Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Trong căn nhà đầy đấu đá ở 'Mẹ chồng', kẻ khờ như Hai Phước phải chăng là hạnh phúc nhất?

Chẳng những có mẹ, quản gia, có vợ đẹp yêu thương, chăm lo, Hai Phước - con trai cô Ba Trân ở "Mẹ chồng" được làm điều mình thích, tự do nói cười, tự do yêu thương. Mà đôi khi, được quyền yêu thương chân thành, sẵn lòng hi sinh vì những người thân yêu cũng là một hạnh phúc!

Mẹ chồng là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Lý Minh Thắng, quy tụ dàn mỹ nhân nhiều thế hệ như: Diễm My 6X, Thanh Hằng, Lan Khuê, Midu, Ngọc Quyên,… Bộ phim được xem là phim về “thâm cung nội chiến” đầu tiên trên màn ảnh rộng Việt Nam khi xoay quanh cuộc chiến “không hồi kết” giữa những người đàn bà trong nhà Hội đồng Lịnh.

Đẩy cao mâu thuẫn ở người phụ nữ, Mẹ chồng khắc họa rõ nét cuộc sống bó buộc bởi luật lệ hà khắc, cổ hủ thời phong kiến. Bên cạnh đó, hình ảnh người đàn ông nhà Hội đồng Lịnh như Thiện Khiêm (Song Luân), Hai Phước (Lâm Vinh Hải) hay Hai Đìa (Quốc Cường đóng) cũng góp phần quan trọng trong việc truyền tải nội dung phim, thể hiện ý nghĩa nhân văn. Đặc biệt, nhìn nhân vật Hai Phước, khán giả đặt ra câu hỏi: “Ở căn nhà đầy sự đấu đá của những người phụ nữ, kẻ khờ như Hai Phước phải chăng là hạnh phúc nhất?”.

Hai Phước - Người duy nhất được nở nụ cười hồn nhiên 

Để truyền tải thành công nội dung phim cũng như ý nghĩa nhân văn mà tác phẩm mang đến, Mẹ chồng tạo nên bức tranh sáng tối, nhiều màu sắc, mà mỗi nhân vật trong phim đều đảm nhận một gam màu trầm nổi khác nhau. Nếu cuộc đời những người phụ nữ gia đình Hội đồng Lịnh mang sắc u trầm, thì cậu Hai Phước (Lâm Vinh Hải) - con trai ruột cô Ba Trân (Thanh Hằng) là người duy nhất có lối suy nghĩ, nội tâm trong sáng như một đứa trẻ. Không mưu đồ, toan tính như Ba Trân, Tư Thì (Lan Khuê); không nhẫn nhục giống Bảy Loan (Ngọc Quyên), cũng chẳng cần gánh trên mình trọng trách giữ yên nhà họ Huỳnh như Thiện Khiêm (Song Luân), Hai Phước chỉ có niềm vui duy nhất: chơi cào cào!

Suốt hơn 90 phút bộ phim, Mẹ chồng hiện lên như một bức tranh chốn Đại Điền trang hoàng nhưng ảm đạm, yên lặng nhưng chẳng bình yên. Khán giả chỉ cảm nhận cái vui tươi, sôi nổi và ồn ào trong nhân vật Hai Phước. Không cần e dè, phải “giữ mồm giữ miệng” hay nhìn trước ngó sau, con trai cô Ba Trân vô tư khóc, đòi chơi cào cào, khen vợ Tuyết Mai (Midu xinh đẹp) hay chạy đi… mách mẹ. Bên cạnh đó, diễn xuất tự nhiên, không quá gồng mình của nam diễn viên Lâm Vinh Hải giúp người xem khá cảm tình với nhân vật này.

Lâm Vinh Hải trong vai Hai Phước.

Lâm Vinh Hải và Midu.

Đặc biệt, từ lúc sinh ra, Hai Phước đã sống trong nhung lụa, được mẹ yêu thương. Anh là con trai duy nhất giữa mợ cả Ba Trân và Hai Nhứt (Song Luân) trước khi Hai Nhứt qua đời bởi tai nạn bất ngờ. Lớn lên, để làm tròn bổn phận người thừa kế nhà họ Huỳnh, anh cưới người vợ đoan trang, xinh đẹp là Tư Thì. Không lâu sau, do Tư Thì chưa có thai, Hai Phước tiếp tục cưới Tuyết Mai - cô gái trẻ mang vẻ đẹp ngọt ngào, tân thời, có ăn học. Không chỉ được cưới vợ đẹp, vợ tài, Hai Phước được họ chăm nom từ bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí là tắm giúp anh!

Hai Phước: Cả một đời chỉ cần cố gắng tập câu nói: “Cậu Hai Phước là con trai cô Ba Trân, là cháu đích tôn nhà họ Huỳnh”

Trong nhà Hội đồng Lịnh, nếu Bảy Loan suốt một đời nhẫn nhục, mong con yên bình; Ba Trân không từ thủ đoạn vì vị trí cao nhất nhà họ Huỳnh; thì Hai Phước cả một đời chỉ cần cố gắng tập câu nói: “Cậu Hai Phước là con trai cô Ba Trân, là cháu đích tôn nhà họ Huỳnh”. Bởi lẽ, khi anh thuộc lời ấy, má Ba Trân sẽ vui lòng, khen anh giỏi.

Thanh Hằng trong vai Ba Trân.

Nhớ lại những phân cảnh đầu ở Mẹ chồng, Hai Phước xuất hiện khi cố gắng chơi một trò chơi dân gian trong ngày hội làng Đại Điền. Dù đây là điều chẳng đáng tự hào với người bình thường, nhưng đối với anh, cô Ba Trân không khỏi sốt sắng, nóng lòng, và thực sự hãnh diện lúc con trai dành chiến thắng.

Không cần suy nghĩ xa vời, chẳng có những mưu đồ, toan tính, tâm hồn như một đứa trẻ của Hai Phước cho rằng chỉ cần thuộc lòng lời giới thiệu “Cậu Hai Phước là con trai cô Ba Trân, là cháu đích tôn nhà họ Huỳnh” là mẹ sẽ vui lòng. Do vậy, thấy cô Ba Trân khóc vì đắng cay, tủi nhục, hay thảm thiết trước biến cố cuộc đời, anh cũng chỉ biết lau nước mắt và nhắc đi nhắc lại câu nói ấy, mong rằng mẹ biết anh đã ngoan rồi, đã giỏi rồi. Sự ngây ngô, khờ khạo của Hai Phước giúp Mẹ chồng đẩy cao bi kịch, cũng như ý nghĩa về tình mẫu tử, khiến không ít khán giả rơi nước mắt. Con trai cô Ba Trân đâu biết rằng đằng sau danh xưng “con trai cô Ba Trân”, “cháu đích tôn nhà họ Huỳnh” là bao máu và nước mắt mà những người phụ nữ nhà Hội đồng Lịnh đã hi sinh, đánh đổi.

Hai Phước cũng là nhân vật khiến khán giả cảm nhận sâu sắc nhất tình người!

Cậu Hai Phước là người khờ khạo, dù đã lớn nhưng vẫn mang trí tuệ trẻ lên năm. Cũng vì thế, trong anh không có nhiều suy tính, không đam mê quyền thế hay ý định hãm hại ai. Đây có lẽ là ý đồ của nhà làm phim khi thể hiện: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (Con người sinh ra có bản chất tốt đẹp). Những người phụ nữ nhà họ Huỳnh chỉ trở nên toan tính, đấu đá lẫn nhau do phải sống cuộc đời bó buộc với các luật lệ hà khắc, cổ hủ.

Bên cạnh đó, Hai Phước là nhân vật giúp phim Mẹ chồng bộc lộ sâu sắc tình người, tình mẫu tử. Anh dành tình yêu chân thành, không vụ lợi cho người đàn bà mà cả Đại Điền nể sợ, kiêng dè. Ngược lại, Ba Trân chỉ thực sự dịu dàng mỗi lần cưng nựng, dỗ dành đứa con trai khù khờ hay lúc thấy anh hạnh phúc bên “vợ đẹp” Tuyết Mai. Do đó, các phân cảnh giữa mợ cả nhà Hội đồng Lịnh và con trai đều cảm động, tràn đầy cảm xúc.

Ngoài ra, không như những người trong gia đình Hội đồng Lịnh: có tai để làm ngơ, có miệng để giữ im lặng hay “bằng mặt không bằng lòng”, Hai Phước yêu ghét rõ ràng. Con trai cô Ba Trân luôn miệng gọi Tuyết Mai là vợ đẹp, khéo léo dỗ dành, giục cô đi ngủ. Do đó, mối quan hệ giữa Tuyết Mai và người chồng khù khờ, nhưng biết quan tâm, biết yêu thương cũng là một điểm sáng mà tác phẩm có thể khai thác và phát triển. Đặc biệt, Hai Phước sẵn sàng hi sinh thân mình khi thấy tính mạng vợ và đứa con trai trong bụng bị đe dọa. Phân cảnh đầy đau đớn này đẩy cao bi kịch ở Mẹ chồng, khiến không ít người xem rơi nước mắt.

Có thể nói, trong gia đình đầy toan tính, bí ẩn như Hội đồng Lịnh, kẻ khù khờ như Hai Phước trở thành người hạnh phúc nhất. Chẳng những có mẹ, quản gia, có vợ đẹp yêu thương, chăm lo, con trai cô Ba Trân được làm điều mình thích, tự do nói cười, tự do yêu thương. Mà đôi khi, được quyền yêu thương chân thành, sẵn lòng hi sinh vì những người thân yêu cũng là một hạnh phúc!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất