Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Vì sao 'The Farewell - Lời từ biệt' nhận được mưa lời khen từ giới chuyên môn và chạm đến trái tim của khán giả?

Lucas Luân Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

The Farewell - Lời từ biệt có cốt lõi là bi kịch của gia đình, nhưng lại đủ để gợi lên những nụ cười ấm áp vì cái cách họ quan tâm lẫn nhau.

1. The Farewell hay vì nó dựa trên một câu chuyện có thật, chân thực cực kỳ nhưng không phải là phim tài liệu

Tên phim tiếng Hoa của The Farewell không phải mang nghĩa “Lời từ biệt”, mà là “Đừng nói bà biết” (別告訴她). Ngay phần mở đầu, phim có một câu “Dựa trên một lời nói dối có thật”, cũng là tagline của phim. Đúng như 2 thứ này đã chỉ ra, đạo diễn Lulu Wang làm phim này dựa trên câu chuyện có thật của gia đình mình, về người bà cách đây 6 năm được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối còn cả nhà đạo diễn bao gồm cả cô phải giấu bà.

Lulu Wang là người Mỹ gốc Hoa, giống với nhân vật Billi của Awkwafina, giống với luôn cả gia đình của Billi ở cái họ Wang (Vương). Vì lấy chất liệu từ những người có thật, một gia đình có thật nên phim cũng chọn một hướng đi rất đời, khắc họa mọi thứ một cách tự nhiên nhất và không có sự chi phối hay thao túng quyết định của nhân vật để đẩy lên một cao trào theo chuẩn cấu trúc ba hồi thường thấy.

Trong phim, khán giả có một tình huống: người bà bị bệnh nan y, cả nhà phải giấu, còn nữ chính thì thấy không ổn với quyết định này. Dù từ đầu hai thế lực được thiết lập như đúng kiểu thuyết nhị nguyên thường gặp trong các motif phim thông thường, sư đối đầu của Billi và gia đình cô không phải được khắc họa bởi những drama hét vào mặt nhau, những màn đối thoại giáo điều hay những sub-plot kể sâu thêm về tính cách nhân vật để giải thích từng hành vi, quyết định của họ.

Đơn giản và tinh tế, phim để nhân vật có khoảng lặng cần thiết để phản ánh nội tâm phức tạp, nhưng cũng cho họ những khoảnh khắc tương tác với nhau vừa đủ để thể hiện những bỡ ngỡ ngày gặp lại sau nhiều năm không gần gũi nhau, nay lại phải tề tụ về trong một dịp khó lường. Sự vụng về và xa lạ trong giao tiếp thể hiện qua ngữ điệu, qua tiếng Hoa bồi, qua xung khắc hệ tư tưởng trên bàn ăn, hay trong cả cách lồng câu chuyện mẹ chồng, con dâu vào trong vỏn vẹn có 1 phút mà lại lột tả được nội tâm của mẹ Billi.

Bởi vậy, The Farewell không dành cho những ai bị dẫn dắt là phim cảm động khóc hết nước mắt. Bản chất phim không phải một dạng melodrama “nhạc vang lên nước mắt chảy xuống”, không có thoại sến súa có thể cắt ra làm quote sang trọng đẹp miệng. The Farewell hay trước hết là ở phong cách làm phim đơn giản, đậm tính cá nhân và giao thoa hài hòa giữa drama lẫn comedy: một phim dramedy có cốt lõi là bi kịch của gia đình, nhưng lại đủ để gợi lên những nụ cười ấm áp vì cái cách họ quan tâm lẫn nhau.

Nếu Crazy Rich Asians vừa thành công và cũng vừa thất bại ở chỗ khắc họa người châu Á, văn hóa châu Á theo cái chuẩn người Mỹ đặt ra, thì The Farewell thành công hơn ở chỗ cho thấy những nét văn hóa không cần phải theo chuẩn mực nào nhưng vẫn gợi lên sự thấu cảm ở nhiều khán giả. Bộ phim này còn để chạm vào những ai từng đặt câu hỏi cho bản thân mình, hay cho những người bị kẹt giữa hai nền văn hóa. Thế nào là chất châu Á? Vị thế của chúng ta trong những diễn ngôn văn hóa của thế giới là gì? Chúng ta thật sự là ai?

Trailer phim The Farewell

2. Chủ nghĩa cá nhân vs Chủ nghĩa cộng đồng và người bị kẹt ở giữa

Xương sống của cả phim này là khái niệm về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cộng đồng, mà Billi là người bị kẹt giữa. Dành cả ấu thơ cùng ông bà nội và bị đưa sang Mỹ ở khoảng 5, 6 tuổi, Billi là điển hình cho một “satellite baby”, một từ dùng để chỉ những đứa trẻ lớn lên với người thân vì ba mẹ đã sang Mỹ định cư trước, rồi sau đó bị “bắt” sang Mỹ trở lại khi đã đủ tuổi đi học.

Billi bị mắc kẹt giữa hai nền văn hóa, giữa những ký ức đầu đời định hình ý thức hệ của mình và môi trường mình được nuôi dưỡng và lớn lên suốt quãng đời sau đó. Billi sống bên Mỹ đủ lâu để là một cô gái tự lập, cá tính, không giấu nổi cảm xúc của mình, nhưng cũng đủ ý thức để không mất đi gốc rễ ngôn ngữ là tiếng Hoa. Bố mẹ Billi luôn nói tiếng Anh với cô, nhưng Billi không bị khó khăn trong giao tiếp nặng như Hao Hao khi nói chuyện với nải nải, chứng tỏ một sự giao tiếp thường xuyên giữa cô và bà nội trong suốt những năm lớn lên.

Nhưng đến khi bệnh tình của Nải Nải được thông báo cho cả nhà, đó là lúc tình yêu của mọi thành viên dành cho bà được thử thách giữa hai quan điểm văn hóa, đạo đức trái ngược nhau. Với Billi, tình yêu với bà vô bờ bến là phải nói cho bà biết, để cùng chuẩn bị cho bà, chữa trị cho bà, giúp bà thực hiện những tâm nguyện cuối. Với gia đình Billi, thì việc mọi người cùng nhau gánh vác gánh nặng cảm xúc cho bà mới là quan trọng hơn cả, vì cuộc đời của một người không phải của riêng họ. Từng cá thể là một phần của xã hội, có nạn cùng khổ, có họa cùng chịu.

Vậy cho nên, Billi là cái tôi mắc kẹt giữa gốc rễ của mình, giữa ấu thơ với bà đã quá xa, giữa một thành viên với nhiều thành viên trong một gia đình 3 thế hệ mà khi thấy người ta gần gũi nhau, bản thân mình lại có chút chạnh lòng vì nó nhắc cho mình nhớ… mình đã đi xa lâu lắm rồi. Mọi thứ này tác động đến một trạng thái đấu tranh tâm lý phức tạp, không dám khẳng định mình đúng và cũng chưa đủ chắc chắn để chứng minh rằng lời nói dối của cả nhà là sai.

Phim The Farewell (Lời từ biệt) hiện đang trình chiếu trên toàn quốc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Lucas Luân Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất