Phim Ảnh

Vì sao 'Thị Mai' - phim Tây Ban Nha quay tại Việt Nam bỗng dưng 'hot' trở lại?

Phương Thảo
Chia sẻ

Người xem Việt không khỏi bật cười thích thú khi thấy những điều rất quen thuộc của Việt Nam hiện lên qua lăng kính đầy tò mò và bỡ ngỡ của các vị khách ngoại quốc trong "Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam".

Bộ phim Tây Ban Nha được quay tại Việt Nam mang tên Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam đã chính thức công chiếu vào đầu năm nay. Song thời gian gần đây, những phân cảnh trong phim bất ngờ được khán giả Việt tìm lại và chia sẻ rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội.

Tác phẩm hài hước, tình cảm Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam được sản xuất vào đúng dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao 40 năm giữa Việt Nam và Tây Ban Nha, phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Tây Ban Nha hồi đầu năm 2018. Được cầm trịch bởi đạo diễn Patricia Ferreira, dự án phim còn quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của cả hai nước như Carmen Machi, Aitana Sanchez-Gijon, Adriana Ozores, Dani Rovira, Chiều Xuân, Mạnh Cường…

Lý giải nguyên nhân “Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam” “hot” trở lại

Dù đã công chiếu được nửa năm, nhưng Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam không được trình chiếu tại các rạp chiếu trong nước cũng như truyền thông rộng rãi. Do đó, phải đến khi những phân cảnh hài hước của bộ phim được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, khán giả mới được dịp “phát sốt” vì chuyến đi thú vị của Carmen (Carmen Machi) và hai người bạn Rosa (Adriana Ozores), Elvira (Aitana Sánchez-Gijón).

Chuyến hành trình đến Việt Nam bắt đầu khi Carmen mất đi người con gái thương yêu, nhưng bà bỗng phát hiện ra cô đang làm thủ tục nhận nuôi một đứa trẻ có tên Thị Mai hiện đang ở Việt Nam. Cùng với hai người bạn thân là Rosa, Elvira và người đồng hành bất đắc dĩ Andres, Carmen dần khám phá đất nước Đông Nam Á này và gặp không ít câu chuyện dở khóc, dở cười.

Những yếu tố hài hước, lầy lội nhưng không kém phần duyên dáng của Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam được khai thác từ sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa giữa hai đất nước Tây Ban Nha và Việt Nam. Ngay từ khi đặt chân đến Hà Nội, Carmen, Rosa và Elvira đã có sự nhầm lẫn thú vị rằng người Việt theo đạo nên bịt kín mít ra đường. Song thực tế, đó chỉ là quần áo chống nắng, khẩu trang của phụ nữ Việt vào mùa hè mà thôi…

Sự bất đồng ngôn ngữ tiếp tục khiến ba người phụ nữ Tây Ban Nha phải đến cánh đồng lúa khi muốn gọi taxi tới… chợ Đồng Xuân. Và cũng chính tại nơi đây, Carmen, Rosa và Elvira được thưởng thức món ăn mà có lẽ Elvira sẽ chẳng bao giờ muốn nhớ đến lần nữa: thịt chó. Thậm chí, trước khi biết mình đang ăn thịt chó, Elvira còn ao ước rằng Pepe (tên con chó của Elvira) đang ở đây để cùng ăn.

Trên chuyến hành trình tìm và nhận nuôi thành công bé Mai, ba người bạn thân và anh chàng Andres - người bạn đồng hành bất đắc dĩ, đã được khám phá những con đường đông đúc, chật hẹp; cách “lách luật” khi tắc đường; mặc áo chống nắng như các “ninja” hay thậm chí là thưởng thức đồ ăn ven đường. Đó đều là những “đặc sản” rất riêng của mảnh đất Hà Nội, dù không đem lại sự tiện nghi, nhưng khiến Carmen và Elvira nhớ mãi, còn Rosa thì tìm được tình yêu đích thực và quyết định ở lại nơi này.

Những vị khách nước ngoài cũng có không ít cách hiểu sai lệch về Việt Nam, nhiều suy nghĩ quy chụp cũng xuất hiện trong bộ phim như hình dáng mắt người châu Á, người Việt “cắn xé” lẫn nhau… Song, chính điều đó đã tạo nên sức hút cho Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam, khi gây tiếng cười bằng chính sự hiểu nhầm, cái nhìn nhiều chiều và cách người ngoại quốc thích thú đến thế nào khi khám phá ra nhiều điều đặc biệt tại Việt Nam.

Lầy lội là thế, “Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam” vẫn ngập tràn cảm xúc

Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam không chỉ đơn thuần là một bộ phim thu hút sự chú ý bằng những tiếng cười. Tác phẩm còn là hành trình của cảm xúc, khiến khán giả rơi nước mắt vì tình người vượt qua ranh giới lãnh thổ giữa những con người đến từ hai đất nước khác nhau.

Hiện lên xuyên suốt bộ phim là sự thân thiện và nhiệt tình của những con người Việt Nam. Từ Hà Nội cho đến Vịnh Hạ Long, người bản địa với tấm lòng đẹp cộng hưởng với cảnh quan thiên nhiên nơi thì hùng vĩ, nơi lại cổ kính, yên bình, khiến ba người bạn đến từ Tây Ban Nha không khỏi hài lòng. Thậm chí, Rosa còn cảm thấy như đang được trở về quê hương.

Đặc biệt, Đăng, người hướng dẫn cho Carmen, Rosa và Elvira, dù rất nghiêm túc, thẳng thắn nhưng vẫn luôn sống tình cảm, tốt bụng. Mặc cho không ít rắc rối có thể gặp phải khi Carmen thay con gái đã mất nhận nuôi bé Thị Mai, Đăng đã nghĩ đến ông của mình và đồng ý giúp ba người bạn thân được nuôi dưỡng cô bé.

Khung cảnh bé Thị Mai sà vào lòng bà ngoại Carmen khiến khán giả không khỏi xúc động. Vượt qua rào cản địa lý và ngôn ngữ, Carmen, chồng của cô, hai người bạn thân cũng như anh chàng Andres đã thương yêu cô bé ngay từ khoảnh khắc nhìn thấy em; cũng như cách Thị Mai cảm nhận được tình cảm và hỏi: “Bà có phải mẹ con không?”, “Bà đến đón con phải không?”. 

Không khó hiểu khi Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam nhận được tình cảm mạnh mẽ từ khán giả Việt Nam đến thế. Người xem không khỏi bật cười thích thú vì thấy những điều rất quen thuộc của Việt Nam qua lăng kính đầy tò mò và bỡ ngỡ của các vị khách ngoại quốc. Không những thế, tình người được hiện lên xuyên suốt tác phẩm cũng là giá trị nhân văn nổi bật trong bộ phim kỉ niệm quan hệ ngoại giao 40 năm Việt Nam - Tây Ban Nha này.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất