Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Về nhà đi con' để lại 'di sản' gì cho màn ảnh nhỏ Việt Nam?

Có thể nói, "Về nhà đi con" không chỉ được khán giả nhớ đến như một hiện tượng, mà bộ phim còn để lại di sản to lớn cho màn ảnh nhỏ Việt Nam và hứa hẹn với người xem về một bước ngoặt trong tư duy làm phim, không còn sân khấu hóa và nặng triết lý.

Phim Về nhà đi con là bộ phim Việt đang được khán giả dành sự quan tâm bậc nhất với câu chuyện của gia đình ông Sơn (NSND Trung Anh) cùng ba cô con gái Ánh Dương (Bảo Hân), Anh Thư (Bảo Thanh) và chị cả Huệ (Thu Quỳnh).

Tác phẩm sở hữu kịch bản đơn giản, lấy đề tài gia đình, hôn nhân quen thuộc nhưng lại thành công trong việc thổi hồn vào từng nhân vật. Ba cô con gái của ông Sơn là Ánh Dương, Anh Thư và Huệ đều có nét tính cách và cuộc đời hoàn toàn khác biệt. Diễn xuất tự nhiên cộng hưởng với lời thoại “chất như nước cất” của dàn diễn viên trong phim Về nhà đi con giúp phim dễ dàng tạo cơn sốt trên cả màn ảnh nhỏ lẫn mạng xã hội.

Trong những năm trở lại đây, chưa một bộ phim nào trên màn ảnh nhỏ Việt Nam lại tạo được hiệu ứng mạnh mẽ như tác phẩm Về nhà đi con. Ngay cả bộ phim Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng và Quỳnh búp bê cũng không được khán giả tâm đắc đến từng nhân vật, từng câu thoại và thậm chí là các tập phim ngoại truyện đến vậy.

Bộ phim nhận được sự quan tâm đông đảo của người hâm mộ truyền hình trong thời gian trình chiếu, những đoạn cắt ngắn được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Và đến khi kết thúc, tác phẩm vẫn để lại niềm tiếc nuối cho khán giả đại chúng. “Đến bao giờ mới có một bộ phim đủ hấp dẫn để chinh phục khán giả như 'Về nhà đi con'?” là câu hỏi được không ít người xem đặt ra.

Những gương mặt được yêu thích bậc nhất trong “Về nhà đi con”.

Những bộ phim truyền hình Việt Nam vẫn thường gặp phải những lỗi cố hữu. Từ kịch bản đến lời thoại của nhân vật đều được sân khấu hóa, diễn xuất của diễn viên xa rời đời sống thật. Câu chuyện không bám sát vào đời sống, khiến khán giả đại chúng cảm thấy xa lạ, giả tạo mỗi khi xem phim. Và chìa khóa thành công của những tác phẩm truyền hình gần đây là sự chân thật. Người phán xử, Quỳnh búp bê tuy xoáy vào các góc tối của đời sống xã hội, nhưng vẫn thu hút khán giả bởi những mảnh đời rất thật, lời thoại gần gũi.

Trong khi đó, Sống chung với mẹ chồng và Về nhà đi con được khán giả trông đợi mỗi tập, ngay cả khi câu chuyện chẳng có gì xa vời, đao to búa lớn. Người xem mong từng ngày để được nhìn gia đình ông Sơn với ba cô con gái trên màn ảnh nhỏ. Tám mươi lăm tập phim chỉ xoay quanh những cảm xúc rất đời thường, rất gần gũi của họ: Thư rung động trước Vũ, Huệ dứt mình khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, Dương loay hoay với tình cảm gà bông nông nổi, còn ông Sơn hết lo nghĩ cho người con này lại đến người con khác…

Diễn xuất bậc thầy của Bảo Thanh được khán giả đánh giá cao.

Không hình tượng hóa nhân vật, không xây dựng những lời thoại giáo điều, triết lý, Về nhà đi con dễ dàng chạm đến trái tim của khán giả truyền hình. Không ngôn ngoa khi khẳng định, bộ phim là bước ngoặt mới của lĩnh vực phim truyền hình Việt Nam, trở thành quy chuẩn để những tác phẩm sau đó nhìn vào và so sánh, đồng thời vạch ra hướng đi để các dự án phim sau này tiếp tục phát triển.

Nhìn vào năm tập phim ngoại truyện của Về nhà đi con, có thể dễ dàng nhận ra các diễn viên đã đạt đến mức độ diễn như không diễn. Một phần bởi thực lực diễn xuất, một phần do kịch bản phim quá đời thường, người ta thấy Thư bật cười tự nhiên khi trò chuyện với Vũ, Vũ háo hức thông báo cu Bon sắp có em, chị Huệ như lột xác, táo bạo hơn bên tình yêu mới, còn ông Sơn cũng hài hước, thoải mái hơn nhiều.

“Về nhà đi con” tạo được cảm giác rất thật, rất đời.

Sau Về nhà đi con, khán giả truyền hình biết đến những gương mặt thực lực với diễn xuất nhập vai không tưởng như nghệ sĩ Trung Anh, Bảo Thanh, Thu Quỳnh. Bên cạnh đó, các tên tuổi mới vô cùng triển vọng cũng được đến với công chúng như Quốc Trường, Bảo Hân, Quanh Anh,…

Có thể nói, Về nhà đi con không chỉ được khán giả nhớ đến như một hiện tượng, mà bản thân bộ phim đã để lại di sản to lớn cho màn ảnh nhỏ Việt Nam và hứa hẹn với người xem về một bước ngoặt trong tư duy làm phim, không còn sân khấu hóa và nặng triết lý.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất