Cụm từ “phiên vị” có nguồn gốc từ Nhật Bản mà ra, ý nghĩa của cụm từ này nói về bảng xếp hạng theo thứ tự đầu tiên đến cuối cùng, ví dụ như nhất phiên (phiên vị 1) là vị trí đầu tiên, nhị phiên (phiên vị 2) là vị trí thứ 2,… khi xuất hiện trên tấm poster hoặc trailer mà bộ phim giới thiệu với khán giả.
Thông thường mà nói, ở Trung Quốc phiên vị là dựa vào sức ảnh hưởng của diễn viên mà sắp xếp, thậm chí không hề liên quan đến lượng lên hình thực tế của nghệ sĩ trong một tác phẩm nào đó. Vì vậy, có một vài nghệ sĩ nổi tiếng vốn không có nhiều đất diễn trong phim nhưng vẫn có thể được sắp xếp đứng vị trí đầu trong buổi tuyên truyền. Vì vậy, phiên vị cao hay thấp vốn không hề liên quan đến tác phẩm mà chỉ liên quan đến sức ảnh hưởng, nhiệt độ cao,… của nghệ sĩ.
Một nghệ sĩ khi muốn giành được nhất phiên trong một bộ phim nào đó thì nhân khí, nhiệt độ, địa vị trong làng giải trí nhất định phải cao. Vậy vì sao mọi người luôn muốn giành lấy vị trí nhất phiên này?
Có thể nói vị trí nhất phiên có thể làm ảnh hưởng đến địa vị, nhiệt độ cũng như sức ảnh hưởng của nghệ sĩ, đa phần đều sẽ giúp cho nghệ sĩ ngày càng “bay cao” hơn, làm cho nhiều khán giả biết đến mình hơn, tài nguyên sau này dồi dào hơn và cơ hội chuyển mình cũng tăng cao hơn. Chính vì vậy đây cũng là lý do dẫn đến việc xảy ra nhiều cuộc đại chiến tranh giành phiên vị giữa các nghệ sĩ và cuộc chiến tranh không bao giờ ngừng nghỉ của các fan hâm mộ với nhau.
Thật ra “cuộc chiến phiên vị” cũng là một trong những “cung tâm kế” giữa các nghệ sĩ với nhau, nếu trên thảm đỏ có tình trạng “lấn áp nhan sắc” thì ở trong các bộ phim cũng sẽ có tình trạng “chèn áp phiên vị”.
Khi một bộ phim có đến hai diễn viên nổi tiếng tham gia, nếu như không xử lý tốt vấn đề “phiên vị” nhạy cảm này thì sẽ dễ dàng dẫn đến “cuộc chiến tranh phiên vị”. Đối với fan hâm mộ mà nói, việc tranh giành vị trí tốt cho thần tượng là chuyện quan trọng hơn hết, còn đối với đoàn đội của nghệ sĩ mà nói, “phiên vị” đại diện cho hình tượng và giá trị của nghệ nhân. Chính vì vậy mà fan hâm mộ và đoàn đội của nghệ sĩ luôn tận lực tranh giành ngôi vị nhất phiên, nhằm để giữ vững địa vị của nghệ nhân.
Ở Trung Quốc, doanh thu, thành tích đều sẽ do mọi người cùng nhau gánh vác chứ không hề đổ lên một mình nghệ sĩ nhất phiên. Nếu như bộ phim nổi tiếng thì khán giả sẽ khen ngợi đạo diễn trước tiên chứ không phải là nghệ sĩ nhất phiên, ví dụ như phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu hay Châu Tinh Trì, khi phim nổi tiếng thì công lao lớn nhất sẽ thuộc về họ chứ không phải nhất phiên.
Với những lý do được nêu ở phía trên, có thể hiểu được lý do vì sao Tần Lam không phải là diễn viên chính của Diên Hi công lược nhưng vị trí xuất hiện trên poster của cô là ngay tại trung tâm bên cạnh Nhiếp Viễn. Cho dù Ngô Cẩn Ngôn đảm nhận vai nữ chính và Xa Thi Mạn là nhân vật phản diện gần như xuyên suốt ba phần tư của bộ phim nhưng xét về danh tiếng và địa vị tại đại lục Trung Quốc, cả hai không thể nào so sánh được với Tần Lam.
Ngô Cẩn Ngôn dù đã bước vào làng giải trí đã được 7-8 năm nhưng suốt khoảng thời gian này sự nghiệp của nữ diễn viên sinh năm 9x vô cùng mờ nhạt và đa số chỉ đóng vai phụ. Hai năm gần đây, cô liên tục được Vu Chính lăng xê và cho đảm nhận vai chính trong những bộ phim do biên kịch tai tiếng này sản xuất. Do đó, với danh tiếng và địa vị tại thời điểm đó, phiên vị của Ngô Cẩn Ngôn trong Diên Hi công lược chỉ xếp thứ tư mặc cho cô có là nữ chính của bộ phim hay chăng nữa. Thành công của bộ phim đến giờ phút này đã giúp danh tiếng của Ngô Cẩn Ngôn tăng vượt bậc.
Thể hiện vai chính phản diện của bộ phim thế nhưng phiên vị của Xa Thi Mạn chỉ xếp thứ ba sau Tần Lam và Nhiếp Viễn. Với địa vị và danh tiếng nhất tỷ của Xa Thi Mạn tại TVB là điều không ai bàn cãi, thế nhưng nên nhớ đây là phim của Vu Chính, là phim do đại lục Trung Quốc sản xuất. Dù vị thế ở TVB của Xa Thi Mạn có cao đến đâu nhưng xét ở thị trường đại lục, vị thế của cô chỉ là ngôi sao hạng B.
Tần Lam từng là diễn viên được các đạo diễn săn đón một thời, cô từng góp mặt trong những bộ phim ăn khách như Hoàn Châu Cách Cách 3, Đại Đường nữ tướng Phàn Lê Hoa, Một thoáng mộng mơ,.. Sự nghiệp diễn xuất của Tần Lam có thể không nổi bật so với dàn diễn viên cùng lứa như Phạm Băng Băng hay Tôn Lệ thế nhưng xét về địa vị trong dàn diễn viên của Diên Hi công lược, cô dễ dàng xếp “trên cơ” Ngô Cẩn Ngôn hay Xa Thi Mạn về phiên vị. Hoàng hậu của Diên Hi công lược từng xuất hiện trên trang bìa ngũ đại tạp chí của đại lục, là khách mời tại LHP Cannes,.. điều mà hai bạn diễn của cô chưa làm được tại thị trường Trung Quốc.
Việc tranh cãi về phiên vị trong Diên Hi công lược đã từng nổ ra tại cộng đồng fan bộ phim và diễn viên. Fan Xa Thi Mạn từng thắc mắc vì sao tên của cô chỉ xếp thứ ba trong khi cô là nữ phản diện chính của bộ phim. Ngay cả poster của bộ phim, nhất tỷ TVB cũng bị xếp ở bên rìa bên phải. Trong buổi tuyên truyền phim, Xa Thi Mạn và Tần Lam bị nghi ngờ “bằng mặt không bằng lòng” vì vị trí xếp phiên vị. Nhàn Phi còn vướng vào tranh cãi tranh giành vị trí C trung tâm tại buổi chụp ảnh kỷ niệm giao lưu ngày hôm đó.
Ở nền giải trí vô cùng khắc nghiệt Trung Quốc, bất kể là trong các bộ phim truyền hình, điện ảnh, hay bất cứ chương trình tống nghệ giải trí nào, “phiên vị” luôn là vấn đề khiến ban tổ chức phải nhức đầu suy nghĩ, khiến các nghệ sĩ, đoàn đội luôn tranh giành để có được vị trí tốt nhất, và cũng là vấn đề đề luôn khiến khán giả, fan hâm mộ tranh cãi gay gắt. Chính vì vậy mà ở trong giới showbiz, chủ đề nhạy cảm “phiên vị” này luôn xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, “cuộc đại chiến phiên vị” giữa hai nghệ sĩ được xảy ra cũng là chuyện hết sức bình thường.