Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Từ Phạm Băng Băng, Châu Tấn đến Xa Thi Mạn: ai mới là diễn viên thể hiện xuất sắc nhất vai diễn Kế Hoàng hậu?

Cuộc đời với kết cục đầy ám ảnh của vị Hoàng hậu này đã là nguồn cảm hứng cho không ít tác phẩm...

Bất kì ai đam mê dòng phim cung đấu Thanh triều với loạt tác phẩm tiêu biểu như Hoàn châu Cách cách, Hậu cung Chân Hoàn truyện, Thương khung chi mão, Bộ bộ Kinh tâm,… chắc chắn đều biết đến nhân vật Kế Hoàng hậu của Thanh Cao Tông - Càn Long đế. Có thể nói, sau Hiếu Trang Thái hậu và Từ Hi Thái hậu - Kế hậu của Càn Long đế là một trong những vị hậu phi Thanh đình được đem lên màn ảnh nhiều nhất! Vì sao hình tượng của bà lại là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim đến như vậy?

Từ một vị Hoàng hậu với kết cục bi ai trong lịch sử

Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu trước đây hay bị nhầm lẫn xuất thân từ tộc Ô Lạt Na Lạp thị, tuy nhiên đúng ra bà xuất thân từ tộc Huy Phát Na Lạp thị, thuộc Mãn Chân Tương Lam kỳ (thuộc về Hạ Ngũ kì chứ không được xếp vào Thượng Tam kì danh giá). Trong lịch sử, để cho tiện hơn cũng như mang tính chính xác cao hơn, các sử gia chỉ đơn thuần gọi bà là Na Lạp Hoàng hậu, xét ra là cách gọi chính xác nhất về bà.

Khoảng năm Ung Chính thứ 8 (1730), Na Lạp thị trong cuộc tuyển tú được gả cho Bảo Thân vương Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, ban vị Trắc Phúc tấn. Lúc bấy giờ, Bảo Thân vương đã có một Đích Phúc tấn (vợ cả, chính thất) là Phú Sát thị, một Trắc Phúc tấn (vợ thứ, nhưng vẫn có sách phong từ Hoàng đế, danh phận, đãi ngộ tương xứng không thua gì Đích Phúc tấn) là Cao thị, địa vị của Na Lạp thị lúc này chỉ thua kém duy nhất Đích Phúc tấn Phú Sát thị mà thôi. Ung Chính đế qua đời, Bảo Thân vương kế thừa đại thống, lên ngôi Hoàng đế, cải niên hiệu Càn Long. Trắc Phúc tấn Na Lạp thị phong làm Nhàn Phi, ngự ở Cảnh Nhân cung.

Năm Càn Long thứ 10, Cao Quý phi mắc bệnh nặng khó qua khỏi, Càn Long đế liền ra chỉ dụ tấn phong bà làm Hoàng Quý phi để lấy việc này xung hỉ, cầu chúc bà mau khỏi bệnh. Cũng trong dịp này, Hoàng đế cũng tấn phong Nhàn Phi thành Nhàn Quý phi (vẫn giữ lại phong hiệu Nhàn vì Nhàn Quý phi là Quý phi tấn phong từ các cấp thấp hơn, vẫn không vinh sủng như Quý phi sơ phong), Thuần Phi thành Thuần Quý phi Tô thị. Mặc dù cùng là Quý phi, hàm Chính Nhị phẩm nhưng vị trí của Nhàn Quý phi vẫn xếp trên Thuần Quý phi một bậc. Cũng trong thời gian này, có thể Hoàng đế đã cho Nhàn Quý phi chuyển từ Cảnh Nhân cung sang Dực Khôn cung với vị trí gần Dưỡng Tâm điện hơn rất nhiều, chứng tỏ trong giai đoạn này, sự sủng ái của bà không hề bị suy giảm, mà trái lại, tăng lên trong lòng Hoàng đế.

Năm Càn Long thứ 13, Phú Sát Hoàng hậu hoăng thệ, truy phong thụy hiệu là Hiếu Hiền Hoàng hậu, tang nghi tổ chức lớn chưa từng có trong lịch sử, Càn Long đế quả thật thập phần tiếc thương. Ngôi chính cung tạm thời để trống, chờ mãn tang. Tuy nhiên, lục cung không thể một ngày thiếu vắng chủ nhân, Càn Long đế vốn đã có ý lập Nhàn Quý phi làm Hoàng hậu kế vị Phú Sát thị và nhận được sự ân chuẩn của Sùng Khánh Hoàng Thái hậu, song, do vẫn còn trong kỳ đại tang của Hiếu Hiền Hoàng hậu, chưa thể tiến hành sách phong ngay được.

Đến tháng 7 cùng năm đó, Hoàng đế tấn phong Nhàn Quý phi thành Hoàng Quý phi Nhiếp Lục cung sự. Về danh hiệu này của bà có một số chi tiết đáng chú ý: vốn di Hoàng Quý phi là một địa vị cực cao trong hậu cung, chỉ xếp sau Hoàng hậu đúng 1 bậc, vị trí tương đương Phó Hậu, tuy nhiên Càn Long đế hẳn vô cùng ân sủng Na Lạp thị nên đã tạo nên một danh hiệu còn cao hơn cả Hoàng Quý phi đó chính là Hoàng Quý phi Nhiếp Lục cung sự.

Năm Càn Long thứ 15, đại điển phong Hậu được cử hành trọng thể. Những năm sau đó, tình cảm của bà với Càn Long đế tuy không rình rang cả thiên hạ đều biết, nhưng qua các trang sử ghi lại, có thể xem đó là một tình cảm ấm áp, nhẹ nhàng quan tâm lẫn nhau.

Mọi chuyện tưởng cứ thế êm đềm trôi qua, Na Lạp Hoàng hậu vẫn giữ vững ngôi Hoàng hậu, cùng Hoàng đế ân ân ái ái cả đời thì Hoàng đế quyết định thực hiện chuyến Nam tuần lần thứ 4 kể từ sau khi lên ngôi. Ngày 18 tháng 2 định mệnh, đoàn Nam tuần đã đến Hàng Châu, ngay khi trời sáng thì Càn Long đế sai người gửi thức ăn đến cho Hoàng hậu, đặc biệt là trước khi ăn lẫn sau khi ăn đều có chỉ dụ ban thưởng cho Hoàng hậu. Nhưng vào buổi cơm tối hôm đó, bà không lộ diện ăn cùng ông mà chỉ có 5 vị cung phi trên. Về sau, cho đến tận khi kết thúc Nam tuần, Hoàng hậu đều không còn xuất hiện nữa.

Đây là một điều hoàn toàn đột ngột, không có bất kì dấu hiệu nào báo trước. Mãi đến sau này ta mới biết, ngay trong đêm 18 tháng 2 ấy, Hoàng đế đã ra chỉ dụ phái Ngạch phò Phúc Long An hộ tống Hoàng hậu về lại Tử Cấm Thành, ngôi vị Hoàng hậu vẫn giữ nguyên, tuy nhiên đã hạ chỉ giam lỏng bà ở Dực Khôn cung.

Sau đó, Hoàng đế liền lệnh thu hồi cả 4 kim sách đã ban cho bà trước đây, nghĩa là thu hồi lại kim sách phong Na Lạp thị làm Nhàn Phi, Nhàn Quý phi, Hoàng Quý phi Nhiếp Lục cung sự và Hoàng hậu, có thể xem là đau thương không kể xiết, tuy nhiên Hoàng đế không hề có bất kì chỉ dụ nào ra ý phế Hoàng hậu chính thức, địa vị Hoàng hậu của bà không bị chính thức phế đi vì chưa có tuyên chiếu của Hoàng đế song việc thu hồi sách bảo Hoàng hậu cũng là một việc vô cùng nghiêm trọng.

Lúc này bà đã bị chuyển sang Vĩnh Hòa cung, nơi đây không khác gì lãnh cung của bà. Đến năm sau, bà qua đời tại đây, lấy lễ dành cho Hoàng Quý phi để hạ táng, mang tiếng là thế nhưng tang nghi của bà vẫn sơ sài thua cả bậc Hoàng Quý phi, bà không được an táng riêng mà chỉ được an táng ngay cạnh Thuần Huệ Hoàng Quý phi Tô thị như một cung nữ vô danh.

Cho đến những vai diễn để đời

Có thể thấy, chính cái chết đầy uẩn khúc và bí ẩn của bà chính là nguồn cảm hứng rất lớn cho hậu thế khi làm phim về những năm trị vì của Càn Long. Mỗi phim đều có một cách lí giải hoàn toàn khác nhau về cái chết của Kế Hoàng hậu, cũng như cách xây dựng nhân vật bí ẩn này cũng rất khác. Có bộ phim sẽ khắc họa đây là một nhân vật độc ác, tuy nhiên, 3 bộ phim gần đây nhất đều khắc họa nhân vật này với nhiều uẩn khuất trong nội tâm và muôn vàn khúc mắc với đế vương vĩnh viễn không thể có lời giải.

Đầu tiên, không thể không kể đến Đới Xuân Vinh, có thể xem là vai Kế Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ, trong bộ phim kinh điển Hoàn Châu Cách cách. Có thể thấy, cho dù lúc ấy chúng ta chưa nhận thức rõ được đây là nhân vật nào trong lịch sử, nhưng cách xây dựng hình ảnh của nữ sĩ Quỳnh Dao đã khắc họa nên một Hoàng hậu độc ác, ra tay tàn độc với Hạ Tử Vy và Tiểu Yến Tử. Tuy nhiên, dù có cố gắng “bóp méo” hình tượng Kế hậu, thì nguyên tác vẫn không thể phủ nhận bà là một người phụ nữ hết lòng vì phu quân, vì hoàng thất.

Sau đó vài năm, Đặng Tụy Văn cũng tiếp tục đảm nhiệm vai Kế Hoàng hậu trong Tân Hoàn Châu Cách cách. Quá thành công với vai diễn Như Phi trong Thâm cung Nội chiến, nên Đặng Tụy Văn không gặp mấy khó khăn khi thể hiện vai một mẫu nghi thiên hạ khí chất ngời ngời, nhưng cũng vô cùng độc ác, bám sát với phiên bản đầu tiên của Hoàn Châu Cách cách. Tuy nhiên, khí chất và phong thái toát ra từ Đặng Tụy Văn vẫn vô cùng đặc biệt, không lẫn vào đâu được, tạo ra một Kế hậu rất riêng.

Ô Lạt Na Lạp Như Ý của Châu Tấn trong Hậu cung Như Ý truyện xuất phát điểm là một nữ nhi đơn thuần, yêu say đắm phu quân, trải qua nhiều sóng gió mà tình cảm hai bên dần lạnh nhạt, tuy nhiên nàng vẫn không thể nào quên một đoạn giai thoại tuổi trẻ, và cuối cùng chính tình cảm ấy là liều thuốc độc kết liễu chính cuộc đời của nàng. Vai diễn của Châu Tấn được đánh giá cực kì cao khi khắc họa xuất sắc bi kịch của nữ nhân chốn Tử Cấm Thành, được giới phê bình cũng như khán giả đều phải ngã mũ cúi đầu.

Phạm Băng Băng lại thủ vai một Kế Hoàng hậu si tình trong Họa khuông nữ nhân, dù nội dung bộ phim không được tiết lộ rộng rãi, nhưng qua các tin tức biết được, nàng đã tuyệt tình với Hoàng đế Càn Long và đem lòng yêu vị họa sĩ cung đình đến từ Tây dương… Tuy nhiên, có thể nói tạo hình của Phạm gia trong bộ phim này chỉ có thể gọi là hớp hồn khán giả. Bộ phim được khán giả tại Pháp đánh giá rất cao.

Huy Phát Na Lạp Thục Thuận của Xa Thi Mạn trong Diên Hi công lược khởi đầu là một phi tần an phận thủ thường, cự tuyệt với tranh chấp và thị phi, tuy nhiên trải qua biến cố và chấn động lớn, đã dần dà trở nên ác độc, ra tay sát phạt quyết đoán, tuy nhiên vẫn khắc cốt ghi tâm một tình yêu với Hoàng đế. Bi kịch được đẩy lên khi tình cảm mà Hoàng hậu dành cho Hoàng đế cả đời đã không được nhận ra. Vai diễn này tiếp tục nâng tầm Xa Thi Mạn, góp phần làm dày thêm những vai diễn cổ trang để đời.

Dù là diễn viên nào thủ vai, nhưng quả thật, đây vẫn là một trong những nhân vật lịch sử được tái hiện thành công nhất trên màn ảnh, bởi những thế hệ diễn viên tiêu biểu của thời điểm ấy. Hậu thế đã có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn về nhân vật này, một nữ nhân thập phần bi thương của Thanh triều.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất