Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Việt hóa kịch bản phim có đơn thuần là 'sao y bản chính'?

Câu hỏi đặt ra trước những thành công mang giá trị "tiền tỷ" của các phim "Việt hóa" trong thời gian qua chính là, liệu rằng có phải phim remake chỉ đơn giản cần "sao y bản chính"?

Kỳ trước, chúng ta đã bàn luận về những thành công rực rỡ đáng ghi nhận của dòng phim Việt hóa tại thị trường Việt Nam. Với doanh thu hàng chục tỷ đồng tại cả những thời điểm có nhiều sự cạnh tranh của các bom tấn Hollywood hay Hàn Quốc, phim Việt hóa được xem như một hướng đi đầy tiềm năng cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, câu hỏi khiến khán giả và ngay chính ekip sản xuất cũng phải đặt ra, liệu rằng làm phim remake chỉ đơn giản là “sao y bản chính” những gì xuất hiện, diễn ra trong phim gốc, chỉ thay đổi tên tuổi nhân vật, bối cảnh để phù hợp với người Việt… mà không cần sự sáng tạo?

Rõ ràng giống như việc vẽ lại tranh của những họa sĩ nổi tiếng, những người làm phim đã có một kịch bản gốc hoàn hảo, chỉn chu, lại có trong tay những thước phim đã được thành hình từ nước ngoài, để từ đó dựa vào và tạo ra bộ phim Việt hóa của mình. Nếu như trước đây, hành vi “sao chép” khung hình, nội dung, ý tưởng được gọi là “đạo nhái”, “ăn cắp chất xám”, thì nay bằng việc mua bản quyền, nhà sản xuất có thể ung dung thực hiện với danh xưng “Việt hóa” mà không phải ngại điều tiếng dư luận.

Tưởng chừng việc làm “chép tranh” ấy sẽ dễ dàng mang đến thành công cho những bộ phim, thế nhưng “lợi bất cập hại”, khi mà khán giả đã vốn quen thuộc với bộ phim gốc, thậm chí là từng cảnh quay, từng câu thoại, vì thế, sự so sánh giữa hai phiên bản là điều không tránh khỏi.

Ngay từ những teaser, trailer đầu tiên, Sắc đẹp ngàn cân đã nhận phải nhiều lời chỉ trích vì những hình ảnh cho thấy, phiên bản Việt chỉ đang “sao y bản chính” một cách chính xác đến từng khung hình.

Cảnh mở đầu trong nguyên tác.

Và phiên bản Việt hóa giống đến hơn 90%.

Sau khi phim ra mắt, những lời nhận xét ấy càng nhiều hơn, thậm chí khán giả quay lưng với bộ phim chỉ vì họ không muốn xem “bản sao” của một bộ phim quá nổi tiếng và xuất sắc như 200 Pounds Beauty. Từ tạo hình nhân vật Hà My của Minh Hằng, lối diễn xuất nửa lạnh lùng nửa ấm áp của producer Duy Khang do Rocker Nguyễn đảm nhận, đều bị cho rằng không có tính sáng tạo trong phim.

Nhà sản xuất và đạo diễn Sắc đẹp ngàn cân cũng từng cho biết, việc remake phim 200 Pounds Beauty là một con dao hai lưỡi đối với họ, và thực tế đã chứng minh điều đó. Mặc cho doanh thu của phim không ngừng tăng lên, số lượng khán giả đến rạp vẫn đông nhưng cái nhìn thiện cảm dành cho bộ phim lại bị giảm sút. Nguyên nhân cũng chính bởi kịch bản gốc đã được giữ lại trọn vẹn trong phiên bản Việt, khiến cho người xem cảm thấy lạ lẫm với chính văn hóa nước nhà.

Dù rằng Việt Nam và Hàn Quốc đều thuộc châu Á, sở hữu nền văn hóa đậm chất Á Đông, thế nhưng xét đi xét lại vẫn là khác nhau. Nếu như ở Hàn Quốc, câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra hằng ngày, và là mục tiêu hướng đến của rất nhiều cô gái, chàng trai thì tại Việt Nam, sự thành công từ việc “dao kéo thẩm mỹ” lại chưa được rõ rệt. Không ngoa khi cho rằng, Sắc đẹp ngàn cân có được ảnh hưởng khi ra rạp là nhờ vào “hiệu ứng Đức Phúc” - “bằng chứng sống” cho thành công của phẫu thuật thẩm mỹ, và càng không sai nếu như khán giả có suy nghĩ ekip sản xuất có phần đứng sau hành trình “vịt hóa thiên nga” của anh chàng này, như một chiến dịch góp phần quảng bá cho bộ phim.

