Phim Ảnh

Top 13 poster phim bị cấm gây shock nhất lịch sử điện ảnh

Ngọc Trâm
Chia sẻ

Quá phản cảm, quá kinh dị hay mang tính xúc phạm là lý do mà 13 poster phim gây xôn xao làng điện ảnh thế giới sau đây bị "tuýt còi" bởi Hiệp hội Điện ảnh Thế giới (MPAA). Từ hình ảnh "chỗ ấy" bỗng mọc răng đến hai ngón tay bị cắt cụt đẫm máu, bạn hãy chuẩn bị tinh thần trước khi kéo xuống đấy!

Thời đại mà phim ảnh trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống đồng nghĩa với việc hàng loạt tựa phim được ra mắt mỗi ngày, kèm theo đó là các poster và chiến lược marketing nhằm thu hút sự chú ý của khán giả. Nhiều nhà phân phối phim đã “câu khách” bằng các poster có hình ảnh phản cảm, dung tục hoặc ghê rợn đến ám ảnh và nhận cái kết đắng khi lọt top 13 những poster bị cấm lưu hành gây ồn ào nhất lịch sử điện ảnh. Tuy nhiên, dù phải lãnh án phạt từ MPAA, chiêu trò marketing liều lĩnh này đã khiến khán giả phải tò mò tìm hiểu xem có gì đằng sau các poster độc đáo đó.

13. Teeth (2007)


Một poster phim chuẩn sẽ nói lên chủ đề, nhân vật và gây chú ý bằng vài chi tiết hot, câu chữ ngắn gọn và hình ảnh nổi bật, trong khi không hé lộ quá nhiều về nội dung phim. Đối với bộ phim Teeth, chẳng cần dùng đến chữ, duy nhất một tấm hình chụp X-quang với “chỗ ấy” mọc răng là đã đủ để nói lên nội dung phim.

Thật ra đây là một tấm poster rất rõ ràng, chỉ cần nhìn vào là có thể nắm được chủ đề chính của phim. Thay vì mập mờ, bí ẩn như các poster phim kinh dị khác, cách này vừa khiến khán giả tò mò làm sao răng có thể mọc ở chỗ đó, vừa là lời cảnh báo cho những người yếu tim. Tiếc thay, MPAA đã không nghĩ như vậy và cấm poster phim Teeth vì lý do quá phản cảm.

12. Sin City: A Dame To Kill For (2014)

Hình ảnh nóng bỏng của nữ diễn viên Eva Green trên poster phim Sin City: A Dame To Kill For đã bị MPAA thẳng thừng từ chối vì “lộ hàng” quá mức và có nguy cơ gây kích động cho người xem. Mặc dù các poster khác của series phim Sin City đều là những cô gái khêu gợi cầm các loại vũ khí, nhưng riêng poster phần 2 mang tên A Dame To Kill For được xem là lộ quá nhiều da thịt khi có thể thấy gần như trọn phần ngực của nữ diễn viên. Sau khi nhận được sự phê bình từ MPAA, lớp ảo mỏng kia đã được chỉnh sửa cho dày hơn và che bớt đi những phần nhạy cảm.

11. Saw II (2005)

Ở phần 2 của bộ phim kinh dị nổi tiếng Saw, thay vì ra mắt dồn dập các trailer bí ẩn và rùng rơn trong quá trình quảng cáo phim, hãng phim Lionsgate đã chọn một phương án khác. Đơn giản, thầm lặng hơn, nhưng chiếc poster nền trắng trơn với lưỡi cưa và số hai được thay thế bằng hai ngón tay bị cắt với máu đã khô vẫn mang đầy tính sáng tạo và nghệ thuật.

Một lần nữa, MPAA lại không thấy được ngụ ý thông minh đằng sau chiếc poster này và yêu cầu chỉnh sửa. Dù bản mới không thể nào hiệu quả bằng, nhưng thông tin phiên bản poster bị cấm đã gây xôn xao cộng đồng mạng và góp phần tăng doanh thu cho bộ phim này.

10. Man Bites Dog (1992)

Chỉ cần nghe tựa phim thôi là đã cảm thấy tò mò về bộ phim tài liệu đến từ nước Bỉ này. Được thực hiện với kinh phí thấp, bộ phim trắng đen theo chân một kẻ giết người hàng loạt và ghi lại những cảnh giết người ám ảnh, kể cả người già và trẻ em.

Dĩ nhiên, trên poster của bộ phim ra mắt tại Bỉ là hình ảnh kẻ sát nhân máu lạnh đang cầm súng kết liễu một mạng người. Nhưng điều gây tranh cãi ở đây chính là hình ảnh chiếc đầu ti giả văng lên cùng máu tung toé. Xét về mặt nhân đạo, hình ảnh này quả thật đáng lên án. Xét về mặt marketing, dù ám ảnh nhưng đây là một ý tưởng hay.

Khi Man Bites Dog được công chiếu quốc tế, poster của bộ phim đã không qua khỏi bộ phận kiểm duyệt của Pháp và Anh. Trong khi nước Anh hoàn toàn cấm lưu hành, Pháp đã yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa và núm giả đã được thay thế bằng hàm răng giả của người già.

9. Lesbian Vampire Killers (2009)

Dù poster có phần gợi cảm nhưng đó không phải là lý do khiến bộ phim hài ở Vương quốc Anh này bị cấm quảng cáo trên các phương tiện công cộng. CBS Outdoor, công ty phụ trách quảng cáo ở Anh cho rằng chính tựa đề bộ phim mới là điều mang tính xúc phạm khi mang cả ba yếu tố xúc phạm giới tính, bạo lực và kinh dị vào trong vỏn vẹn ba từ.

8. Shame (2014)

Poster đơn giản với hình ảnh tấm lưng trần và cách viết tên phim độc đáo này đã nhận ngay cái lắc đầu từ “vòng đỗ xe”. Nhà phân phối Fox Searchlight Pictures đã cố tình chọn thiết kế gây xôn xao này nhằm ám chỉ rằng đây là bộ phim người lớn không dành cho trẻ em dưới 17 tuổi, nhưng poster không ngừng nhận được sự chỉ trích từ giới chuyên môn cũng như khán giả. Bên cạnh đó, nội dung về chứng nghiện tình dục cũng là một chủ đề nhạy cảm và dù bộ phim được đánh giá là ứng viên tiềm năng cho giải Oscar, Shame đã bị các giải thưởng “lơ đẹp” khi có quá nhiều cảnh phản cảm.

7. The Zero Theorem (2014)

Chỉ vì thấp thoáng để lộ vòng 3 của nhân vật, MPAA đã ra quyết định cấm tấm poster của bộ phim khoa học viễn tưởng của đạo diễn Terry Gilliam. Gilliam sau đó vì quá bất ngờ đã lên Facebook than rằng, “Ôi nhờ MPAA mà The Zero Theorem đã có một khởi đầu ở Mỹ thật ấn tượng. Poster phim của chúng tôi đã bị cấm chỉ vì một cái mông. Các bạn nghĩ như thế nào?”

Trùng hợp sao khi năm 2014 cũng là năm mà người đẹp “siêu vòng ba” Kim Kardashian đã phá đảo thế giới ảo với hình ảnh mông trần táo bạo. Cùng một bộ phận cơ thể nhưng hai số phận khác nhau..

6. Bad Lieutenant (2009)

Với vấn đề bạo lực súng ở Mỹ bắt đầu bị lên án, MPAA cũng trở nên khắt khe hơn trong việc kiểm duyệt các poster phim có sử dụng hình ảnh súng. Dù poster phim Bad Lieutenant chỉ là ảnh vẽ, tình huống đang diễn ra trong poster được cho là quá bạo lực và không phù hợp với việc quảng cáo ở những nơi công cộng.

5. Dying Breed (2008)

Bạn cảm thấy như thế nào khi biết rằng tất cả món ăn mình được thử đều đã từng có một cái tên và gương mặt? Thật là một cảnh tượng chỉ cần nghĩ thôi đã thấy buồn nôn, dù cái đùi gà đó có thơm giòn như thế nào hay miếng bánh chocolate đó có ngọt ra sao, lại càng không ai muốn thấy hình ảnh đó mỗi khi đang ăn vội bữa sáng ở trạm xe buýt hay chuẩn bị bước vào một nhà hàng ăn tối cùng gia đình.

Do đó, công ty phụ trách quảng cáo ở Úc đã thẳng thừng từ chối poster hình cái bánh nhầy nhụa mắt và răng này dù đã được xét duyệt để trưng bày ở rạp phim và trên mạng. Trong khi các nhà sản xuất phim kinh dị Dying Breed cảm thấy bất bình với quyết định đó, các thông tin xoay quanh vụ việc từ chối quảng cáo poster được lan truyền đã giúp thu hút sự chú ý và khiến khán giả tò mò về bộ phim kinh phí thấp này.

4. Bereavement (2010)

Bị cấm lưu hành do quảng bá bạo lực trẻ em, thay vì là nạn nhân, poster phim Bereavement bị lên án do sử dụng hình ảnh đứa trẻ cầm vũ khí. Đạo diễn phim Steven Mela đã lên tiếng thông báo lệnh cấm và bày tỏ sự thất vọng của mình cùng nỗi lo ảnh hưởng đến kinh phí vốn đã không nhiều của bộ phim. Ông cho biết rằng mẫu poster đã được lựa chọn vì đó là một hình ảnh thú vị, truyền tải được nội dung và tinh thần bộ phim. Tuy nhiên, dù có là chiêu trò marketing hay cách cạnh tranh với các phim khác, quảng bá hình ảnh trẻ em cầm vũ khí thì khó mà chấp nhận được.

3. The People vs. Larry Flynt (1996)

Với nội dung hấp dẫn kể về cuộc đời của nhân vật chính là ngôi sao phim người lớn Larry Flynt, bộ phim lại gây chú ý hơn với tấm poster hình diễn viên Woody Harrelson tạo dáng dang rộng tay như Chúa trên cây thánh giá, quấn độc một lá cờ Mỹ và được đặt chính giữa “chỗ đó” của một người phụ nữ. Đặt các biểu tượng nhạy cảm về tôn giáo, tình dục và lòng yêu nước trong cùng một bức hình đồng nghĩa với một lệnh cấm không thương tiếc đến từ MPAA.

2. Zack And Miri Make A P*rno (2008) 

Nằm ở vị trí thứ 2 lại là một poster được cho rằng không xứng đáng lọt vào top 13 poster bị cấm vì hình ảnh tưởng chừng nhạy cảm thực ra còn vô hại hơn cả tựa đề phim. Đa số khán giả đồng ý rằng poster chỉ có mục đích gây cười và không mang tính phản cảm hay xúc phạm. Hơn nữa, nếu lý do MPAA đưa ra là nội dung hình ảnh không phù hợp với trẻ em, có nhiều ý kiến cho rằng những người chưa đủ “lớn” để biết những hành động nhạy cảm sẽ không hiểu ẩn ý của poster phim. Tuy vậy, tấm poster gây nhiều tranh cãi này vẫn không qua được “ải” MPAA.

1. Hannibal (2001)

Hãy thử nhìn lâu một chút vào mắt của mặt người chắp vá kia, bạn đã cảm thấy rùng mình chưa? Ánh mắt mở to với ánh nhìn như đang theo dõi, nụ cười nửa miệng cùng những vết khâu chằng chịt đã làm người xem ám ảnh đến nỗi các công ty quảng cáo ở Anh phải thu hồi và cấm lưu hành poster sau chỉ 1 thời gian ngắn quảng bá. Tiếc thay khi đây lại là poster không thể nào hoàn hảo hơn cho một bộ phim kinh dị đến ám ảnh về kẻ sát nhân ăn thịt người và tội phạm tình dục với nửa gương mặt bị chó gặm nát.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Trâm

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất