Phim Ảnh

Dù đã phát sóng được 5 năm nhưng vì sao chẳng có bộ phim cổ trang nào phá vỡ được rating 'Võ Mị Nương Truyền Kỳ'?

Phượng Nguyễn
Chia sẻ

Võ Mị Nương truyền kỳ là sản phẩm truyền hình thứ 3 của Studio Phạm Băng Băng do chính Phạm Băng Băng là nữ chính. Phiên bản này đạt rating cao nhất năm 2014 và trở thành bộ phim cung đình ăn khách nhất trong năm.

Võ Tắc Thiên là một phi tần hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau này trở thành Hoàng Hậu của Đường Cao Tông Lý Trị. Sau khi Đường Cao Tông qua đời, Võ Tắc Thiên trải qua các đời Đường Trung Tông Lý Hiển, Đường Duệ Tông Lý Đán với danh xưng Hoàng thái hậu và về sau trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu (690-705) đồng thời cũng là nữ đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Là vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, Võ Tắc Thiên được ngợi ca là một người phụ nữ thông minh, uyên bác nhưng cũng là một người phụ nữ đầy tâm cơ, thủ đoạn. Những câu chuyện và những chứng tích lịch sử đã trở thành một giai thoại với hình ảnh Võ Tắc Thiên đa diện luôn gây tranh cãi cho các nhà sử học từ trước tới nay. Cũng bởi lẽ đó, Võ Tắc Thiên luôn là một đề tài phong phú, là nguồn cảm ứng đầy sáng tạo của các nhà làm phim Trung Quốc.

Nhìn lại lịch sử phim truyền hình Trung Quốc, có rất nhiều phiên bản Võ Tắc Thiên đến nay vẫn được gọi tên như một phiên bản kinh điển. Điển hình như Võ Tắc Thiên phiên bản Lưu Hiểu Khánh (1995), với phong thái cốt cách và diễn xuất đủ độ chín, Lưu Hiểu Khánh đã tạo ra một Võ Tắc Thiên vô cùng tự nhiên và logic để đến tận sau này khán giả luôn xem Lưu Hiểu Khánh là một đối thủ nặng ký để so sánh với các diễn viên khác.

Ngoài Lưu Hiểu Khánh, Võ Tắc Thiên phiên bản Phan Nghinh Tử trong Một đời nữ hoàng (1985) cũng được xem là phiên bản Võ Tắc Thiên kinh điển. Phan Nghinh Tử đã vẽ lên một Võ Tắc Thiên sống động từ một thiếu nữ ngây thơ sau khi trải qua nhiều biến cố và trở thành người phụ nữ tàn ác, thủ đoạn và bất chấp với đỉnh cao của quyền lực.

Không có vẻ trẻ trung xinh đẹp như Lưu Hiểu Khánh hay Phan Nghinh Tử, nhưng Võ Tắc Thiên do nữ diễn viên gạo cội Tư Cầm Cao Oa luôn được đánh giá cao do tính trung thực sát với lịch sử nhất. Với phiên bản này, Võ Tắc Thiên luôn toát lên khí chất uy nghi của bậc đế vương duy nhất trong sử sách Trung Quốc. Đây cũng là diễn viên ghi dấu trong lịch sử phim truyền hình Trung Quốc với Võ Tắc Thiên ở độ tuổi trung niên mà rất khó có diễn viên nào vượt qua được.

Ngoài ra, Võ Tắc Thiên phiên bản Giả Tịnh Văn năm 2003 được gọi tên là Võ Tắc Thiên nhân hậu nhất, và Võ Tắc Thiên phiên bản Ân Đào năm 2012 được cho là Võ Tắc Thiên lẳng lơ nhất. So với 3 phiên bản kinh điển trên, hai phiên bản này có phần nhạt nhòa hơn và ít được khán giả nhắc tới.

Nhắc đến Võ Tắc Thiên phiên bản Phạm Băng Băng trong Võ Mị Nương truyền kỳ (武媚娘传奇) năm 2014, dù xét về nội dung có gây tranh cãi như thế nào đi chăng nữa nhưng người xem vẫn luôn nhớ đến nó vì đạt được quá nhiều thành công và gây được ấn tượng mạnh. Bộ phim do Phạm Băng Băng sản xuất kiêm nữ chính vẫn gây sốt trên màn ảnh Hoa Ngữ cuối năm 2014, đầu năm 2015.

Hai tập cuối cùng của bộ phim này còn đạt mức rating cao kỷ lục 4,324% ở 50 thành phố lớn, rating toàn quốc đạt 5,08%. Đây là mức rating kỷ lục chưa từng có trong lịch sử phim truyền hình đại lục cho đến thời điểm bộ phim phát sóng. Trong khi đó, tổng số lượt xem trực tuyến trên mạng cũng cán mốc khủng với con số 10 tỷ lượt. Chỉ trong hơn 40 ngày phát sóng đầu tiên, đài truyền hình Hồ Nam (đơn vị mua bản quyền phát sóng bộ phim đầu tiên) đã có tới 180 đơn vị mua quảng cáo và doanh thu đến hơn 373 triệu NDT (khoảng 1.200 tỷ đồng), gần gấp 2 số kinh phí bỏ ra.

Khi chiếu tại Đài Loan hay Hong Kong, bộ phim cũng đạt được những thành thích vang dội. Võ Mỵ Nương truyền kỳ trở thành tác phẩm có rating cao nhất trong năm trên đài TVB (Hong Kong) dù bộ phim không phải do TVB sản xuất. Đồng thời, phim mở ra hàng loạt phong trào cosplay theo từng nhân vật, lan đến nhiều quốc gia ở Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… thậm chí đến cả Châu Âu hay Châu Mỹ cũng biết đến trào lưu này.

Bộ phim giúp nhà sản xuất - công ty Ảnh thị Đường Đức thu được lợi nhuận khổng lồ với hàng trăm triệu NDT, cổ phiếu gia tăng chóng mặt. Võ Mỵ Nương truyền kỳ trở thành tác phẩm đứng thứ 4 trong top những bộ phim có rating cao nhất trong 25 năm qua. Xét về thể loại cổ trang, “đứa con tinh thần” của Phạm Băng Băng chỉ chịu thua tác phẩm kinh điển Hoàn Châu Cách Cách.

Tất cả những thành tích này đã đưa Võ Mị Nương truyền kỳ trở thành một “siêu phẩm cổ trang” xứng đáng với tâm huyết chuẩn bị suốt hơn 7 năm của đoàn đội Phạm Băng Băng.

Vì sao một tác phẩm có rất nhiều sạn nhưng vẫn thành công vượt ngoài sức tưởng tượng như vậy?

“Mãn nhãn” luôn là yếu tố thu hút khán giả. Và Võ Mị Nương truyền kỳ đã vô cùng thành công trong việc khai thác yếu tố này bằng dàn người đẹp được tuyển chọn cả về ngoại hình và diễn xuất, hơn nữa còn đều là những gương mặt có tên tuổi.

Phạm Gia đã rất chịu chi khi sẵn sàng mời các mỹ nhân tên tuổi ở cả Trung Quốc Đại Lục, Đài Loan và Hong Kong như “nhan sắc không tuổi” Châu Hải My, Trương Quân Ninh, Trương Hinh Dư, Trương Đình, Thi Thi, Lưu Chỉ Tịch, Trương Định Hàm, Trương Đồng, Mễ Lộ…

Dàn mỹ nhân “chim sa cá lặn” trong Võ Mỵ Nương truyền kỳ.

Phạm Bang Băng trong vai Võ Mỵ Nương/Võ Tắc Thiên.

Trương Quân Ninh vai Từ Huệ Phi

Châu Hải My trong vai Dương Thục Phi

Trương Hinh Dư vai Tiêu Thục Phi

Trương Đình vai Vi Quý Phi

Các “bóng hồng” này đều nhập vai một cách cuốn hút với dung mạo đạt đến cảnh giới “chim sa cá lặn”. Vì mời đến những gương mặt có sức ảnh hưởng, kéo rating ở cả khu vực Đài Loan và Hong Kong giúp Võ Mỵ Nương truyền kỳ thành công rực rỡ trong việc thu hút cả 3 khu vực trên toàn Trung Quốc. Chính vì điều này, bộ phim có thể dễ dàng trong việc quảng bá và ghi điểm trong mắt công chúng.

Sánh đôi bên dàn mỹ nhân xinh như mộng là các nam thần mới nổi của màn ảnh Hoa Ngữ khi đó như Lý Trị Đình, Lý Thần… khiến fan điêu đứng.

Với dàn diễn viên đẹp như tranh, Võ Mị Nương truyền kỳ thực sự đã đưa khán giả tới một chốn hậu cung lục viện xa hoa tráng lệ với một “tập đoàn” mỹ nhân đẹp nghiêng nước nghiêng thành chưa từng có trong lịch sử phim cổ trang Trung Quốc tính đến thời điểm bấy giờ.

Không thể phủ nhận rằng đoàn đội Phạm Gia đã bỏ rất nhiều công sức trong việc nghiên cứu tỉ mỉ chi tiết phong cách thời trang của phụ nữ thời Đường.

Việc các diễn viên mặc đi mặc lại trang phục hoặc thậm chí chỉ mặc một bộ trang phục hay một màu trang phục xuyên suốt bộ phim là điều khán giả không còn cảm thấy lạ lẫm trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc. Nhưng đến với Võ Mị Nương truyền kỳ, khán giả có thể dễ dàng phát hiện, nữ chính Phạm Băng Băng không hề mặc lại những trang phục ở những cảnh quay trước hay những cảnh quay sau.

Trang phục của Phạm Băng Băng trong phim được biến tấu theo từng giai đoạn cuộc đời của Võ Tắc Thiên. Khi mới nhập cung, Võ Như Ý lên sóng trong những trang phục màu sắc tươi sáng, trang sức đơn giản, búi tóc gọn gàng.

Khi trở thành Võ Tài Nhân, trang phục của Phạm Băng Băng trở nên kiểu cách và nữ tính hơn, nữ trang đi kèm cũng được chú trọng hơn. Sau khi được phong làm Võ Chiêu Nghi, trang phục này lại lộng lẫy hơn, trang sức cũng phức tạp hơn.

Sau khi trở thành Hoàng Hậu, trang phục của Phạm Băng Băng lại thể hiện sự uy quyền, trang trọng quý phái nhưng vẫn đầy nữ tính.

Tới khi xưng đế, Phạm Băng Băng lại chọn cho mình hai gam màu chủ đạo là vàng và đỏ thắm, thể hiện sự uy quyền tôn nghiêm với tầng tầng lớp lớp các trang sức phụ kiện đi kèm.

Không chỉ có nữ chính, trang phục của các mỹ nhân khác trong phim cũng được thiết kế riêng biệt không giống nhau, mỗi người đều có những tông màu khác nhau phù hợp với tính cách của từng nhân vật.

Nhà chế tác trang phục của Võ Mị Nương truyền kỳ tiết lộ rằng, các trang phục trong phim đều được sử dụng bằng những chất liệu tốt nhất và đều được thêu tay cầu kỳ để tương xứng với lịch sử. Những bộ trang phục chủ đạo được làm tỉ mỉ công phu với những họa tiết thêu tay bằng chỉ vàng để đảm bảo độ tinh xảo, mỗi bộ trang phục lại có kiểu tóc và phụ kiện đi kèm riêng sao cho phù hợp nhất.

Không chỉ có thế, mỗi bộ trang phục cũng có cách trang điểm đi kèm rất khác lạ. Bộ phim khai thác điểm rất đặc biệt của phụ nữ quý tộc thời Đường trong khâu trang điểm, đó chính là hình thức gắn chu sa trên trán với nhiều màu sắc đỏ, vàng… bằng nhiều hình dáng sinh động từ chấm tròn đến cánh hoa, đuôi phượng, vảy rồng phù hợp với nét quý phái và địa vị của từng nhân vật. Đây cũng là lý do khiến khán giả luôn choáng ngợp trong dàn mỹ nhân với những bộ trang phục cầu kỳ tinh tế và độc đáo của phim.

Võ Mị Nương truyền kỳ được chuẩn bị công phu suốt hơn 7 năm với kinh phí đầu tư lên đến gần 50 triệu USD. Phim được khởi quay trong 8 tháng, với ekip thực hiện có tới 800 người, gần 1000 diễn viên, xây dựng trên 500 bối cảnh, thực hiện 380 cảnh lớn và di chuyển đến hơn 1000 điểm quay khác nhau…

Đặc biệt, phim đầu tư đến 3.000 trang phục cho các mỹ nhân (chưa kể trang phục của vua, quân thần, dân thường…), trong đó riêng trang phục của nữ chính có đến hơn 250 bộ khác nhau. Ngoài ra, những bộ trang phục này đều được đặt riêng biệt với giá không hề rẻ, tổng kinh phí lên đến 12,1 triệu USD (259 tỷ VNĐ).

Ngay từ khi chưa lên sóng, Võ Mị Nương truyền kỳ đã gây tranh cãi gay gắt với những hình ảnh hậu trường và trailer phim bằng các màn khoe ng.ực “hết công suất” từ hoàng hậu cho đến nô tì trong phim.

Sau khi lên sóng những tập đầu, bộ phim bị các cơ quan chức năng Trung Quốc vào cuộc. Phim bị yêu cầu dừng chiếu, các nhà đài Trung Quốc phải chi thêm một khoản để cắt đi những hình ảnh khoe ng.ực với mục đích để phim tiếp tục được phát sóng. Sự việc này đã gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng, có người thì cho rằng trang phục trong phim quá phản cảm, sai lệch.

Có người lại phản đối việc cắt các cảnh quay này và đưa ra bằng chứng chứng minh trang phục phim được thiết kế phù hợp với lịch sử nhà Đường. Vụ lùm xùm này đã tốn rất nhiều bút mực của giới truyền thông, và như thế, nghiễm nhiên Võ Mị Nương truyền kỳ trở thành cơn sốt, “đóng đinh” trên hot-search.

Trong tác phẩm Hoàng Kim Giáp, tạo hình nhân vật thời Đường của Củng Lợi còn hở ngực, đẫy đà hơn cả phiên bản của Phạm Băng Băng nhưng không hề bị lên án hay chỉ trích1

Không chỉ gây tranh cãi về trang phục, Võ Mị Nương truyền kỳ còn gây nhiều vụ lùm xùm quanh đời tư của các diễn viên trong phim. Những hình ảnh riêng tư của Phạm Băng Băng và Lý Thần bị giới truyền thông phát hiện khiến dân mạng đổ xô tìm kiếm chàng trai Lý Thần. Những scandal tình ái của Châu Hải My, Trương Đình trong phim cũng được lật lại, và chủ đề về đời tư của dàn sao Võ Mị Nương truyền kỳ được giới truyền thông Trung Quốc khai thác hết sức triệt để góp phần làm lên sức hút cho siêu phẩm cổ trang này.

Võ Mị Nương truyền kỳ được nhận xét là phiên bản Võ Tắc Thiên chứa nhiều nội dung, tình tiết sai lệch lịch sử so với các phiên bản khác.

Thứ nhất, phim đã dựng lên một Võ Mị Nương là tâm điểm của dàn mỹ nữ khiến cánh đàn ông trong cung điêu đứng. Võ Mị Nương có được tình cảm của ba người đàn ông: thanh mai trúc mã Lý Mục, Lý Thế Dân, Lý Trị với những bối cảnh tình cảm được đưa vào sướt mướt không khác phim Hàn nhưng cuối cùng lại trở thành điểm thu hút khán giả của bộ phim này.

Thực tế lịch sử Trung Hoa ghi lại, Lý Thế Dân chưa bao giờ sủng ái Võ Mị Nương, Lý Mục không có thật và Lý Trị chỉ yêu Võ Mị Nương khi còn trẻ, về sau khi Võ Mị Nương lên làm hoàng hậu thì Lý Trị đã rơi vào lưới tình với rất nhiều người phụ nữ khác. Cho nên Lý Trị đến khi chết vẫn đau đáu mối tình khắc cốt ghi tâm với Mị Nương là điều không hề có thực trong lịch sử.

Thứ 2, Võ Mị Nương có bầu con đầu lòng với Lý Thế Dân khi ông lâm trọng bệnh mặc dù Mị Nương chưa bao giờ thụ thai thành công trước đó. Do tình tiết sai lệch lịch sử này nên Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đã yêu cầu chỉnh sửa đứa bé thành con của Lý Trị cho đúng lịch sử nên sau khi phim lên sóng, có không ít khán giả ngỡ ngàng vì Võ Mị Nương có bầu chỉ sau một cái ôm với Lý Trị.

Thứ 3, Theo sử sách ghi lại, Từ Hiền Phi Từ Huệ (Trương Quân Ninh) là phi tần được Lý Thế Dân ưu ái nhất. Bà không chỉ xinh đẹp mà còn có đức độ nhân hậu, sau này bà lâm trọng bệnh qua đời nhưng trong phim, để đưa Võ Mị Nương lên, Từ Huệ bị ép thành kẻ ác và treo cổ tự tử.

Thứ 4, Võ Mị Nương ra trận cùng Lý Thế Dân và có công cứu giá, nhưng lịch sử Trung Quốc ghi lại các phi tần trong cung bị cấm ra chiến trường.

Thứ 5, Vi Phi (Trương Đình) trong phim được miêu tả là đố kỵ với mọi phi tần trong cung mang long thai vì bản thân bà vô sinh. Nhưng lịch sử ghi lại Vi Phi có hai con trai với vua Lý Thế Dân.

Thứ 6, sử sách ghi lại rằng, Võ Tắc Thiên đã tự tay giết chết con mình. Nhưng trong phim, để “rửa trắng” cho Võ Tắc Thiên, tình tiết này được sửa thành công chú Cao Dương là thủ phạm hạ độc.

Có lẽ đã lường trước được điều này nên ngay thời điểm bộ phim chuẩn bị ra mắt, ekip sản xuất đã nhanh chóng đổi tên bộ phim từ Võ Tắc Thiên thành Võ Mỵ Nương truyền kỳ. Việc thay đổi tên thêm vào chữ “truyền kỳ” nhằm cảnh báo trước một điều phim sẽ thêm thắt những tình tiết khác với lịch sử và theo góc nhìn riêng mà tác phẩm muốn mang đến cho khán giả.

“Đẹp ngỡ ngàng” là nhận xét chung của khán giả khi nói về Võ Tắc Thiên phiên bản Phạm Băng Băng.

Là gương mặt trung tâm, Phạm Băng Băng được khán giả gọi là “đệ nhất mỹ nhân” bởi cô luôn đẹp ở mọi góc nhìn trong Võ Mị Nương truyền kỳ. Khi mới nhập cung, không có trang phục lộng lẫy, không có phụ kiện điệu đà nhưng Võ Như Ý 14 tuổi vẫn vô cùng xinh đẹp. Ngay cả khi bị đẩy xuống Dịch Đình giặt quần áo, trang phục không thể đơn giản hơn được nữa nhưng Võ Như Ý vẫn đẹp hút hồn.

Sau khi trở thành hoàng hậu, Phạm Băng Băng càng lộng lẫy quyền quý, ngay cả khi về già, Võ Tắc Thiên phiên bản Phạm Băng Băng vẫn khiến người xem si mê vì vẻ đẹp ấy.

Vốn đầu tư khủng, đầu tư công phu, dàn mỹ nhân đẹp tựa như tranh… có thể tất cả những điều này đã xóa đi những nhược điểm của bộ phim này. Phạm Băng Băng đã xây dựng cho mình một hình tượng Võ Tắc Thiên rất riêng, khác hẳn so với các phiên bản đi trước. Dù vẫn mang nhiều khuyết điểm bên lề nhưng Võ Tắc Thiên phiên bản Phạm Băng Băng vẫn thành công trong việc ghi lại dấu ấn đối với khán giả và lịch sử phim truyền hình Trung Quốc.

Chia sẻ

Bài viết

Phượng Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất