Trương Ngọc Ánh từng lên đến đỉnh cao trong giới người mẫu khi trở thành một trong những cái tên hiếm hoi xứng với danh xưng siêu mẫu thế hệ đầu. Với phim ảnh, cô cũng có một gia tài vai diễn đáng tự hào. Chưa kể, cô còn là một doanh nhân thành đạt.
Số báo Hoa học trò Xuân năm 1993 có ảnh trang bìa là một gương mặt nữ thanh xuân với ánh mắt hút hồn, mái tóc đen nhánh ôm lấy gương mặt sắc nét như vẽ. Những người làm báo nói rằng đó là một trong những bìa báo họ hài lòng nhất. Gương mặt ấy là Trương Ngọc Ánh, khi ấy cô là nữ sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt.
Trương Ngọc Ánh đã nổi tiếng từ rất sớm khi đăng quang ngôi vị cao nhất trong cuộc thi “Người đẹp Noel” của toàn thành Hà Nội năm 1992. Khi ấy, cô chỉ mới 16 tuổi.
Cùng năm, cô được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chọn vào vai Diễm - nguyên mẫu “Diễm xưa”, người tình trong âm nhạc Trịnh Công Sơn trong bộ phim về vị nhạc sỹ tài hoa này Em còn nhớ hay em đã quên. Vai của Ánh không phải vai chính nhưng lại rất quan trọng, bởi đó là hiện thân bằng xương bằng thịt hình ảnh “Diễm xưa” bất hủ trong nhạc Trịnh. Và theo lời đạo diễn, ông hài lòng với thể hiện của cô nữ sinh Hà thành.
Ngay sau đó, cô xuất hiện trong 2 bộ phim thị trường ăn khách là vai chính Mai trong Em và Michael Jackson - bộ phim đầu tay của đạo diễn Lưu Huỳnh và vai thứ chính trong bộ phim Anh chỉ có mình em (đạo diễn Đới Xuân Việt) bên cạnh 2 ngôi sao hot lúc bấy giờ là Thu Hà và Lê Công Tuấn Anh. Cơ hội nghệ thuật rộng mở để cô quyết định một mình xa nhà Nam tiến, xây dựng sự nghiệp ở tuổi vị thành niên.
Với lợi thế chiều cao và vóc dáng chuẩn đẹp cùng thần thái thu hút, Ánh nhanh chóng trở thành gương mặt nổi bật trên sàn catwalk cái thuở nghề người mẫu còn mới mẻ ở Việt Nam. Cô xuất hiện với tần suất cao trên các tạp chí hot nhất bấy giờ như Thời trang trẻ, Người đẹp Việt Nam, Điện ảnh Kịch trường… với những tấm hình thời trang nghệ thuật - chứ không phải chùm ảnh “chụp người” như thứ vốn xuất hiện nhan nhản trên báo mạng của các người đẹp hiện nay.
Về vị trí và danh tiếng, có thể xếp cô vào bộ tứ gương mặt xứng đáng được gọi là siêu mẫu của thập niên 90, cùng với Trần Bảo Ngọc, Vũ Cẩm Nhung và cặp song sinh Thuý Hằng - Thuý Hạnh. Cô cũng là người đẹp tiên phong “đem chuông đi đánh xứ người” với giải Người mẫu ăn ảnh tại cuộc thi Tìm kiếm Người mẫu châu Á năm 1995 và giải Hoa hậu Thời trang Quốc tế Ai Cập năm 1998. Đồng thời cô còn liên tục được bầu chọn Người mẫu được yêu thích nhất của các báo Điện ảnh Kịch trường, Màn ảnh Sân khấu, Mực tím…
Bên cạnh sự nghiệp thời trang rực rỡ, Trương Ngọc Ánh cũng từng lấn sân ca hát khi cùng hội bạn toàn chân dài là Minh Anh, Trịnh Kim Chi và Chung Vũ Thanh Uyên lập nhóm hát Tứ ca Ngẫu nhiên. Nhóm “người đẹp hát” này dù nổi tiếng và được tham gia nhiều sân khấu lớn như Duyên dáng Việt Nam nhưng cũng chỉ dừng ở việc “hát chơi” và tan rã sau vài năm hoạt động.
Trong giai đoạn thoái trào của điện ảnh Việt cuối thập niên 90, Trương Ngọc Ánh vẫn có cơ hội đóng các phim thương mại tuy hầu hết sau này đều bị lãng quên. Đến thời cực thịnh của phim truyền hình, cô trở thành gương mặt ấn tượng hàng đầu của truyền hình phía Nam với những bộ phim rating cao ngất và không kém phần chất lượng.
Đó là Giã từ dĩ vãng - bộ phim gây sốt của đạo diễn Đinh Đức Liêm, một trong những gương mặt làm phim truyền hình tài năng và nổi bật nhất. Trong đó, cô đóng vai thứ chính - Mỹ, con gái của nhân vật chính Hạnh (Thanh Nga) - một cô gái thực dụng trái ngược với bà mẹ nghị lực, bản lĩnh.
Đó là Đồng tiền xương máu - một bộ phim khác cũng trở thành hiện tượng của Đinh Đức Liêm. Vai Lan Anh - cô gái trẻ năng động, giỏi giang, thực tế, sống và yêu hết mình trong bộ phim này là một trong những vai diễn để đời của cô.
Đó còn là Giao thời - một bộ phim tạo dư luận của đạo diễn Phan Hoàng, trong đó Ánh đóng vai cô con gái thứ của gia đình 3 chị em bên cạnh Hiền Mai, Ngô Mỹ Uyên.
Sang những năm 2000, Trương Ngọc Ánh vẫn tiếp tục góp mặt trong các bom tấn truyền hình chất lượng. Có thể kể đến như Ngọn nến hoàng cung của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng - bộ phim lịch sử công phu về cuộc đời cựu hoàng Bảo Đại được khen ngợi rất nhiều. Hay như Lục Vân Tiên của đạo diễn Đỗ Phú Hải - bộ phim cổ trang thu hút sự quan tâm của báo giới và công chúng. Hoặc phim Công ty thời trang - một tác phẩm ăn khách khác của đạo diễn mát tay Đinh Đức Liêm.
Cũng từ giai đoạn này, Ánh rời sàn diễn và bắt đầu chú trọng vào các vai diễn trên màn ảnh rộng.Tuy nhiên, nếu như phim truyền hình của cô hầu như đều chất lượng thì phim chiếu rạp chất lượng lại sớm nắng chiều mưa.
Bộ phim Sài Gòn nhật thực của đạo diễn Othello Khanh mà cô thủ vai chính Kiều bị chê tơi tả về cả nội dung lẫn cách làm. Các phim Khi đàn ông có bầu (đạo diễn Phạm Hoàng Nam) và Phát tài (đạo diễn Lê Bảo Trung) cũng không được đánh giá cao.
Ngay như 2 bộ phim được dư luận khen nức nở là Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh) và Hương Ga (đạo diễn Cường Ngô) cũng không hẳn là những tác phẩm xuất sắc.
Áo lụa Hà Đông công phu nhưng hơi thiếu sâu sắc và cá nhân Ngọc Ánh có phần diễn over trong những cảnh đau khổ. Còn Hương Ga chỉ dừng ở một phim thương mại sành điệu được làm chắc tay, hấp dẫn, đúng gu khán giả.
Trương Ngọc Ánh có nhiều vai diễn vẫn để ngỏ chất lượng khi các bộ phim vì lý do nào đó mà không/chưa đến được với công chúng một cách rộng rãi.
Có thể kể đến vai Lý An trong Hạt mưa rơi bao lâu - tác phẩm điện ảnh duy nhất của nữ đạo diễn Đoàn Minh Phượng, người được đánh giá là một trong những nhà văn nữ tài năng nhất với tiểu thuyết xuất sắc Và khi tro bụi. Hay như bộ phim Ngọc viễn đông (đạo diễn Cường Ngô) - tác phẩm gây chú ý khi quy tụ tới 7 minh tinh nổi tiếng các thế hệ trong 7 chương phim, do công chiếu ngắn ngày, nhiều người chưa kịp xem đã ngưng chiếu tại rạp.
Một bộ phim khác của cô được minh oan giá trị là Cầu ông Tượng (đạo diễn Phi Tiến Sơn). Bộ phim làm về tình hữu nghị Việt - Lào này do nhà nước đặt hàng nhưng mãi không được chiếu, từng bị báo chí chê bai, nghi ngờ chất lượng và chì chiết vì tốn tiền ngân sách. Gần 10 năm sau, mãi đến năm 2016 phim được chiếu trên mạng mới chứng minh được chất lượng, nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của người xem.
Là sao hàng đầu trong showbiz bền bỉ suốt một phần tư thế kỷ, Trương Ngọc Ánh không dừng ở việc đứng trước máy quay mà còn tham gia điện ảnh với vai trò nhà đầu tư. Tuy nhiên các bộ phim do cô sản xuất có phong độ không thật sự ổn định. Có phim mang lại cho cô cả tiền bạc lẫn danh tiếng và giải thưởng (Cánh diều vàng Nữ chính xuất sắc nhất 2014) như Hương Ga (đạo diễn Cường Ngô), có phim thành công phòng vé nhưng chưa thật thuyết phục giới chuyên môn như Sắc đẹp ngàn cân (đạo diễn James Ngô) và cũng có những tác phẩm nhận nhiều lời chê bai như Truy sát (đạo diễn Cường Ngô), Vệ sỹ Sài Gòn (đạo diễn Ochiai Ken). Ánh có lẽ cần tinh hơn trong việc chọn kịch bản.
Năm 2005 có lẽ là một năm đại cát với Trương Ngọc Ánh. Lúc ấy, cô ở đỉnh thành công và uy tín, với sự thành đạt viên mãn ở tuổi chưa đến 30, còn thêm nhan sắc vào độ rực rỡ chín muồi nhất. Bao nhiêu năm trong nghề được cho là khôn ngoan, không điều tiếng và chưa từng hé lộ chuyện tình cảm, lúc ấy cô khiến nhiều người ghen tỵ khi tuyên bố lấy chồng.
Một tình yêu chắc là rất đẹp! Bởi nghe cô chia sẻ rằng đã quen nghe quá nhiều những lời tán tỉnh, tán tụng, khi nghe anh ấy nói đơn giản “Anh nhớ em”, Ánh biết mình được yêu rất thật.
Đám cưới và cuộc hôn nhân được ngưỡng mộ trong showbiz cuối cùng kết thúc đáng tiếc. Ánh sau đó có mối tình có phần ồn ào với Kim Lý - người ngoài vẻ đẹp trai thì chưa thể hiện được gì về tài năng đóng phim cũng như trí tuệ hay tính cách khi xuất hiện trên báo chí.
Ở tuổi 42, Trương Ngọc Ánh vẫn khiến người ta ngưỡng mộ khi ngoài nghề diễn còn thành công trong vai trò doanh nhân. Nhưng ấn tượng về một phụ nữ sâu sắc, khôn ngoan đã mai một dần theo năm tháng.