Phim Ảnh

Vượng Râu: 'Biên tập và đạo diễn phải chịu trách nhiệm khi Táo Quân bị chỉ trích xúc phạm LGBT'

Sa Cát
Chia sẻ

Nghệ sĩ Vượng Râu bày tỏ: "Khi làm hài chúng ta phải cân nhắc trước, cái này mang thông điệp gì, ý đồ tư tưởng của chúng ta là gì. Nếu mang ra chọc cười thì cái chọc cười này có đáng mua vui một vài trống canh hay không".

Táo Quân 2018 đã khép lại vào tối Giao thừa, tuy nhiên bước sang năm mới Mậu Tuất, dư âm của chương trình vẫn còn kéo dài cho đến tận bây giờ, khi đã là Mồng 9 Tết. Mới đây, trên trang facebook chính thức của trung tâm ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (LGBT: cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới) vừa đăng tải một bài viết liên quan đến chương trình Táo Quân 2018. Nội dung thư ngỏ bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình khi chương trình liên tục đưa ra những thông tin sai lệch, xúc phạm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) thông qua hình tượng nhân vật Bắc Đẩu (Công Lý).

Hành động này đã làm dấy lên hai chiều dư luận, khi có những người đồng tình với quan điểm của ICS trong việc khiếu nại Táo Quân 2018, tuy nhiên vẫn có những cá nhân bảo vệ chương trình có thâm niên 15 năm và cho rằng ekip thực hiện không cố tình chế giễu hay đem những người trong cộng đồng LGBT ra làm trò cười.

Trước những ồn ào ấy, nghệ sĩ hài Vượng Râu đã có những chia sẻ khá thẳng thắn với báo Kiến Thức: “Từ xưa đến nay chuyện giới tính rất nhạy cảm. Những người đồng tính, lưỡng tính hay còn gọi là giới tính đặc biệt họ luôn có mặc cảm, chính vì vậy khi làm hài đôi khi chỉ là vô tình nhưng không có cái “phanh” đó chính là người biên tập thì dễ mắc lỗi.

Nếu chương trình bị khán giả phản đối thì lỗi đầu tiên không phải ở nghệ sĩ mà là lỗi của người biên tập và đạo diễn. Sinh ra biên tập để làm gì? Người biên tập và đạo diễn phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước công chúng về sản phẩm của mình đưa ra, bao gồm: Chủ đề tư tưởng, đạo đức, thông điệp của tác phẩm”.

Danh hài Vượng Râu.

Nói về thực trạng của những chương trình hài kịch, nghệ sĩ Vượng Râu ngao ngán: “Rất nhiều nghệ sĩ không diễn được một nửa câu hài toàn mang vấn đề sinh lý, tình dục để câu hài nhưng không ai cười. Đấy là chuyện có thật. Vì người ta không có khả năng làm hài. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại những nghệ sĩ nào không phải nghệ sĩ hài bắt đầu bị đào thải. Dù truyền hình có lăng xê bao nhiêu thì vẫn phải quay về với giá trị đích thực. Khi làm hài người ta sẽ làm khán giả cười bằng: Dáng đi, điệu đứng, giọng nói, cách nhả đài từ. Trong đó nhả đài từ là thủ thuật cao cấp nhất trong cách làm hài”.

Theo anh, nhiều người không làm được điều đó thì sẽ chọc cười bằng cách khác, ví dụ như nói bậy, nhưng làm hài không phải thế, những câu đó tầm thường. “Chúng ta làm hài là đại diện cho công chúng, cho số đông, chứ chúng ta không lấy cái thiểu số, không dùng từ bừa bãi trong nghệ thuật được. Tự do quá tưởng là hay nhưng chỉ hay với mình, chứ không phải hay với công chúng, với số đông. Khi làm hài đích thực thì người nghệ sĩ phải nghĩ ra những câu hài một là phải hoàn toàn bằng cái duyên dáng của mình, hai là lối diễn. Còn khi chúng ta dùng cách khác thì đã đến lúc đây là sự cảnh báo nói chung”. 

Danh hài Vượng Râu góp ý thẳng thắn: “Khi làm hài chúng ta phải cân nhắc trước, cái này mang thông điệp gì, ý đồ tư tưởng của chúng ta là gì. Nếu mang ra chọc cười thì cái chọc cười này có đáng mua vui một vài trống canh hay không. Chúng ta có đáng để trả giá cho việc rất nhiều người phản ứng việc đó hay không? Hay là chúng ta chọc cười bằng mọi cách?

Bây giờ xem hài nhiều nghệ sĩ không diễn được nửa thì hết 10 câu đều nói đến những vấn đề nhạy cảm cả 10. Mà nói một cách thô chứ không phải nói nhẹ nhàng, duyên dáng, ví dụ như khoét vào vấn đề tình dục, yếu sinh lý… đó là sự thô bỉ của làm hài. Cũng như phim Việt Nam làm cảnh sex rất thô, nó không sạch. Làm hài cũng thế, chúng ta lạm dụng những cái ba lăng nhăng thì không phải là hài. Sòng phẳng ra thì mỗi nghệ sĩ có một nét duyên dáng riêng, và đôi khi ba câu chín điều của các nghệ sĩ là câu trả lời cho một tác phẩm hài”.

Khi bàn về câu chuyện Táo Quân 2018 đang bị chỉ trích vì xúc phạm cộng đồng LGBT, nghệ sĩ Vượng Râu bày tỏ: “Việc đưa vấn đề giới tính vào Táo Quân tôi không phải người có quyền phán xét, nhưng dưới góc độ là nhà sản xuất, nếu là tôi thì tôi sẽ cân nhắc. Cũng khai thác vấn đề giới tính, thực tế tôi vẫn đóng kiểu nhân vật này, nhưng tôi không chọc quê mà là thương cảm cho nhân vật. 

Làm sân khấu và làm truyền hình khác nhau, tất cả những người làm truyền hình sang sân khấu không sớm thì muộn đều bị đổ bể vì thiếu ở chỗ không có chủ đề tư tưởng, không có thông điệp, không có mảng miếng, trò vè sân khấu. Khi quay ngoại cảnh thì chúng ta sẽ cứu được bằng cách dựng hình. Nhưng trên sân khấu, khi người không có chuyên môn làm sân khấu thì sớm muộn sẽ lòi ra những cái thiếu này, sẽ xảy ra các trường hợp khán giả kêu nhạt, câu chuyện không logic vì không có sợi chỉ hồng xuyên suốt, đó là chủ đề của tác phẩm, mục đích của năm nay là làm về cái gì.

Từ xưa đến nay điều này không có nhưng vì khán giả quá dễ dãi và đôi khi người ta ghép tiếng cười vào khiến khán giả không biết. Đó là điều chúng ta cẩu thả, mặt khác truyền thông nương nhẹ cho việc đó thành thử cũng “giết” rất nhiều nghệ sĩ. Thực tế nhiều nghệ sĩ ra diễn hài khán giả không cười, như vậy có phải là nghệ sĩ hài hay không? Chính vì như thế họ phải tìm mọi cách để làm hài, thậm chí tìm những cái hiểm nhất, nhạy cảm nhất. Lúc diễn hài có lúc chúng ta bị quá trớn, phiêu quá, đôi khi chính Vượng Râu cũng bị vì không phanh kịp nhưng chúng ta còn khâu biên tập thì cắt phần đó đi, nhưng cố tình không cắt thì lại là chuyện khác”.

Với danh hài, tư duy của sân khấu và truyền hình, điện ảnh khác nhau hoàn toàn. Người làm sân khấu có thể sang làm truyền hình, điện ảnh dù có thể không hay nhưng không bị làm sao nhưng ngược lại từ làm truyền hình sang làm sân khấu thì bao giờ cũng bị rỗng về nội dung. Cũng thời lượng như vậy nhưng họ không biết truyền tải thông điệp thế nào nên cái này nhặt một tí, cái kia nhặt một tí, trong số đó có cái bị dính chưởng.

“Tôi chưa năm nào xem Táo Quân, nhưng có hai cách làm hài. Như trong hề chèo cổ cơ bản có hề áo ngắn và hề áo dài. Hề áo ngắn đại diện cho người nông dân họ lấy quan lại ra để chọc cười, làm bộc lộ cái xuẩn ngốc của lớp người này, còn hề áo dài là tự họ bộc lộ bản thân mình. Trong trường hợp này Bắc Đẩu là hề áo dài. Áo dài ở đây không phải là nữ mà đại diện cho quan lại. Giữa việc người khác chọc mình và mình tự nói về mình nó khác nhau hoàn toàn. 

Ví dụ như tôi gặp một người thọt tôi chọc họ nghĩa là tôi xúc phạm người ta rồi, nhưng nếu người đó tự nói ra “làm sao mọi ngày tôi đi đều lắm mà hôm nay tôi đi cứ chân vẽ chân xóa” thì nó buồn cười, vì người đó tự nói mình. Bởi vậy, càng làm sâu làm lâu thì càng phải có kinh nghiệm.

Làm hài chúng ta không thể bất chấp mọi thủ đoạn được, có thể chấp nhận đoạn này không hài lắm nhưng giữ được tính nhân văn. Có những chương trình chúng ta đã quá ưu ái, nên có cái nhìn khách quan công bằng chứ đừng bao che, bởi yêu nhau như thế bằng mười hại nhau. Nghệ sĩ bản thân nhiều người hay phiêu diêu nằm trên cột điện, người càng ảo càng nằm lâu, phải có người đóng cầu dao điện để họ giật mình mà đặt chân xuống đất”, nghệ sĩ Vượng Râu chia sẻ.

Rõ ràng, sự tranh luận về tính chất đúng - sai của chương trình Táo Quân 2018 vẫn đang diễn ra vô cùng sôi nổi, khi không chỉ có những khán giả nhận xét mà ngay cả những nghệ sĩ, diễn viên và người làm việc trong nghệ thuật cũng đang bàn tán về nó. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đại diện Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Ban biên tập chương trình Gặp nhau cuối năm vẫn chưa chính thức lên tiếng đáp lại sau sự việc. SAOstar sẽ liên tục cập nhật thông tin đến khán giả.

Chia sẻ

Bài viết

Sa Cát

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất