Hôm 1/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra văn bản góp ý đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) dựa trên ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp.
Theo đó, tổ chức này ủng hộ việc gỡ bỏ các hàng rào thủ tục hành chính, nhằm giúp nền điện ảnh của Việt Nam bắt kịp thế giới về công nghệ, kỹ năng, phương pháp và trình độ quản lý. Tuy nhiên, VCCI không đồng tình với đề xuất thu “phí xem phim” và cho rằng phí này “không khác gì các khoản thuế mới đặt ra đối với ngành công nghiệp điện ảnh”.
Khán giả chịu thiệt vì phí xem phim
Theo dự thảo đề xuất việc thu tiền từ doanh thu chiếu phim và doanh thu của các doanh nghiệp phổ biến phim qua internet, nguồn thu sẽ được đưa vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Tuy nhiên, VCCI nhận định nghĩa vụ tài chính này “không khác gì các khoản thuế mới đặt ra đối với ngành công nghiệp điện ảnh”. Hậu quả là các phòng chiếu buộc phải đẩy chi phí vào giá vé cho người xem, giá vé tăng khiến khán giả ngại bỏ tiền để ra rạp xem phim hơn.
Theo VCCI, giả sử quỹ thu từ 1-3% doanh thu bán vé với mỗi vé xem phim có giá từ 30.000 - 100.000 đồng, mỗi người đi xem phim sẽ phải chịu chi phí tăng thêm từ 300 đồng đến 3.000 đồng. Khoản thu thêm này không khác gì tăng thuế VAT đối với toàn bộ việc sản xuất, phổ biến phim từ 10% lên 11- 13%.
“Trong bối cảnh hoạt động điện ảnh được khuyến khích thì chính sách này lại làm tăng giá thành, tăng chi phí, tăng giá cả của loại hình dịch vụ này, đi ngược lại với chính sách chung”, tổ chức này nhận định.
Ngoài ra, tổ chức cũng đề xuất đánh giá lại hiệu quả thực tế của hoạt động chiếu phim lưu động, có kế hoạch giảm dần và tiến tới loại bỏ để tiết kiệm chi phí ngân sách. Thêm vào đó, việc đánh giá đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước cũng góp phần quan trọng nhằm tiết kiệm tối ưu ngân sách nhà nước.
“Kiểm duyệt phim thái quá”
Bên cạnh vấn đề về chi phí xem phim, khán giả điện ảnh Việt Nam còn quan tâm đến việc kiểm duyệt phim. Không ít bộ phim được trình chiếu tại các rạp phim Việt Nam đã bị chỉnh sửa hoặc cắt xén rất nhiều trước khi đến với công chúng, nhiều tác phẩm kém may mắn hơn và không được ra rạp.
VCCI mô tả thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim “rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp”.
“Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu. dâm, bạo lực, thù địch…”, VCCI nhận định.
Từ đó, tổ chức này đề xuất đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim, bao gồm đặt ra các điều kiện để những tổ chức đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép kiểm duyệt phim, cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của tổ chức được cấp phép. Điều này vừa giúp đảm bảo quản lý tốt nội dung phim, vừa tạo tính cạnh tranh trên thị trường và nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế.
Cùng với đó, tổ chức cũng đề nghị bổ sung thêm quy định làm rõ khái niệm “phim Việt Nam được ưu tiên chiếu rạp” không chỉ gồm những bộ phim có nhà sản xuất phim là cá nhân, tổ chức Việt Nam, mà còn bao gồm phim hợp tác sản xuất, đồng thời áp dụng các cơ chế phù hợp đối với phim chiếu mạng.