Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Từ cắt - kiểm duyệt phim đến giải cứu phim, bao giờ điện ảnh Việt mới hết sóng gió?

"Cắt phim, kiểm duyệt phim, giải cứu phim"... là những từ luôn được gắn với phim điện ảnh Việt Nam, thậm chí nhiều hơn "chất lượng phim".

Khán giả yêu điện ảnh Việt Nam giờ đã dễ dàng tiếp cận với các tác phẩm điện ảnh nước ngoài. Những bộ phim từ các thị trường sôi động như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí Thái Lan dễ dàng tạo “bão” tại thị trường điện ảnh Việt Nam. Điều này khiến những dự án phim Việt dễ rơi vào tình trạng thua lỗ, nền điện ảnh nước nhà lao đao.

Cắt, kiểm duyệt phim 

Hồi tuần trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra văn bản góp ý đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) dựa trên ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp.

Theo đó, tổ chức này ủng hộ việc gỡ bỏ các hàng rào thủ tục hành chính, nhằm giúp nền điện ảnh của Việt Nam bắt kịp thế giới về công nghệ, kỹ năng, phương pháp và trình độ quản lý. Tuy nhiên, VCCI không đồng tình với việc cắt, kiểm duyệt phim thái quá.

Bộ phim “Thất Sơn tâm linh” vốn là “Thiên Linh Cái” sau khi đổi tên.

Không ít bộ phim được trình chiếu tại các rạp phim Việt Nam đã bị chỉnh sửa hoặc cắt xén rất nhiều trước khi đến với công chúng, nhiều tác phẩm kém may mắn hơn và không được ra rạp.

Trước đây, tác phẩm được đón đợi bậc nhất, Bụi đời Chợ Lớn, của đạo diễn Charlie Nguyễn đã bị hoãn chiếu vô thời hạn do không qua được kiểm duyệt của Cục Điện ảnh Việt Nam. Sự việc đã gây ra những ý kiến trái chiều trên cộng đồng mạng, báo chí và người yêu điện ảnh. Gần nhất, bộ phim kinh dị Thất Sơn tâm linh cũng bị hoãn chiếu nhiều lần để sửa đổi nội dung và thậm chí phải đổi tựa phim.

VCCI mô tả thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim “rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp”.

Tác phẩm nhiều lần bị hoãn chiếu và ra rạp với một thể loại hoàn toàn khác.

“Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu. dâm, bạo lực, thù địch…”, VCCI nhận định.

Cũng chính vì vậy, nhiều tác phẩm chọn hướng đi an toàn, khai thác thể loại hài - lãng mạn để dễ dàng ra rạp và kiếm lời. Do đó, nền điện ảnh Việt Nam rơi vào tình trạng phim ra nhan nhản nhưng khán giả vẫn “khát” phim thực sự chất lượng.

Từ đó, tổ chức này đề xuất đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim, bao gồm đặt ra các điều kiện để những tổ chức đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép kiểm duyệt phim, cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của tổ chức được cấp phép. Điều này vừa giúp đảm bảo quản lý tốt nội dung phim, vừa tạo tính cạnh tranh trên thị trường và nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế.

Giải cứu phim 

Những bộ phim trải qua quá trình kiểm duyệt, cắt xén, đôi khi mất đi điểm nhấn và khiến người xem thất vọng. Song song với đó, không ít ồn ào bên ngoài các tác phẩm điện ảnh cũng dễ gây phản cảm cho khán giả.

Trước đây, công chúng đã không ít lần chứng kiến những bộ phim sử dụng chiêu trò “cầu cứu” để lôi kéo sự chú ý của khán giả. Nhà sản xuất-diễn viên Ngô Thanh Vân từng bị chỉ trích khi mỗi lần có phim ra rạp là một lần xuất hiện kể khổ: từ chuyện Tấm Cám: Chuyện chưa kể không được chiếu tại chuỗi cụm rạp CGV, Cô Ba Sài Gòn bị livestream lén đến mâu thuẫn với đạo diễn Leon Quang Lê của Song Lang.

“Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”

Năm ngoái, 100 ngày bên em cũng hô hào khán giả ủng hộ phim Việt khi các suất chiếu phim chủ yếu dành cho bom tấn đến từ nhà Marvel Avengers: Infinity War. 

Gần đây hơn, đạo diễn Chung Chí Công của Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi lại kêu gọi các bạn trẻ giải cứu bộ phim vì số suất chiếu dành cho bộ phim quá ít ỏi, tác phẩm đứng trước nguy cơ bị loại khỏi rạp chiếu.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù có ít suất chiếu nhưng Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi có tới 170 suất chiếu trống trên tổng 620 suất chiếu, tính riêng trong 3 ngày 27 đến 29.9. Như vậy, nhiều ý kiến cho rằng rất khó có thể kết luận xem bộ phim độc lập này có bị rạp chèn ép hay không.

Tác phẩm còn nhiều thiếu sót và chưa thể được xem là tuyệt tác. Bên cạnh đó, câu chuyện hướng đến những người trẻ và sử dụng dòng nhạc indie để kể chuyện cũng khiến phim kén người xem.

Bê bối xoay quanh các bộ phim Việt Nam vẫn được truyền thông và dư luận nhắc đến nhiều hơn chất lượng phim. Từ lùm xùm giữa đạo diễn-diễn viên, phim giả tình thật cho đến những chiến dịch cầu cứu phim, ít nhiều đều tạo ra cái nhìn không khách quan cho người xem điện ảnh.

Và có lẽ chỉ đến khi các nhà làm phim tìm cách nâng cao chất lượng phim trước khi nghĩ cách cứu phim, người hâm mộ Việt Nam mới thực sự có thể ra rạp mà không gánh theo trách nhiệm “ủng hộ điện ảnh nước nhà”, thay vì chỉ đơn thuần ủng hộ một tác phẩm chất lượng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui mê tít chợ đêm Vui Phết tại Phú Quốc
Tiếc cho Đoàn Văn Hậu