Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Phim 'Vợ Ba' - Số phận bi ai người phụ nữ

Nguyễn Đức Trọng Theo dõi Saostar trên google news

Gần một năm về trước, đoạn trailer đầu tiên của bộ phim Vợ Ba được tung ra đã làm xốn xang biết bao nhiêu con tim của những người yêu điện ảnh. Từ khâu quảng bá đầu tiên đó bộ phim đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông cũng như là dư luận đại chúng.

Ngoài những ý kiến khen ngợi dành cho đoạn trailer thì cũng có không ít người bi quan cho rằng với đề tài cùng cách khai thác nhạy cảm, bộ phim sẽ khó lòng lọt qua đường vòng kiểm duyệt gắt gao của Cục điện ảnh.

Trailer “Vợ Ba”

Trước khi bộ phim được công chiếu thì nhà sản xuất và đạo diễn Ash Mayfair đã đem Vợ Ba đi “chinh chiến” ở rất nhiều LHP lớn nhỏ và đạt được nhiều thành tựu quang trọng, trong đó đáng chú ý là bộ phim đã chiến thắng giải Phim Châu Á xuất sắc nhất tại LHP Toronto.

Poster “Vợ Ba”

Bẵng đi gần một năm, tưởng như Vợ Ba không vượt qua vòng kiểm duyệt thì bất ngờ bộ phim được ấn định ngày công chiếu tại thị trường Việt Nam là 17/05. Ngay lập tức, sự chú ý của dư luận tiếp tục đổ dồn vào bộ phim vì những thông tin bên lề. Tuy nhiên, sau tất cả, chất lượng tuyệt vời của Vợ Ba mới là thứ đáng được quan tâm nhất.

Vợ Ba lấy bối cảnh vào thế kỷ 19 tại một vùng quê miền Bắc với nhân vật trung tâm là Mây, một cô gái chỉ đang ở độ tuổi mới lớn đã được gả vào làm vợ ba tại một gia đình khá giả trong vùng.

Xem thêm: 'Người vợ ba': An phận và phản kháng, con đường nào cho thân phận đàn bà trong xã hội phong kiến

Số phận người phụ nữ trong xã hội xưa không còn là đề tài mới nhưng “Vợ Ba” vẫn hấp dẫn người xem bằng những nét riêng

Dù theo đuổi một đề tài không mới nhưng với ngôn ngữ điện ảnh tuyệt mỹ của mình, đạo diễn Ash Mayfair đã truyền tải hết được những bất hạnh và bất công của kiếp đàn bà thời xưa một cách vô cùng tinh tế mà không quá phô trương, giáo điều. Tuy lấy bối cảnh thế kỷ 19 nhưng thông điệp Vợ Ba muốn truyền tải vẫn có sức nặng phản chiếu lại xã hội Việt Nam hiện đại.

Đẹp đến từng khung hình

Một ưu điểm của Vợ Ba mà ta có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng nhất ngay từ trailer đó chính là phần hình ảnh đẹp đến nao lòng.

Khi theo dõi Vợ Ba, người xem sẽ được thưởng thức những khung hình tuyệt đẹp. Được sự cố vấn nghệ thuật từ đạo diễn nổi tiếng Trần Anh Hùng, bộ phim mang nặng tính chất duy mỹ, lược bỏ kịch tính câu chuyện đặc trưng trong phong cách làm phim của ông. Nếu dừng lại ngẫu nhiên ở bất cứ phân đoạn người xem cũng sẽ có liền ngay một bức ảnh đầy tình nghệ thuật với bố cục chặt chẽ cùng màu sắc thi vị.

Tính thẩm mỹ của “Vợ Ba” có chất lượng vô cùng cao

Bối cảnh làng quê Bắc Bộ hiện lên trong phim với một dáng vẻ thơ mộng nhưng cũng không kém phần bí ẩn. Nhìn bề ngoài thì có êm đềm tuy nhiên nếu tiếp xúc đủ lâu, người quan sát sẽ nhận thấy được ở trong cái dáng vẻ bình bình đó vốn luôn tồn tại những vấn đề mục nát, xấu xí mà người ta sống với nó đã lâu nên thành quen.

Làng quê Bắc Bộ trong phim vừa yên bình vừa ma mị

Màu sắc của phim cũng được thiết kế một cách tinh tế khi khiến người xem liên tưởng đến màu đặc trưng của những cuộn phim được sử dụng trong nhiếp ảnh khi máy ảnh kỹ thuật số chưa ra đời. Chi tiết này giúp Vợ Ba như khoác lên một tấm áo nhuốm đầy màu hoài cổ, tăng phần thuyết phục cho bối cảnh thời xưa của phim.

Xem thêm: 'Vợ Ba': 5 giá trị Việt làm nên tính nghệ thuật của tác phẩm đạt giải tại LHP quốc tế Toronto

Màu sắc của phim gợi lên cảm giác hoài cổ nơi người xem

Bên cạnh đó, đạo diễn Ash Mayfair đã mạo hiểm áp dụng một tỷ lệ khung hình hiếm gặp trong điện ảnh hiện đại ngày nay. Tỷ lệ khung hình này có chiều ngang ngắn hơn hẳn chuẩn thông thường, điều này giúp cho chủ thể cũng như là nội dung câu chuyện được cô đọng lại tốt hơn, không bị dư thừa chi tiết.

“Vợ Ba” sở hữu một tỷ lệ khung hình hiếm gặp trong điện ảnh Việt Nam hiện đại giúp cô đọng được chủ thể

Không như lo ngại của nhiều người khi phim chưa được công chiếu rằng Vợ Ba sẽ tràn ngập cảnh nóng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Những cảnh quay đặc tả chuyện chăn gối hay cơ thể người phụ nữ trong phim được đạo diễn hình ảnh Chananun Chotrungroj cùng đạo diễn Ash Mayfair thể hiện một cách tinh tế, không phản cảm mà vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ tuyệt đối.

Những phân đoạn nhạy cảm trong phim không hề dung tục mà ngược lại còn đầy tính thẩm mỹ

Thông điệp sâu sắc và tinh tế về số phận người phụ nữ và tình yêu

Một hình ảnh xuất hiện xuyên suốt Vợ Ba là quá trình trưởng thành của con tằm. Đây là một hình ảnh ẩn dụ vô cùng tinh tế, qua đó ám chỉ đến số phận người phụ nữ trong xã hội thời xưa.

Nhiệm vụ duy nhất của loài tằm chỉ là nhả tơ, sau đó hưởng thụ chút hạnh phúc ít ỏi của đời là hóa thành con ngài, cuối cùng là trước khi chết phải sinh ra nhộng con để tiếp tục việc tạo ra tơ. Những người phụ nữ ở thời đại đó cũng vậy, họ hoàn toàn không có quyền tự quyết cho cuộc đời mình. Cứ đến một độ tuổi nhất định là gia đình những người phụ nữ này sẽ sắp xếp cho họ một cuộc hôn nhân với một gia đình xa lạ. Thậm chí, lần đầu tiên họ gặp chồng mình cũng là đêm tân hôn.

Ở xã hội này người phụ nữ không có quyền lựa chọn tình yêu và hôn nhân cho cuộc đời mình

Người phụ nữ khi về làm dâu thì chẳng có niềm vui thú nào, vì giờ đây người nhà của họ là những người hoàn toàn xa lạ mà họ chưa từng tiếp xúc. Kể cả là trong chuyện chăn gối người phụ nữ cũng phải cố gắng học hỏi để làm hài lòng đấng lang quân.

Nhiệm vụ quan trọng của người phụ nữ khi làm vợ đó là phục vụ những người đứng đầu gia đình và quan trọng hơn hết thảy là sinh con trai để nối dõi tông đường. Con trai của gia đình sẽ được cung phụng từ chân đến răng còn con gái thì phải bắt đầu học nữ công gia chánh từ rất sớm để đặng sau này còn biết đạo mà về làm dâu nhà người.

Một xã hội tồn tại nhiều hủ tục được lột tả một cách hết sức chân thực trong “Vợ Ba”

Tình yêu ở xã hội này là một điều xa xỉ khi người ta hoàn toàn không có quyền được chọn người mình yêu. Những người đang yêu bị buộc phải xa rời người mà mình thương. Có người thì chấp nhận hiện thực mà sống, có người thì ra sức chống đối. Nhưng dù có như thế nào thì kết quả cuối cùng vẫn như nhau.

Ở xã hội này, không hề có lối thoát nào người phụ nữ khi bất cứ ai trong số họ đều bị gả đi khi mới chỉ bước vào độ tuổi dậy thì. Nếu may mắn vào được nhà tử tế thì họ sẽ có một cuộc sống tạm gọi là tốt nhưng chẳng may bị gả cho một người không thương mình thì chỉ có cái chết mới giải thoát được cho kiếp đàn bà nhiều bi ai.

Phân đoạn trả dâu là phân đoạn đắt giá nhất, làm bật lên ý nghĩa của Vợ Ba. Nhân vật người cha của cô dâu do NSƯT Trung Anh thể hiện dù biết con gái mình sẽ chịu nhiều đau khổ khi còn ở lại làm vợ trong nhà ông Hùng tuy nhiên vì sợ điều tiếng nên ông không nhận con về. Chỉ bằng một ánh mắt, NSƯT Trung Anh đã tài tình thể hiện được tình yêu của cha dành cho con gái nhưng trong đó cũng ẩn chứa sự bất lực trước xã hội cổ hủ.

Như đã đề cập trước đó đạo diễn Ash Mayfair đã áp dụng một tỷ lệ khung hình khác thường cho Vợ Ba. Tỷ lệ khung hình này ngoài việc cô đọng chủ thể còn giúp nổi bật sự chật hẹp của không gian. Nhờ vậy mà khiến người xem có cảm giác ngột ngạt và nhận thức hơn được sự bất lực, không lối thoát của các nhân vật trong phim.

Tỷ lệ khung hình khác lạ làm bật lên sự gò bó không lối thoát của nhân vật

Vẫn tồn tại một số hạn chế

Tuy là một bộ phim xuất sắc nhưng Vợ Ba vẫn sở hữu cho mình những điểm yếu riêng.

Đầu tiên là diễn xuất của diễn viên chính Nguyễn Phương Trà My. Vì tuổi đời cũng như tuổi nghề của cô còn quá ít nên cô chưa thành công trong việc lột tả cảm xúc nhân vật trong những phân đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, đài từ của nữ diễn viên chưa thật sự tốt khiến cho thoại của nhân vật Mây trở nên thiếu tự nhiên.

Diễn xuất của Nguyễn Phương Trà My vẫn còn nhiều hạn chế

Bạn diễn của Nguyễn Phương Trà My đa phần đều là những người đã lăn lộn rất lâu trong nghề như Trần Nữ Yên Khê, Maya… nên diễn xuất của họ có phần nổi trội hơn hẳn. Tuy nhiên, đạo diễn Ash Mayfair chưa khai thác tốt những tuyến nhân vật phụ này khiến cho vai trò của họ trong Vợ Ba có phần nhạt nhòa, ít ấn tượng.

Tuyến nhân vật phụ chưa được khai thác đúng tiềm năng

Thêm một điều mà người viết cảm thấy khó chịu khi xem Vợ Ba đó là giọng của các diễn viên trong phim. Không biết có phải chăng do là một Việt kiều nên đạo diễn Ash Mayfair chưa lưu tâm đến vấn đề này không. Trong phim trừ nhân vật Xuân của Maya và bà hầu của NSƯT Như Quỳnh ra thì các nhân vật khác đều gặp vấn đề với đài từ của mình. Như giọng nói của nhân vật Mây không hề giống giọng miền Bắc mà còn lộ rõ là giọng của một người miền Nam cố nói cho giống.

Thậm chí có vài phân cảnh Nguyễn Phương Trà My đọc thoại bằng giọng miền Nam luôn. Ngoài Mây, nhân vật Hà của Trần Nữ Yên Khê thì cũng mắc lỗi tương tự. Ở trường hợp của nhân vật này là sở hữu chất giọng lơ lớ thường thấy của một Việt kiều. Điều này khi trình yếu ở nước ngoài thì khán giả sẽ không thấy vấn đề gì tuy nhiên lại khiến cho diễn xuất của các diễn trở nên thiếu tự nhiên đối với khán giả trong nước, ảnh hưởng đôi chút đến quá trình thưởng thức phim.

Đài từ của các diễn viên chưa thật sự tốt dẫn đến việc thiếu tự nhiên khi hóa thân vào nhân vật

Bên cạnh đó, tông giọng của các nhân vật đôi khi lại xuống quá thấp kết hợp với đài từ thiếu tự nhiên khiến cho có đôi chỗ khán giả khó lòng nghe hiểu được nhân vật nói gì nếu không đọc phụ đề bằng tiếng Anh.

Tổng hợp lại, Vợ Ba là một bộ phim xuất sắc khi sở hữu cho mình những khung cảnh đẹp nao lòng và những lớp lang ý nghĩa tinh tế mà không giáo điều. Đây là một bộ phim nghệ thuật có chất lượng tốt hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam mà bất cứ ai yêu phim cũng phải đi xem một lần. Trong bối cảnh điện ảnh nước nhà đang tràn ngập những bộ phim giải trí được sản xuất chỉ với mục đích moi tiền người xem thì Vợ Ba như một làn gió mới thổi vào thị trường non trẻ này. Đây cũng là minh chứng cho thấy người Việt hoàn toàn có thể sản xuất ra những bộ phim nghệ thuật đầy tính nhân văn không hề thua kém bất cứ cường quốc điện ảnh nào.

“Vợ Ba” là một bộ phim nghệ thuật có chất lượng cao hiếm hoi của nền điện ảnh Việt Nam

Vợ Ba đang được công chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.

Xem thêm: Review 'Người vợ ba': Tác phẩm điện ảnh Việt Nam được giải thưởng tại LHP Toronto 2018

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nguyễn Đức Trọng

Được quan tâm

Tin mới nhất