Trong tập 19 của Cung tâm kế 2 - Thâm cung kế, khán giả đã có dịp chứng kiến cuộc tranh luận nảy lửa giữa Thái Bình công chúa (Trần Vỹ) và Hoàng hậu Vương Trân (Hồ Định Hân) về việc lập Trịnh Thuần Hy (Châu Tú Na) làm phi cho Hoàng đế mới đăng cơ Lý Long Cơ (Mã Tuấn Vỹ).
Nguồn cơn của sự việc bất ngờ này xuất phát từ thông tin Hoàng hậu không thể sinh con để khai chi tán diệp cho hậu duệ Lý - Đường. Bị Thái Bình công chúa nắm ngay “tử huyệt”, phu thê Tam Lang không còn cách nào khác, đành phải thuận theo sự an bài của cô cô.
Nếu quan lại trong triều được phong phẩm hàm theo cấp bậc từ nhất phẩm trở về sau, thì các phi tần của Hoàng đế cũng được sắc phong dựa trên đó. Mỗi người có một phẩm vị riêng, tương ứng với địa vị và quyền lực của họ ở chốn thâm cung.
Hàm chính nhất phẩm của Hoàng đế thời Đường bao gồm Quý phi, Thục phi và Hiền phi, gọi chung là Phu nhân. Điển hình cho hàm chính nhất phẩm trong Thâm cung kế chính là Vương Hiền phi và Châu Thục phi, sau là Vương Hiền Thái phi và Châu Thục Thái phi, vợ của Thái Thượng Hoàng Đường Duệ Tông Lý Đán.
Gọi chung là Cửu tần gồm có Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viên, Tu nghi, Tu dung, Tu viên, Sung nghi, Sung dung và Sung viên. Tất cả hàm chính nhị phẩm.
Chiêu nghi chính là phẩm vị Thái Bình công chúa đòi sắc phong cho Trịnh Thuần Hy. Tuy nhiên theo luật lệ Đại Đường, các phi tần của Hoàng thượng đều phải do Hoàng hậu đề bạt và ấn định phẩm vị. Song, dù Thuần Hy chỉ mới vào cung, Hoàng hậu Vương Trân vẫn đề nghị phong cô làm chính ngũ phẩm Tài nhân.
Nhưng Thái Bình công chúa một mực cương quyết phản đối, bà cho rằng với công lao hiển hách của Trịnh gia, cộng thêm xuất thân cao quý, tài năng hơn người của Thuần Hy, thì chính tam phẩm Tiệp dư vẫn còn chưa xứng đáng với cô. Vì vậy, phẩm vị Chiêu nghi là hoàn toàn thích hợp.
Tiệp dư là phẩm vị hàm chính tam phẩm, gồm 9 người, nằm trong Thể phụ 27 người của Hoàng đế Đại Đường. Ngoài ra, còn có 9 người phẩm vị Mỹ nhân, hàm chính tứ phẩm và 9 người phẩm vị Tài nhân, hàm chính ngũ phẩm.
Phía dưới Thể phụ là Ngự thê gồm 81 người. Trong đó, có 27 người hàm chính lục phẩm - Bảo lâm, 27 người hàm chính thất phẩm - Ngự nữ, 27 người hàm chính bát phẩm - Thái nữ.
Đến đây, có lẽ chúng ta đã hiểu rõ hơn vì sao có những thiếu nữ tiến cung ở tuổi xuân thì cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa một lần được diện thánh. Hậu cung tranh đấu khắc nghiệt chẳng khác gì triều cương chính sự, đi sai một bước sẽ mang họa sát thân. Vì vậy, phận nữ nhi bấy giờ chẳng thể định đoạt được đời mình, đó là một bi kịch khó lòng cứu vãn. Từng ấy phẩm vị, từng ấy con người chịu kiếp “chung chồng”, nhưng có một số cô gái, ngay cả phước phần nhận ân sủng để “được” chung chồng với những người khác cũng không bao giờ có cơ hội. Cô đơn lẻ loi với bốn bức tường ở cấm cung, đơn độc đến chết.