Phim Ảnh

Từ việc livestream quay lén phim rạp cho đến tuồn lậu 'Diên Hi công lược': Xem phim rất cần văn hóa tôn trọng bản quyền

Sa Cát
Chia sẻ

Có lẽ văn hóa xem phim ở Việt Nam là điều cần phải được bàn luận để đảm bảo chất lượng, bản quyền từ phim điện ảnh cho đến phim truyền hình. Nhất là khi mới đây, phim "Diên Hi công lược" đã bị tuồn lậu ra ngoài và có vietsub đến tận tập 57, trong khi phía Trung Quốc chỉ mới chiếu đến tập 48.

Ngày nay, phim ảnh là món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người. Với từng đối tượng khán giả, phim ảnh sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu, từ kinh dị, tình cảm cho đến hành động, từ phim điện ảnh cho đến truyền hình. Giá vé xem phim chỉ ngang bằng một cốc trà sữa, rạp phim phủ sóng với 200 cụm rạp trên nhiều tỉnh thành phố, thậm chí ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có rạp ở mỗi quận. Đối với địa hạt phim truyền hình, giờ đây khán giả Việt Nam hoàn toàn có thể theo dõi từng tập phim gần như cùng lúc với nước ngoài.

Những bộ phim Game of Thrones, America Horror Stories của Mỹ, Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi hay Thư ký Kim sao thế? từ Hàn Quốc, Thâm cung kế - Phi hổ cực chiến của TVB và gần đây là Phù Dao, Vũ động càn khôn cùng Diên Hi công lược của màn ảnh Hoa ngữ… đều tạo nên cơn sốt lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng “may mắn” được mua bản quyền như phim của TVB hay Diên Hi công lược, Vũ động càn khôn, Hương mật tựa khói sương…, thế nên khán giả đành “chấp nhận” xem “lậu” thông qua những trang web xem phim trực tuyến, từ những subteam (nhóm làm phụ đề tiếng Việt).

Dẫu cho rằng “cái khó thì ló cái khôn”, đối với những phim không được mua bản quyền để phát hành ở Việt Nam thì người xem không còn cách nào khác ngoài chuyện xem “lậu”, thế nhưng ngay cả với bộ phim Diên Hi công lược có bản quyền hẳn hoi mà vẫn nảy sinh việc vi phạm bản quyền.

Từ lúc phim khởi chiếu vào giữa tháng Bảy cho đến cuối tuần trước, Diên Hi công lược được phát sóng đều đặn trên Youtube và một trang web xem phim nắm bản quyền, tuy nhiên, để đảm bảo rating cho bản chiếu truyền hình HTV7, các bên có liên quan đã tạm ngừng phát sóng mạng từ tập 37 trở đi.

Với sức nóng và độ cuốn hút của Diên Hi công lược, ngay lập tức bản “lậu” đã được thế lan truyền với tốc độ chóng mặt. Tưởng rằng các nhóm subteam, website chiếu phim làm phụ đề tiếng Việt dựa trên bản gốc (gọi là bản raw) của phía Trung Quốc, nhưng không ngờ chẳng hiểu từ đâu mà phía Việt Nam có trước tận 10 tập phim.

Cụ thể vào ngày 15/08, khi phía Trung Quốc chỉ mới chiếu đến tập 48 thì ngay từ buổi sáng, trên các website xem phim trực tuyến của Việt Nam đã lan truyền đến tập 57 bản vietsub (phụ đề tiếng Việt). Điều này đã gây bức xúc đến khán giả Trung Quốc, đặc biệt những người đã mua tài khoản VIP trên trạng IQIYI - phía nắm bản quyền phim Diên Hi công lược. 

Khi liên hệ với phía đại diện bản quyền ở Việt Nam, họ cho biết rằng đang thu thập thông tin và chứng cứ về việc bản phim bị tuồn bất hợp pháp ra bên ngoài. Nếu đúng là những bản phim này xuất phát từ phía nắm bản quyền ở Việt Nam, sự việc sẽ trở nên nghiêm trọng và dính đến yếu tố pháp luật. Bên cạnh đó, đơn vị giữ bản quyền Diên Hi công lược cũng phải đối mặt với phía nhà sản xuất Trung Quốc vì đã để lộ ra những tập phim chưa chiếu.

Từ đâu mà có bản phim để các trang mạng có thể thoải mái làm phụ đề, đó sẽ do phía đại diện giữ bản quyền và cơ quan công an điều tra. Thế nhưng điều đáng nói ở đây, chính là khán giả đã quá “vô tư” khi liên tục truyền tay nhau những tập phim “lậu”. Vô tình hay hữu ý, nhưng có lẽ những người xem phim cần hiểu cặn kẽ về tính chất bản quyền của những bộ phim. Việc góp phần lan truyền những tập phim chưa được phát sóng được xem là hành vi tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đơn vị chịu trách bản quyền phim Diên Hi công lược, mà còn làm xấu hình ảnh của người yêu phim Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, đặc biệt là những khán giả Trung Quốc - “chủ nhà” của bộ phim.

Còn nhớ cách đây không lâu, những vấn nạn livestream phim chiếu rạp đã trở thành nỗi bức xúc đối với những nhà làm phim, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên… Trong năm 2017, hàng loạt phim điện ảnh đã bị livestream quay lén như Lô Tô, Vòng eo 56, Em chưa 18 và đỉnh điểm là sự kiện Cô Ba Sài Gòn khiến nhà sản xuất Ngô Thanh Vân phải mời công an vào cuộc, mang đối tượng thực hiện hành vi này giao cho cơ quan điều tra xử lý. Đó cũng chính là hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm bản quyền đã trở nên trầm trọng tại Việt Nam. Nhờ vậy, đến năm 2018, mặc dù vẫn có vài hành vi quay lén với thời lượng vài chục giây ở phim Lật mặt 3, Lộ mặt..., thế nhưng nhìn chung, nạn livestream đã gần như chấm dứt.

Dừng lại ở lĩnh vực điện ảnh nhưng địa hạt phim truyền hình lại bắt đầu mở ra. Câu chuyện Diên Hi công lược bị “tuồn” ra các trang mạng Việt Nam đến tập 57 vietsub (phụ đề tiếng Việt) trong khi phía Trung Quốc chỉ mới chiếu tập 48, là kết quả của việc vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Có thể kể từ ngày hôm nay - 16/08, đại diện bản quyền hai phía Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng ngồi lại để tìm cách giải quyết, hoặc cũng có thể Việt Nam sẽ bị tước quyền phát hành bộ phim Diên Hi công lược ở mọi mặt. Còn đối với những kênh phát tán bản phim lậu, phía cơ quan điều tra có thể sẽ vào cuộc để điều tra và cho dừng hành vi này.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng liên tục đóng cửa nhiều website chiếu phim lậu, thế nhưng động thái này như “bắt cóc bỏ dĩa” vì các trang mới lại mọc lên như nấm, khó lòng kiểm soát hết. Điều này còn phụ thuộc vào nhận thức của khán giả, đừng nên tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền, hãy chỉ xem ở những kênh có bản quyền chính thức để đảm bảo quyền lợi cho bản thân, cho những người làm phim.

Tuy nhiên, đại đa số khán giả vẫn có suy nghĩ đơn thuần rằng, phim chiếu thì cần người xem, và chiếu ở đâu, có bản quyền hay không, không phải là vấn đề mà người xem cần quan tâm. Chính vì vậy, khán giả Việt vẫn thoải mái vô tư truyền tay nhau những đường link phim hay, bất chấp nó đang là hành động tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền.

Do đó, cũng giống như việc livestream quay lén phim chiếu rạp, việc đảm bảo bản quyền phim truyền hình phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và văn hóa xem phim của khán giả. Những chế tài pháp lý hoàn toàn có thể được đặt ra, nhưng sự tự giác của người xem mới là yếu tố quan trọng và cần thiết nhất. Hãy là một khán giả văn minh, một người yêu phim bằng trái tim và cả lý trí, là một người xem phim có văn hóa để đảm bảo bản quyền, công sức của những người làm phim.

Chia sẻ

Bài viết

Sa Cát

Tin mới nhất