Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Từ 'Gladiator' đến 'Joker': Những vai diễn ấn tượng nhất của Joaquin Phoenix

Ứng cử viên sáng giá tại Oscars năm nay - Joaquin Phoenix có một sự nghiệp đáng nể với khả năng “thiên biến vạn hóa” trong nhiều vai diễn phức tạp về tâm lý. 

Joaquin Phoenix là một trong những diễn viên tài năng nhất hiện đang hoạt động. Bắt đầu diễn xuất từ khi còn nhỏ, năm 21 tuổi có bước ngoặt sự nghiệp khi tham gia trong bộ phim To Die For (1995), song phải đến khi nhận vai phản diện trong bom tấn Gladiator (2000), tên tuổi anh mới được biết đến rộng rãi. Với Gladiator, Phoenix lần đầu tiên được đề cử Oscar ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc.

Anh có thêm hai đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc trong các bộ phim Walk The Line (2006) và The Master (2013), song chưa lần nào giành chiến thắng. Với bom tấn lần này của DC, rất có thể, Phoenix sẽ quay trở lại đường đua Oscar và lập nên lịch sử. Trong khi “Joker” đang “làm mưa làm gió” khắp các rạp chiếu trên toàn quốc, hãy cùng nhìn lại những dấu mốc lớn trong hành trình gần 20 năm của Joaquin Phoenix, từ “Gladiator” đến “Joker”.

Commodus - Gladiator (2000)

Tuy có kha khá sai lệch so với lịch sử, bộ phim giành giải Oscar của Ridley Scott nắm bắt phần nào bầu không khí xã hội, chính trị và văn hóa của thành Rome dưới thời Hoàng đế Commodus nhiều tai tiếng. Commodus trong phim, qua khắc họa của đội ngũ biên kịch/đạo diễn và diễn xuất của Joaquin Phoenix, là một vai ác phức tạp, hòa trộn sự nham hiểm vô đạo đức của một chính trị gia lõi đời và sự khao khát chú ý đến bệnh hoạn của một đứa trẻ không thể lớn. Khán giả hầu như không thể yêu nổi Commodus của Phoenix, dù thấy hắn đáng thương, nên ta dễ dàng hiểu được tại sao các nhân vật còn lại trong phim cũng vậy.

Johnny Cash - Walk The Line (2005)

Bộ phim tiểu sử về ngôi sao âm nhạc Johnny Cash dõi theo cuộc đời của ông từ tuổi ấu thơ ảm đạm cho đến khi ở đỉnh cao danh vọng, rồi vật lộn với thói nghiện ngập và cuối cùng, trở thành huyền thoại lãng mạn của những kẻ nổi loạn. Chân dung âm nhạc của Cash được Joaquin Phoenix bám sát đến cả chất giọng, giúp anh có được đề cử đầu tiên cho Nam chính xuất sắc tại Oscar 2005. Album nhạc phim, do anh phối hợp thể hiện với nữ diễn viên Reese Witherspoon, thậm chí còn chiến thắng một giải Grammy năm 2007.

Freddie Quell - The Master (2012) 

Bảy năm sau Walk The Line, Joaquin Phoenix lần thứ hai được Viện Hàn lâm đề cử cho giải Nam chính xuất sắc, với vai diễn mang tính đột phá trong bộ phim “hại não” của Paul Thomas Anderson. Trong sự nghiệp của mình, Phoenix không ít lần thể hiện các nhân vật bất ổn về tâm lý và có chiều hướng bạo lực, nhưng Freddie thuộc vào “đẳng cấp” khác hẳn.

Tướng đi khù khoằm, hành động bộc phát và dữ dội, tâm lý luôn ám ảnh bởi những thôi thúc bản năng, Freddie là một con người cấp độ thấp, một con vật vô chủ và cần chủ. Điều đó khiến hắn gặp gỡ và tôn sùng Dodd (Philip Seymour Hoffman) - một thủ lĩnh giáo phái với tất cả những đặc điểm ngược lại (một kẻ đại bịp hoặc một con người thực sự đã phát triển ở cấp độ cao, chúng ta khó có thể biết rõ). Song đó không phải là vấn đề Freddie quan tâm, bởi Freddie cần Dodd, cũng như Dodd cần Freddie, người này bộc lộ mặt không thể của người kia, và cùng đẩy đến cực điểm của sự đối lập đó.

Theodore - Her (2013)

Lấy bối cảnh xã hội tương lai khi khoa học công nghệ đã phát triển thành công loại hệ điều hành có khả năng tự học hỏi và nâng cao nhận thức, “Her” kể về mối tình giữa Theodore - một con người - và “trợ lý ảo” của anh ta - Samantha.

Samantha không có nhân dạng mà chỉ có giọng nói, nên thay vì theo dõi tương tác giữa hai nhân vật như trong các bộ phim tình cảm thông thường, khán giả buộc phải “nghiên cứu” biểu cảm khuôn mặt Phoenix. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Spike Jonze, Phoenix đã lật mở những lớp lang nội tâm của Theodore một cách xuất sắc, thuyết phục người xem về một thứ tình yêu “lạ đời” nhưng có thật, đồng thời khắc họa hình ảnh một người đàn ông tổn thương gây nhiều đồng cảm với khán giả.

Bruno - The Immigrant (2013)

Cùng năm 2013, Joaquin Phoenix xuất hiện trong bộ phim melodrama bối cảnh thập niên 20 của đạo diễn James Gray - The Immigrant. Trong lần hợp tác thứ tư với Gray, Phoenix đóng vai Bruno, một gã đàn ông sành sỏi giúp cô gái Ewa (Marion Cotillard) sinh tồn trên đất Mỹ khi cô vừa chân ướt chân ráo bước xuống từ tàu chở di dân.

Với cốt truyện khá nhạt nhoà, The Immigrant đáng giá chủ yếu ở những khung hình mờ ảo đầy hoài niệm (do James Gray và Darius Khondji thực hiện) cùng diễn xuất của hai diễn viên chính. Phoenix đầy thú vị với một nhân vật linh hoạt như Bruno. Anh ta bí ẩn, khó lường, vừa đáng tin vừa đáng ngờ, như cách Ewa cảm giác về anh, hay như chính cách cô cảm giác về tương lai “giấc mơ Mỹ” của mình.

Doc - Inherent Vice (2014)

Vẫn là một bộ phim “hại não” đến từ Paul Thomas Anderson, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Thomas Pynchon - nhà văn Mỹ nổi tiếng với những tác phẩm cô đặc và phức tạp. Phoenix tiếp tục được giao cho vai chính - Doc Sportello, một tay hippie kiêm thám tử tư, một đêm nọ được bạn gái cũ đến thăm và nhờ vả điều tra một âm mưu liên quan đến người tình hiện tại của cô ta. Việc này dẫn đến việc kia, cuối cùng, Doc phát hiện hẳn một mạng lưới đen tối có sự nhúng tay của nhiều nhân vật quyền lực trong xã hội.

Đây sẽ là một câu chuyện phá án bình thường nếu như nhân vật của chúng ta không phải là một tên nghiện nặng, thường xuyên trong trạng thái “phê pha” đến mức phải viết ghi chú để xác định cuộc nói chuyện của mình là thật hay ảo. Theo dõi Phoenix hóa thân vào Doc khá thú vị (anh có nhiều khoảnh khắc hài hước với khuôn mặt của mình), song câu chuyện đen tối tái hiện không khí nước Mỹ những năm 70 không phải là một món ăn tinh thần dễ nuốt với khán giả Việt Nam.

Joe - You Were Never Really Here (2017)

You Were Never Really Here là tác phẩm đánh dấu sự tái xuất hiếm hoi của Lynne Ramsay - một đạo diễn có biệt tài rút đến tận cùng tâm lý nhân vật và đập thẳng vào mắt khán giả bằng những hình ảnh gây ấn tượng mạnh. Không khó hiểu khi sự hợp tác với Ramsay đã khai thác hiệu quả tiềm năng của Joaquin Phoenix, mang về cho anh giải Nam diễn viên xuất sắc tại Cannes 2017. Trong phim, Phoenix vào vai một cựu binh kiếm sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, vật lộn với chứng PTSD (Rối loạn stress sau sang chấn) và thường tưởng tượng đến việc tự sát để giải tỏa. Tình hình tâm lý của anh càng trầm trọng khi chứng kiến sự bẩn thỉu của xã hội quanh mình.

Charlie Sisters - The Sisters Brothers (2018)

Hai anh em nhà Sisters, đúng như cảm giác gợi lên từ cái tên, là một tác phẩm đặc sắc. Bản thân sự ra đời của nó đã kì quặc - một cuốn tiểu thuyết Viễn Tây (thể loại đậm chất Mỹ), nhưng lại được chuyển thể thành phim bởi một đạo diễn người Pháp (Jacques Audiard). Vẫn là một hành trình huyền thoại kéo dài bằng những vệt máu như các phim Viễn Tây khác, song The Sisters Brothers không quên dành thời gian nhẩn nha với những khoảnh khắc vui thích đời thường, kéo khán giả vào phạm vi thân mật với các nhân vật.

Với vai Charlie - đứa em say xỉn ngỗ ngược nhà Sisters, Joaquin Phoenix bộc lộ một chất điên “tưng tửng” nhẹ nhàng hơn các vai diễn “nặng đô” anh thường đảm nhận, phối hợp ăn ý với ngôi sao chính - John C. Reilly - trong vai người anh ngổn ngang nhiều tâm sự. Reilly và Phoenix, hai gã nông thôn thô kệch, cùng với nhau, lại đối lập hoàn hảo với nửa kia của phim - hai anh chàng có vẻ trí thức thành thị, do Jake Gyllenhaal và Riz Ahmed thể hiện.

Arthur Fleck/Joker - Joker (2019)

Joaquin Phoenix đạt đến đỉnh cao sự nghiệp của mình với vai Joker trong bộ phim cùng tên. Bộ phim của Todd Phillips có những trường đoạn cho phép Phoenix trở thành nghệ sĩ trình diễn thực thụ, ở đó ta không chỉ thấy nhân vật, mà thấy cả hào quang của người diễn viên.

Dường như tất cả những vai diễn trước đây của Phoenix là để chuẩn bị cho Joker. Ở nhân vật này, Phoenix được thể hiện tất cả: sự ngọt ngào mang nét ngây thơ của một đứa trẻ, khiếu hài hước của một kẻ lập dị, nỗi đau khổ của một kẻ ngoài lề, và tất nhiên, sự bất ổn về tâm thần và có xu hướng bạo lực. Anh cũng gây ấn tượng về hình thể với những nhánh xương sườn như muốn đâm thủng cả da, dáng đi khuỳnh khoàng trông rất “làm phách”, và những động tác vặn vẹo hình ảnh hóa nội tâm nhân vật.

Tính hai mặt của nhân vật Arthur Fleck/Joker giúp Phoenix bộc lộ tài năng ở cả những nét diễn tinh tế, ẩn tàng, lẫn sự hiện diện cực đoan, choáng ngợp của một ngôi sao. Bộ phim gây tranh cãi vì sự nhạt nhòa của đạo diễn, song có lẽ chính sự nhạt nhòa này lại giúp đẩy mọi hào quang vào người diễn viên. Khó ai có thể phủ nhận rằng Joaquin Phoenix chưa bao giờ tuyệt vời đến thế trong sự nghiệp của mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dodieuha

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?