Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Việc đề cao tinh thần nữ quyền trong 'Captain Marvel' có thái quá hay không?

Giống như những nhân vật từng thành công trước đó của MCU, Captain Marvel không xuất hiện với phiên bản hoàn thiện ngay lập tức, cô cần quá trình để trưởng thành. Song bộ phim này lại là bộ phim đề cao tinh thần nữ quyền mạnh mẽ nhất của nhà Marvel.

Nữ quyền vốn là câu chuyện không còn mới của điện ảnh, nhưng đối với đế chế điện ảnh chưa từng làm phim riêng về nữ anh hùng như MCU, tất thảy người yêu điện ảnh đều dành sự chú ý hơn cả khi lần đầu tiên, Marvel trao mọi quyền năng và sức mạnh cho Captain Marvel - người sở hữu sức mạnh bậc nhất, vượt trên tất cả những nhân vật từng xuất hiện trước đó và sẽ nắm giữ chìa khóa cho hồi kết của cuộc chiến trong Avengers: Endgame.

Một bộ phim nữ quyền hoàng tráng liệu có phải đích đến của Marvel?

Chậm một bước sau “người hàng xóm” DC trên đường đua nữ quyền, Captain Marvel của đế chế MCU vẫn được giới mộ điệu đánh giá là sự kiện nữ quyền quan trọng ra mắt đúng ngày Quốc tế Phụ Nữ. Trong quá trình truyền thông và chuẩn bị cho Captain Marvel, tác phẩm lần thứ 21 của MCU cho thấy quyết tâm khi lựa chọn Brie Larson, chủ nhân giải thưởng Oscar 2016 mang tinh thần đấu tranh cho phụ nữ quyết liệt (thậm chí có phần tiêu cực), nữ diễn viên da màu Lashana Lynch cùng nữ đạo diễn Anna Boden cầm trịch “bom tấn” về nữ siêu anh hùng đầu tiên.

Thế nhưng, “hoàng tráng hơn”, “quyền lực hơn”, “quyến rũ hơn” không phải là điều MCU cố gắng làm để vượt qua DCEU.

Danh hài Michelle Wolf từng nhận định khi Wonder Woman ra rạp: “Một phần nhỏ trong tôi mong Wonder Woman sẽ thất bại, thật bất công nếu đặt mọi hy vọng về nữ giới cho một bộ phim và coi nó như hiện thân của bình đẳng. Bình đẳng giới tính chỉ có thể tồn tại trong cuộc chiến phòng vé nếu sau khi chúng ta cho ra đời một tác phẩm siêu anh hùng nam dở tệ, rồi lại nối tiếp bằng một bộ phim cực nhàm chán, khán giả sẽ bảo nhau: ‘Thôi, kết thúc việc làm phim về đàn ông lại thôi”.

MCU đã cố gắng truyền tải thông điệp nữ quyền bằng cách đưa Captain Marvel vào Vũ trụ một cách tự nhiên, vừa vặn như bất cứ siêu anh hùng nam nào. Trong số hai nhiệm vụ mà Carol Danvers cùng lúc đảm đương: trở thành mảnh ghép quan trọng cho Avengers: Endgame và là biểu tượng nữ quyền đầu tiên của đế chế Marvel, thì việc nối tiếp diễn biến, giải mã bí ẩn, làm bước đệm cho hồi kết trong Avengers 4 được ưu tiên hơn cả.

Dường như, đó là lý do khiến MCU cho ra đời phim riêng của một nữ nhân vật hoàn toàn mới, lựa chọn nữ diễn viên không được đánh giá cao về ngoại hình như các gương mặt trong phim Marvel trước đó, ngay cả khi người hâm mộ đang nóng lòng trông đợi phim riêng cho Black Widow của Scarlett Johansson. Không nhất thiết phải quyến rũ, nóng bỏng - những lợi thế giúp cộng hưởng với yếu tố hành động trong phim siêu anh hùng, cũng là đặc trưng riêng của “phái đẹp”; Carol Danvers mang sức mạnh bậc nhất, vượt ra khỏi hai chữ “phái yếu” thường được dùng để ràng buộc nữ giới.

Tinh thần nữ quyền trong Captain Marvel: Ý tưởng tốt nhưng còn tiếc nuối

Với hơn 2 tiếng trao mọi quyền năng cho Vers/Carol Danvers (Brie Larson), MCU nỗ lực truyền tải thông điệp bắt nguồn từ những ý tưởng nữ quyền thú vị, nhiều tiềm năng phát triển. Ra đời sau thành công của nhà hàng xóm Aquaman, Captain Marvel cùng lúc bị đặt lên bàn cân với Đế vương Atlantis và nữ siêu anh hùng nổi tiếng nhà DC - Wonder Woman. Song, Carol Danvers không được xây dựng theo mô-típ “the one” (người được chọn) hay sinh ra với khởi đầu thuận lợi như công chúa xứ Amazon Wonder Woman. Trái lại, cô giống với Tony Stark và dàn siêu anh hùng của MCU: đời thường, lì lợm và đầy khuyết điểm.

Đó cũng là cách Captain Marvel thể hiện tinh thần nữ quyền của mình: không phủ nhận khuyết điểm, không thần thánh hóa phái đẹp. Ngược lại, tác phẩm của MCU nỗ lực tôn vinh phụ nữ bằng những đặc trưng riêng thường bị coi là điểm yếu ở họ: yếu đuối và quá cảm tính. Trước khi trở thành siêu anh hùng có sức mạnh không thể cản phá, Captain Marvel sở hữu năng lực mà Talos (Ben Mendelsohn) - lãnh đạo của tộc Skrull hay chỉ huy biệt đội Starforce Yon Rogg (Jude Law) đều không có: năng lực “cảm xúc”.

Cảm xúc không thể kiểm soát của Carol Danvers từng bị Yon Rogg coi là khuyết điểm khiến cô dễ dàng bị đọc vị, không thể chiến thắng mỗi khi giao tranh. Cảm xúc, hay cụ thể hơn là hành động theo cảm tính, vốn là điểm yếu của con người, đặc biệt là phụ nữ. Và hành trình khai phá hoàn toàn sức mạnh tiềm ẩn của Carol Danvers không phải là quá trình lược bỏ đi sự cảm tính trong cô, ngược lại, Captain Marvel biến nó trở thành điểm mạnh.

Nhà phê bình David Ehrlich viết trên trang IndieWire: “Phụ nữ vẫn thường được cho là khó có thể lãnh đạo vì quá cảm xúc. Nhưng trong hành trình đầy biến động của Carol Danvers/Vers, sự tổn thương đã trở thành động lực lớn nhất của cô ấy”.

Với ý tưởng tốt về tinh thần nữ quyền kể trên, song điểm đáng tiếc của Captain Marvel là xây dựng bối cảnh, phông nền, tuyến nhân vật phụ khá sơ sài, khiến sức mạnh của nữ chính trở nên vượt trội đáng kể, những thử thách mà anh hùng mạnh nhất MCU phải vượt qua quá dễ dàng, đơn điệu, không để lại bất kỳ cảnh hành động ấn tượng nào. Chính vì vậy, yếu tố nữ quyền được thể hiện thiếu tinh tế, tạo cảm giác thái quá: “Nữ quyền, nữ quyền và nữ quyền, ‘Captain Marvel’ lặp đi lặp lại như thể lo khán giả không nhận ra”.

Tinh thần nữ quyền ở các nhân vật phụ: vừa vặn và hiệu quả

Hiện thân của yếu tố nữ quyền trong Captain Marvel không chỉ nằm riêng ở Carol Danvers, cô cũng không phải người phụ nữ duy nhất có năng lực “cảm xúc” trong phim. Đó còn là tiến sĩ tộc Kree, người được gửi đến Trái Đất để chế tạo vũ khí tối tân và người mẹ đơn thân từng làm phi công Maria Rambeau (Lashana Lynch).

Bà mẹ đơn thân da màu Maria Rambeau được xem là nhân vật mang đầy đủ công thức cho việc thể hiện bình đẳng giới tính, bình đẳng chủng tộc, màu da trong phim.

Với Maria Rambeau và Mar-vell, sau mọi quyết định họ đưa ra dựa trên cảm tính, mạch phim đều rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến Captain Marvel. Trong khi một người là khởi nguồn cho sức mạnh không thể cản phá, biến Carol Danvers trở thành chiến binh Vers của tộc Kree, người còn lại mang đến những kí ức giúp Captain Marvel tìm lại con người thật. Một người bắt đầu lý tưởng kết thúc chiến tranh cho Carol, người kia quyết định vượt ra khỏi vùng an toàn, giúp sức bạn thân trong cuộc chiến mang tầm vũ trụ đầy rủi ro.

Cùng với người mẹ da màu Maria Rambeau, cô con gái Monica (Akira Akbar) cũng có màn trình diễn vừa phải nhưng thuyết phục trong phim. Khích lệ mẹ lên đường chiến đấu cùng Captain Marvel, hào hứng chọn trang phục chiến binh cho Carol Danvers, Maria Rambeau là hiện thân của thế hệ phụ nữ tương lai bản lĩnh, tự nắm giữ số phận chính mình.

Chọn mốc thời điểm trước hầu hết các sự kiện trong MCU, bộ phim thứ 21 của đế chế Marvel không bị rập khuôn theo bất cứ mô-típ, giới hạn nào. Giống như những nhân vật từng thành công trước đó, Captain Marvel không xuất hiện với phiên bản hoàn thiện, có tiềm năng phát triển hơn nữa và mang tinh thần nữ quyền độc đáo. Tuy vậy, kịch bản dễ đoán, ít cao trào, hành động và bối cảnh sơ sài khiến nữ chiến binh mạnh nhất nhà Marvel trở nên lép vế so với Wonder Woman và thậm chí là các nhân vật phụ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất