Chắc chắn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ là hiện tượng điện ảnh lớn nhất năm nay. Không cần phải chờ nhà phát hành công bố doanh thu, bộ phim đã nhận được sự yêu mến cuồng nhiệt của khán giả từ mạng online cho tới trải nghiệm thưởng thức. Do đó, biết đâu sau khi dự án này chia tay rạp chiếu, sẽ có nhiều xu hướng mới nổ ra và định hình lại cách thức làm phim ở Việt Nam bởi xét cho cùng, nhiệm vụ của những sản phẩm giải trí là phục vụ khán giả.
Mọi “trào lưu” đều có hai mặt của nó. Việc theo đuổi chứng tỏ khả năng nắm bắt thời cuộc tốt, tuy nhiên, điều đó lại trở thành mối nguy hại bởi sự lệ thuộc chính là cách giết chết những tìm tòi. Tương tự Hollywood vài năm gần đây, có hàng chục tựa phim siêu anh hùng ra mắt. Ngoài Disney và Warner Bros., Fox bắt đầu khai thác tối đa tài nguyên từ Marvel để nhảy vào làn đua phòng vé.
Hay một thời, khán giả chán chường đến phát ngấy khi mỗi ngày đọc báo là phát hiện ra tin tức của tiểu thuyết chuyển thể. Rồi tái khởi động (reboot), phim phần tiếp (sequel) hay phim phần trước (prequel) phủ kín rạp chiếu. Kết quả năm 2014, Hollywood đã lập một kỷ lục… ngược, tổng doanh thu Bắc Mỹ giảm 5% so với cùng kỳ 2013 còn lại 19,5 tỉ USD. Và năm nay, họ cũng đang ngồi trên đống lửa nhiều vì bom xịt liên tiếp xuất hiện và đa phần dựa vào lượng cộng đồng hâm mộ quốc tế.
Đưa ra ví dụ xa xôi để thấy rằng, ngay cả một nơi lâu đời là trung tâm của ngành công nghiệp điện ảnh còn không thể phản ứng kịp thời với sự “trở mặt” của khán giả. Nhìn lại thị trường phim điện ảnh Việt Nam chỉ quanh quẩn trong mớ phim bình dân từ mùa tết, mùa hè, hoặc lâu lắm, xuất hiện vài tác phẩm nghiêm túc như Hương Ga, Scandal, Dòng máu anh hùng…
Những thứ đã quá cũ kỹ
Áp lực doanh thu đang đè nặng lên vai những nhà làm phim Việt Nam, ai ai cũng muốn sắm cho mình danh hiệu cao quý như “đạo diễn triệu đô”, “bá chủ phòng vé” nhằm tạo dựng uy tín với khán giả và nhà đầu tư. Thay vì đóng vai trò định hướng, dẫn dắt người xem, họ giờ đây chỉ chạy theo nhu cầu ngắn hạn để làm ra một tác phẩm dễ dãi, nhạt nhẽo và chú trọng vào dàn diễn viên câu khách.
Một tiêu chí cơ bản nhất của điện ảnh đó là sự đồng bộ về bố cục, màu sắc trong phim nhưng vẫn hiếm nhà làm phim ở Việt Nam đáp ứng được. Nếu định vị đó là hài, họ sẽ cố gắng nhồi nhét hàng loạt chi tiết “buồn cười” từ sân khấu kịch hoặc là hài hình thể, lời thoại để làm sao, đem lại những tiếng cười “trực quan” nhất mà chỉ cần khán giả thấy là cười.
Như Trùm cỏ cách đây không lâu, một bộ phim là ví dụ tiêu biểu cho sự lầm đường, lạc lối của điện ảnh Việt bao năm qua với việc mời chào một dàn diễn viên không chuyên, vốn sở trường là những mảng hài tiểu phẩm để đảm đương một cốt truyện thời lượng 93 phút.
Và nếu làm phim kinh dị, nhân vật kinh dị thường là phụ nữ sở hữu mái tóc dài chấm lưng và lặng lẽ đi ám hết người này đến người khác. Dường như, đa phần các nhà biên kịch, đạo diễn ở Việt Nam hiện giờ chỉ nghĩ được đến đó. Hoặc hiếm lắm mới có vài điểm sáng nổi trội, làm ra một bộ phim sạch sẽ, nguyên bản như Hương Ga, chỉ thiên về hành động. Hay Thiên mệnh anh hùng thì tập trung vào cổ trang.
Sự tham lam bối cảnh
Điện ảnh Việt đang tồn tại những xu hướng mới nào? Thật khó tìm ra lời giải bởi tại một thị trường điện ảnh còn sơ khai, hầu như không tồn tại hai chữ “xu hướng”. Sự bó buộc về quy định, kinh phí, tư duy nghệ thuật đang khiến nhiều nhà làm phim Việt “quây quần” trong một cái ao tù túng mà nơi đó, chỉ có kẻ mạnh mới thắng.
Tuy nhiên, không khó để kể vài cái tên nổi trội trong vài năm trở lại đây mà đặc biệt nhất, vẫn phải nhắc tới Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Nhờ những cảnh quay đẹp như mơ, Victor Vũ đã định nghĩa lại thế nào là cách dùng flycam, và kể từ Cánh đồng bất tận, đó cũng là bộ phim hiếm hoi được khán giả khen ngợi vì hình ảnh làng quê Việt Nam mộc mạc hiện lên màn bạc.
Cách đây không lâu, vài bài báo đã kêu gọi đừng hiểu lầm Vòng eo 56, sau khi những hình ảnh Ngọc Trinh đạp xe trên đồng hay cảnh nữ hoàng nội y lấm lem bùn đất xuất hiện. Nhiều người mặc định rằng tác phẩm này sẽ rất nhân văn chỉ vì lấy bối cảnh ở Đồng Tháp. Vậy hóa ra, các nhà làm phim bây giờ chỉ cần mang hàng loạt máy móc ghi hình tối tân, săn lùng những vùng quê xanh mướt để quay phim và mặc nhiên, được ca ngợi thành những nghệ thuật gia xuất chúng?
Flycam không phải là phép màu
Flycam đối với điện ảnh Hollywood chỉ đóng vai trò như một thứ mua vui thị giác. Thậm chí, nhiều cây viết còn xem nó như một cách dựng phim lười biếng và hời hợt. Nói không xa, ngay cả việc chúng ta leo lên một sân thượng để nhìn xuống dưới cũng đủ mang lại cảm giác vô cùng “thích mắt”.
Thật ra, flycam không hề xấu. Nó sẽ là cách làm phim rất tuyệt nếu người dựng có dụng ý như lột tả một đại cảnh hùng tráng chưa ai phát hiện. Tuy nhiên, dù cho thước phim trên cao ấy có ý nghĩa cỡ nào, thì sự chú trọng quá nhiều vào bối cảnh cũng nên được hạn chế.
Như Quyên, bất chấp nỗ lực của đạo diễn Nguyễn Quang Bình, bộ phim không khác gì một cô gái đẹp mà phần nội dung bên trong lại bối rối và hời hợt. Những cung đường lá vàng ở Berlin, nhiều cảnh quay đẹp như mơ để nói về phận người Việt trên cánh đồng tuyết trắng chỉ cần phóng to lên một chút, sẽ có hàng loạt hạn chế về tầm nhìn hiện ra. Quyên không hề mang lại cái không khí tha hương nơi đất khách quê người ngoài việc đem nguyên đoàn phim qua Đức để đội kinh phí lên hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, dẫu sao Quyên vẫn đáng thông cảm hơn Trùm cỏ vì những thứ gì đẹp đẽ thì đáng được thứ tha. Còn tác phẩm của đạo diễn trẻ Phan Minh bày biện ra hàng loạt khung cảnh xanh mát nhưng cứ trôi đi mơ màng thay vì đọng lại trong đầu người xem. Không những vậy, nhiều cảnh flycam còn non tay và quá ôm đồm nhiều chi tiết nhỏ nhặt khiến cho Trùm cỏ như chẳng có gì ngoài cỏ.
Qua đó, mới thấy rằng chỉ trong năm 2015, đã tồn tại tới ba tác phẩm lấy vốn liếng từ bối cảnh để gây hứng thú đến người xem như Quyên, Trùm cỏ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tất nhiên, không thể phủ nhận các cảnh quay chuyển động từ trên cao luôn tạo ra nhiều hiệu ứng chiều chuộng khán giả. Cái đẹp, dù ở bất cứ nơi đâu không chỉ trong điện ảnh vẫn luôn ẩn chứa những nguy hiểm và ma lực khó thể chối từ.