Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Về nhà đi con': Khi ngôi nhà không phải là nơi sóng gió sẽ ngừng sau cánh cửa nhưng ở đó luôn chan chứa hai tiếng 'yêu thương'

Trở thành dự án truyền hình thuộc thể loại tâm lý gia đình, Về nhà đi con là bộ phim nhận được nhiều tình cảm từ phía khán giả trong thời gian gần đây nhờ nội dung sâu sắc và đề cao tình phụ tử thiêng liêng.

Là một trong những đề tài không mấy xa lạ đối với nền điện ảnh nước nhà, song, bằng cách tập trung khai thác tâm lý nhân vật thông qua các tình tiết phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống gia đình, Về nhà đi con mang lại những thước phim chân thực mà đầy cảm xúc.

Về nội dung, bộ phim là câu chuyện xoay quanh cuộc sống gà trống nuôi con của ông Sơn - người đàn ông trung niên với dáng dấp gầy gò do NSƯT Trung Anh thủ vai. Mang trong mình nỗi ám ảnh về sự ra đi của vợ, ông Sơn bằng đức hi sinh mà nén niềm đau để chăm lo cho ba cô con gái với hi vọng có thể lấp đầy khoảng trống dưới mái ấm không trọn vẹn. Để rồi, dù chẳng thể gánh nổi thiên chức của một người mẹ, ông Sơn vẫn giữ vị trí quan trọng trong tâm trí những đứa trẻ mà ông hết mực yêu thương.

Trưởng thành trong sự mất mát về mặt tinh thần, song ba người con của ông Sơn là Thu Huệ (Thu Quỳnh) - Anh Thư (Bảo Thanh) và Ánh Dương (Bảo Hân) dù tính cách có phần đối lập nhưng lại gắn bó vô cùng. Kể về Thu Huệ, vì ý thức được trách nhiệm của chị lớn trong nhà mà ngay từ nhỏ, cô đã sớm trở thành chỗ dựa cho các em. Thậm chí, với bản tính vốn hiền lành lại luôn biết cách quan tâm, chăm sóc từng thành viên trong nhà, Thu Huệ dường như đang thay bố đảm đương một phần gánh nặng. Chính vì lẽ đó, ông Sơn dù luôn âm thầm chôn giấu tâm tư nhưng tận bên trong, ông thương cô con gái đầu lòng nhất.

Bởi hơn ai hết, là một người luôn dõi theo từng bước đi của các con, ông Sơn cảm nhận được những thiệt thòi mà Thu Huệ tự nguyện đánh đổi vì các em. Song cuộc sống hôn nhân của Thu Huệ lại chẳng dễ dàng, lận đận đủ đường, góc khuất trong mối quan hệ giữa cô và chồng tiết lộ những mặt trái trong xã hội đang trực tiếp tác động vào hạnh phúc gia đình. Vốn có máu ham mê bài bạc, Trọng Hùng trong vai Khải tuy là người đàn ông yêu Thu Huệ hết lòng nhưng đồng thời cũng là người mang lại cho cô cảm giác bất an.

Tuy nhiên, sau bao vấp ngã của Khải, khán giả nhìn thấy ở Thu Huệ sự vị tha của một người phụ nữ truyền thống. Không phải ai cũng sẵn sàng nhịn nhục mà tha thứ trong tình yêu nhưng với Thu Huệ, cô coi trọng ơn nghĩa vợ chồng hơn cả. Để rồi, bộ phim bằng cách tạo dựng tình tiết bắt nguồn từ xung đột giữa Thu Huệ và Khải đã gián tiếp lột tả được những khúc mắc khó giãi bày giữa ông Sơn và cô con gái út - Ánh Dương.

Khác với hai chị, Ánh Dương được chào đời từ sự hi sinh của người mẹ quá cố cùng lối tư duy có phần phong kiến và gia trưởng của bố. Ngược dòng thời gian để trở lại những thước phim trong quá khứ, ông Sơn hiện lên với sự nhận thức hoàn toàn đối lập ở hiện tại. Vốn từng khao khát có đích tôn nối dõi tông đường, ông Sơn vì định kiến xã hội mà đổ dồn mọi áp lực lên vợ. Để rồi, cái chết của mẹ Ánh Dương như một lời cảnh tỉnh cho sự vô tâm trong ông Sơn 19 năm về trước. Dù vậy, nỗi đau ấy có lẽ đè nặng lên cô con gái nhỏ của ông nhiều hơn tưởng tượng.

Biết được sự thật về cái tên “dư thừa” mà bố đặt trong giấy khai sinh đã khiến Ánh Dương mang nhiều mặc cảm. Cũng từ đó mà sau 6 năm được ông bà ngoại nuôi dưỡng, ngày trở về bên bố là ngày cô thay đổi mọi thứ. Lớn lên với vẻ ngoài như một cậu con trai, hình ảnh của Ánh Dương lại càng khắc sâu vào lòng ông Sơn sự ân hận về sai lầm năm xưa. Tuy nhiên, tình yêu mà ông dành cho Ánh Dương có phần đặc biệt. Bởi luôn tồn tại những rào cản tâm lý mà hai bố con thường xuyên lời qua tiếng lại, song ông Sơn dù bên ngoài hay quát mắng Ánh Dương thì cách quan tâm thầm lặng của ông lại minh chứng cho điều ngược lại.

Từ việc phát hiện Ánh Dương vào nhà nghỉ cho đến khi hay biết cô đánh anh rể, dù chưa một lần đặt niềm tin ở con gái thì sau tất cả, ông Sơn vẫn luôn lặng lẽ từ xa quan sát, cố gắng đồng hành cùng con trước những sóng gió cuộc đời. Dáng vẻ phiền muộn và lo lắng của người cha già âm thầm đợi con trở về sau cánh cửa của ông Sơn mang lại nhiều xúc cảm. Bởi ở đó, trong từng cử chỉ, ánh mắt của người đàn ông cô đơn chứa đựng tình thương khó nói thành lời.

Bên cạnh tình phụ tử thiêng liêng cùng những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hôn nhân, Về nhà đi con còn ánh lên sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau ở ba cô con gái của ông Sơn. Nếu Thu Huệ hiền thục, Anh Thư sắc sảo, Ánh Dương ngang bướng thì khi cùng đối diện với gian khó, tình chị em trong họ chưa một lần nguội lạnh. Thậm chí Ánh Dương tuy hàng ngày khó bảo là vậy nhưng chỉ cần đó là lời của Thu Huệ, cô tuyệt đối không cãi nửa câu. Bởi xét cho cùng, người gần gũi và giúp Ánh Dương xoa dịu những tổn thương có lẽ chỉ mình Thu Huệ đủ tinh tế để thấu hiểu. Song dù luôn khắc khẩu nhưng Anh Thư lại sẵn sàng bảo vệ Ánh Dương trong mọi hoàn cảnh.

Nối tiếp diễn biến ở những tập sau, Về nhà đi con ngày càng đan xen nhiều tình tiết nhằm tăng độ kịch tính thông qua sự xuất hiện của các tuyến nhân vật mới. Để rồi, lấy trung tâm là câu chuyện về gia đình ông Sơn, bộ phim nhấn mạnh vào tính nhân văn cùng cách giáo dục và truyền tải thông điệp sâu sắc về cách nhìn nhận của bậc phụ huynh đối với con cái của mình.

Mời quý vị khán giả hãy cùng Saostar đón xem Về nhà đi con, được phát sóng vào lúc 21h từ Thứ Hai đến Thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV1.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đinh Huyền

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui thừa nhận lụy Hà An Huy