn hoen rỉ vì nhiều người đi tiểu bậy ở khu vực này.

Việc phóng uế bậy sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt 2 triệu đồng/người.

Trao đổi với báo chí về tình trạng NVSCC xây mới rồi đóng cửa, ông Hà Duy Kiên - Giám đốc dự án NVSCC, thuộc Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing cho biết do dự án chậm tiến độ, đồng thời bị vướng mắc bởi quá trình giải phóng mặt bằng nên nhiều NVSCC dù đã xây xong nhưng phải chờ bàn giao.

Theo dự kiến 200 NVSCC sẽ được lắp đặt xong vào hết tháng 3, sau đó sẽ tiến hành lắp đặt máy lọc nước và ghế đá…

Một số NVSCC vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Chính vì tình trạng chậm tiến độ cũng như khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng cho nên những NVSCC vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Người dân mong muốn dự án này nhanh chóng được đẩy mạnh và hoàn thiện, bởi một khi đã có nhiều NVSCC thì tình trạng tiểu bậy mới được khắc phục, ý thức và thói quen của người dân cũng được nâng cao.

Chia sẻ

Bài viết

Cường Ngô

Tin mới nhất