Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Từ 'Bad Genius': Đến bao giờ phim học đường Việt mới đuổi kịp Thái Lan?

Cùng đặt phim học đường Việt và Thái lên bàn cân mà tiêu biểu là "Em chưa 18" và "Bad Genius".

Có lẽ người ta đã quen với việc Việt Nam luôn bị so sánh Thái Lan ở nhiều lĩnh vực, từ bóng đá quốc gia cho tới dịch vụ du lịch, và đến gần đây, khi mà Bad Genius (Thiên tài bất hảo) khuấy đảo phòng vé Việt thì một lần nữa, nhiều người lại thầm đặt ra một câu hỏi trong đầu rằng, tới bao giờ, dòng phim học đường Việt Nam nói riêng mới đuổi kịp người hàng xóm Thái Lan.

Bad Genius - siêu phẩm về tội phạm học đường khiến cả thế giới bái phục.

Vậy, phim học đường của người Việt thua kém người Thái ở đâu?

Không khí học đường chân thật.

Mùa phim hè vừa qua chứng kiến Em chưa 18 và cú nổ lớn tại phòng vé Việt Nam khi doanh thu đầu vào của bộ phim cán mốc 150 tỷ đồng. Lẽ dĩ nhiên, ra mắt trùng sát với thời điểm ra rạp của Cô gái đến từ hôm qua, thế nhưng do những chiến dịch PR rầm rộ trên mạng xã hội cùng không khí hiện đại, Em chưa 18 đã trở thành bộ phim học đường Việt Nam nóng nhất mùa hè vừa rồi.

Em chưa 18 và cú hit hơn 150 tỷ đồng.

Và chúng ta đã được xem những gì từ Em chưa 18?

Trailer phim Em chưa 18.

Bối cảnh của bộ phim là ở trường quốc tế Wellspring - một ngôi trường hoàn toàn có thật. Và nếu như thực sự so sánh giữa phim và đời qua Em chưa 18 thì có lẽ, nhiều phụ huynh sẽ nghĩ rằng tống con vào cái trường này là một sai lầm. Một cô bé 18 tuổi được gắn cái mác thông minh học giỏi nhưng hầu như cả phim không có một cảnh giở sách ra học bài; cũng cô bé đó lập kế hoạch lên bar chuốc say một dân chơi thứ thiệt về dàn cảnh lên giường để làm bạn trai ghen (?). Một ngôi trường mà người ta nhìn vào không thấy cả giáo viên, không thấy những mái đầu cặm cụi bên trang sách, cả trường phát rồ lên vì những hoạt động ngoại khóa cuối năm - khi mà kỳ thi cũng gần kề. Học hành làm gì khi mà ta sắp có prom?

Một bộ phim về chốn học đường không sách vở?

Đảo cánh lại Bad Genius, nội dung của bộ phim hoàn toàn xoay quanh vấn đề học tập - mục đích chính của học sinh khi tới trường, và tới khi những chiêu trò của bốn cô cậu Lynn, Bank, Grace và Pat vượt quá tầm kiểm soát, nó vẫn cứ là về những vấn đề muôn thuở của tuổi học trò - học, thi, phấn đấu và gian lận.

…đi học thì phải thế này chứ?

Trailer phim Bad Genius.

Hơn nữa, ở Bad Genius, chúng ta dường như nhìn thấy chính mình qua từng thước phim một. Dám cá rằng người ra rạp Việt Nam không đến 1% có thời học sinh chưng diện, ra sân bóng rổ, làm cheer leader, bầu chọn King and Queen v.v…, nhưng chúng ta ai cũng có một cô bạn nhà nghèo, học giỏi như Lynn, có một cậu bạn nghiêm túc, mẫn cán và nói không với gian lận học đường như Bank, có một cạ cứng hết lòng ủng hộ như Grace và những cái đầu ham thích làm giàu từ trên ghế nhà trường như Pat. Thành thử ra, khi xem Bad Genius, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy gần gũi hơn nhiều bộ phim học đường Việt Nam bây giờ.

Phải chăng học sinh Thái Lan 'thật' hơn học sinh Việt Nam?

Những nhân vật chất và chuẩn.

Lại quay lại với phim học đường Việt Nam. Không thể chối cãi rằng trừ những phim được xây dựng dựa trên nguyên tác đã có tiếng như Cô gái đến từ hôm qua - thì hầu hết các bộ phim về chủ đề học đường ở Việt Nam đều xây dựng những nhân vật thiếu cá tính tới thảm thương từ màn ảnh nhỏ tới phim ra rạp.

Xẹt qua, xẹt lại, rồi sao? Không ai nhớ nổi cả tên những nhân vật này.

Khi mà Việt Nam làm Em chưa 18 thì Thái Lan, rất nhanh sau đó, cho ra rạp Em chưa 16. Nói vui vậy, chứ tên phim thật ra là Bí mật dậy thì (phim nói về những cô cậu tuổi 15 và yêu cầu khán giả phải trên 16) ;và bộ phim này tục thì đừng hỏi luôn. Thế nhưng cái tài của người Thái, họ làm những vấn đề tế nhị của tuổi dậy thì rất duyên dáng, rất vui, khi lên phim xem không hề bị thô, và mấu chốt của điều đó nằm ở chính những cô cậu diễn viên tuổi teen.

Dàn cast không thể chuẩn hơn của Bí mật dậy thì.

Toàn bộ dàn diễn viên của Bí mật dậy thì khi lên phim gần như không make-up (và dàn diễn viên trong Bad Genius cũng vậy); họ đều mặc những bộ đồng phục rất bình thường, chẳng khác gì chúng ta ngày xưa đi học ở Việt Nam - sơ mi trắng, quần âu hay váy đồng phục giản đơn. Vậy nhưng diễn xuất, cử chỉ và nội tâm của các nhân vật học sinh trong phim Thái đều ăn đứt phim Việt. Chúng ta có Lynn thông minh tuyệt đỉnh, giàu nghị lực và ước mơ; có Bank gương mẫu nhưng biết khi nào thì nên sai; có Grace và Pat trai xinh, gái đẹp nhưng chẳng hề bình hoa di động. Nhìn lại phim Việt, chúng ta có gì? Một cô bé được dán nhãn học giỏi và chả thấy học hành gì bao giờ. Đội trưởng đội cổ vũ và hot boy bóng rổ cả phim không có quá 10 thoại v.v… Đem ra so sánh, cán cân cá tính nhân vật đã trôi thẳng về phía các cô cậu học đường Thái Lan rồi.

Tới bao giờ chúng ta mới xây dựng được một nhân vật cá tính như Lynn?

Một phần nữa, có lẽ do tương quan văn hóa khác biệt nên các vấn đề nhạy cảm trong phim Thái được xây dựng khá cởi mở và khéo. Khi mà phim Thái đầu tư vào những nhân vật có ngoại hình đặc biệt mang tính chất gây cười hay những diễn viên thủ vai đồng tính nam, họ đều thổi hồn một cách duyên dáng để tiếng cười trở nên tự nhiên nhất. Còn ở phim Việt Nam, cứ mặc định một cậu béo thường sẽ là kẻ pha trò chỉ lúc nào cũng nghĩ đến ăn, hành động ngớ ngẩn; một cậu gay lúc nào cũng sẽ đanh đá, ăn mặc lồng lộn màu mè và làm đủ chuyện đồng bóng. Đôi khi nhân vật còn vừa béo vừa gay?

Nói vậy, chỉ có ý rằng, phim ảnh Việt đã thiếu nghiêm túc đến mức bất lịch sự khi xây dựng những nhân vật hài hước rồi.

Chủ đề phim luôn mới mẻ, sống động đón đầu xu thế

Khi mà chúng ta còn mãi chạy theo những câu chuyện tình cảm tuổi học đường cũ mèm, người Thái đã đẩy sự sáng tạo của họ lên rất cao. Từ những chiêu trò gian lận thi cử bình thường cho tới phi vụ gian lận khổng lồ; đó là điều mà chúng ta sẽ còn rất lâu mới thấy được ở phim Việt Nam. Lại nhớ đến chuyện cách đây vài năm, Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu ở chính quê hương mình, nhiều ý kiến trái chiều đan xen mà chủ yếu là ‘lo ngại sẽ tạo ra tiền lệ xấu’; ‘dấy lên nguy cơ bạo lực học đường…’ thì ở Thái, cách đó 10 năm, Tony Jaa đã dùng cùi chỏ gõ lõm đầu vô khối dân anh chị trong Ong Bak rồi.

…khi mà Bụi đời chợ lớn bị Việt Nam cấm chiếu vào năm 2013…

…thì tròn 10 năm trước, Ong Bak đã phá đảo thế giới ảo.

Và cả những nhà sản xuất vẫn loay hoay mãi về đề tài trong kịch bản phim học đường, thể loại vốn đã rất ít ỏi so với hàng chục phim ra rạp mỗi năm. Vậy là phim học đường muôn kiếp chỉ xoay quanh chuyện yêu đương, chuyện mấy cô bé chia bè kéo phái ganh ghét nhau, tơ tưởng cậu hot boy của đội bóng rổ. Chúng ta sẽ còn đợi rất lâu, khi một bộ phim nói về mặt tối của học đường Việt Nam được ra mắt mà không sợ ‘ảnh hưởng xấu tới các em học sinh; tiêm nhiễm vào đầu các em gian lận, bạo lực học đường’ v.v..

Và thế là phim học đường Việt Nam cứ mãi luẩn quẩn thế này đây.

Và trong khi dòng phim học đường Việt Nam còn cứ loay hoay như vậy, người Thái vẫn bán phim cho các cụm rạp Việt đều đều, và cả nhiều khu vực châu Á khác như Đài Loan, Trung Quốc, Hongkong, Malaysia, Campuchia… và sang cả tận Mỹ tham dự Liên hoan phim.

Kết

Dẫu vậy, Em chưa 18 vẫn có những mặt tích cực trong việc tạo dựng dàn diễn viên mới - những người có thể sẽ thay thế nhiều gương mặt đã quá cũ kỹ từ màn ảnh rộng đến màn ảnh nhỏ. Bên cạnh đó, bộ phim với những tiết tấu nhanh mạnh, dứt khoát đã mang đến một không khí làm phim rất hiện đại, khác hẳn với nhiều bộ phim Việt trước đây. Thế nhưng, nếu so sánh với Bad Genius thì vẫn còn nhiều điều đáng để học hỏi, và biết đâu đấy, vài năm nữa, chúng ta cũng sẽ có một siêu phẩm học đường cộp mác made in Vietnam thì sao?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết NamThanh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?