Trailer phim Sắc đẹp ngàn cân.

Song song đó, bối cảnh của hai phiên bản chênh lệch với nhau 10 năm, một khoảng thời gian rất dài đủ để thay đổi lối suy nghĩ của khán giả về nhiều vấn đề xã hội. Nếu như 10 năm trước, việc bài xích phẫu thuật thẩm mỹ vẫn còn diễn ra khá nhiều, khi nhiều người Việt vẫn còn lên án việc “dao kéo”, đặc biệt trong giới showbiz, thì ngày nay, vào năm 2017, việc làm này đã được công khai hóa và dư luận dần đón nhận nhiều hơn. Bối cảnh khác nhau, cái nhìn khác nhau. Thời điểm khác nhau, suy nghĩ cũng khác nhau. Nếu nhà sản xuất và biên kịch chỉ đơn giản “sao y bản chính” mà không thay đổi cho phù hợp thời điểm cũng như văn hóa nước nhà, bộ phim sẽ dễ dẫn đến xa lạ dù các diễn viên đang nói tiếng Việt.

Hầu như các phân cảnh đều được “sao y bản chính”.

Trailer phim 200 Pounds Beauty.

Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2015, khi Em là bà nội của anh gây sốt, khán giả đến rạp xem không vì nguyên tác của nó, mà bởi chính bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Bởi lẽ, khác với 200 Pounds Beauty là một phim được nhiều người Việt yêu thích cùng với sự diễn xuất của Kim Ah-joong và ca khúc Maria trứ danh, thì Miss Granny lại là một cái tên xa lạ của thị trường rạp Việt. Từng ra mắt đầu năm 2014, gây “sóng gió” tại Hàn Quốc với nhiều giải thưởng và doanh thu cao, thế nhưng Miss Granny (tên tiếng Việt: Ngoại già tuổi đôi mươi) lại đến Việt Nam như bao phim điện ảnh Hàn Quốc khác, nhận được sự đón nhận có phần thờ ơ của khán giả. Chính vì lẽ đó, không ít người bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe tin bộ phim này được Việt hóa, bởi lẽ khán giả còn chưa kịp có hình ảnh của bản gốc trong đầu.

Miu Lê hát lại Còn tuổi nào cho anh trong phim Sắc đẹp ngàn cân.

Ấy vậy mà, qua bàn tay khéo léo của ekip sản xuất, Em là bà nội của anh lại trở nên duyên dáng, kế thừa được nét tinh túy của bản phim Hàn, thêm thắt vào đó là những yếu tố, câu chuyện thuần Việt. Hành động “cover” lại những bản tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim và biến nó trở thành những bài nhạc “đinh”, cùng với bối cảnh xưa và nay, những mảng miếng hài hước quen thuộc của người Việt, Em là bà nội của anh đã thành công.

Trang phục của phim cũng được “Việt hóa”.

Nếu đứng ở vị trí ngoài cuộc nhìn vào, không ít người chỉ thừa nhận bộ phim thắng doanh thu phòng vé nhờ vào hiệu ứng và kịch bản phim gốc. Thế nhưng có đi sâu vào trong bộ phim, bóc tách nội dung và phản ứng của khán giả thì mới thấy được rằng, Em là bà nội của anh đã là một bản phim kế thừa hoàn hảo, tận dụng những ưu điểm của kịch bản gốc mà vẫn không quên đưa vào những hình ảnh đậm màu sắc Việt Nam, để khán giả vẫn thấy gần gũi, quen thuộc với văn hóa nước nhà.

Giai điệu Ô Mê Ly qua giọng của Miu Lê trong phim Em là bà nội của anh.

Quay ngược thời gian với bộ phim Yêu của đạo diễn Việt Max ra mắt khán giả vào tháng 11/2015. Ekip thực hiện đã thừa nhận việc lấy cảm hứng từ phim điện ảnh Thái Lan The Love of Siam và từ đó tạo ra một câu chuyện riêng của mình. Thế nhưng khi xem, khán giả cảm thấy khiên cưỡng bởi các tình tiết cùng nội dung và diễn xuất của dàn diễn viên. Bởi lẽ, The Love of Siam là câu chuyện tình đồng tính của hai cậu con trai, trong khi Yêu mang đến màu sắc đồng tính nữ.

Phim Yêu của đạo diễn Việt Max.

The Love of Siam của Thái Lan.

Dẫu rằng cùng xoay quanh tình yêu đồng giới, thế nhưng tâm sinh lý của con trai và con gái hoàn toàn khác nhau. Nhà sản xuất hoàn toàn có thể lấy cảm hứng nhưng cần phải thay đổi tình tiết, câu chuyện, cảm xúc của nhân vật để phù hợp với bộ phim của mình hơn. Vì chính sự “sao y bản chính” ấy, Yêu đã không nhận được sự yêu thích từ khán giả đại chúng cũng như cộng đồng LGBT.

Chi Pu trong phim Yêu.

Pchy (Witwisit Hiranyawongkul) trong The Love of Siam.

Phim Việt hóa vẫn là thị phần “béo bở” của các nhà làm phim điện ảnh, thậm chí còn lấn sang mảng phim truyền hình với hàng loạt bộ phim gây sốt như Người phán xử (Việt hóa dựa trên kịch bản phim The Arbitrator của Israel), Sống chung với mẹ chồng (chuyển thể từ tiểu thuyết Phù thủy dưới đáy biển của tác giả Giả Hiểu - Trung Quốc), Gia đình là số một (phiên bản gốc High Kick của Hàn Quốc)… và sắp tới sẽ là Mối tình đầu của tôi (remake từ She Was Pretty của Hàn).

Tuy không nổi bật bằng bản gốc High Kick nhưng Gia đình là số một vẫn khiến khán giả trẻ yêu thích vì sự gần gũi trong văn hóa gia đình người Việt.

Thế nhưng ở những bộ phim kể trên, thành công của họ chính là nhờ vào việc “biến tinh hoa của người khác thành của mình”, đưa những giá trị văn hóa Việt Nam vào trong những tác phẩm remake, mang đến sự gần gũi, thân thiện cho người xem.

Scandal Makers và Sunny đã “lên kệ” để Việt hóa

Chắc chắn chẳng ai muốn thưởng thức một bộ phim “nói tiếng Việt”, do người Việt đóng mà lại có cảm giác xa lạ như chuyện đang diễn ra tại một đất nước nào đó. Chắc chắn chẳng người xem nào muốn dõi theo một câu chuyện hiện tại nhưng mang cái nhìn cũ kỹ của hàng chục năm về trước. Chắc chắn chẳng khán giả nào muốn trụ lại rạp phim quá 30 phút khi xem một bộ phim “sao y bản chính” và không hề nhìn thấy dấu ấn cá nhân của đạo diễn, biên kịch hay dàn diễn viên

Mối tình đầu của tôi mang hy vọng mới mẻ và đậm chất Việt so với bản gốc She Was Pretty.

Đúng như đạo diễn James Ngô (Sắc đẹp ngàn cân) từng nói: “Làm phim remake như chơi dao hai lưỡi”. Các nhà làm phim cần chỉnh sửa, sáng tạo để mang vào đó những nét thuần Việt cùng với màu sắc của mình, nhưng vẫn trên tinh thần của kịch bản gốc. Sẽ rất khó để có thể dung hòa hai điều đó, nhưng mọi việc trên đời đều cần phần phải thử thách, và bản lĩnh của một người đạo diễn, một người biên kịch giỏi chính là chinh phục thử thách ấy, để mang đến một tác phẩm chất lượng và đạt được doanh thu cao.

Kỳ cuối: Kịch bản thuần Việt ở đâu khi phim Việt hóa đang chứa đựng nhiều rủi ro?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tiến Đạt

Được quan tâm

Tin mới nhất
VietNam Future Fashion Show - MoonLight: Một Đêm Thời Trang Thăng Hoa