Vào ngày 16/11/2019, Youtube đã sản xuất và công chiếu một tác phẩm học đường rất lạ, khai thác về đời sống u tối của tầng lớp thanh thiếu niên Hoa Kỳ, về những đứa trẻ muốn chống lại thế giới với tựa đề: Wayne. Phim do Paul Wernick tạo nên, người đã từng nổi tiếng với thương hiệu Deadpool, ngay từ khi công chiếu Wayne đã khiến khán giả choáng váng vì những phân cảnh bạo lực đẫm máu cùng lời thoại chỉ toàn câu chửi thề, nhưng phía sau từng thước phim gây tranh cãi đó là thông điệp nhân văn, ý nghĩa, thâm thúy mà sâu sắc cho tuổi trẻ và cuộc đời.
Chuyện phim bắt đầu tại Brockton, Massachusetts; một nơi tồi tệ với hàng loạt các tệ nạn xã hội diễn ra hàng ngày. Tại đây, xuất hiện chàng trai chán đời mười sáu tuổi Wayne McCullough (Mark McKenna), cậu không biết đau là gì và luôn chọc tức thiên hạ để được “ăn đấm”. Một ngày kia, người cha bị ung thư của cậu qua đời và ông có kể cho Wayne về chiếc siêu xe Pontiac Trans Am năm 1979 mà ông từng sở hữu đã bị lấy cắp. Sau khi cha qua đời, Wayne đã đốt nhà và tìm đến Del cùng cô gái bán bánh quy bỏ đi đến Florida để lấy lại siêu xe.
Del (Ciara Bravo) là một nữ sinh có ước mơ lớn, cô muốn trở thành thị trường thành phố để cứu rỗi lấy vùng đất ngập tràn tệ nạn này. Mong ước có đẹp đẽ thì hiện thực luôn phũ phàng, Del phải chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt với ông bố nghiện rượu và hai thằng anh có lớn nhưng không có khôn, suốt ngày chỉ lo gây sự với thiên hạ. Vì vậy mà Del đã đồng hành cùng Wayne trên con đường tìm lại chiếc siêu xe. Chàng trai và cô gái lên đường, dấn thân vào một hành trình vô định với biết bao nguy hiểm lẫn cám dỗ để rồi khi đến đích hai người đã nhận ra lý tưởng sống của bản thân. Đó là tình yêu như Wayne luôn bên cạnh Del và như Del luôn hướng về Wayne.
Wayne là chàng thanh niên cá tính, thích gì làm nấy không suy nghĩ nhiều. Trước những điều cảm thấy chướng mắt cậu sẽ dùng cây búa của mình khiến đối phương (thường là những gã đàn ông lắm lời và hay bắt nạt phụ nữ) bị đập cho bầm dập, máu nhuộm đỏ cả hình hài. Còn Del thì có cái miệng ưa lời “khẩu nghiệp”, cô luôn nói “thật mà thô” với những điều chướng tai gây mắt, làm nhức nhối trong nhận thức của cô gái trẻ.
Del và Wayne hợp nhau đến lạ lùng và cả hai đều cô đơn, bị cộng đồng ruồng rẫy, xa lánh, kỳ thị vì tính cách lập dị, khác thường. Từ sau cái chết của mẹ, Del dần trở nên ngỗ nghịch và buồn phiền vô cớ, cô có một gia đình tồi tệ khi thường xuyên bị bố và hai anh trai ức hiếp, la mắng. Wayne thì còn khổ hơn, cậu bị mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ, anh trai thì đánh đập, cha lại bệnh tật và sớm qua đời. Hai đứa trẻ bất hạnh đó đã cùng nhau bỏ trốn trên chiếc xe máy cũ, bỏ mặc quá khứ đau thương và hiện tại nghiệt ngã để đi đến vùng đất Florida đầy nắng. Chúng bồng bột và nông nổi, dễ mắc sai lầm và ngây ngô khi bước vào đời. Hai đứa trẻ xa lạ trở nên gần gũi, biết suy nghĩ, trưởng thành hơn khi ở bên nhau. Del và Wayne như thể là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của nhau.
Cậu bạn Wayne luôn tỏ thái độ “cục súc”, thô lỗ với mọi người nhưng lại rất dịu dàng, ôn nhu với Del, cô bạn gái bướng bỉnh của cậu. Khán giả sẽ mỉm cười trước sự vụng về, “ngốc xít” khi cậu đi mua băng vệ sinh cho Del hay cách cậu cố gắng uống cà phê dù không thích vị của nó, vì Del. Có những lúc cậu giận dỗi, không thích ứng với sở thích của Del và rời đi nhưng rồi khi nhận ra tình cảm thực sự của mình cậu đã quay trở lại, ở bên cạnh và che chở cho Del. Và Del cũng vậy, dù chuyện gì xảy ra cô vẫn quay lại tìm Wayne. Sau bao biến cố trên chuyến đi đầy ngẫu hứng, hai trái tim cô đơn với những vết xước, tổn thương trong tâm hồn đã biết cách quan tâm, sẻ chia và đồng cảm; biết yêu và suy nghĩ, hành động vì người mình yêu.
Thế giới của Wayne hỗn loạn, phức tạp với bạo lực tràn lan nhưng trong cái không gian u tối, lạnh lẽo ấy vẫn lan tỏa ánh sáng ấm áp của tình người. Chút tình đẹp đẽ đó đến từ những nhân vật dễ thương như thầy hiệu trưởng Tom Cole (Mike O'Malley), cậu bạn Orlando (Joshua J. Williams) hay viên cảnh sát Geller (Stephen Kearin). Mỗi người đi tìm Wayne và Del đều có mục đích riêng nhưng điểm chung là họ đều tin tưởng Wayne là người tốt và mong muốn cậu có một tương lai tươi sáng, hướng cậu đến cái thiện.
Một câu chuyện “giật gân”, phản ánh những thói hư tật xấu của nhân loại được diễn tả trong bầu không khí không nặng nề hay căng thẳng mang tính triết lý giáo điều mà là hài hước, “cười nghiêng ngả” với những phân cảnh “khó đỡ” diễn ra rất tự nhiên và “chất vượt xa nước cất”. Dàn nhân vật trong phim đều được xây dựng rất độc đáo, tạo hình hầm hố và lời thoại thì đậm chất “giang hồ”. Từ chính đến phụ, ai cũng có đặc điểm, nét cá tính riêng rất ấn tượng và các diễn viên đã xuất sắc khắc họa lên muôn vàn sắc thái khác biệt đó cho phim thêm đặc sắc, hấp dẫn.
Wayne là một tác phẩm hay dù tình tiết phim đầy rẫy các hình ảnh bạo lực, kinh dị. Cái hay của phim thể hiện ở một cốt truyện “rất đời”, giàu giá trị nhân văn; khai thác từ lối sống sai lầm của người trẻ để diễn tả khao khát, ý thức và vẻ đẹp trong những tâm hồn còn non nớt. Hai kẻ bị nhìn nhận là hư hỏng như Del và Wayne thực ra là người tốt, chúng sẵn sàng giúp đỡ, lắng nghe lời khuyên của người lớn để tự hoàn thiện bản thân mình. Suy cho cùng nghịch cảnh, sự tan vỡ của gia đình đã khiến chúng trở nên ngỗ nghịch và nổi loạn. Thứ khiến chúng bỏ mặc sự đời, lên đường để kiếm tìm chính là sự yêu thương của cha mẹ, của người thân; một mái nhà mà chúng có thể trở về.
Mọi thứ trong Wayne đều “bá đạo” theo phong cách “đầu gấu”. Đó là tuổi mười sáu đẫm máu nhưng cũng rất ngôn tình của Del và Wayne.