Ngày 3 tháng 10, Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố tình hình điều tra vụ án Phạm Băng Băng. Cụ thể, Phạm Băng Băng buộc phải chấp hành hình phạt nộp đủ số tiền thuế còn thiếu, số tiền phát sinh do nộp thuế chậm và số tiền phạt tổng cộng lên đến hơn 800 triệu NDT. Căn cứ vào đâu để đưa ra đơn phạt với một con số lớn như thế? Vì sao Phạm Băng Băng lại chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Vụ án này có ý nghĩa cảnh cáo như thế nào đối với giới giải trí Hoa ngữ? Nhà báo của Tân Hoa Xã đã tiến hành phỏng vấn chuyên gia pháp lý cùng những người trong giới giải trí để trả lời những câu hỏi trên.
Số tiền xử phạt thể hiện sự khoan hồng và nghiêm ngặt của pháp luật
Phóng viên được biết, vụ án Phạm Băng Băng là vụ án trốn thuế với số tiền lớn nhất trong những năm gần đây của Vụ Chính sách thuế. Vụ đưa ra mức phạt từ gấp 0,5 đến 4 lần đối với bốn hành vi trốn thuế của Phạm Băng Băng và Công ti đại diện của cô, trong đó hành vi chia nhỏ hợp đồng của Phạm Băng Băng bị xử phạt gấp 4 lần, số tiền phạt lên đến 240 triệu NDT.
Chuyên gia pháp lý và một số người trong giới giải trí cho rằng việc Vụ Chính sách thuế căn cứ vào các điều luật để đưa ra mức phạt này là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo tính quyền lực và nghiêm minh của Luật Thuế Quốc gia. Mức phạt này còn có ý nghĩa duy trì sự phát triển lành mạnh của ngành điện ảnh và giải trí, đồng thời cũng có ích trong việc nâng cao ý thức nộp thuế theo pháp luật của toàn xã hội.
Căn cứ Luật Thuế của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hành vi trốn thuế, không nộp thuế hay nộp thuế ít hơn quy định thì sẽ do cơ quan Vụ Chính sách thuế truy thu các khoản không nộp hoặc nộp thiếu, khoản phát sinh do nộp chậm, đồng thời xử phạt từ gấp 0,5 đến 5 lần đối với hành vi không nộp thuế hoặc nộp thiếu.
“Hợp đồng âm dương là vấn đề nhận được sự phản ứng mạnh mẽ từ xã hội trong suốt khoảng thời gian qua” - Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu về thuế của Trường Đại học Pháp chính Trung Quốc - ông Thi Chính Văn nói. Cơ quan Thuế đưa ra mức xử phạt đối với hành vi chia nhỏ hợp đồng của Phạm Băng Băng rất nghiêm khắc, có tác dụng răn đe mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế tương tự sau này.
Giáo sư Phan Dũng thuộc Học viện Tài chính và Thuế vụ trường Đại học Tài chính Trung ương cho rằng quyết định xử phạt của Vụ Chính sách thuế đã thể hiện được rõ nét tính minh bạch của pháp luật trong xã hội. Hình phạt này còn thể hiện sự khoan hồng đối với đương sự.
Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự là phù hợp pháp luật hình sự.
Vì sao Phạm Băng Băng chỉ bị xử phạt hành chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Đây là vấn đề được quan tâm hiện nay.
Pháp luật Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định: người có nghĩa vụ nộp thuế nhưng dùng thủ đoạn để che giấu như khai báo sai hoặc không khai báo với Vụ Chính sách thuế với số tiền trốn thuế nhỏ hơn hoặc bằng 10% tổng số tiền thuế phải nộp sẽ bị tạm giam hoặc phạt tù lên đến 3 năm, đồng thời phải nộp phạt số tiền theo quy định. Nếu khoản tiền trốn thuế chiếm từ 30% trở lên trong tổng số tiền thuế phải nộp thì sẽ bị phạt tù có kỳ hạn từ 3 đến 7 năm, đồng thời phải nộp phạt theo quy định.
Pháp luật Hình sự cũng quy định, sau khi Vụ Chính sách thuế đưa ra thông báo về quyết định xử phạt, nếu đương sự chấp nhận hình thức xử phạt hành chính và kịp thời nộp bổ sung khoản thuế còn thiếu cũng như phí nộp muộn thì đương sự sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những đối tượng đã từng bị xử phạt hành chính đối với hành vi trốn thuế trong vòng 5 năm trở lại, hoặc những đối tượng bị cơ quan thuế xử phạt hành chính từ 2 lần trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi của mình.
Giáo sư Hoàng Kinh Bình thuộc Học viện Pháp luật trường Đại học Nhân dân Trung Quốc nói: “Pháp luật hình sự quy định như vậy nhằm mục đích chính là đảm bảo cho thu nhập từ thuế của nhà nước được ổn định. Ngoài ra, những hình phạt đi kèm được thực hiện nhằm mục đích răn đe và nhắc nhở công dân về nghĩa vụ nộp thuế của mình”.
Trương Bân - Nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược tài chính và Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - lên tiếng: “Cùng với sự phát triển của pháp luật nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các chính sách nộp thuế cũng dần hoàn thiện theo. Việc nhắc nhở, răn đe công dân về ý thức nộp thuế là nhiệm vụ vô cùng bức thiết của các cơ quan hành chính. Vụ án Phạm Băng Băng là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ cho những đối tượng coi thường luật pháp mà cụ thể là những quy định liên quan đến việc đóng thuế. Hi vọng đây sẽ là bài học lớn cho không chỉ giới văn nghệ sĩ mà còn có công dân trong nước về việc đóng thuế”.
Chuẩn hóa trình tự nộp thuế và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành điện ảnh
Cục Tuyên truyền Trung ương, Bộ Văn hóa và Du lịch, Tổng cục Thuế Quốc gia, Tổng cục Đài truyền hình, Cục Điện ảnh Quốc gia… là sáu đơn vị được lệnh phải liên kết và ban hành thông báo vào cuối tháng Sáu liên quan đến việc kiểm soát và siết chặt mức thù lao trong ngành giải trí. Đặc biệt, thắt chặt tình trạng tạo lập các “hợp đồng âm dương” và các hành vi trốn thuế. Chính sách này được ban hành nhằm mục đích quản lí chặt chẽ mức thù lao của các nghệ sĩ, không để tình trạng thù lao siêu khủng diễn ra một cách ồ ạt như trước đây.
Các diễn viên điện ảnh và truyền hình là những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội hiện đại nên hành vi phạm pháp, mà ở đây là trốn thuế, sẽ tạo nên những tác động tiêu cực đối với công chúng.
Ông Trọng Trình Tường, Chủ tịch Hiệp hội Văn học và Nghệ thuật Trung Quốc, chỉ ra rằng, sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh và truyền hình Trung Quốc cần phải được thực hiện trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi thi hành luật và quy định thuế của Quốc gia, các cơ quan cần phải tiến hành một cách có trình tự tránh tạo ra tình trạng quần chúng nhân dân phản ứng mạnh mẽ đối với các mức thù lao “trên trời”, “hợp đồng âm dương” và việc trốn thuế của các nghệ sĩ. Quyết định xử phạt của Vụ Chính sách thuế là thuận theo ý dân, có ích cho việc thúc đẩy văn hóa nghệ thuật thời đại mới phát triển lành mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghệ thuật Truyền hình Trung Quốc, thành viên của Ủy ban Xây dựng đạo đức nghề nghiệp văn học và nghệ thuật Trung Quốc, ông Lâm Vĩnh Kiện, khẳng định mọi người cần quan tâm đến hiện tượng trốn thuế vẫn còn tồn tại trong ngành điện ảnh và truyền hình hiện nay. Diễn viên điện ảnh và truyền hình, dù đứng ở bất kỳ vị trí nào, đều bình đẳng trước pháp luật. Việc họ trở nên nổi tiếng, hưởng mức thù lao quá cao nhưng không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của công dân là hành vi đáng lên án.
Ông còn nói, việc xử lý kịp thời vụ việc này theo pháp luật mang ý nghĩa lập lại trật tự cho nội bộ ngành giải trí. “Tôi nghĩ, đại đa số các bạn đang công tác trong ngành điện ảnh và truyền hình đều đang tán thành và ủng hộ từ tận đáy lòng động thái này của Vụ Chính sách thuế” - Phó Chủ tịch Lâm Vĩnh Kiện chia sẻ.
Một số cơ quan báo đài địa phương còn tiết lộ thêm rằng Tổng cục Thuế Quốc gia sẽ thi hành một chính sách đặc biệt nhằm quản lí chặt chẽ hơn việc đóng thuế của các công dân hoạt động trong ngành điện ảnh và truyền hình. Đối với những cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện ảnh và truyền hình có ý thức tự giác về hành vi nộp thuế chậm của mình mà đến Vụ Chính sách thuế chấp hành nghĩa vụ nộp thuế sẽ được miễn xử phạt vi phạm hành chính, không bị phạt thêm tiền. Đối với những cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện ảnh và truyền hình không có ý thức tự giác, họ sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Ông Lâm Vĩnh Kiện cho rằng, cách làm này vừa có thể bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định, lại vừa có thể thúc đẩy ngày điện ảnh và truyền hình Trung Quốc phát triển một cách lành mạnh.