Phim Ảnh

Trước thềm Oscar, ‘The Shape of Water’ dính nghi án đạo nhái nghiêm trọng

Thu Phương
Chia sẻ

“The Shape of Water” và vở kịch “Let Me Hear You ” có nhiều điểm trùng hợp từ bối cảnh, nhân vật đến tình tiết phim.

The Shape of Water hiện đang là ứng cử viên sáng giá của mùa giải Oscar năm nay. Phim nhận được 13 đề cử trong đó có đề cử Phim hay nhất.Tuy nhiên ngay trước thềm Lễ trao giải danh giá, The Shape of Water lại dính nghi án đạo nhái ý tưởng từ vở kịch Let Me Hear You Whisper. Các fan yêu mến vở kịch đều lên tiếng đòi công bằng cho tác phẩm khi chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa Let Me Hear You Whisper và bộ phim đình đám của đạo diễn Guillermo Del Toro.

Nhà soạn kịch đạt giải Pulitzer - Paul Zindel sáng tác Let Me Hear You Whisper năm 1969. Vở kịch kể về một người phụ nữ cô đơn tên là Helen. Cô nhận công việc dọn dẹp ở trung tâm nghiên cứu, nơi diễn ra những thí nghiệm kì quái trên động vật có vú cấp cao. Một ngày Helen nhận ra chú cá heo từng bị nhốt cả đời trong một chiếc xe tăng, nay bị bắt vào trạm nghiên cứu, đang cố giao tiếp với cô. Người phụ nữ nhút nhát và nhiều tổn thương quyết định trò chuyện với cá heo vì nó không thể giao tiếp với ai ngoài cô.

Không may, trung tâm nghiên cứu quyết định giết cá heo để nghiên cứu não của nó. Helen cùng bạn bè bí mật lên kế hoạch giải cứu cá heo ra khỏi trung tâm nhưng thất bại. Lúc này những kẻ đứng đầu phòng thí nghiệm đã biết việc Helen có thể giao tiếp với sinh vật này. Họ hứa sẽ tha tội cho cô, nếu cô chịu giúp họ. Nhưng Helen đã từ chối tham gia vào thí nghiệm độc ác này.

Let Me Hear You Whisper nhanh chóng nổi tiếng và được chuyển thể thành phim phát trên kênh Playhouse của Anh. Đến năm 1990, vở kịch được sử dụng như một phần trong series The American Playwrights Theater: The One Acts, với sự tham gia của hai diễn viên nổi tiếng Jean Stapleton và Rue McClanahan.

The Shape of Water giống Let Me Hear You Whisper không chỉ ở bối cảnh Chiến tranh lạnh mà còn ở nhiều chi tiết trong nội dung phim. Hai câu chuyện đều liên quan đến một người phụ nữ nhút nhát làm nghề dọn dẹp tại trung tâm nghiên cứu bí ẩn, đang giam giữ một sinh vật biển bí ẩn. Bộ phim lẫn vở kịch đều triển khai nội dung xoay quanh việc người phụ nữ và sinh vật kết nối và nảy sinh tình cảm với nhau.

Không chỉ giống ở mối quan hệ của nhân vật chính mà cả cách xây dựng vai phản diện trong cả hai phiên bản đều giống nhau một cách kì lạ. Các nhà khoa học trong cả phim lẫn vỡ kịch đều độc ác và khinh thường người khác. Trong cả hai câu chuyện đều có chi tiết, phòng thí nghiệm đang phát triển công nghệ mới cho các mục đích quân sự. Cùng với đó, sinh vật phải đối mặt với cái chết và người phụ nữ lao công muốn giải cứu sinh vật này bằng cách giấu nó trong giỏ hàng giặt, sau đó tìm cách thả nó vào đại dương.

Điểm khác biệt là nhân vật nữ chính trong The Shape of Water bị câm và thay vì cá heo thì bộ phim lại xây dựng một loài thủy quái được tôn xưng là Thần sông Amazon. Nếu trong vở kịch của Paul Zinder, Helen thất bại trong việc giải cứu chú cá heo thì với The Shape of Water, Elisa lại thành công với kế hoạch táo báo của mình.

Vậy liệu rằng, The Shape of Water là một sản phẩm đạo nhái hay chỉ là nạn nhân của một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Dù có nhiều điểm tương đồng giữa hai tác phẩm nhưng các nhà phê bình phim vẫn nghiêng về giả thuyết The Shape of Water chỉ vô tình trùng hợp ý tưởng với vở kịch của Paul Zinder. Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Guillermo Del Toro từng chia sẻ vào năm 2011, ông có gặp gỡ người bạn thân của mình là tiểu thuyết gia Daniel Kraus. Kraus đã gợi ý cho ông về câu chuyện tình giữa một người phụ nữ làm nghề dọn dẹp với một sinh vật biển bị giam giữ trong Trung tâm nghiên cứu thời kì Chiến tranh lạnh. Del Toro ngay lập tức say mê với ý tưởng này. Ông dành nhiều năm để xây dựng kịch bản trước khi cho ra đời bộ phim đình đám The Shape of Water.

Trailer phim.

The Shape of Water dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam từ 02/02/2018 trên toàn quốc.

Chia sẻ

Bài viết

Thu Phương

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất