Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Ngôi nhà bươm bướm': NSƯT Thành Lộc và vai diễn đồng tính để đời, ấn tượng nhất 2019

Vai bà Hân của Thành Lộc chính là điểm nhấn nổi bật nhất giúp cho "Ngôi nhà bươm bướm" "bay cao" và thăng hoa thật sự.

Ngôi nhà bươm bướm là sản phẩm điện ảnh đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, là câu chuyện gia đình hiện đại chứa đựng những tình huống bi hài đặc sắc, đặc biệt là khai thác tinh tế màu sắc LGBT để tôn lên những thông điệp, giá trị nhân văn mà phim muốn nhắn gửi đến khán giả.

Poster “Ngôi nhà bươm bướm” với NSƯT Thành Lộc ngồi giữa, dấu hiệu cho tầm quan trọng của nhân vật Hồ Ngọc Hân.

Phim là câu chuyện tình yêu dẫn đến “cưới chạy” giữa Mai (Hoàng Yến Chibi) và Hoàng (Liên Bỉnh Phát), và đêm gặp gỡ định mệnh giữa hai bên sui gia có sự khác biệt rõ rệt về tính cách, quan điểm và phong cách sống. Phía Mai là một gia đình miền Bắc truyền thống và gia giáo, ba cô (Xuân Trường) lại là một nhà giáo ưu tú chuẩn bị được cất nhắc lên làm hiệu trưởng, trong khi mẹ cô (Hồng Đào) là một người phụ nữ mẫu mực của gia đình.

Còn phía Hoàng lại hoàn toàn trái ngược, là một gia đình đa sắc màu, khi ba anh - ông Cường (Quang Minh) là chủ một quán bar, còn “dì” anh - Hân là một drag queen, và vai diễn này do chính NSƯT Thành Lộc đảm nhận.

Cuộc gặp mặt gia đình chính là cao trào đầy hấp dẫn của phim.

Có thể nói, mọi sự tình dở khóc dở cười trong Ngôi nhà bươm bướm đều xuất phát từ chính Hân, nhưng nhờ đó mà nhân vật quá đỗi đặc biệt này của Thành Lộc lại tỏa sáng hơn rất nhiều. Sự xuất hiện của nhân vật Hồ Ngọc Hân này mang đến một làn gió mới cho thế giới phim LGBT Việt Nam, cùng với đó là một câu chuyện thực tế và mang tính thời đại, đó là lấn sân vào đời sống gia đình của những cặp đôi đồng tính, hoàn toàn có một bước đột phá trước hàng loạt những phim thiếu niên, vườn trường đã quá quen thuộc đến mức nhàm chán khác.

Ngôi nhà bươm bướm vốn không quá tập trung vào hay “lạm dụng” những chi tiết LGBT, mà thay vào đó xây dựng chắc cốt truyện xoay quanh hai chữ “tình thân”, đó là những khúc mắc, xung đột rất đỗi đời thường giữa người thân với nhau. Với sự xuất hiện của ba mẹ Mai, Hoàng luôn phải chịu sự chi phối cảm xúc và lý trí mãnh liệt, khi vừa không muốn để nhà gái biết được hoàn cảnh gia đình mình, nhưng dĩ nhiên cũng không hề muốn tổn thương Hân - người dì, hay nói đúng hơn là người mẹ đã dạy dỗ, nuôi nấng mình từ thuở còn thơ.

“Ngôi nhà bươm bướm” đã giúp mảng phim LGBT của Việt Nam bước sang trang mới, không còn quẩn quanh ở đề tài thiếu niên cùng những cái kết mở nhút nhát và hời hợt.

Khác với phần lớn những sản phẩm điện ảnh mang màu sắc LGBT mà Việt Nam từng làm, Ngôi nhà bươm bướm lấy điểm khởi đầu ở cái kết đẹp thời thanh xuân của cặp đôi Cường-Hân, khi cả hai chính thức có mái ấm riêng cùng đứa con trai là Hoàng. Từ đó, một chặng đường mới mở ra, nhưng thay vì thể hiện sự khó khăn trong việc thiếu đi bàn tay người đàn bà trong gia đình, thì kịch bản đã tài tình xây dựng nhân vật của Thành Lộc có vừa đủ sự tinh tế, mềm mại, uyển chuyển và hi sinh của người mẹ, dù cho Hân không hề ruột thịt máu mủ với Hoàng.

Hân thương Cường và Hoàng vô điều kiện.

Bên cạnh diễn xuất nhập tâm ở những cảnh chính kịch, thì Thành Lộc cũng làm tốt và tròn trịa những cảnh hài hước trong phim. Kinh nghiệm diễn xuất nhiều năm của anh trên sân khấu, nhất là trong các tác phẩm Ngày xửa ngày xưa đã được truyền tải vào nhiều phân đoạn vui nhộn không quá lố, đem đến những tràng cười tự nhiên và thoải mái cho người xem, từ đó làm toát lên một Hồ Ngọc Hân luôn lạc quan trước mọi vấn đề, và hơn hết biết cách tự làm chủ cuộc đời mình, dù cho mọi sóng gió phong ba đều đang chực chờ để đánh gục, hoặc tệ hơn là khiến anh đánh mất chính mình.

“Ngôi nhà bươm bướm” ghi điểm ở cả yếu tố “rom” - lãng mạn (romance) lẫn “com” - hài hước (comedy).

Cái khó ở đây chính là sự chấp thuận từ phía nhà gái, điều đáng ra đối với Hân hay Cường đều không còn quan trọng ở thời điểm này, nhưng vì hạnh phúc của đứa con trai độc nhất mà cả hai luôn hết mực yêu thương mà “ngôi nhà bươm bướm” này buộc phải thay đổi chỉ trong một đêm gặp mặt. Xuyên suốt phim, người xem sẽ phải ấn tượng với sự chuyển biến cảm xúc của Hân, từ lúc phấn khởi khi biết con mình sắp lấy vợ, đến khi thất vọng vì nhận ra bản thân chính là vấn đề khiến mọi thứ rối tung, và cuối cùng chính là sự chấp nhận chính mình, chính những giá trị cao cả vượt lên trên mọi định kiến.

Thành Lộc thật sự đã có một vai diễn điện ảnh khá khó nhằn, nhưng với tài năng của mình thì anh đã cho thấy một hình ảnh truyền cảm hứng, gần gũi và dễ cảm, dù cho đối tượng khán giả có là ai. Không hoàn toàn vì Hân là người đồng tính, mà là vì anh là một người mẹ, chỉ biết đơn thuần thương con mình vô điều kiện; là một người vợ, luôn thứ tha và khoan dung với người “đầu ấp tay gối” của mình suốt nhiều năm; và là một con người đáng trân trọng khi luôn sống đúng với lý tưởng của mình, và đổi lại có một gia đình ấm áp, cũng yêu thương mình không thua kém gì mình yêu thương họ.

Thành Lộc thể hiện hoàn toàn xuất sắc nhân vật của mình, trở thành nguồn cảm hứng của tất cả khán giả.

Tuy nhiên, việc xoáy sâu vào bức tranh gia đình hiện đại không có nghĩa là phim xem nhẹ yếu tố LGBT, vì trong Ngôi nhà bươm bướm, chi tiết này giống như một chất phụ gia, có công dụng hỗ trợ và xúc tác cho diễn biến chính được thăng hoa và đạt cao trào, thế nhưng liều lượng đều dừng ở mức vừa đúng, vừa đủ giúp cho “món ăn” giữ được những giá trị cốt lõi của mình, tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh nhất. Và nhân vật Hân chính là hiện thân của “chất phụ gia” ấy, khi vừa là “rắc rối”, cũng vừa là “tay gỡ rối” giải quyết mọi vấn đề, tháo gỡ mọi nút thắt và mang đến cái kết viên mãn cho người xem.

Khía cạnh drag queen và cộng đồng người chuyển giới cũng được lồng ghép duyên dáng.

Ngôi nhà bươm bướm vẫn chưa thể gọi là xuất sắc, nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một phim hài-lãng mạn xoay quanh đề tài gia đình. Đây cũng là một bước nâng cấp cực chuẩn cho thể loại phim mang màu sắc LGBT, khi đem đến cái kết đẹp. Đây vốn là điều vô cùng hiếm thấy, nếu không phải nói là chưa bao giờ có tại thị trường Việt Nam nói riêng, hay thị trường châu Á nói chung trong nhiều năm gần đây. Làng phim Việt giờ đây đã có thêm một tác phẩm văn minh để tự hào, và Thành Lộc cũng có cho mình thêm một vai diễn “nặng ký” để yêu thương và nhớ mãi về sau.

Trailer bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm”.

Ngôi nhà bươm bướm chính thức công chiếu vào ngày 30/8/2019.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đông Hải

Được quan tâm

Tin mới nhất