Sắc màu Cuộc Sống

Hóa trang Halloween phản cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Chia sẻ

Nếu đủ căn cứ cho thấy nhóm thanh niên biểu diễn phản cảm, tạo phản ứng xấu gây mất an ninh trật tự thì có thể xem xét truy tố về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Cư dân mạng đang vô cùng phẫn nộ sau khi hình ảnh chụp một nhóm thanh niên mặc trang phục dân quân nhảy múa cùng những nhân vật nữ mặc đồ hở hang, đi trên đường hoa Nguyễn Huệ, TP HCM tối 30/10.

Hành vi hóa trang của nhóm thanh niên không những rất phản cảm mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với lực lượng dân tự vệ, đi ngược với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Halloweenphancam

Hình ảnh hóa trang phản cảm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh chụp màn hình)

Trước hình ảnh vô cùng phản cảm này, nhiều người đã lắc đầu ngao ngán về nhận thức của nhóm thanh niên trên và đặt dấu hỏi về việc tại sao nhóm này lại có thể hành động thiếu suy nghĩ như vậy?

Trao đổi với PV về sự việc, luật gia Nguyễn Thị Hằng, Thành hội luật gia Hà Nội chia sẻ: “Hành vi mặc trang phục của dân quân mà lại hở hang như vậy là không thể chấp nhận được. Đã biết bao nhiêu người “ngã xuống” vì độc lập dân tộc với màu áo thiêng liêng đó. Trang phục này cũng là trang phục dành riêng cho lực lượng dân quân nên không thể tùy tiền xúc phạm đến.

Việc mặc trang phục đã không phù hợp, việc nhảy múa và đi lại tại phố đi bộ nơi có rất đông người càng không phù hợp. Hành vi đó thực sự là lố lăng và cần phải có hình thức xử lý thật nghiêm”.

Cũng theo luật gia Nguyễn Hằng: “Hành vi hóa trang phản cảm hiện vẫn chưa có chế tài xử lý nghiêm vì nó mang tính chất lễ hội đường phố. Tuy nhiên, ở góc độ khác nếu đủ căn cứ cho thấy nhóm thanh niên này biểu diễn phản cảm, tạo phản ứng xấu gây mất an ninh trật tự thì có thể xem xét truy tố về hành vi Gây rối trật tự công cộng”

Trong khi đó, nhận định về vụ việc, luật sư Phạm Thanh Tùng - Văn phòng Luật sư Phạm Hoàng - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng:

“Halloween là lễ hội của Phương Tây mới du nhập vào Việt Nam khoảng 10- 15 năm nay, kể từ khi mở cửa kinh tế hội nhập, thời chúng tôi chưa có. Gần đây mới có hiện tượng lễ tình nhân 14/2, cá tháng tư 4 và Halloween. Du nhập hội nhập văn hóa là tốt nhưng cũng phải chọn lọc cái tốt thì học, cái xấu thì bỏ và phải làm sao cho phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước.

Theo báo chí đưa tin về việc một nhóm thanh niên mặc trang phục dân quân nhảy múa cùng những nhân vật nữ mặc đồ hở hang, đi trên đường hoa Nguyễn Huệ. Tôi thấy khá quan ngại về việc này. Các bạn trẻ chưa nhận thức đúng đắn những việc mà các bạn đang làm, những hệ lụy kéo theo.Vẫn biết ăn mặc là chuyện của mỗi người nhưng mặc như vậy là phản cảm, là không phù hợp. Nhưng vì đây là lễ hội đường phố, không phải là tổ chức biểu diễn hoặc trình diễn cho nên Bộ Văn hóa truyền thông khó can thiệp được.

Vấn đề này thuộc về phạm trù đạo đức nên gia đình, nhà trường và xã hội cần phải có trách nhiệm nhắc nhở, định hướng hành vi của các bạn trẻ sao cho chuẩn mực, không đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta”.

Trước đó, ngày 15/10/2015, tại khu du lịch Bình Quới 1, thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM, khoảng 500 nhân viên thuộc hệ thống dự án siêu thị bất động sản STDA đã cùng đồng loạt hát bài “Cen ca” được chế từ lời bài Quốc ca khiến cũng khiến dư luận rất bất bình.

Tiểu mục 5.1 Mục 5 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP quy định: “5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;

b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;

c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;

d. Chết người;

đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;

e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;

g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;

h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội…

Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không”.

Chia sẻ
Tin mới nhất