Ra mắt năm 1995, Toy Story là cột mốc lớn của hãng Pixar nói riêng và thể loại phim hoạt hình nói chung. Câu chuyện về những đồ chơi có thể suy nghĩ và hành động như người gắn liền với tuổi thơ khán giả thế hệ 8x, 9x. Gần 1 thập kỷ trước, cái kết đẹp đẽ của phần phim Toy Story 3 trở thành dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử phim ảnh, gây xúc động mạnh mẽ cho người xem khi cậu bé Andy cuối cùng đã can đảm tặng lại những món đồ chơi, trao tuổi thơ của mình cho đứa trẻ khác.
Trở lại sau 9 năm, những người hâm mộ trung thành của Toy Story giờ đây cũng không còn nhỏ. Thế nhưng, phần phim Toy Story 4 vẫn được hưởng ứng mạnh mẽ, chứng minh cho sức hút bất chấp lứa tuổi của tác phẩm do đạo diễn Josh Cooley cầm trịch.
Chuyện phim Toy Story 4 theo chân anh chàng cao bồi Woody (Tom Hanks lồng tiếng) sau khi trở thành đồ chơi của cô bé Bonnie (Madeleine McGraw lồng tiếng). Cô bé đang phải vượt qua nỗi khủng hoảng mới tại nhà trẻ và cần Porky (Tony Hale) - món đồ chơi cô tự làm từ rác - để lấy lại tự tin khi đến lớp. Trong khi đó, anh chàng Porky không ý thức rằng bản thân là đồ chơi mà chỉ trông chờ cơ hội để… nhảy lại vào thùng rác. Nhiệm vụ của anh chàng cao bồi giờ đây là trông chừng Porky cẩn thận, bất chấp cả việc bản thân có thể trở thành “đồ chơi đi lạc”.
Tác phẩm Toy Story 4 không chỉ là trải nghiệm mới mẻ đối với những khán giả nhỏ tuổi mà còn gợi hoài niệm cho người xem trưởng thành. Bởi lẽ, ai cũng đã từng là Andy và Bonnie. Những ai đã từng rơi nước mắt khi chứng kiến Andy mang đồ chơi tặng đứa trẻ khác, gói ghém tuổi thơ lại phía sau, sẽ một lần nữa xúc động nhìn anh chàng cao bồi Woody vẫn nhớ nhung “bé con” cũ Andy, hay cách anh cùng đám đồ chơi bất chấp nguy hiểm để đem lại niềm vui cho cô bé Bonnie.
Xem thêm: Review sớm của 'Toy Story 4': Tác phẩm xuất sắc vượt ngoài mong đợi, nhận 100% trên Rotten Tomatoes
Bên cạnh câu chuyện đậm tính phiêu lưu và chất hoài niệm cho khán giả trưởng thành, bộ phim của đạo diễn Josh Cooley còn chứa đựng thông điệp đáng giá về tình yêu và tình bạn. Anh chàng cao bồi Woody vẫn làm người xem cảm phục bởi sự dũng cảm và lòng trung thành bậc nhất của mình. Dẫu những đứa trẻ có thay đổi liên tục qua năm tháng: chúng say mê đồ chơi, rồi đổi đồ chơi yêu thích, cuối cùng lớn lên và không còn cần đến những món đồ chơi, thế nhưng, các món đồ chơi vẫn luôn ở lại với sự trung thành tột bậc như những vệ thần canh giữ tuổi thơ cho “bé con”. Với Woody hay bất cứ món đồ nào khác, thuộc về “bé con” là một niềm tự hào, còn tiếng khóc của Bonnie (hay trước đó là Andy) sẽ làm tan nát trái tim đồ chơi.
Không dừng lại ở đó, đằng sau mỗi món đồ chơi đều là những câu chuyện riêng với các “bé con” - chủ nhân của chúng: từ cô nàng chăn cừu Bo Peep, anh chàng Duke Caboom (Keanu Reeves lồng tiếng) với số phận ngang trái, Bunny, Ducky hay thậm chí là búp bê Gabby Gabby (Christina Hendricks). Mỗi câu chuyện đều đem đến cho khán giả những chiêm nghiệm và cảm xúc khác biệt.
Bên cạnh đó, tác phẩm cũng mang đến cái kết ấn tượng cho anh chàng cao bồi Woody. Khái niệm “đồ chơi đi lạc” giờ đây đã được thay đổi. Việc không còn “bé con” để chăm sóc giúp các đồ chơi được mở mang tầm mắt với thế giới rộng lớn hơn.
Bộ phim Toy Story 4 sở hữu cốt truyện không quá lắt léo, kịch tính nhưng vẫn đảm bảo những điều người hâm mộ trông chờ sau gần một thập kỷ. Khán giả lại được trở về tuổi thơ với câu chuyện đẹp đẽ trong Toy Story 4. Bộ phim có thể là lời chào, cũng có thể mở ra những hướng rẽ mới cho vũ trụ điện ảnh đồ chơi. Còn đối với người xem, câu chuyện đồ chơi cùng các cái tên như Woody, Bo Peep, Buzz, hay các món đồ chơi ngoài đời của họ đã cùng tạo nên một tuổi thơ trọn vẹn, giống như Andy, giống cả Bonnie.