Ngày hôm nay 2/6, bộ phim về nữ siêu anh hùng kinh điển Wonder Woman sẽ bắt đầu đại phá phòng vé tại hàng loạt các quốc gia trên thế giới. Khác hoàn toàn hai bom tấn năm ngoái - “Batman vs. Superman” và “Suicide Squad”, “Wonder Woman” đang nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, cùng số điểm chót vót 94% trên chuyên trang Rotten Tomatoes vốn luôn khắt khe với hãng DC.
Kể từ khi đạo diễn Christopher Nolan khuynh đảo dòng phim siêu anh hùng với “The Dark Knight” năm 2008, những bộ phim tiếp theo của hãng DC đều ít nhiều mang sắc màu u ám cùng kịch bản sâu sắc, đa chiều. Tuy nhiên, phong cách làm phim “nặng đô” này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bằng chứng là “Batman vs. Superman” dù dài 3 tiếng nhưng vẫn khiến người xem bối rối bởi chứa quá nhiều nội dung dồn ép. May mắn là với “Wonder Woman”, nhà sản xuất có vẻ đã nhận ra trở ngại này và khai thác bộ phim theo một hướng đi mới: vẫn nhiều chiều sâu nhưng nhẹ nhàng, tươi sáng hơn.
Khác biệt đầu tiên của “Wonder Woman” so với các phim đi trước nằm ở chính nhân vật trung tâm của nó - Diana Prince. Không giống Superman, Wonder Woman được nuôi dạy từ nhỏ để trở thành một chiến binh thần thánh, vậy nên cô không hề cảm thấy bối rối trước sức mạnh hơn người của mình. Cô càng không giống Batman luôn đề phòng, đa nghi, nhờ được nuôi dạy trong một “thiên đường hạnh phúc” cách xa những rắc rối trần tục. Xuyên suốt “Wonder Woman”, nụ cười lạc quan luôn thường trực trên môi Diana, và sự tò mò thích thú của cô trong thế giới người phàm chính là điểm nhấn tươi vui trong bối cảnh chiến trường xám xịt của bộ phim.
Bên cạnh nữ anh hùng Wonder Woman được thể hiện xuất sắc bởi Gal Gadot, thì nam diễn viên Chris Pine cũng không hề kém cạnh dù chỉ sắm vai một quân nhân bình thường. Trong phim, đại úy Steve Trevor có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ với nữ chính Diana, và sự phối hợp ăn ý của các diễn viên đã giúp hai nhân vật này làm nổi bật, thay vì lu mờ nhau. Diana có thể là một nữ thần đứng giữa những người phàm, nhưng bên cạnh cô vẫn luôn cần có Steve Trevor để chỉ dạy, dẫn lối trong thế giới con người đầy mới lạ và hiểm ác.
Giống như các phim siêu anh hùng DC trước đó, “Wonder Woman” cũng chạm tới nhiều đề tài sâu sắc, hàm nghĩa. Nhưng thay vì những chủ đề u ám, mang màu sắc tiêu cực như trong “Batman vs. Superman” (nói về sự cô lập và hoài nghi) thì bài học trong “Wonder Woman” lại là về tình yêu, sự chấp nhận và khai sáng. Diana Prince bước vào thế giới loài người đầy ngây thơ, phải trả giá đắt để hiểu được bản chất của họ, song cô vẫn vượt qua nỗi đau để tin tưởng và tiếp tục bảo vệ nhân loại. Điều này hoàn toàn phù hợp với hình tượng Wonder Woman bản gốc trong truyện tranh - một chiến binh đại diện cho tình yêu và chân lý.
“Wonder Woman” là hành trình trưởng thành của Diana: từ cô công chúa được bao bọc trong thanh bình tới người bảo hộ sự lương thiện và lòng tốt cho nhân loại. Nhìn chung, bộ phim có cách dẫn truyện khá vững chắc, không rời rạc như các phim DC trước đó. Đổi lại, khá nhiều tuyến nhân vật phụ như Etta Candy - cô thư ký mập mạp của Steve Trevor, hay ba người bạn đồng hành Sameer, Charlie, Chief đã không có nhiều thời lượng để khiến người xem thấy thực sự thú vị. Ngoài ra, bộ phim cũng mất điểm trong mắt một số nhà phê bình do khâu kỹ xảo có phần “thô”, thiếu trau chuốt, như chi tiết bộ giáp của nhân vật Ares.
Sâu sắc nhưng vẫn giữ được sự tươi sáng, “Wonder Woman” đang trên đà trở thành bom tấn siêu anh hùng thành công nhất mùa hè năm 2017. Phim đang được công chiếu rộng rãi tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.